Một số vướng mắc, bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính về áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Công tác quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân, trong đó có biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ, khắc phục.
Sau khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Nghị định đã quy định cụ thể về điều kiện hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy; quy trình cai nghiện ma túy cai nghiện ma túy tự nguyện; cai nghiện ma túy bắt buộc. Các quy định này không chỉ là hành lang pháp lý cho các cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà còn là môi trường cho những người nghiện ma túy có điều kiện chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của Cơ sở cai nghiện ma túy để họ sớm có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.
Những vướng mắc, bất cập
Bên cạnh những sửa đổi tích cực của Luật XLVPHC và Pháp lệnh trong công tác thực thi pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý vi phạm hành chính; thế nhưng việc sửa đổi bổ sung chưa đầy đủ, còn một số vướng mắc, bất cập tiếp tục gây khó khăn cho công tác quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân, trong đó có biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ nhất, người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hành vi vi phạm kỷ luật tại cơ sở cai nghiện bắt buộc có thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật XLVPHC: Trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, đối tượng đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng có hành vi vi phạm trên cơ sở hồ sơ hiện có và biên bản về hành vi vi phạm mới gửi Trưởng Công an cấp huyện nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC không quy định hành vi vi phạm mà quy định hai nhóm đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc gồm:
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và không có nơi cư trú ổn định;
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Do đó, trong thực tiễn đã phát sinh khó khăn, vướng mắc: Phan Anh T, đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có thời hạn tại Cơ sở cai nghiện ma túy. Trong thời gian chấp hành quyết định, Phan Anh T nhiều lần có hành vi đánh người gây thương tích nhưng không phải là tội phạm. Cơ sở cai nghiện ma túy đã nhiều lần lập biên bản vi phạm và có hình thức kỷ luật theo nội quy, quy chế của Cơ sở cai nghiện ma túy. Sau hai lần vi phạm liên tiếp trong hai tháng, đến lần thứ ba, Cơ sở cai nghiện ma túy lập hồ sơ gửi Trưởng Công an huyện đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Phan Anh T.
Trưởng Công an huyện đã căn cứ vào khoản 3 Điều 118 Luật XLVPHC đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Phan Anh T với lý do: Phan Anh T là đối tượng đang chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy có hành vi vi phạm kỷ luật, bị lập biên bản và áp dụng hình thức kỷ luật theo nội quy của Cơ sở cai nghiện ma túy. Việc Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc trên cơ sở hồ sơ hiện có và biên bản về hành vi vi phạm mới gửi Trưởng Công an cấp huyện nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc là phù hợp với đoạn 2 khoản 3 Điều 118 Luật XLVPHC.
Tuy nhiên, khi xem xét quy định tại Điều 94 Luật XLVPHC về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì xảy ra nhiều vướng mắc, cụ thể:
Nếu áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 94 Luật XLVP HC: Phan Anh T có hành vi cố ý gây thương tích bị Cơ sở cai nghiện ma túy lập biên bản và quyết định hình thức kỷ luật nhưng quyết định kỷ luật do Cơ sở cai nghiện ma túy áp dụng đối với Phan Anh T không phải là quyết định xử phạt vi phạm hành chính như điều luật quy định. Cơ sở cai nghiện ma túy không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Từ đó dẫn đến khó khăn trong việc xác định cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với Phan Anh T? Hơn nữa khi áp dụng quy định này phải xác định Phan Anh T không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, một đối tượng đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Cơ sở cai nghiện ma túy thì xác định nơi cư trú như thế nào? Xác định nơi cư trú căn cứ vào hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hay căn cứ vào nơi đối tượng đang chấp hành quyết định tại Cơ sở cai nghiện ma túy cũng xảy ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Nếu áp dụng điểm b khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC: Phan Anh T không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước đó thì cũng không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Những quy định trên đã gây rất nhiều khó khăn cho các Cơ sở cai nghiện ma túy trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người đang chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc cũng như gây ra sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật tại TAND.
Thực tiễn có trường hợp, Tòa án đã chấp nhận hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc như trường hợp của Phan Anh T. Theo quan điểm này, Cơ sở cai nghiện ma túy là nơi quản lý học viên cai nghiện, có nội quy, quy chế khen thưởng, kỷ luật nếu học viên vi phạm bị lập biên bản và quyết định hình thức kỷ luật về một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật XLVPHC là đủ điều kiện áp dụng. Vì học viên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy thì không thể áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này cũng không rõ ràng giữa Ủy ban nhân dân các cấp hay Công an các cấp.
Như vậy, có thể thấy quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật XLVPHC về xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có nội dung không rõ ràng, thiếu thống nhất, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 ngày 13/12/2022 thì: Người bị đề nghị phải tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành hành chính, người bị đề nghị vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Tòa án có thể hoãn phiên họp; nếu không có lý do chính đáng hoặc có yêu cầu xem xét vắng mặt hoặc vắng mặt lần thứ hai thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Đối với người vắng mặt tại phiên họp thì ngay sau khi hoãn phiên họp, Tòa án phải gửi ngay thông báo bằng văn bản cho họ.
Cũng theo quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh thì: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày công bố hoặc ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Tòa án phải gửi quyết định cho những người quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 31 của Pháp lệnh này.
Thời hạn khiếu nại là 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án công bố quyết định. Trường hợp người có quyền khiếu nại vắng mặt tại phiên họp hoặc trường hợp Tòa án không mở phiên họp và ra quyết định mà Pháp lệnh này quy định được quyền khiếu nại đối với quyết định đó thì thời hạn khiếu nại là 05 ngày làm việc kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được quyết định của Tòa án theo quy định tại Điều 32 của Pháp lệnh.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xem xét, giải quyết các hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc các đối tượng bị đề nghị áp dụng là người nghiện ma túy. Những đối tượng này thường không có nơi cư trú ổn định, trường hợp xác định được nơi cư trú thì thường vắng mặt tại địa phương. Việc tống đạt các giấy triệu tập, thông báo mở phiên họp, quyết định của Tòa án cho các đối tượng này rất khó khăn. Nhưng Luật XLVPHC cũng như Pháp lệnh không quy định cụ thể thủ tục cấp, tống đạt các văn bản này như thế nào là hợp lệ. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật trên cũng không quy định phương thức cấp, tống đạt bằng niêm yết công khai.
Thực tiễn giải quyết các hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhiều trường hợp Tòa án không thể cấp, tống đạt trực tiếp các giấy triệu tập, thông báo, quyết định cho người bị đề nghị khi đang tại ngoại. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người bị đề nghị.
Đề xuất, kiến nghị
Từ những vướng mắc, bất cập trong công tác xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị:
Thứ nhất, sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 118 Luật XLVPHC: “Điều 118. Xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
3.Trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, đối tượng đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc có hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này đã 02 lần bị cở sở cai nghiện bắt buộc quyết định áp dụng hình thức kỷ luật và bị lập biên bản về hành vi vi phạm tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng có hành vi vi phạm trên cơ sở hồ sơ hiện có và biên bản về hành vi vi phạm mới gửi Trưởng Công an cấp huyện nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thủ tục xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng này được thực hiện theo quy định của Luật này.
Từ những đề xuất sửa đổi bổ sung trên, chúng tôi đề xuất bổ sung vào khoản 1 Điều 94. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc “c) Người từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 118 của Luật này”
Thứ hai, Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 cần quy định cụ thể về thủ tục cấp, tống đạt các văn bản tố tụng của các cơ quan đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan cho người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Bổ sung thêm phương thức cấp, tống đạt bằng niêm yết công khai nếu không thể tống đạt trực tiếp cho những người này.
Bài liên quan
-
Tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
- Một số vướng mắc và kiến nghị -
Vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
-
Đưa người đang cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy vào cơ sở giáo dục bắt buộc?
-
Công bố Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận