Một số vướng mắc, bất cập về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi theo quy định của BLHS và giải pháp hoàn thiện

Hệ thống về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi theo quy định của BLHS năm 2015 hiện nay còn một số hạn chế, bất cập, gây khó khăn trong thực tiễn xét xử.

Theo thống kê của TANDTC, từ ngày 01/01/2018 đến hết ngày 30/12/2023 việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau: 11 bị cáo bị áp dụng hình phạt cảnh cáo, 25 bị cáo bị áp dụng hình phạt tiền, 1.267 bị cáo bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, 6.795 bị cáo bị áp dụng hình phạt tù từ 03 năm trở xuống, 2.314 bị cáo bị áp dụng hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, 909 bị cáo bị áp dụng hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, 155 bị cáo bị áp dụng hình phạt tù từ 15 năm đến 18 năm.

Các quy định về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội còn có hạn chế, bất cập cần khắc phục.

1.  Một số hạn chế và bất cập

1.1. Về hình phạt tiền

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 99 BLHS 2015 thì phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng”. Như vậy, hình phạt này không được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội trong trường hợp họ có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Quy định này không bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Ví dụ, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265), tội đua xe trái phép (Điều 266) nếu có đủ điều kiện áp dụng Điều 54 BLHS được áp dụng khoản 1 các điều này mà có tài sản thì không được áp dụng hình phạt tiền.

Thứ hai, theo quy định của BLHS 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên và người từ đủ 18 tuổi trở lên đều phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm (trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác). Trong khi đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên không có thu nhập hoặc không có tài sản riêng vẫn có thể được áp dụng hình phạt tiền; còn người từ đủ 16 tuổi trở lên chỉ được áp dụng hình phạt tiền nếu có thu nhập hoặc có tài sản riêng (nếu không có, thì có thể bị áp dụng hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn) là chưa công bằng trong chính sách xử lý. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực tế 6 năm thi hành BLHS vừa qua, nhiều địa phương không có người dưới 18 tuổi nào hoặc rất hiếm trường hợp người dưới 18 tuổi được áp dụng hình phạt tiền.

Thứ ba, Điều 35 BLHS 2015 quy định mức thấp nhất của hình phạt tiền là 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, Điều 99 chỉ quy định mức tiền phạt cao nhất đối với người dưới 18 tuổi là “không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định” mà không quy định mức tiền phạt thấp nhất đối với người dưới 18 tuổi.

1.2. Về tù có thời hạn

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 101 BLHS 2015, mức phạt tù áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức hình phạt mà điều luật quy định. Mức hình phạt được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Như vậy, so với một số nước trên thế giới, mức hình phạt tù áp dụng đối với người dưới 18 tuổi vẫn còn quá nghiêm khắc, chưa phù hợp với xu hướng quốc tế hiện nay (như Indonesia hình phạt cao nhất đối với người dưới 18 tuổi là 10 năm; Đức là 10 năm; Coroatia là 10 năm...).

Thứ hai, việc áp dụng mức phạt tù cao nhất đối với người dưới 18 tuổi trong mọi tội phạm mà chưa có sự phân hóa theo từng loại tội phạm là chưa bảo đảm tính nhân văn, phù hợp với đặc điểm, lứa tuổi, nhận thức của người dưới 18 tuổi.

Thứ ba, Điều 38 BLHS 2015 quy định mức tối thiểu của hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi 03 tháng. Tuy nhiên Điều 101 chỉ quy định mức phạt tù tối đa đối với người dưới 18 tuổi mà không quy định mức tối thiểu. Điều này là chưa phù hợp, gây khó khăn trong thực tiễn.

1.3. Về tổng hợp hình phạt trong trường hợp

Khi áp dụng quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội quy định tại khoản 2 Điều 103 BLHS 2015 đối với người phạm cùng độ tuổi và cùng phạm hai tội như nhau nhưng khác nhau về thời điểm phạm tội trước đó thì gây ra sự chênh lệch quá lớn về tổng hợp hình phạt.

Ví dụ 1: Khi 15 tuổi, A phạm tội giết người và bị kết án 12 năm tù. Đến năm 17 tuổi, A lại tiếp tục giết người. Theo điểm a khoản 2 Điều 103 BLHS 2015, tổng hợp hình phạt chung với A không được vượt quá 12 năm tù.

Ví dụ 2: Khi 15 tuổi, B phạm tội cố ý gây thương và bị kết án 8 năm tù. Đến năm 17 tuổi, A lại tiếp tục giết người. Theo điểm b khoản 2 Điều 103 BLHS 2015: tổng hợp hình phạt chung với A không được vượt quá 18 năm tù.

Quy định tại khoản 3 Điều 103 cũng gây ra sự chênh lệch về tổng hợp hình phạt tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 103.

2. Giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật

2.1. Về hình phạt

Nghiên cứu mở rộng đối tượng người dưới 18 tuổi phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thu nhập hoặc có tài sản riêng được áp dụng hình phạt tiền.

Nghiên cứu sửa đổi điều kiện áp dụng hình phạt tiền với người dưới 18 tuổi phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tương tự như đối với người đã trưởng thành quy định tại Điều 35 BLHS 2015.

Nghiên cứu quy định mức thấp nhất của hình phạt tiền đối với người chưa  thành niên theo hướng bằng một phần hai mức thấp nhất của hình phạt tiền đối với người đã thành niên.

2.2. Về tù có thời hạn

Nhằm bảo đảm việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đồng thời bảo đảm tính chất nhân văn, đề nghị nghiên cứu giảm mức hình hình tù đối với người dưới 18 tuổi để tạo điều kiện cho họ cải tạo tốt, sớm tái hòa nhập cộng đồng, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội. Còn đối với một số loại tội phạm có tính chất nguy hiểm, liên quan đến nhân thân của người dưới 18 tuổi như: tội giết người; tội hiếp dâm; tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội sản xuất trái phép chất ma túy cần giữ nguyên mức hình phạt như quy định của BLHS để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, răn đe với những hành vi vi phạm pháp luật.

Nghiên cứu sửa đổi quy định tại Điều 101 BLHS 2015 theo hướng quy định mức thấp nhất của hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

2.3. Về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Thứ nhất, nghiên cứu quy định giảm mức hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi khi tổng hợp hình phạt tù trong trường hợp phạm nhiều tội, trừ một số tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhân thân như: tội giết người; tội hiếp dâm; tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội sản xuất trái phép chất ma túy như đề xuất giảm mức hình phạt tù.

Thứ hai, sửa đổi quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 103 theo hướng: Đối với người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi, việc tổng hợp hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, việc tổng hợp hình phạt chung áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội.

3. Kết luận

Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; hành động cảm tính, bốc đồng, manh động; khó kiểm soát cảm xúc; hạn chế trong việc phòng, tránh rủi ro và các hành vi nguy hiểm. Đây là nhóm dễ tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Vì vậy, chính sách về tư pháp hình sự, đặc biệt là chính sách về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi cần có tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em và hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo giúp đỡ người dưới 18 tuổi sửa chữa sai lầm, cải thiện, nhận thức và hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội. 

 

ĐỖ THỊ HỒNG VÂN (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC)

TAND huyện Đông Anh, Hà Nội xét xử sơ thẩm với nhóm thanh thiếu niên phạm tội  Bắt giữ người trái pháp luật- Ảnh: Văn Thanh