Bàn về hôn nhân đồng giới: từ quan hệ nhân thân đến tài sản
Pháp luật là nền tảng thiết yếu giúp tạo dựng không gian mà ở đó mỗi cá nhân được bảo đảm điều kiện sinh sống, đóng góp, kiến lập những giá trị tốt đẹp của gia đình, cộng đồng, dân tộc. Trên cơ sở bình đẳng, việc công nhận, tôn trọng bản thể riêng biệt tồn tại trong mỗi con người khi tham gia vào đời sống hôn nhân trở nên cần thiết, đặc biệt hơn, hiện nay việc nhìn nhận vấn đề giới tính đã có phần rõ ràng, cởi mở cả về tư duy văn hóa lẫn cơ sở khoa học.
1. Bối cảnh xã hội
Xuyên suốt lịch sử, niềm tin giới tính đơn thuần phân loại con người vào hai dạng thể “đàn ông” hoặc “phụ nữ”, khác biệt sinh học trở thành yếu tố chính chi phối, quyết định đến tâm lý, tình cảm. Hệ quả từ đó, định kiến giới, khuôn mẫu giới giữa nam và nữ dần được thiết lập trên nhiều lĩnh vực đời sống bằng gán ép kỳ vọng, định hình tính cách, ngoại hình, hành vi, phân công lao động và kết hợp hôn nhân. Nhận thức đối với đồng tính luyến ái tương đối sơ khai, thành kiến bài trừ căng thẳng, nặng nề. Tuy nhiên theo tiến trình phát triển, xã hội dần thay đổi cách nhìn, nhận thấy sự hiện diện hành vi, cảm xúc giới tính là bản năng bình thường, đồng tính không xuất phát từ bệnh lý, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và không ảnh hưởng đến năng lực xã hội ở mỗi cá nhân. Ngày 15/12/1973, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association - APA) thông qua Nghị quyết loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi Sổ tay Chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders - DSM). Năm 1997, APA bày tỏ quan điểm rằng tổ chức này “phản đối việc mô tả thanh thiếu niên, người lớn đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính là mắc bệnh tâm thần do khuynh hướng tính dục của họ và ủng hộ phổ biến thông tin chính xác về khuynh hướng tính dục, sức khỏe tâm thần cùng các biện pháp phù hợp để chống lại sự phân biệt vì thiếu hiểu biết hoặc niềm tin vô căn cứ vào khuynh hướng tính dục”1. Năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng thuận khoa học cũng loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi phân loại bệnh tật quốc tế (International Classification of Diseases - ICD 10). Không còn lý do y tế hay tâm thần học biện minh cho sự kỳ thị đã góp phần thúc đẩy nhiều hoạt động, chiến dịch kêu gọi xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với người đồng tính và ủng hộ hôn nhân đồng giới.
Bên cạnh đó, khoa học pháp lý chứng minh quyền con người hàm chứa tính chất tự nhiên được pháp luật tôn trọng, bảo vệ mà không loại trừ một ai. Trên tinh thần nhất quán, quyền con người hiện diện phổ biến trong các văn kiện lịch sử như Tuyên ngôn độc lập, pháp điển hóa bởi luật pháp quốc gia, điều ước quốc tế. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc ghi nhận: “Ai cũng được hưởng những quyền tự do mà không bị phân biệt đối xử vì bất kỳ nguyên nhân nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác”2. Nguyên tắc này trở thành trụ cột vững chắc, tái khẳng định trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR) năm 1966. Xu hướng tính dục không cản trở bất kỳ cá nhân nào thụ hưởng quyền lợi, thực hiện nghĩa vụ, càng không phải làn ranh phân cách địa vị bởi trước pháp luật - tất cả đều bình đẳng. Vì lẽ đó, quyền kết hôn - một trong những quyền con người cơ bản chính đáng không có ngoại lệ. Người đồng tính thuộc thành phần thiểu số, nếu pháp luật chối bỏ, lảng tránh hoặc không thừa nhận đầy đủ thì quyền lợi của họ khi tham gia vào đời sống hôn nhân thiếu đi sự bảo vệ, kéo theo mưu cầu về hạnh phúc, quyền riêng tư, danh dự, phẩm giá không được đáp ứng trọn vẹn.
Quan hệ hôn nhân phát sinh, thay đổi, chấm dứt dựa trên nền tảng pháp luật. Chính vì vậy, các giải pháp thực hiện bình đẳng giới dù định hình tốt, có tính khả thi cũng chỉ phát huy hiệu quả trong điều kiện trước đó, Nhà nước kịp thời xây dựng, hoàn thiện quy phạm pháp luật điều chỉnh, pháp điển hóa ứng xử đạo đức thành quy tắc xử sự chung, hiệu lực bắt buộc nhằm ổn định trật tự và định hướng hành vi. Xu hướng tính dục ở nhóm thiểu số không đại diện toàn thể, thừa nhận hôn nhân đồng giới cũng vì vậy không nhằm mục đích kìm hãm, làm suy yếu thể chế hôn nhân hoặc sai lệch chuẩn mực đạo đức. Không có cơ sở thực nghiệm nào để lo ngại việc cho phép các cặp đôi đồng giới kết hôn ảnh hưởng tiêu cực đến các cặp đôi và gia đình khác giới3. Ngược lại, mở rộng thể chế hôn nhân có thể mang lại nhiều tác động tích cực về mặt dân số, sức khỏe thể chất, quan hệ gia đình và tài sản. Những năm gần đây, một số quốc gia đã tiến hành cải cách pháp lý theo hướng hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Thống kê đầu năm 2024 có 36 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận quyền kết hôn của những người cùng giới tính4. Theo thời gian, mối liên hệ giữa quyền con người, quan điểm chính trị, xã hội, y khoa và pháp lý xoay quanh hôn nhân đồng giới được đưa ra bàn luận, chứng kiến nhiều biến chuyển tích cực. Hơn hết, nổi bật vấn đề chống phân biệt đối xử để tiến đến bình đẳng, hòa hợp xã hội.
2. Khung pháp lý về hôn nhân đồng giới
2.1. Quan hệ nhân thân trong hôn nhân đồng giới
Xuất phát từ gắn kết tình cảm và mong muốn đảm trách chức năng gia đình, dù pháp luật không cấm, không thừa nhận thì hai người đồng tính chung sống như vợ chồng cũng phát sinh sự kiện về hình thức hôn nhân như kết hôn, nhận con nuôi, ngầm tự định hình trách nhiệm cha mẹ, con cái cùng các thành viên. Mặc nhiên, bất lợi lớn nhất là mối quan hệ đó không có nền tảng pháp luật nào gia cố, bảo hộ toàn diện.
Thứ nhất, quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân đồng giới đang đứng trước luồng quan điểm ủng hộ và phản đối, thách thức chấp nhận hiện tượng mới nhưng đối nghịch khuôn mẫu cũ, phi truyền thống gặp phải nhiều rào cản như định kiến xã hội, tư tưởng tôn giáo, quan điểm chính trị, tập quán văn hóa. Qua đó, thái độ trước thực trạng dẫn dắt, tác động lên quá trình lập pháp. Một số quốc gia kết tội hành vi đồng tính, nhẹ hơn là giữ tính trung lập, không tán thành cũng không phủ nhận. Ngược lại, có quốc gia công khai bãi bỏ hình sự hóa, ban hành luật bảo vệ quyền con người của người đồng tính, song tính, chuyển giới và cho phép hôn nhân.
Gắn kết hôn nhân đồng giới biểu hiện phổ biến qua kết hôn (Marriage), đối tác dân sự (Civil Partnership) hoặc thỏa thuận chung sống (Cohabitation Agreements). Về danh nghĩa, Nhà nước công nhận tính hợp pháp và hiệu lực cam kết, thỏa thuận hay thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đồng nghĩa xác lập, biểu thị quan hệ hôn nhân tồn tại dưới sự bảo vệ, điều chỉnh của pháp luật, căn cứ phân định nội dung liên quan đến con cái, phúc lợi, tài sản.
Tương quan so sánh có thể thấy, nguyên tắc, điều kiện, thủ tục tiến hành hôn nhân đồng giới không quá khác biệt với hôn nhân khác giới nhưng muốn hiện thực hóa quyền kết hôn trước hết phải giải quyết được thuật ngữ “hôn nhân” trong các văn bản quy phạm pháp luật về hôn nhân gia đình. Mọi thiết chế pháp lý đồ sộ đến đâu thì bản chất cũng xây lên từ nền móng cơ bản, thiết thực như vậy. Việt Nam nhìn nhận sự kiện “kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”5. Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân năm 1996 cũng quan niệm hôn nhân là “sự kết hợp hợp pháp giữa một người đàn ông và một người phụ nữ”6. Năm 2013, điều khoản này bị Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phán quyết là vi hiến trong vụ kiện United States v. Windsor rồi chính thức bãi bỏ khi Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân thông qua vào năm 2022. Luật Hôn nhân Úc năm 2004 từng tồn tại khái niệm tương tự: “Hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người phụ nữ”7. Hiện nay, ràng buộc khác biệt giới không nhất thiết gắn chặt, trở thành yếu tố chính để xây dựng định nghĩa. Trong văn bản sửa đổi vào năm 2017, Úc tiếp cận vấn đề một cách bao quát hơn: “Hôn nhân là sự kết hợp của hai người, loại trừ mọi người khác, tự nguyện bước vào cuộc sống”8, không còn đề cập đến giới tính. Điều này không chỉ phản ánh quá trình tiếp nhận hiện tượng, thái độ, lập trường mà đồng thời quyết định việc tiếp tục kìm hãm hay mở ra không gian đáp ứng sự phát triển quan hệ xã hội mới.
Song hành quyền kết hôn, quyền ly hôn cũng được thiết lập nhằm chấm dứt quan hệ hôn nhân, hỗ trợ cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp. Trường hợp mâu thuẫn trầm trọng kéo dài, cuộc sống chung không thể tiếp tục, mục đích hôn nhân không thành thì một trong hai bên hoặc theo yêu cầu chung có thể tiến hành ly hôn. Thông thường, nếu đồng thuận quan hệ hôn nhân giao kết bởi hai người, không phân biệt đồng giới hoặc khác giới thì điều kiện, trình tự, thủ tục ly hôn vẫn sẽ áp dụng chung.
Thứ hai, quyền nhận con nuôi. Tạo dựng gia đình, nuôi dạy con cái thể hiện rõ nét vai trò xã hội của hôn nhân. Nhiều nghiên cứu cho thấy xu hướng tính dục cha mẹ không phải yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của trẻ9. Trẻ em được nuôi dưỡng trong gia đình cha mẹ đồng giới có cuộc sống tốt đẹp như trẻ em được nuôi dưỡng trong gia đình cha mẹ khác giới10. Dù vậy, khi pháp luật chưa chính thức tán thành đưa hôn nhân đồng giới vào phạm vi điều chỉnh thì việc nuôi con nuôi bộc lộ hạn chế. Luật Nuôi con nuôi năm 2010 nêu rõ: “Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”11. Quy định này giới hạn các cặp đôi đồng giới chỉ có thể tiến hành nhận con nuôi thông qua việc một trong hai người thực hiện dưới tư cách cá nhân độc thân. Trách nhiệm gia đình không ảnh hưởng nhưng nhìn từ góc độ pháp luật, liên quan hoạt động hộ tịch, quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con ở người còn lại bị bỏ ngỏ.
Trước tranh luận hôn nhân nhằm mục đích sinh sản hay hôn nhân vì cộng đồng, các quốc gia Châu Âu như Vương quốc Anh giai đoạn đầu chỉ cho phép các cặp vợ chồng đã kết hôn và người độc thân nhận con nuôi. Đến năm 2005, Đạo luật Con nuôi và Trẻ em sửa đổi chính thức có hiệu lực, mở rộng quyền cho các cặp đôi. Định nghĩa “cặp đôi” ở đây không chỉ bao gồm vợ chồng hợp pháp, đối tác dân sự mà còn cả hai người (đồng giới hoặc khác giới) sống như bạn đời trong một mối quan hệ gia đình lâu dài12. Cùng với đó, việc nhận con nuôi của cha mẹ thứ hai (Second-Parent Adoption) được một số nước như Canada, Argentina, Úc, Áo, Đan Mạch, Phần Lan... chấp thuận. Một người có thể nhận con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp của đối phương làm con nuôi của mình mà không bắt buộc phải chấm dứt quyền cha mẹ đầu tiên. Điều này ẩn chứa ý nghĩa quan trọng, vừa kết hợp ghi nhận đầy đủ, bình đẳng bình quyền ở cả hai phía vừa góp phần gia tăng bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục con cái.
Quyền nuôi con nuôi phát sinh tự động như một hệ quả từ hợp pháp hôn nhân đồng giới hoặc ghi nhận độc lập trong văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành - tất cả chứng minh sự cần thiết, nơi gia đình dung dưỡng các giá trị tốt đẹp hình thành nhân cách, tình cảm con người, hơn hết, ở đó không nên tồn tại sự nghi hoặc, định kiến, phân biệt.
Thứ ba, xác định cha mẹ cho con. Ngoài liên quan nhiều dịch vụ hành chính, dân sự thì giấy khai sinh còn là căn cứ pháp lý đầu tiên chứng minh nhân thân một người từ khi sinh ra. Tại các quốc gia, vùng lãnh thổ mà hôn nhân đồng giới được thông qua, nhằm nhất quán trong thực tiễn áp dụng thì việc xác định cha mẹ cho con trên giấy khai sinh bổ sung thêm lựa chọn thuật ngữ trung lập giới tính như “cha mẹ - cha mẹ” (parent - parent) bên cạnh “cha và mẹ” (mother and father). Dù vậy, tiếp cận phi giới tính quyền làm cha mẹ, đa dạng hình thái gia đình vẫn còn khá xa lạ cả về phương diện lập pháp lẫn thực tiễn xã hội, thách thức cải cách pháp lý là làm sao dung hòa giữa cái mới với quan niệm truyền thống đã “ăn sâu bén rễ” mà vẫn giữ tính chất đồng bộ, hiệu quả, thống nhất hệ thống pháp luật.
Về xác định cha mẹ cho con, Đạo luật Thụ tinh và Phôi học con người năm 2008 Vương quốc Anh nhận định con sinh ra được bởi một người thì người đó mặc nhiên là mẹ hợp pháp; Nếu con được sinh thông qua thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm tại cơ sở y tế thì cả hai đều là cha mẹ hợp pháp và phải đăng ký trên giấy khai sinh; Trường hợp một trong hai bên vợ chồng đồng giới phát sinh quan hệ tình dục khác giới thì bên còn lại không tự động có quyền với đứa trẻ; Con sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ thì người mang thai là mẹ của trẻ, quyền cha mẹ đồng giới chỉ tồn tại sau khi nhận chuyển giao qua lệnh Tòa án (Parental Orders) để xóa bỏ tình trạng pháp lý, trách nhiệm người mang thai hộ và cấp lại giấy khai sinh. Chiều hướng ngược lại, bất lợi đáng kể ở các nước chưa công nhận hôn nhân đồng giới thì rất khó xác định quyền cha mẹ trong trường hợp tranh chấp nuôi con, nguy cơ đưa tới quyết định hợp lẽ nhưng thiếu hợp tình. Nội dung này cần được các nhà làm luật chú trọng quan tâm trong quá trình hoàn thiện cũng như có hướng dẫn thi hành.
Thứ tư, bình đẳng hôn nhân và quan hệ gia đình. Vợ chồng có địa vị bình đẳng được quy định tại Điều 5, Sắc lệnh số 97/SL ngày 22 tháng 05 năm 1950 của Chủ tịch nước sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật. Kể từ đó, nguyên tắc này tiếp nối xuất hiện ở Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam qua các thời kỳ. Để tạo dựng cuộc sống chung, bên cạnh đạo đức cá nhân, tình cảm, điều kiện kinh tế thì quyết định sự gắn kết bền chặt, lâu dài dưới lăng kính pháp luật còn phụ thuộc vào sự bảo vệ, bình đẳng bình quyền các vấn đề gia đình, tôn trọng nhân thân, tự do ý chí, định đoạt, xác lập quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của cha mẹ với con cái, giữa con cái với cha mẹ và các thành viên khác.
Điểm đặc biệt về kỹ thuật lập pháp nếu so sánh hôn nhân khác giới, thuật ngữ đề cập đến “cha và mẹ”, “vợ và chồng” ý chỉ một người đàn ông cùng một người phụ nữ thì hiện nay xu hướng dùng cụm từ chung “cha mẹ”, “vợ chồng”, “đối tác hôn nhân”, “người phối ngẫu” dần được các quốc gia sử dụng thay thế. Cân đối, giảm thiểu từ ngữ mang hàm ý giới tính không làm mất bản chất mà vẫn góp phần hạn chế bất cập, vướng mắc qua quá trình áp dụng.
Quan hệ nhân thân minh chứng tình trạng pháp lý của các chủ thể với đầy đủ cơ sở thực hiện quyền con người trong đời sống xã hội. Song tiến trình phát triển kéo theo nhu cầu, đòi hỏi, vô hình trung hôn nhân đồng giới mở ra khoảng không rộng lớn mà pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, hộ tịch, nuôi con nuôi phải dự liệu lấp đầy. Quá trình hình thành đơn vị xã hội mới, đa dạng cấu trúc lại càng khẳng định tầm quan trọng, vai trò pháp luật nhưng đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, cải tiến và hoàn thiện.
2.2. Quan hệ tài sản trong hôn nhân đồng giới
Hôn nhân đồng giới không được thừa nhận tại Việt Nam, vì vậy, tài sản phát sinh do đóng góp tạo dựng, duy trì và phát triển giữa hai cá nhân cùng giới tính chung sống như vợ chồng chịu sự điều chỉnh bởi chế định sở hữu chung trong BLDS năm 2015. Tài sản được quản lý, sử dụng, định đoạt, phân chia tùy thuộc sở hữu chung từng phần hay sở hữu chung hợp nhất. Cần lưu ý rằng, BLDS mới cơ bản dừng lại ở quyền sở hữu dân sự đơn thuần mà chưa gắn kết khía cạnh hôn nhân, cá biệt hóa trường hợp vẫn rất cần văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Xuất phát từ tính chất cộng đồng, Luật Hôn nhân và gia đình đánh dấu việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sự tồn tại, phát triển đời sống gia đình kết hợp dung hòa, giải quyết mâu thuẫn.
Về quyền tài sản, các quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận hôn nhân đồng giới dưới dạng đối tác dân sự hoặc kết hôn đều tạo điều kiện để các cặp vợ chồng đồng giới hưởng quyền tài sản tương tự vợ chồng khác giới.
Tiếp cận nguồn gốc sở hữu, tài sản trong thời kỳ hôn nhân phân chia thành tài sản chung và tài sản riêng. Đặc trưng cho chế độ tài sản ước định, các bên có quyền thỏa thuận tỷ lệ đóng góp, sở hữu, quyền cùng nghĩa vụ tương ứng, phân chia tài sản giai đoạn chung sống và sau khi ly hôn, giải thể quan hệ đối tác dân sự. Trường hợp không có sự thỏa thuận, vợ chồng bình đẳng về nhân thân nhưng khi nhìn nhận bản chất hôn nhân còn phản ánh một giao thức dân sự thì mặc nhiên, quan điểm phân chia tài sản ở từng quốc gia không đồng nhất hoàn toàn. Học thuyết tài sản cộng đồng (Community Property) nhận định tài sản chung vợ chồng phải tiếp nối tính bình đẳng, chia đều theo tỷ lệ 50 - 50. Ngược lại, học thuyết phân phối công bằng (Equitable Distribution) tập trung đánh giá thuộc tính sở hữu, tài sản và nợ chung vợ chồng chia đôi chứ không nhất thiết chia đều. Điều này tương tự nguyên tắc giải quyết tài sản vợ chồng khi ly hôn theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể, tài sản chung vợ chồng được chia đôi nhưng đồng thời phải tính tới hoàn cảnh của gia đình và vợ chồng, công sức đóng góp, bảo vệ lợi ích chính đáng cho các bên trong sản xuất, kinh doanh, nghề nghiệp, thậm chí cả yếu tố lỗi. Tuy nhiên bài toán đặt ra, hôn nhân giữa những người cùng giới tính làm sao “quy đổi”, định tính các đóng góp phi vật chất như công sức chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái, bảo giữ tài sản so với định lượng phân chia mà vẫn thỏa đáng, không gây phương hại lợi ích. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử có thể đã tạo ra khoảng cách tiền lương, hạn chế khả năng tiếp cận công việc cho một bên, cân bằng chênh lệch kinh tế không chỉ đòi hỏi gắn liền nghĩa vụ vợ chồng mà còn trách nhiệm con cái. Cấu trúc gia đình không theo truyền thống nếu rập khuôn, giữ nguyên thiết lập cơ bản như hôn nhân khác giới sẽ khó mang lại hiệu quả tối ưu mà phải quan sát trên nhiều góc cạnh.
Ngoài ra, nhằm bảo vệ quyền lưu trú an toàn thì bất động sản hôn nhân rất được chú trọng. Khoản 3 Điều 215 BLDS Pháp năm 2013 quy định: “Vợ chồng không thể tự định đoạt các quyền về nơi ở của gia đình cùng nội thất được trang bị trong nhà”. Pháp luật Việt Nam cũng sớm dự liệu, điều chỉnh giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng và quyền lưu cư của vợ chồng khi ly hôn. Bất kể đó thuộc tài sản riêng hay tài sản chung thì việc định đoạt phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích các thành viên khác, tránh sự tùy tiện. Đánh giá tính khả thi, nguyên tắc này hoàn toàn có thể áp dụng vào hôn nhân đồng giới, tuy vậy, quá trình triển khai cần lưu ý làm rõ cơ sở xác lập quyền lưu trú đối với cá nhân không phải chủ sở hữu, phân chia nhà ở ưu tiên tạo điều kiện chăm sóc con chưa thành niên, cân nhắc bổ sung biện pháp hạn chế với vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình.
Đi kèm ghi nhận quyền tài sản trong hôn nhân, một số nước đã mở rộng quyền cho vợ chồng đồng giới cùng con hợp pháp của họ được hưởng di sản thừa kế. Trường hợp một trong hai vợ chồng muốn để lại toàn bộ tài sản cho người còn lại thì việc khai nhận không phải chịu thuế.
Về nghĩa vụ tài sản, ngoại trừ chi phí sinh hoạt gia đình, chăm sóc, giáo dục con cái tính vào tài sản chung, trường hợp không đủ sẽ tính vào tài sản riêng theo tỷ lệ tương ứng thì mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với các khoản nợ phát sinh trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân. Vợ chồng đồng giới là cha mẹ hợp pháp có nghĩa vụ ngang nhau về cấp dưỡng con cái sau khi ly hôn. Ngoài ra ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, xem xét nhu cầu, khả năng tìm kiếm công việc, mức sống, thời gian chung sống, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và nhiều yếu tố liên quan khác, trường hợp một trong hai vợ chồng thu nhập thấp hoặc phụ thuộc vào người còn lại thì người có điều kiện kinh tế tốt hơn có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính.
Dù vậy, không ít tình huống nếu xảy ra giữa các cặp vợ chồng khác giới được Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rõ ràng, chi tiết, cụ thể qua từng thời kỳ, liệu một cặp đôi đồng tính có thời gian dài chung sống như vợ chồng trước khi kết hôn, quan hệ hôn nhân sẽ tính từ thời điểm chung sống, thời điểm Nhà nước hợp pháp hôn nhân đồng giới hay sau khi cặp đôi đó đăng ký kết hôn. Các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ thì khoản đóng góp, phân chia tài sản căn cứ vào bản chất nên chăng cũng cần nhìn nhận, tách biệt những trường hợp như vậy dưới quan hệ sở hữu chung dân sự và sở hữu chung trong hôn nhân. Thiết nghĩ, để có đáp án chính xác vẫn cần thời gian, xác lập lộ trình, thử nghiệm và đúc kết.
3. Kết luận
Luật Hôn nhân và gia đình đã kết nối mật thiết con người trong một hình thái cấu trúc xã hội thu nhỏ mà chẳng kém phần phức tạp. Một mặt đòi hỏi hiệu quả điều chỉnh, dung hòa các mối quan hệ nhưng mặt khác, phải nhất quán với tổng thể hệ thống pháp luật, phù hợp yêu cầu thực tế. Khách quan nhìn nhận, pháp luật Việt Nam chứa đựng nhiều điểm sáng cùng khả năng tương thích, trọng tâm đề cao giá trị con người nhưng hiện thực hôn nhân đồng giới có lẽ vẫn còn một hành trình dài, từ định nghĩa lại thuật ngữ, bổ sung, thiết lập quan hệ nhân thân, hộ tịch, con nuôi, tài sản đến hướng dẫn thi hành, gỡ rối, hoàn thiện. Quyết định tổng thể, quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận, đồng lòng của toàn xã hội với tinh thần cởi mở và phù hợp với thực tiễn.
1 APA (1997), Appropriate Therapeutic Responses to Sexual Orientation, https://www.apa.org/about/policy/appropriate, truy cập 22/8/2024.
2 Điều 2 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948.
3 Melanie A. Zaber (2024), After 20 Years of Same-Sex Marriage, Research Finds No Harms to Different-Sex Couples; Growth for Overall Support of Marriage, https://www.rand.org/news/press/2024/05/13/index1.html, truy cập 22/8/2024.
4 Human Rights Campaign (2024), Marriage Equality Around the World, https://www.hrc.org/resources/marriage-equality-around-the-world, truy cập 22/8/2024.
5 Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014.
6 Mục 3 Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân Hoa Kỳ năm 1996.
7 Mục 5 (1) Luật Hôn nhân Úc năm 2004.
8 Mục 5 (1) Luật Hôn nhân Úc năm 2017.
9 Yun Zhang, Haimei Huang, Min Wang, Jiawen Zhu, Sumin Tan, Weiyi Tian, Jinli Mo, Li Jiang, Jieling Mo, Wei Pan,Chuanyi Ning (2023), Family outcome disparities between sexual minority and heterosexual families: a systematic review and meta-analysis, BMJ Global Health, tr.16.
10 Wendy D. Manning, Marshal Neal Fettro, Esther Lamidi (2014), Child Well-Being in Same-Sex Parent Families: Review of Research Prepared for American Sociological Association Amicus Brief, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4091994/, National Library of Medicine, truy cập 22/8/2024.
11 Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
12 Khoản 4 Điều 144 Đạo luật Con nuôi và Trẻ em Vương Quốc Anh năm 2002.
Một cặp đôi ăn mừng sau khi Mỹ công nhận hôn nhân đồng tính - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận