Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL  

Bài viết giới thiệu dự thảo Án lệ số 08/2024/AL, đang được TANDTC lấy ý kiến. Sau khi lược nêu các quan điểm không tán thành việc thông qua dự thảo này, tác giả đã phân tích và đưa ra quan điểm của mình. Trên cơ sở này, bài viết đề xuất thông qua dự thảo, nhằm nâng cao tính thống nhất trong quan điểm xét xử các vụ việc tương tự về sau.

1. Giới thiệu khái quát dự thảo Án lệ số 08/2024/AL

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 148/2023/DS-GĐT ngày 09 tháng 8 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản” của TAND cấp cao tại TP. H giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Thu D cùng 18 nguyên đơn khác và bị đơn là ông Trần Thanh T.

Vị trí nội dung án lệ: Đoạn 4 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ: Một bên vợ hoặc chồng tặng cho tài sản là 01 tờ vé số chưa mở thưởng cho người khác, sau đó tờ vé số này trúng thưởng.

- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định tài sản tặng cho là tờ vé số chưa mở thưởng nên việc tặng cho tài sản không cần sự đồng ý của người vợ hoặc chồng của người tặng cho.

Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ: Điều 457, khoản 1 Điều 458 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nội dung án lệ:

“[4]. Tại thời điểm ông T cho bà D và các công nhân tờ vé số thì mệnh giá tờ vé số chỉ là 10.000 đồng, so với chi phí tiêu dùng hàng ngày thì có giá trị không đáng kể, nên ông T có thể tự ý định đoạt mà không cần phải có sự đồng ý của bà Nguyễn Thị Thùy D1 (vợ ông T), vì không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng ông T chỉ có quyền định đoạt 50% giá trị tờ vé số trúng thưởng là xác định không chính xác đối tượng của hợp đồng. Trong vụ án này, phải xác định đối tượng của hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông T và các nguyên đơn là tờ vé số chưa mở thưởng chứ không phải là tờ vé số trúng thưởng. Khi tờ vé số trúng thưởng, nếu bà D vẫn là người cầm giữ thì bà D có nghĩa vụ lĩnh thưởng và chia đều cho các nguyên đơn theo điều kiện đã giao kết với ông T. Nhưng do ông T đã cầm lại tờ vé số, đã lĩnh thưởng thì ông T phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền trúng thưởng của tờ vé số cho các nguyên đơn, như Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định là đúng”.

2. Các quan điểm chưa tán thành với dự thảo Án lệ số 08/2024/AL

Góp ý về dự thảo án lệ này, bên cạnh quan điểm tán thành hoàn toàn với việc thông qua[1], còn có nhiều quan điểm khác thể hiện sự không tán thành hoặc đề xuất cân nhắc thông qua án lệ. Nhìn chung, ý kiến này thể hiện rõ trong các vấn đề gây tranh luận, tương ứng với bốn quan điểm sau:

- Quan điểm thứ nhất, không xem vé số là tài sản[2]:

Viện dẫn rất nhiều quy định của pháp luật, tuy không có kết luận rõ ràng nhưng qua phân tích các quy định được viện dẫn, người đưa ra quan điểm này cho rằng:

Vé số không phải là tài sản vì theo quy định tại Điều 105 BLDS 2015: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; 2. Tài sản bao gồm bất động sảnđộng sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Theo đó, vé số đương nhiên không phải là bất động sản, cũng không phải là động sản hình thành trong tương lai, vì “Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: a) Tài sản chưa hình thành; b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch” (khoản 2 Điều 108 BLDS 2015). Tác giả này phân tích quy định trên và kết luận: tài sản hình thành trong tương lai phải hội tụ đủ hai yếu tố - vật lý và pháp lý, chỉ cần thiếu một trong hai yếu tố đó ở thời điểm xác lập giao dịch, tài sản không được coi là hình thành trong tương lai. Tài sản trong trường hợp này đã hình thành về mặt vật lý, nhưng chưa hình thành về mặt pháp lý[3].

Vé số không phải là quyền tài sản, vì theo Điều 115 BLDS 2015: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Tác giả này không xem vé số là quyền tài sản, đồng thời xác định đây cũng không phải là giấy tờ có giá theo khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010[4] và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP.

Sau khi viện dẫn rất nhiều quy định của pháp luật, người đưa ra quan điểm này cho rằng theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP thì thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm “Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 11 của Nghị định này”. Do vậy, pháp luật chỉ ghi nhận số tiền trúng thưởng xổ số được coi là thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tức là bản thân tờ vé số (lúc chưa xổ) không phải là tài sản. Do đó, cần phải cân nhắc trước khi công nhận án lệ đối với vụ án nêu trên để “tránh hậu quả vô hình trung án lệ ghi nhận vé số là tài sản”.

- Quan điểm thứ hai[5] cho rằng cần xác định tờ vé số là quyền tài sản hay giấy tờ có giá. Không hoàn toàn tán thành với việc thông qua dự thảo Án lệ số 08/2024/AL, tác giả này đưa ra hai luận điểm, trong đó có luận điểm cho rằng cần làm rõ tờ vé số là quyền tài sản hay giấy tờ có giá. Theo Điều 115 BLDS 2015[6], có thể xác định vé số là “quyền tài sản khác” - một dạng của quyền tài sản. Bởi lẽ, trong trường hợp này, vé số trúng thưởng sẽ làm phát sinh quyền yêu cầu Công ty Xổ số kiến thiết thanh toán thưởng. Tuy nhiên, vận dụng khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP[7] thì có thể xác định được tờ vé số chính là “giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật”. Mà thực chất, giấy tờ có giá loại này khi trúng thưởng lại phát sinh quyền tài sản. Chính sự lòng vòng này nên án lệ cần làm rõ tờ vé số là quyền tài sản hay giấy tờ có giá.

- Quan điểm thứ ba[8] coi trọng việc xác định sự ngay tình của người được tặng cho tờ vé số. Không tán thành một phần với dự thảo và đề nghị cân nhắc lựa chọn làm án lệ, quan điểm này cho rằng trường hợp xác định là án lệ, cần bổ sung quy định có liên quan tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014[9]. Bởi lẽ, tình huống án lệ chưa nêu rõ về việc ngay tình của người được tặng cho tờ vé số khi họ không biết hoặc không buộc phải biết vé số được tặng cho là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng.

Hàm ý của vấn đề là cần phải xác định sự ngay tình của người được tặng cho thì giao dịch tặng cho trong trường hợp này mới có hiệu lực toàn bộ. Tức là Quyết định giám đốc thẩm số 148/2023/DS-GĐT ngày 09 tháng 8 năm 2023 chưa thật sự thuyết phục ở chỗ xem người chồng có quyền quyết định tặng cho tờ vé số mà không có sự đồng ý của người vợ, trong khi không lập luận về sự ngay tình của người thứ ba.

- Quan điểm thứ tư[10] cho rằng người chồng không được quyền tự ý quyết định tặng cho tờ vé số. Theo quan điểm này, tờ vé số được mua trong thời kỳ hôn nhân nên nó là tài sản chung của vợ chồng và việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Theo đó, việc tặng cho tờ vé số không thuộc trường hợp vợ chồng phải thỏa thuận bằng văn bản theo khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014[11], cũng không phải là giao dịch đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình” theo khoản 1 Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP[12] nên phải có sự đồng ý của người vợ. Từ việc đặt ra câu hỏi “vé số có được coi là tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hay không?”, quan điểm này không tán thành với nhận định của Tòa án nhân dân cấp cao “Tại thời điểm ông T cho bà D và các công nhân tờ vé số thì mệnh giá tờ vé số chỉ là 10.000 đồng, so với chi phí tiêu dùng hàng ngày thì có giá trị không đáng kể, nên ông T có thể tự ý định đoạt…”.

Mặc dù khuyến nghị theo hai hướng (không nên xây dựng thành án lệ và nếu vẫn thông qua dự thảo thì phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung về diễn đạt) nhưng lập luận trên cho thấy quan điểm này không ủng hộ phát triển án lệ.

3. Quan điểm của tác giả và một số khuyến nghị

Không tán thành với cả bốn quan điểm nêu trên, người viết cho rằng:

- Không nên tranh luận về việc tờ vé số có phải là tài sản hay không, thậm chí không nhất thiết phải xác định nó là quyền tài sản hay giấy tờ có giá. Bởi lẽ các quy định đã được viện dẫn ở trên đã quá rõ để vận dụng trong trường hợp này. Người viết cho rằng đây là một loại tài sản nhưng có sự khác nhau giữa hai giai đoạn (trước và sau khi mở thưởng). Theo đó, trước khi mở thưởng, tức là tại thời điểm thực hiện giao dịch tặng cho, tờ vé số là một động sản (theo Điều 107 BLDS 2015), còn sau khi mở thưởng, tờ vé số trúng thưởng trở thành quyền tài sản, vì “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác” (Điều 115 BLDS 2015). Ở đây, tờ vé số trúng thưởng chính là một loại quyền tài sản khác. Từ quyền này, Công ty Xổ số kiến thiết có nghĩa vụ thanh toán tiền thưởng cho người sở hữu tờ vé trúng.

Như vậy, cả trước và sau khi trúng thưởng, tờ vé số rõ ràng là một tài sản. Nếu theo quan điểm thứ nhất, không xem tờ vé số là tài sản thì gọi nó là cái gì? Trong giao dịch tặng cho này, ông chủ đã cho người công nhân cái gì - nếu như không xem tờ vé số là tài sản? Còn nếu theo quan điểm thứ hai, việc xác định tờ vé số là quyền tài sản hay giấy tờ có giá trong tình huống này, phỏng có ý nghĩa gì?

- Không nên tranh luận về việc xác định sự ngay tình của người được tặng cho tờ vé số. Điều 167 BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản;...”. Kết hợp với quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, có thể kết luận rằng: trong trường hợp này, người vợ được quyền đòi lại tài sản (tạm gọi là một nửa giá trị tờ vé số) khi và chỉ khi thỏa mãn điều kiện: người chồng không có quyền định đoạt tài sản.

Vậy thì vấn đề cần chứng minh ở đây không phải là chứng minh người được tặng tờ vé số có ngay tình hay không mà cần chứng minh người chồng có quyền định đoạt tài sản (toàn bộ tờ vé số) hay không. Không sa đà vào vấn đề này sẽ tránh được hai trường hợp: tránh làm loãng các tình tiết của vụ án và tránh được sự bế tắc trong việc chứng minh tính ngay tình của người được tặng cho. Bởi lẽ, chứng minh sự ngay tình tức là chứng minh được người tặng tờ vé số không biết hoặc pháp luật không buộc phải biết vé số được tặng cho là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng. Điều này là không cần thiết, vì tờ vé số được ông T mua và tặng người khác trong thời kỳ hôn nhân thì lẽ dĩ nhiên, đó là tài sản chung của vợ chồng ông T, không thể nói người nhận không biết điều này. Như vậy, vấn đề cần xác định không phải là sự ngay tình mà là tài sản chung đó, người chồng có quyền đơn phương định đoạt hay không.

- Nên tranh luận việc người chồng có quyền tự định đoạt tài sản (tặng cho tờ vé số) mà không cần có sự đồng ý của vợ hay không. Quan tâm đến vấn đề này tức là người viết quan tâm đến quan điểm thứ tư nêu trên. Trước hết, cần phải thừa nhận rằng việc tặng cho tờ vé số không thuộc trường hợp vợ chồng phải thỏa thuận bằng văn bản (theo khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014), cũng không phải là giao dịch đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình” (theo khoản 1 Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP) nên đây là một vấn đề chưa được điều chỉnh bằng pháp luật. Tức là pháp luật hiện hành chưa quy định rõ việc tặng cho tài sản trong trường hợp này có cần phải được sự đồng ý của người vợ hay không.

Chính vì chưa có pháp luật điều chỉnh nên vận dụng Điều 6 BLDS 2015 để áp dụng tương tự pháp luật. Theo đó, thứ tự ưu tiên được áp dụng là: (1) quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự; (2) các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; (3) án lệ; (4) lẽ công bằng.

Trong thứ tự trên, vì không có cả 3 trường hợp đầu nên Tòa án đã áp dụng trường hợp thứ tư - lẽ công bằng. Khi đề cập đến giá trị của tờ vé số chưa xổ, có mệnh giá 10.000 đồng, Tòa án đã nhận định “so với chi phí tiêu dùng hàng ngày thì có giá trị không đáng kể”. Điều này hoàn toàn xác đáng, bởi bản chất của vấn đề không phải là người chồng đã lấy trong nhà mình 01 tờ vé số (có sẵn) để đem đi tặng cho người khác mà thực chất, ông ta đã tự ý lấy 10.000 đồng mua 01 tờ vé số để tặng. Rõ ràng, giá trị 10.000 đồng trong thời điểm diễn ra sự kiện pháp lý này đúng là quá nhỏ bé, có thể chưa đủ để ông T mua 01 chiếc bánh mỳ cho công nhân của mình. Giả thiết đặt ra, thay vì mua 01 tờ vé số, nếu ông T cho công nhân 10.000 đồng và bảo đi mua tờ vé số (hoặc mua một chiếc bánh mỳ) thì có cần phải được sự đồng ý của người vợ không? Cho nên, bản chất của sự định đoạt “tài sản chung” trong trường hợp này là ông T tự lấy 10.000 đồng trong số tài sản của vợ chồng để cho chứ không cần đề cập đến tài sản đó là 01 tờ vé số, như thế sẽ thấy vấn đề đơn giản hơn nhiều. Trong thời đại ngày nay, người ta thường tặng cho một vài tờ vé số là chuyện rất đời thường, trong một số trường hợp, đó là sự biểu hiện của văn hóa giao tiếp. Nếu xem đó là tài sản chung, cần có sự đồng ý của vợ hoặc chồng thì quyền tự do trong đời sống hôn nhân ngày nay đã thật sự báo động. Chỉ 10.000 đồng mà bản thân không tự định đoạt được thì đó quả là một sự bất công! Lập luận trong Quyết định giám đốc thẩm số 148/2023/DS-GĐT rõ ràng đã thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.

Quan điểm thứ tư đã đúng khi xác định giao dịch về tờ vé số không phải để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nhưng không đúng ở chỗ chưa đề cập đến lẽ công bằng mà Tòa án được quyền áp dụng. Ngày nay, các nghiên cứu về án lệ thường kết luận rằng “việc tạo ra các quy tắc pháp lý mới để giải quyết sự không chắc chắn trong luật, nhằm cung cấp hướng dẫn cho các cá nhân và Tòa án”[13]. Học thuyết hiện đại cũng đã xem “luật áp dụng phải được tìm thấy trong các quy tắc, được công bố trong từng trường hợp riêng lẻ”[14]. Vì thế, áp dụng lẽ công bằng để tạo ra các quy tắc trong trường hợp này là cần thiết.

4. Đề xuất thông qua dự thảo Án lệ số 08/2024/AL

Như vậy, việc tặng nhau tờ vé số trong thời đại ngày nay là chuyện rất bình thường và khá phổ biến, thể hiện quyền tự do của mọi người trong việc định đoạt tài sản chung có giá trị nhỏ mà không cần có sự thỏa thuận với vợ hoặc chồng. Điều đáng lưu ý trong vụ án này là Viện Kiểm sát nhân dân lại xem tờ vé số là tài sản chung nên cần có sự đồng ý của người vợ, mà quan điểm này lại được giới luật sư[15] ủng hộ. Nhận thấy cả hai chủ thể trên đều là những người am hiểu pháp luật và có sự ảnh hưởng lớn đến công tác xét xử, tác giả cho rằng nếu không ban hành án lệ này, e rằng trong tương lai sẽ có những tranh cãi phức tạp đối với các vụ việc tương tự, ảnh hưởng đến công tác xét xử.

Vụ án liên quan đến việc tặng cho tờ vé số - một loại giao dịch khá phổ biến và gần gũi với cuộc sống đời thường nên rất đáng để phát triển thành án lệ. Đây cũng là một trong những phương thức phổ biến pháp luật, có tác động tích cực đến những người thường tham gia vào quan hệ pháp luật này nhưng lại thiếu kiến thức pháp luật, dễ phát sinh tranh chấp.

Ngoài ra, bản chất của án lệ là sự thừa nhận “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể...”[16] nên trong quá trình lựa chọn, Hội đồng Thẩm phán TANDTC chỉ chọn ra những lập luận, phán quyết có giá trị phát triển thành án lệ. Theo đó, “án lệ không chỉ đơn thuần giải thích các quy tắc và nguyên tắc hiện có trong pháp luật, nó còn tạo ra các quy tắc pháp lý mới, giúp thu hẹp khoảng trống trong luật thực định và thậm chí trái ngược với luật thực định hiện có”[17]. Điều này có nghĩa rằng việc góp ý dự thảo án lệ không thể nhằm vào việc sửa đổi những lập luận, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, chúng ta không nên bàn đến tình tiết làm loãng nội dung của án lệ.

Từ các lập luận trên, tác giả ủng hộ việc thông qua dự thảo Án lệ số 08/2024/AL.

 

ThS. TRẦN THỊ MAI PHƯỚC (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP. HCM)

Tài liệu tham khảo

1. Bui Ngoc Son, The socialist precedent, Cornell Int’l LJ 52, 2019, p.421.

2. Lamond, Grant, “Do precedents create rules?”, Legal Theory, 11.1, 2005, p.1-26.

3. Lundmark, Thomas, “The methodology of using precedent”, Festskrift til Hans Viggo Godsk Pedersen, Djøf Forlag, 2017,  335-353.

4. Nguyễn Minh Tuấn, “Bàn về án lệ và việc áp dụng án lệ ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 01 (449), tháng 01/2022.

5. Phan Thành Nhân (Tòa án nhân dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), Bàn về Dự thảo Án lệ số 08/2024 về việc tặng cho tài sản - Dưới góc nhìn vé số có phải là tài sản hay không?, https://tapchitoaan.vn/ban-ve-du-thao-an-le-so-082024-ve-viec-tang-cho-tai-san11321.html, truy cập ngày 13/7/2024.

6. Quyết định giám đốc thẩm số 148/2023/DS-GĐT ngày 09 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.H về việc “Tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản” giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Thu D cùng 18 nguyên đơn khác và bị đơn là ông Trần Thanh T, 2023.

7. Tòa án nhân dân tối cao, Kỷ yếu Hội thảo lấy ý kiến đối với các dự thảo án lệ, tổ chức ngày 03/6/2024 tại tỉnh Đăk Lăk, 2024.

8. Tòa án nhân dân tối cao, Dự thảo Án lệ số 08/2024/AL về việc tặng cho tài sản.

 

 

[1] Chẳng hạn, quan điểm của PGS.TS. Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, tham luận tại Hội thảo lấy ý kiến đối với các dự thảo án lệ, tổ chức ngày 03/6/2024 tại Đăk Lăk.

[2] ThS. Phan Thành Nhân (TAND huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), Bàn về Dự thảo Án lệ số 08/2024 về việc tặng cho tài sản - Dưới góc nhìn vé số có phải là tài sản hay không?, https://tapchitoaan.vn/ban-ve-du-thao-an-le-so-082024-ve-viec-tang-cho-tai-san11321.html, truy cập ngày 13/7/2024.

[3] Người viết tự thêm chữ “không” và kết luận cho phù hợp với nội dung bài viết. Bài nguyên gốc không có chữ “không” và cũng không kết luận rõ ràng.

[4] Giấy tờ giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác

[5] Quan điểm của LS.ThS. Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự; Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hà Nam; tham luận tại Hội thảo lấy ý kiến đối với các dự thảo án lệ, tổ chức ngày 03/6/2024 tại Đăk Lăk.

[6] Điều luật này quy định “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

[7] “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”.

[8] Xem thêm Kỷ yếu Hội thảo lấy ý kiến đối với các dự thảo án lệ, tổ chức ngày 03/6/2024 tại Đăk Lăk, quan điểm của ThS. Nguyễn Hồng Hải (Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp).

[9] Khoản 2 Điều này quy định “Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật Dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình”.

[10] Xem thêm Kỷ yếu Hội thảo lấy ý kiến đối với các dự thảo án lệ, tổ chức ngày 03/6/2024 tại Đăk Lăk, quan điểm của Nguyễn Hồng Bách, tlđd.

[11] Khoản 2 Điều 35 Luật này quy định “Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: a) Bất động sản; b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”.

[12] Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình”.

[13] Lamond, Grant. “Do precedents create rules?”, Legal Theory 11.1, 2005, p.2.

[14] JD Murphy & R Rueter, Stare Decisis in Commonwealth Appellate Courts 3 (1981), Dẫn theo Lundmark, Thomas, “The methodology of using precedent”, Festskrift til Hans Viggo Godsk Pedersen, Djøf Forlag, 2017,  339.

[15] Điển hình có Luật sư Nguyễn Hồng Bách, tlđd.

[16] Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

[17] Bui Ngoc Son, The socialist precedent, Cornell Int’l LJ 52, 2019, tr.421.

 

Phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự trên địa bàn Đà Nẵng- Ảnh:MH