Bàn luận một số điểm mới của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Sau hơn 08 năm thi hành, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TCTAND) năm 2014 đã phát sinh một số bất cập cần nghiên cứu, đổi mới. Theo đó, dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi) ra đời nhận được ý kiến góp ý từ nhiều phương diện, với các quan điểm khác nhau.
Dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 với 9 chương, 153 điều. Trong đó, nhiều điểm mới hướng tới mục tiêu tinh gọn bộ máy, tổ chức Tòa án ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, công bằng, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Tòa án, đặc biệt là trong quá trình tố tụng. Đồng thời, những điểm mới lần đầu được đưa vào áp dụng, như quy định về TAND sơ thẩm chuyên biệt, quy định về việc Tòa án bảo vệ quyền con người… Trên cơ sở đó, nhóm tác giả sẽ phân tích và đánh giá những điểm mới này của dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi), góp phần hoàn thiện quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động và các vấn đề khác của Tòa án.
Thứ nhất, về chế định Hội thẩm nhân dân
Hội thẩm luôn đóng vai trò quan trọng trong tổ chức, hoạt động của Tòa án, với thẩm quyền tương đương với Thẩm phán khi đưa ra quyết định đối với quá trình tố tụng1. Hội thẩm góp phần bảo đảm công bằng, khách quan đối với một vụ án, vụ việc nhất định. Do vậy, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhằm giúp Hội thẩm phát huy vai trò trong hoạt động của Tòa án. Tuy nhiên, quy định của dự thảo cần thể hiện rõ nét cơ chế, nguyên tắc làm việc của Hội thẩm, cụ thể:
(1) Hội thẩm là người đại diện cho Nhân dân thực hiện xét xử tại Tòa án2, nhưng không thuộc cơ cấu nhân sự của ngành Tòa án và không do Tòa án quản lý[1]. Đồng thời, quy định về Hội thẩm vẫn chủ yếu nằm trong các quy định về tố tụng riêng lẻ như BLTTDS, BLTTHS, Luật TTHC và các văn bản liên quan. Do đó, quy định của Hội thẩm còn rời rạc, thiếu tính thống nhất. Dự thảo cần xác định nguyên tắc phân công trách nhiệm giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong quá trình xét xử. Thực tế, quyết định của Hội thẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào Thẩm phán. Do đó, vai trò của Hội thẩm trong hoạt động xét xử chưa thật sự bảo đảm được ý nghĩa công bằng và khách quan.
(2) Điều 125, 126 của dự thảo quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của hội thẩm. Chẳng hạn, Hội thẩm có trách nhiệm “tham gia xét xử theo sự phân công của Chánh án Tòa án mà không được từ chối, trừ trường hợp có lý do chính đáng hoặc do luật tố tụng quy định”[2]. Tuy nhiên, trường hợp Hội thẩm từ chối tham gia xét xử mà không có lý do chính đáng, tự ý vắng mặt đột xuất gây khó khăn cho việc tổ chức phiên tòa[3] sẽ có hình thức xử lý nào hay không, hiện tại dự thảo vẫn chưa đề cập. Do Hội thẩm đóng vai trò quan trọng khi đưa ra quyết định, bản án trong quá trình tố tụng, việc Hội thẩm sẽ có trách nhiệm như thế nào khi bản án, quyết định có sai sót, không đúng quy định pháp luật… thiết nghĩ, dự thảo cũng cần cân nhắc bổ sung song song với nội dung về quyền hạn, nhiệm vụ và trách nhiệm của Hội thẩm như hiện tại dự thảo đã nêu.
Để hoàn thiện chế định của Hội thẩm hướng tới bảo đảm công bằng, khách quan cho hoạt động xét xử, dự thảo cần quy định rõ vị trí độc lập của Hội thẩm trong Tòa án và các hoạt động của Tòa án, đặc biệt là hoạt động xét xử. Theo đó, Hội thẩm phải được quyết định độc lập trong hoạt động tố tụng, không bị chi phối bởi bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, kể cả Thẩm phán. Việc phân định trách nhiệm, nguyên tắc làm việc giữa Hội thẩm và Thẩm phán trong quá trình tố tụng, bổ sung các trách nhiệm khi quyết định của Hội thẩm và Thẩm phán có sai sót, không đúng quy định pháp luật. Song song đó, dự thảo Luật cũng nên bổ sung quy định cụ thể về các chế độ, kinh phí của Hội thẩm khi họ tham gia xét xử, áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước và các cấp tòa[4]. Những quy định này góp phần nâng cao quyền lợi của Hội thẩm khi tham gia nghiên cứu vụ việc, vụ án để tham gia phiên tòa, cũng như trong quyết định, bản án. Bên cạnh đó, cũng nên xem xét cân nhắc đến việc xây dựng văn bản quy định riêng biệt cho Hội thẩm, trong đó quy định đầy đủ tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm, nguyên tắc, chế độ làm việc, quản lý… đối với tất cả các hoạt động xét xử bao gồm cả dân sự, hình sự, hành chính.
Thứ hai, về loại bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án trong dự thảo
Điểm d khoản 3 Điều 2 Luật TCTAND năm 2014 quy định Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm[5]. Ý nghĩa của quy định hướng đến đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, thẩm quyền nêu trên của Tòa án không còn được đề cập. Điều này xuất phát từ quan điểm rằng, việc khởi tố vụ án là chức năng của Cơ quan điều tra, cơ quan thực hiện quyền công tố. Trong khi đó, Tòa án là cơ quan xét xử, buộc phải bảo đảm vị trí khách quan và trung lập. Do đó, nếu Tòa án tự mình quyết định khởi tố, sau đó cũng là người thực hiện việc xét xử sẽ dẫn đến không bảo đảm tính khách quan. Việc trao cho Tòa án thẩm quyền khởi tố vụ án và các thẩm quyền khác trong quá trình xét xử vụ án hình sự (như trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, thu thập, bổ sung chứng cứ…) còn cho thấy sự không tách bạch các chức năng của các chủ thể có chức năng trong tố tụng hình sự. Với bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay, xu thế mở rộng tranh tụng, tiếp nhận yếu tố tranh tụng vào mô hình tố tụng thẩm vấn truyền thống tại Việt Nam, Tòa án sẽ trở nên không trung lập giữa chủ thể buộc tội và chủ thể gỡ tội để bảo đảm tranh tụng trong xét xử[6].
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Tòa án có hai chức năng là xét xử và thực hiện quyền tư pháp. Trong khi đó, khởi tố vụ án hình không thuộc về các chức năng trên. Do đó, việc Tòa án thực hiện việc khởi tố vụ án là không phù hợp với chức năng, quyền hạn của Tòa án trong Hiến pháp. Bên cạnh đó, Tòa án là cơ quan xét xử vụ án dựa trên nhiều nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội. Do vậy, việc Tòa án tự mình khởi tố và xét xử có thể làm nguyên tắc này hoàn toàn biến mất trong hoạt động tố tụng. Hơn nữa, mặc dù trước đây pháp luật quy định Tòa án có quyền khởi tố vụ án, tuy nhiên thực tế, Tòa án rất ít khi thực hiện quyền này của mình, việc khởi tố vụ án chủ yếu vẫn do Cơ quan điều tra tiến hành. Vì vậy, việc từ bỏ quyền khởi tố của Tòa án được đánh giá là một sửa đổi phù hợp, tiến bộ, tách bạch mối quan hệ giữa cơ quan tiến hành khởi tố vụ án và Tòa án.
Thứ ba, quy định về việc Tòa án bảo vệ quyền con người trong dự thảo
Theo Điều 28 dự thảo Luật: “Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật”.
Xét về bản chất, quy định này phù hợp với Hiến pháp năm 2013[7], việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân là nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước[8]. Thực tế, Tòa án từ trước đến nay vẫn thực hiện nhiệm vụ này trong tổ chức hoạt động của mình, chẳng hạn việc Tòa án xét xử, bảo đảm công bằng, lợi ích cho một người và đưa ra chế tài cho người xâm phạm đến người đó cũng là một hoạt động bảo vệ quyền con người. Việc dự thảo Luật ghi nhận cụ thể hoạt động bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án một biện pháp nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, để bảo đảm phát triển được quy định này, các cơ quan ban ngành cần có những hướng dẫn, cụ thể như, dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm quyền con người, quyền công dân được Tòa án bảo vệ là gì; phạm vi xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân của Tòa án trong từng lĩnh vực hành chính, dân sự, hình sự; công cụ, biện pháp để Tòa án thực hiện nhiệm vụ này… Những vấn đề nêu trên càng được quy định rõ ràng, cụ thể, càng tạo những điều kiện thuận lợi cho Tòa án thực hiện.
Thứ tư, quy định về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt
Dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi) quy định tại Mục 5 Chương 4 nội dung mới là xây dựng TAND sơ thẩm chuyên biệt. Đề xuất này hướng tới mục tiêu thành lập Tòa án chuyên biệt đối với các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, phá sản, hành chính, nhằm phân loại các vụ án vụ việc theo từng lĩnh vực để xét xử, nâng cao tính chuyên nghiệp, khách quan và chất lượng xét xử, giảm gánh nặng cho các cấp Tòa án. Đây cũng là nội dung được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Phiên họp UBTVQH đã cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi), trong đó, có ý kiến cho rằng, việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt là phù hợp và cần thiết theo xu hướng chung của các nước trong thực hiện hoạt động tài phán12.
Theo quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật, TAND sơ thẩm chuyên biệt là một “mô hình” Tòa riêng không nằm trong TAND sơ thẩm, và khác với địa vị pháp lý của các Tòa chuyên trách (trong TAND sơ thẩm). Do đó, đối với vấn đề này, nhóm tác giả cho rằng, các nội dung gắn với nguyên tắc hoạt động, địa vị pháp lý, phạm vi, số lượng Tòa chuyên biệt, dự đoán, mối quan hệ giữa TAND sơ thẩm chuyên biệt và các cấp Tòa án khác dự kiến sẽ có tác động lớn đến cơ cấu tổ chức, hoạt động của Tòa án về nhiều nội dung, cụ thể như sau:
(1) Việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên trách là mô hình mới ở Việt Nam, cần nhiều hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung trong quá trình áp dụng. Từ trước đến nay cả các cơ quan nhà nước và người dân, tổ chức vẫn quen với những cấp Tòa cơ bản như Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh. Do đó, khi áp dụng quy định mới sẽ cần nhiều thời gian, nỗ lực để phổ biến quy định đến toàn thể mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức. Hơn nữa, quy định về “cấp” Tòa này dự thảo vẫn chưa làm rõ nhiều nội dung, do đó nếu áp dụng, cần thiết phải xây dựng văn bản phối hợp hướng dẫn.
(2) Việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt để xét xử vụ án chuyên biệt đòi hỏi tính chuyên môn, khoa học cao, do đó, cần đội ngũ nhân lực lớn, chất lượng để phục vụ. Thực trạng hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức, Thẩm phán ngành TAND xin nghỉ việc do áp lực công việc ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng biên chế ngành TAND còn gặp nhiều khó khăn và bất cập13. Do vậy, nếu phải thành lập thêm Tòa chuyên trách với một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, khoa học cũng là một thách thức đặt ra cho ngành Tòa án hiện nay. Vì vậy, trước khi xem xét thông qua thành lập “cấp” Tòa mới này, cần phải xem xét và giải quyết ổn thỏa vấn đề nhân sự cho Tòa án, tránh việc không có nhân sự khi các Tòa chuyên biệt này được thành lập.
(3) Việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt, vấn đề rất được quan tâm là phạm vi xét xử của Tòa này. Hiện nay, dự thảo Luật hướng tới thành lập Tòa án chuyên biệt trong các lĩnh vực như phá sản, sở hữu trí tuệ, hành chính. Trong khi đó, đây là các lĩnh vực rất phức tạp và thường liên quan đến nhiều vấn đề khác như dân sự (thừa kế, hôn nhân và gia đình…), hành chính. Cho nên, vấn đề phân định thẩm quyền Tòa rất khó, đôi khi sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo về thẩm quyền xét xử, gây băn khoăn cho cả cơ quan tiến hành tố tụng lẫn cá nhân, tổ chức khác tham gia tố tụng. Do đó, việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt này có thực sự cấp thiết và cấp bách cần được xem xét và đánh giá sâu rộng hơn.
Nhìn chung, đề xuất về thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt hướng tới sự tương thích với mô hình Tòa án của nhiều quốc gia trên thế giới, bảo đảm được tính khoa học, chuyên nghiệp cho chất lượng xét xử. Tuy nhiên, việc thành lập ban đầu có thể gặp khó khăn nhất định. Vì vậy, các cơ quan ban ngành liên quan vẫn nên có những đánh giá bao quát, tổng thể vấn đề này. Theo đó, nội dung liên quan đến thành lập Tòa chuyên biệt cần xem xét đánh giá tình hình xét xử thực tế nhiều hơn, chẳng hạn số lượng vụ án xét xử, chất lượng các vụ án… Ngoài ra, việc đề xuất thành lập thí điểm TAND sơ thẩm chuyên biệt ở một số tỉnh, thành phố, sau khi đánh giá được hoạt động hiệu quả của các Tòa này, mới nên xem xét áp dụng toàn quốc cũng có thể được xem là một trong những phương án cần thiết.
Tóm lại, dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề liên quan tổ chức, hoạt động của TAND, bổ sung một số chế định quan trọng. Các nội dung của dự thảo nhận được nhiều ý kiến, đánh giá của đại biểu, cơ quan chuyên môn. Trên đây nhóm tác giả đã đề cập, phân tích, bàn luận một số điểm nổi bật của dự thảo Luật này nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo trước khi được thông qua và thực thi trong thực tiễn.
Tài liệu tham khảo
- Hiến pháp năm 2013.
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
- Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
- Nghị quyết số 08/2018NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về hỗ trợ kinh phí hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm Tòa án nhân dân và xét xử lưu động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Tiến sĩ Lê Lan Chi, Nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự trong luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, https://kiemsat.vn/nguyen-tac-trach-nhiem-khoi-to-va-xu-ly-vu-an-hinh-su-trong-luat-to-tung-hinh-su-viet-nam-64790.html.
1 Điều 23 BLTTHS 2015 quy định: Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Điều 12 BLTTDS 2015 quy định: Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
2 Điều 121 dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi).
[1] Điều 47, Điều 51, Điều 56, Điều 60, Điều 63, Điều 70 dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi) quy định cơ cấu tòa án các cấp, tuy nhiên trong thành phần cơ cấu Tòa án đều không nhắc Hội thẩm.
[2] Khoản 2 Điều 126 dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi).
[3] Điều 297 BLTTHS 2015 thì trường hợp Hội thẩm vắng mặt mà không có Hội thẩm thay thế thì phiên tòa có thể bị hoãn.
[4] Hiện nay chế độ, kinh phí của Hội thẩm cấp tỉnh và huyện vẫn do HĐND cấp tỉnh quyết định, chẳng hạn tại Nghệ An vấn đề này được quy định trong Nghị quyết số 08/2018NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, https://hethongphapluat.com/nghi-quyet-08-2018-nq-hdnd-ve-ho-tro-kinh-phi-hoat-dong-boi-duong-nghiep-vu-xet-xu-cho-hoi-tham-toa-an-nhan-dan-va-xet-xu-luu-dong-tren-dia-ban-tinh-nghe-an.html, truy cập ngày 09/6/2024.
[5] Đồng thời, vấn đề này cũng được quy định tại khoản 1, 3, 5 Điều 150 dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi), theo đó quy định này bỏ nội dung “Tòa án ra quyết định khởi tố”.
[6] Tiến sĩ Lê Lan Chi, Nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự trong luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, https://kiemsat.vn/nguyen-tac-trach-nhiem-khoi-to-va-xu-ly-vu-an-hinh-su-trong-luat-to-tung-hinh-su-viet-nam-64790.html, truy cập ngày 09/6/2024.
[7] Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
[8] Điều 3 Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…
12 Thảo Oanh - Trần Hơn, Những vấn đề lớn trong dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân và Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến, dự kiến thông qua tại kì họp thứ bảy, https://phaply.net.vn/nhung-van-de-lon-trong-du-thao-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-va-luat-dau-gia-tai-san-sua-doi-tiep-tuc-duoc-quoc-hoi-cho-y-kien-du-kien-thong-qua-tai-ki-hop-thu-bay-a258176.html, truy cập ngày 17/6/2024.
13 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cán bộ Tòa án nghỉ việc, thiếu biên chế, tổ chức bộ máy chưa khoa học,… trách nhiệm của Chánh án như thế nào?, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/can-bo-nghi-viec-thieu-bien-che-to-chuc-bo-may-chua-hop-ly-trach-nhiem-cua-chanh-an-tandtc-nhu-the-nao-119230320142611577.htm, truy cập ngày 10/6/2024.
TAND tỉnh Điện Biên xét xử vụ án xảy ra tại dự án sân bay Điện Biên- Ảnh: Đức Trung
Bài liên quan
-
Một số ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 321 và Điều 322 của Bộ luật Hình sự
-
Hoàn thiện một số quy định của dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
-
Chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng
-
Bàn về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc quy định trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận