Mang thai hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam

Mang thai hộ là một trong những quy định mới được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và là một bước đột phá trong công tác lập pháp, mở ra niềm hy vọng mới cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn không thể sinh con. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi quy định này, cần được sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện.

1.Sự cần thiết ban hành các quy định về mang thai hộ trong pháp luật Việt Nam

Mang thai hộ là một trong những quy định mới được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HNGĐ) năm 2014 và là một bước đột phá trong công tác lập pháp, mở ra niềm hy vọng mới cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn không thể sinh con. Trong thực tế cuộc sống, các trường hợp vô sinh hiếm muộn xảy ra ngày càng nhiều và có nguy cơ tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì Việt Nam đang là một trong những quốc gia tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất nhưng tỷ lệ vô sinh thì lại cao nhất.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo: Vô sinh và hiếm muộn là vấn đề nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21 và căn bệnh này dần trở nên phổ biến ở các nước Châu Á trong đó có Việt Nam[1]. Vô sinh (infertility) được định nghĩa là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống, quan hệ tình dục trung bình 2-3 lần/tuần, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn chưa có thai. Có thể hiểu vô sinh là hiện tượng mất hay thiếu khả năng sinh sản xảy ra trong khoảng 10-15% các cặp nam nữ muốn có con[2].

Theo quy định pháp luật Việt Nam thì “Vô sinh là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 – 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai”[3]. Vô sinh có thể nguyên phát từ người vợ hoặc người chồng hoặc cả hai. Theo nghiên cứu do Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện ở 8 tỉnh thành, trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ cho thấy: Tỉ lệ vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam ngày càng tăng cao, lên đến 7,7%. Trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và thứ phát là 3,8%. Đặc biệt, 50% trong số đó là các cặp vợ chồng có tuổi đời dưới 30. Cũng trong nghiên cứu này, tỷ lệ vô sinh ở nam giới ngày càng tăng cao[4]. Ngay tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản trung ương), nếu như khoảng 10 năm trước, mỗi tuần tại đây tiếp nhận từ 2 đến 3 cặp vợ chồng đến điều trị các vấn đề về vô sinh hoặc hiếm muộn thì đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên từ 40 đến 60 cặp vợ chồng (gấp 20 lần)[5].Tình trạng vô sinh, hiếm muộn dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề cho các gia đình và xã hội. Bên cạnh gánh nặng về chi phí theo đuổi chữa trị mà còn dẫn đến những rạn nứt về mặt tình cảm vợ chồng, đè nặng tâm lý cho các thành viên gia đình và là một trong những nguyên nhân dẫn đến hôn nhân tan vỡ.

Theo quy định của pháp luật HNGĐ trước đây thì Nhà nước “nghiêm cấm mang thai hộ”[6] dưới mọi hình thức thì đến Luật HNGĐ năm 2014 đã thay đổi bằng quy định “Nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Như vậy, sau 10 năm pháp luật HNGĐ đã có nhìn nhận mới liên quan đến vấn đề mang thai hộ. Bên cạnh việc pháp luật đưa ra hai khái niệm về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại, Luật HNGĐ năm 2014 cũng như các văn bản hướng dẫn đã có những quy định cụ thể về vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Có thể nói, quy định này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với các vợ chồng vô sinh, hiếm muộn mà còn có ý nghĩa đối với Nhà nước trong việc quản lý xã hội.

Một mặt các quy định về mang thai hộ sẽ tạo khung pháp lý an toàn trong các giao dịch mang thai hộ và có cơ chế phân biệt được với trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại như hiện nay đồng thời giúp các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được một phần nào đó nhu cầu mang thai hộ hiện nay. Các quy định pháp luật về mang thai hộ giúp bảo vệ tốt hơn quyền của bà mẹ và trẻ em. Mặt khác, việc pháp luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã giúp cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có cơ hội được làm cha làm mẹ, giải tỏa được gánh nặng tâm lý gia đình, hạn chế được sự đổ vỡ của hôn nhân. Có thể nói đây là quy định mang tính nhân văn, góp phần ổn định xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trong chuyên đề này sẽ đề cập đến một số vấn đề về mang thai hộ theo pháp luật hiện hành.

2.Quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề mang thai hộ

2.1. Mục đích của việc mang thai hộ theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành

Luật HNGĐ đã đưa ra hai khái niệm liên quan đến mục đích của việc mang thai hộ, cụ thể:

– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con[7].

– Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác[8].

– Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm[9].

 

Các kỹ thuật viên thực hiện việc thụ tinh trong ống nghiệm – Ảnh TL

 

Theo quy định pháp luật ranh giới để phân biệt được trường hợp mang thai vì mục đích nhân đạo với trường hợp mang thai vì mục đích thương mại là việc các bên có hoặc không có các thỏa thuận liên quan đến việc bên mang thai hộ sẽ được hưởng lợi ích kinh tế hoặc lợi ích khác. Nói một cách khác thì việc mang thai hộ không có yếu tố vật chất thì có thể goi là “mang thai hộ không vì mục đích thương mại[10].Tuy nhiên, theo quan điểm tác giả để xác định chính xác vấn đề này không phải là vấn đề đơn giản bởi pháp luật khó có thể kiểm soát được các vấn đề phát sinh trên thực tiễn. Chẳng hạn phải hiểu thế nào là “hưởng lợi ích kinh tế hoặc lợi ích khác” cho chính xác, liệu lợi ích kinh tế có bao gồm một số trường hợp như bên nhờ mang thai hộ cung cấp một số tiền để bên mang thai hộ trang trải chi phí an dưỡng thai, hoặc một số tiền để sau khi người mang thai hộ sinh con thành công để phục hồi sức khỏe. Có thể trong một số trường hợp số tiền này là rất lớn và không đơn thuần là để bồi dưỡng sức khỏe mà là tiền thù lao cho việc mang thai hộ. Bởi vậy, để phân biệt chính xác hơn mục đích của việc mang thai hộ thì cần thiết phải có những quy định cụ thể liên quan đến việc đưa ra các tiêu chí chi tiết đến việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, từ đó có các cơ chế rõ ràng nhằm hạn chế được việc biến tướng của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trên thực tế.

2.2. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

2.2.1. Điều kiện của việc mang thai hộ đối với bên nhờ mang thai hộ

Tham khảo pháp luật một số nước cho phép mang thai hộ điều kiện của hai phía là người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ. Theo Đạo luật mang thai hộ của Australia, người mẹ nhờ mang thai hộ phải là người: Không thể thụ thai; hoặc nếu có thể thụ thai thì có khả năng không thể mang thai hoặc sinh đẻ; hoặc khó có thể sống sót sau khi sinh; hoặc có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng nếu sinh con; hoặc có thể sinh ra đứa trẻ khuyết tật do những khiếm khuyết về gen của người mẹ; hoặc đứa trẻ khó có thể sống sót trong quá trình thụ thai hoặc có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng do việc sinh nở. Việc nhờ mang thai hộ của cặp đồng tính nam hay đồng tính nữ cũng có thể được xem xét. Ngoài ra, người hoặc cặp vợ chồng mang thai hộ và nhờ mang thai hộ đều phải từ 25 tuổi trở lên; người mang thai hộ phải được tư vấn, kiểm tra và xác nhận về sức khỏe, tâm lý và các vấn đề pháp lý trước khi quá trình mang thai hộ được tiến hành[11].

Theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật HNGĐ năm 2014: “Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; b) Vợ chồng đang không có con chung; c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý”.

 Thứ nhất, về điều kiện “Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản” nhằm xác định được việc mang thai hộ là giải pháp tình thế cuối cùng để các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muôn được làm cha mẹ. Đây là điều kiện đầu tiên bắt buộc các cặp vợ chồng phải thỏa mãn khi muốn nhờ người khác mang thai hộ. Tuy nhiên, quy định này của pháp luật đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Cách hiểu thứ nhất là người vợ sau khi đã áp dụng tất cả các phương pháp sinh con, cả phương pháp áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhưng không thể sinh con và được tổ chức y tế có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận không thể mang thai. Cách hiểu thứ hai là người vợ vì có những bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản dẫn đến việc không thể mang thai. Tức là người vợ chỉ cần làm những xét nghiệm, kiểm tra y khoa và được cơ sở y tế có thẩm quyền kết luận không thể có khả năng mang thai mặc dù có thể chưa từng trải qua các phương pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Hiện nay, các quy định pháp luật chưa đưa ra hướng dẫn liên quan đến việc hiểu chính xác điều kiện này của mang thai hộ.

Nếu hiểu theo cách hiểu thứ nhất thì sẽ dẫn đến việc loại trừ những trường hợp nhiều người vợ vì lý do bệnh lý mà bác sĩ khuyên cáo không thể sinh con bằng phương pháp kỹ thuật ra khỏi danh sách những người đủ điều kiện nhờ mang thai hộ. Còn theo cách hiểu thứ hai thì phạm vi chủ thể nhờ mang thai hộ sẽ mở rộng hơn nhưng sẽ dẫn đến tình trạng tiêu cực trên thực tế như có những cặp vợ chồng không thực sự gặp vấn đề liên quan đến vô sinh hiếm muộn nhưng lại “cố tình” xin được giấy chứng nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền để nhờ mang thai hộ dẫn đến hàng loạt các hệ lụy liên quan đến việc có dịch vụ cung cấp chứng nhận giả khi mà trên thị trường có cung ắt có cầu, làm biến tướng đi mục đích mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 14 Nghị định 10/2015 quy định về hồ sơ  đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”. Như vậy, thì cách hiểu thứ hai phù hợp hơn theo tinh thần của Nghị định 10/2015/NĐ – CP. Tuy nhiên, để cách hiểu liên quan đến điều kiện này được rõ ràng thì pháp luật HNGĐ cần có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc xác định rõ cách thức thực hiện việc xác nhận khả năng mang thai của người vợ tại các cơ sở y tế có thẩm quyền trước khi đưa ra được kết luận y khoa đồng thời phải có những chế tài ràng buộc liên quan đến tính chính xác của các bản xác nhận này nhằm hạn chế tình trạng gian lận trong quá trình cấp giấy chứng nhận cho chủ thể nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Thứ hai, về điều kiện “vợ chồng đang không có con chung”. Có thể nói quy định pháp luật này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng vợ chồng muốn nhờ mang thai hộ phải chưa từng có con chung cho đến thời điểm nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, cách hiểu này dẫn đến một trường hợp cả hai vợ chồng không có con chung đến thời điểm nhờ mang thai hộ nhưng họ lại có con riêng  liệu có thuộc trường hợp được nhờ mang thai hộ. Một quan điểm khác cho rằng pháp luật chỉ hạn chế việc vợ chồng đang có con chung thì không được nhờ mang thai hộ, nên nếu vợ chồng đã từng có con chung nhưng đến thời điểm nhờ mang thai hộ thì đứa con không còn sống, họ muốn có thêm con nhưng vì lý do bệnh lý nên người vợ không thể mang thai được thì vẫn được coi là đủ điều kiện nhờ mang thai hộ.

Một vấn đề đặt ra nếu trong trường hợp vợ chồng có con chung nhưng vì lý do bệnh tật mà đứa trẻ phát triển không bình thường, bị tâm thần nên vợ chồng muốn sinh thêm con nhưng không thể thụ thai được nữa (trường hợp vô sinh thứ phát)[12] thì có được coi là đủ điều kiện để nhờ mang thai hộ vì trên thực tế họ vẫn “đang có con chung”.

Bên cạnh đó, Điều 14 Nghị định 10/2015/NĐ quy định trong hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cần có: “Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận”. Như vậy, nếu hiểu theo quy định tại Nghị định 10/2015/NĐ – CP thì phạm vi đối tượng được nhờ mang thai hộ bị thu hẹp, tức là chỉ những cặp vợ chồng chưa từng có con chung mới đủ điều kiện đề nghị nhờ mang thai hộ. Việc nghị định sử dụng thuật ngữ “chưa có con chung” đang mâu thuẫn với thuật ngữ “đang không có con chung” tại Luật HNGĐ năm 2014 làm mất đi tính chính xác và thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo quan điểm của tác giả, để thể hiện tính nhân văn của quy định mang thai hộ, thì trường hợp các cặp vợ chồng đã từng có con chung nhưng ở thời điểm hiện tại người con chung không còn sống, hoặc không phát triển bình thường, mà vợ chồng muốn có thêm con nhưng không thể tiếp tục sinh con vì lý do bệnh lý thì pháp luật nên cân nhắc cho việc họ thuộc đối tượng chủ thể được nhờ mang thai hộ, nếu họ tuân thủ pháp luật về dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Thứ ba, điều kiện về việc “đã được tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý”. Quy định này nhằm giúp các bên trong quan hệ mang thai hộ có thể nắm bắt, hình dung được quá trình mang thai hộ, các quyền nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ việc mang thai hộ, những vấn đề phát sinh khác như tâm lý của các bên… để họ có thể chuẩn bị tốt nhất cho quyết định của mình trước khi bắt đầu hành trình làm cha mẹ qua kỹ thuật mang thai hộ. Điều kiện này góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người phụ nữ cũng như của trẻ em được sinh ra từ việc mang thai hộ. Nghị định 10/2015/NĐ – CP hướng dẫn chi tiết về các nội dung tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý cho người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ[13]. Có thể nói hoạt động tư vấn này có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị đầy đủ sức khỏe, tinh thần, nắm rõ được quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ mang thai hộ, để quá trình mang thai hộ được diễn ra một cách suôn sẻ, thuận lợi, hạn chế được các tình huống xấu nhất xảy ra như sức khỏe, tinh thần ảnh hưởng, các bên xảy ra các tranh chấp trước, trong và sau quá trình mang thai hộ. Bởi vậy, để hoạt động tư vấn có hiệu quả tránh các trường hợp tư vấn hình thức, cần thiết phải chuyên nghiệp hóa hoạt động tư vấn thông qua việc nâng cao bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và cần thiết mỗi lĩnh vực tư vấn thì tư vấn viên cần có những chứng chỉ nghề nghiệp do các cơ quan chuyên môn đánh giá cung cấp.

(Còn nữa –  Kỳ sau: Về điều kiện của việc mang thai hộ đối với người mang thai hộ và một số vấn đề về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình mang thai hộ)

[1] Tham khảo bài viêt bài viết: “Tỉ lệ vô sinh ở Việt Nam đang vào mức cảnh báo”, Nguồn Website: https://dantri.com.vn/suc-khoe/ti-le-vo-sinh-o-viet-nam-dang-vao-muc-canh-bao-20180405120937326.htm, Ngày truy cập: 20/8/2018

[2] Theo Wikipedia, Website: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4_sinh, ngày truy cập: 20/8/2018

[3] Xem Khoản 2 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP ngày 28/1/2015 của Chính Phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

[4] Tham khảo bài viết “Gia tăng tình trạng vô sinh, hiếm muộn”, nguồn Website: https://baomoi.com/gia-tang-tinh-trang-vo-sinh-hiem-muon/c/27668957.epi, ngày truy cập 15/8/2018

[5] Tham khảo bài viết “Nguyên nhân khiến tình trạng vô sinh ở VN tăng 20 lần, nhiều cặp dưới 30 tuổi đã vô sinh”, nguồn Website: http://soha.vn/nguyen-nhan-khien-tinh-trang-vo-sinh-o-vn-tang-20-lan-nhieu-cap-duoi-30-tuoi-da-vo-sinh-20180917102417912.htm, Ngày truy cập: 20/8/2018

[6] Xem khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2003 của Chính phủ ban hành ngày 12/2/2003 về việc sinh con theo phương pháp khoa học.

[7] Xem khoản 22 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014

[8] Xem khoản 23 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014

[9] Xem Khoản 21 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014

[10] Trường Đại học Luật Hà Nội (2015), TS. Nguyễn Thị Lan, Chuyên đề “Chế định mang thai hộ theo Luật HNGĐ năm 2014”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Cơ sở lý luận và thực tiễn của những điểm mới trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 20014, Hà Nội, trang 264.

[11] Xem Điều 14.2 Đạo luật mang thai hộ Australia năm 2010.

[12] Tham khảo bài viết: “Vô sinh thứ phát và nỗi đau của những cặp vợ chồng hiếm muộn”, nguồn: website: https://www.nguoiduatin.vn/vo-sinh-thu-phat-va-noi-dau-cua-nhung-cap-vo-chong-hiem-muon-bai-1-bat-ngo-vo-sinh-a83725.html, Ngày truy cập: 20/8/2018

[13] Xem Điều 15, 16, 17 Nghị định 10/2015/NĐ – CP

TS. NGUYỄN HẢI AN ( Vụ Giám đốc, kiểm tra II, TANDTC) - Ths. LÊ THỊ THU THỦY (Học viện Tòa án)