Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
Chế định án tích không chỉ thể hiện sự nghiêm khắc đối người phạm tội, đồng thời cũng thể hiện nguyên tắc nhân đạo, đó là trách nhiệm hình sự cuối của người bị kết án khi họ được xóa án tích, là sự thừa nhận về mặt pháp lý đối với người bị kết án khi đã đủ điều kiện theo pháp luật hình sự quy định, góp phần để họ hòa nhập với cộng đồng, ổn định làm ăn, sinh sống. Việc xóa án tích có thể là đương nhiên được xóa án tích hoặc Tòa án quyết định xóa án tích. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích về trường hợp đương nhiên được xóa án tích.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 của BLHS: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án”.
Như vậy, thời hạn đương nhiên được xóa án tích được tính từ thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo và phải đáp ứng một trong các điều kiện đó là người bị kết án “đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án”, trong trường hợp người bị kết án còn chưa chấp hành phần quyết định khác của bản án ví dụ như chỉ còn về bồi thường thiệt hại, nhưng đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thì vẫn là chưa chấp hành xong bản án và không đương nhiên được xóa án tích. Vấn đề này cũng đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 70 BLHS 2015 quy định: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này”.
Căn cứ vào quy định trên thì trong trường hợp người bị kết án đã hết thời hiệu thi hành án bản án thì họ sẽ đương nhiên được xóa án tích, nếu họ không phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2, mà điều luật không quy định về điều kiện đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án như khoản 2 đã quy định.
Mặt khác, theo khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP ngày 10/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù quy định: “Thời hiệu thi hành bản án hình sự quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự là thời hiệu thi hành bản án về quyết định hình phạt. Thời hiệu thi hành bản án đối với quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và quyết định khác về tài sản trong bản án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.
Như vậy, có thể hiểu “hết thời hiệu thi hành bản án” theo khoản 3 Điều 70 BLHS 2015, tức là hết thời hiệu thi hành bản án về quyết định hình phạt, do đó, không thể xem trong trường hợp chưa chấp hành phần quyết định khác của bản án ví dụ như còn về bồi thường thiệt hại, nhưng đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thì vẫn là chưa chấp hành xong bản án và không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 BLHS 2015 như tại hướng dẫn của Công văn số 64/TANDTC-PC.
Từ phân tích trên, theo quan điểm của tác giả cho rằng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 70 BLHS 2015 chưa bảo đảm sự thống nhất trong xây dựng các quy phạm pháp luật về xóa án tích và nội dung tại Mục 7 Phần I của Công văn số 64/TANDTC-PC hướng dẫn rộng hơn so với điều khoản quy định. Do đó, kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi quy định trên để chặt chẽ về mặt lập pháp, chính xác về mặt khoa học và khả thi khi áp dụng pháp luật để phát huy được sự nghiêm minh nhưng cũng đồng thời mang ý nghĩa nhân đạo của chế định án tích.
TAND tỉnh Lai Châu mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Phòng Cảnh sát THAHS&HTTP.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận