Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo BLHS Liên bang Nga và gợi mở cho pháp luật hình sự Việt Nam
Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) Liên bang Nga về quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trên cơ sở so sánh với quy định của BLHS Việt Nam năm 2015. Qua đó đưa ra một số gợi mở cho pháp luật Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật hình sự về vấn đề này.
Đặt vấn đề
Quyết định hình phạt là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể mà BLHS quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử của Tòa án sẽ xem xét toàn diện các cơ sở pháp lý của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với người phạm tội. Đặc biệt, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới đều có những chính sách hình sự riêng trong vấn đề quyết định hình phạt, để phù hợp hơn với đối tượng này.
1. Quy định của BLHS Liên bang Nga về quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Ở Liên bang Nga, BLHS cho tới thời điểm hiện tại là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất quy định về các vấn đề liên quan đến xử lý người dưới 18 tuổi khi thực hiện tội phạm. BLHS Liên bang Nga năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung nhiều lần; lần sửa đổi gần nhất là ngày 8/4/2021) đã quy định riêng một chương riêng là Chương 14 (Trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) để xác định những vấn đề áp dụng riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội với đường lối xử lý khoan hồng, nhân đạo hơn so với người đủ 18 tuổi trở lên.
Theo BLHS Liên bang Nga, người dưới 18 tuổi phạm tội là người tới thời điểm thực hiện hành vi phạm tội từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi. Tại khoản 2 Điều 87 BLHS Liên bang Nga, quy định hai cách xử lý áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đó là áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế, hoặc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Theo đó, các biện pháp giáo dục cưỡng chế có thể được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, khi họ được Tòa án miễn hình phạt, người dưới 18 tuổi phạm tội cũng có thể được đưa vào một cơ sở giáo dục đặc biệt thuộc loại khép kín[1]. Bên cạnh đó, Điều 96 BLHS Liên bang Nga cũng có quy định trong một số trường hợp đặc biệt, căn cứ vào hành vi hoặc nhân thân của người phạm tội, Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục cưỡng chế đối với những người phạm tội trong độ tuổi từ đủ 18 đến 20 tuổi.
Theo quy định tại Điều 90 BLHS Liên bang Nga, người dưới 18 tuổi phạm loại tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu xét thấy việc áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế có thể đạt được hiệu quả. Cụ thể, tội phạm ít nghiêm trọng là những hành vi thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý mà mức cao nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định là tới hai năm tù; tội phạm nghiêm trọng là những hành vi thực hiện với lỗi cố ý mà mức cao nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định là năm năm tù và những hành vi thực hiện với lỗi vô ý mà mức cao nhất của khung hình phạt được điều luật quy định là trên hai năm tù.
Căn cứ quy định của Điều 20 BLHS Liên bang Nga, người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm còn những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện tội phạm chỉ phải chịu TNHS đối với một số các tội như: Tội giết người (Điều 105); tội cố ý gây thương tích rất nặng cho sức khỏe người khác (Điều 111); tội cố ý gây thương tích cho sức khỏe người khác (Điều 112); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 126); tội hiếp dâm (Điều 131); tội cưỡng dâm (Điều 132); tội trộm cắp tài sản (Điều 158); tội cướp tài sản (Điều 161); tội cướp giật tài sản (Điều 162); tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 163); tội chiếm giữ trái phép ô tô hoặc các phương tiện giao thông khác không nhằm mục đích chiếm đoạt (Điều 166); tội khủng bố (Điều 205); tội bắt cóc con tin (Điều 206); tội thông tin sai sự thật về hành động khủng bố (Điều 207); tội phá hoại tài sản công cộng (Điều 214); tội chiếm đoạt hoặc cưỡng đoạt vũ khí, đạn dược, thiết bị và vật liệu nổ (Điều 226); tội chiếm đoạt và cưỡng đoạt các chất ma tuý và hướng thần (Điều 229); tội làm hư hại các phương tiện giao thông và đường dây thông tin liên lạc (Điều 267).
Như vậy, có thể thấy rằng, trong chính sách hình sự, để xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, BLHS Liên bang Nga luôn ưu tiên trước hết là việc miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội thông qua việc áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế. Các biện pháp giáo dục cưỡng chế có thể được áp dụng với người dưới 18 tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 90 và Điều 91 BLHS Liên bang Nga cụ thể như:
- Cảnh cáo nghĩa là giải thích cho người dưới 18 tuổi phạm tội hiểu về thiệt hại do hành vi của mình gây ra và hậu quả của việc tái phạm tội đã được Bộ luật này quy định.
- Chuyển giao dưới sự giám sát nghĩa là giao trách nhiệm giáo dục, cải tạo người dưới 18 tuổi phạm tội và trách nhiệm kiểm tra, giám sát hành vi của người dưới 18 tuổi phạm tội cho cha mẹ hoặc những người thay thế cha mẹ, hoặc cơ quan nhà nước chuyên trách, chịu trách nhiệm về tác động, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội về kiểm soát hành vi của mình.
- Trách nhiệm sửa chữa, đền bù thiệt hại đã gây ra được giao dựa trên tình trạng tài sản và dựa trên những kỹ năng lao động phù hợp của người dưới 18 tuổi phạm tội.
- Hạn chế giải trí và đặt ra những yêu cầu đặc biệt đối với hành vi của người dưới 18 tuổi phạm tội có thể là cấm thăm viếng một số địa điểm nhất định, cấm một số các hoạt động, trong đó gồm cả việc cấm lái các phương tiện giao thông cơ giới; hạn chế ra ngoài nhà ở sau thời gian xác định, hạn chế đi tới các địa phương khác mà không được sự cho phép của các cơ quan chức năng nhà nước. Người dưới 18 tuổi phạm tội có thể nộp đơn quay trở về trường học hoặc được sắp xếp một công việc với sự giúp đỡ của cơ quan nhà nước chuyên ngành.
BLHS Liên bang Nga cũng quy định những điều kiện chung để áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế, bao gồm: Thứ nhất, trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 90. Thứ hai, trong trường hợp được Tòa án miễn chấp hành hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 92. Có thể thấy, Điều 90, Điều 91 BLHS Liên bang Nga chỉ quy định những điều kiện chung để được áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế và nội dung của nó mà không có quy định điều kiện cụ thể để áp dụng các biện pháp này.
Ngoài ra, khác với BLHS Việt Nam, BLHS Liên bang Nga không quy định nghĩa vụ của người dưới 18 tuổi phạm tội khi họ được áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế. Tuy nhiên, qua nội dung cụ thể của các biện pháp giáo dục cưỡng chế quy định tại Điều 91 BLHS Liên bang Nga, có thể thấy, mỗi biện pháp giáo dục bắt buộc chính là một nghĩa vụ mà người dưới 18 tuổi phạm tội phải thực hiện. Khoản 3 Điều 90 BLHS Liên bang Nga cũng có quy định người dưới 18 tuổi phạm tội có thể bị áp dụng đồng thời cùng một lúc nhiều biện pháp giáo dục cưỡng chế. Vì vậy, người dưới 18 tuổi phạm tội có thể phải thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ khi được áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế.
Bên cạnh việc quy định các biện pháp giáo dục cưỡng chế, BLHS Liên bang Nga còn quy định cụ thể các loại hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi (Điều 88) bao gồm:
- Phạt tiền sẽ được áp dụng nếu người dưới 18 tuổi phạm tội bị kết án có thu nhập hoặc tài sản độc lập có thể bị đánh thuế. Theo quyết định của Tòa án, khoản tiền phạt này có thể lấy từ cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác của người dưới 18 tuổi với sự đồng ý của họ .
- Tước quyền tham gia vào một số hoạt động nhất định.
- Tham gia công việc bắt buộc. Công việc này được giao trong khoảng thời gian từ bốn mươi đến một trăm sáu mươi giờ, bao gồm việc thực hiện công việc phù hợp với người dưới 18 tuổi và được người dưới 18 tuổi thực hiện trong thời gian rảnh rỗi.
- Lao động cải huấn. Hình phạt này được áp dụng cho người dưới 18 tuổi bị kết án với thời hạn lên tới một năm.
- Hạn chế tự do.
- Tù có thời hạn. Được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Không áp dụng đối với người dưới 16 tuổi, lần đầu phạm tội với loại tội ít nghiêm trọng và loại tội nghiêm trọng. Và việc quyết định mức hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cũng sẽ được quyết định thấp hơn quy định so với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội.[2]
Như vậy, căn cứ vào quy định của Điều 90 và Điều 92 BLHS Liên bang Nga, khi xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trước tiên cần phải xem xét để ưu tiên việc áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; chỉ khi nào không thể áp dụng được biện pháp giáo dục cưỡng chế thì Tòa án mới được áp dụng hình phạt đối với họ. Nếu áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì họ có thể được Tòa án miễn chấp hành hình phạt và thay vào đó là áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế hoặc được đưa vào cơ sở giáo dưỡng đặc biệt thuộc loại hình khép kín. Có thể thấy rằng, trong chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, BLHS Liên bang Nga luôn ưu tiên việc miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội thông qua việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc, rồi sau đó mới xem xét việc áp dụng hình phạt đối với đối tượng này.
2. Những gợi mở cho Việt Nam
Có thể nói rằng, từ khi BLHS Việt Nam năm 2015 ra đời đã có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy lập pháp của các nhà làm luật đối với nhóm người dưới 18 tuổi phạm tội. Cho thấy được sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người dưới 18 tuổi khi phạm tội.
Xét về bản chất, BLHS Việt Nam năm 2015 cũng có những quy định tương đồng với BLHS Liên bang Nga dành cho nhóm người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, dựa trên sự nghiên cứu, phân tích BLHS Liên bang Nga, nhóm tác giả có một số gợi mở trong vấn đề hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
Thứ nhất, có thể thấy, BLHS Liên bang Nga quy định về hệ thống hình phạt dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội khá đa dạng và thiên về các hình phạt không phải là hình phạt tù. Điều này rất tiến bộ và thể hiện được chính sách hình sự của Nhà nước dành cho đối tượng người dưới 18 tuổi phạm tội. Vì vậy, nên điều chỉnh hệ thống hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLHS Việt Nam theo hướng thu hẹp hình phạt tù có thời hạn, mở rộng các hình phạt không phải là hình phạt tù, các biện pháp tư pháp và biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Việc điều chỉnh này bao gồm điều chỉnh hệ thống hình phạt và điều chỉnh khung hình phạt của từng tội phạm cụ thể.
Thứ hai, chuyển hình phạt cảnh cáo sang nhóm các biện pháp tư pháp. Bởi để đảm bảo quyền lợi cho những người dưới 18 tuổi phạm tội, BLHS Việt Nam năm 2015 ưu tiên việc áp dụng các biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt. Khoản 4 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giám sát giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa”. Việc chuyển hình phạt cảnh cáo sang nhóm các biện pháp tư pháp có thể hiểu rằng, cho dù nó có thay thế hình phạt thì nó vẫn phần nào có tác dụng răn đe, giáo dục, cải tạo người phạm tội và phòng ngừa tội phạm.
Thứ ba, bổ sung thêm vào hệ thống hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội loại hình phạt tham gia công việc bắt buộc, hoặc là lao động cải huấn. Mặc dù hình phạt cải tạo không giam giữ của BLHS Việt Nam có quy định về công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ nhưng việc lao động phục vụ cộng đồng chỉ dành cho đối tượng không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt. Vậy, nếu người bị phạt cải tạo không giam giữ có việc làm bình thường, ổn định trong thời gian chấp hành hình phạt thì không phải lao động phục vụ cộng đồng. Việc bổ sung thêm vào hệ thống hình phạt loại hình phạt tham gia công việc bắt buộc hoặc lao động cải huấn giống như của BLHS Liên bang Nga không tước đi tự do của người bị kết án nhưng lại buộc họ phải chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương và gia đình thông qua việc lao động bắt buộc sẽ vừa thể hiện được tính nghiêm khắc nhất định, vừa có tác dụng giáo dục ý thức của người dưới 18 tuổi phạm tội. Đồng thời, việc bổ sung thêm 2 loại hình phạt này cũng làm đa dạng hóa hệ thống hình phạt trong BLHS Việt Nam vừa phù hợp với thực tiễn đấu tranh tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Thứ tư, nên sửa đổi khoản 6 Điều 91 BLHS năm 2015 theo hướng quy định rõ thứ tự áp dụng các biện pháp xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó trước tiên là việc miễn trách nhiệm hình sự. Vì từ kinh nghiệm của BLHS Liên bang Nga cho thấy việc luôn ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp giáo dục cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong khi đó khoản 4 và khoản 6 Điều 91 BLHS Việt Nam năm 2015 có quy định chưa rõ về thứ tự ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.[3] Khi xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các hướng xử lý sau: (i) miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục là khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn; (ii) áp dụng biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt là giáo dục tại trường giáo dưỡng; (iii) áp dụng hình phạt. Tuy nhiên, quy định tại các điều khoản nêu trên chưa thể hiện rõ thứ tự ưu tiên áp dụng các biện pháp này đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Kết luận
BLHS Việt Nam năm 2015 quy định những hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khá đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu BLHS Liên Bang Nga về các loại hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nhóm tác giả có một số đề xuất, gợi mở để hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam theo hướng: Điều chỉnh hệ thống hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thu hẹp hình phạt tù có thời hạn, mở rộng các hình phạt không phải là hình phạt tù, các biện pháp tư pháp và biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; chuyển hình phạt cảnh cáo sang nhóm các biện pháp tư pháp; bổ sung thêm loại hình phạt tham gia công việc bắt buộc, hoặc là lao động cải huấn; quy định rõ thứ tự áp dụng các biện pháp xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam theo hướng trên sẽ bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi khi phạm tội, đảm bảo tốt hơn quyền con người, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện để người dưới 18 tuổi phạm tội có cơ hội phát triển, hoàn thiện, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Một bị cáo dưới 18 tuổi lần đầu tiên được Tòa án nhân dân huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) xét xử theo mô hình “Phiên tòa thân thiện” - Ảnh: Vũ Lợi
[1] Điều 87 BLHS Liên bang Nga.
[2] Điều 88 BLHS Liên bang Nga.
[3] Khoản 4 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa”; khoản 6 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa".
Bài liên quan
-
Bàn về việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại tình dục
theo quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC -
Một số vướng mắc, bất cập về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi theo quy định của BLHS và giải pháp hoàn thiện
-
Xác định người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự
-
Về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tại Điều 54 BLHS năm 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận