Bàn về tính lãi suất cho vay tài sản là vật

Hiện nay bên cạnh các giao dịch về vay tài sản là tiền thì các giao dịch vay tài sản là vật như vàng cũng khá phổ biến. Tuy nhiên khi phát sinh tranh chấp còn nhiều quan điểm khác nhau về cách tính lãi suất đối với tài sản cho vay là vật.

1. Khái niệm vay tài sản là vật

Theo Từ điển Luật học của Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa và Nhà xuất bản Tư pháp năm 2006 thì vật là bộ phận của thế giới vật chất có thể đáp ứng nhu cầu của con người, con người có thể kiểm soát được. Vật có thể tồn tại tự nhiên hoặc do con người tạo ra.

Theo Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin năm 2014 thì vật chất là cái có hình thể, có chất riêng mà cảm giác con người có thể nhận ra.

Điều 463 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo khoản 1 Điều 105 BLDS 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”

Như vậy vật là tài sản có thể cho vay và tính lãi suất. Tuy nhiên hiện nay việc tính lãi suất đối với tài sản cho vay là vật chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nên việc tính lãi suất đối với tài sản vay là vật còn nhiều khó khăn vướng mắc, cụ thể là nếu tính lãi là vật thì việc xác định giá trị vật tại thời điểm nào để tính lãi.

2. Lãi suất cho vay tài sản là vật

Ví dụ: Ngày 5/1/2019 ông A cho ông B vay 5 chỉ vàng 24 kara, giá vàng thời điểm cho vay là 4.000.000 đồng/chỉ, thỏa thuận lãi suất vay 1,66%/tháng, thời hạn vay 1 năm. Đến ngày 5/1/2020 ông B không trả nên ông A khởi kiện đến Tòa án yêu cầu ông B trả 5 chỉ vàng 24 kara và lãi suất 1,66%/tháng, thời điểm khởi kiện giá vàng 24 kara là 4.500.000 đồng/ chỉ, thời điểm xét xử giá vàng 24 kara là 5.000.000 đồng/ chỉ.

Quan điểm thứ nhất: Không tính lãi suất đối với tài sản cho vay căn cứ theo tiểu mục 1 mục III Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC về việc giải đáp bổ sung một số vấn đề về áp dụng pháp luật có giải đáp nội dụng: “Khi các bên có tranh chấp và có yêu cầu Toà án giải quyết việc vay tài sản là vàng và có lãi suất, thì Toà án cần xác định lại xem việc giao dịch vay vàng vào thời điểm nào và tại thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước có quy định việc cho vay vàng có lãi suất hay không? Nếu tại thời điểm giao dịch vay vàng không có quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay vàng có lãi suất, thì Toà án không chấp nhận việc tính lãi suất. Nếu tại thời điểm giao dịch vay vàng có quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay vàng có lãi suất, thì Toà án chấp nhận việc tính lãi suất và mức lãi suất chỉ được tính bằng mức lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định, không tính lãi suất bằng tiền và cũng không quy vàng ra tiền để tính lãi suất theo số tiền”.

Năm 1992, Thống đốc NHNN Việt Nam ra quyết định công bố mức lãi suất cho vay đối với vàng tối đa là 7%/năm. Tuy nhiên từ năm 2000, Thống đốc NHNN Việt Nam đã hủy bỏ quyết định năm 1992, từ đó đến nay không có văn bản nào quy định về mức lãi suất cho vay vàng. Do vậy, từ giai đoạn này, không còn cơ sở để áp dụng mức lãi suất vay vàng 7%/năm để xử lý tranh chấp.

Quan điểm thứ hai: Do tài sản là vật có sự chênh lệch về giá tại thời điểm cho vay và thời điểm trả nhưng phải xác định lãi trên số tiền được quy ra tại thời điểm cho vay dù cao hơn hay thấp hơn tại thời điểm trả để tính lãi suất. Cụ thể trong ví dụ trên là lấy giá trị vàng 4.000.000 đồng/ chỉ để tính lãi. Căn cứ theo tiểu mục 1 mục I phần B Giải đáp số 6183/VKSTC-V14 ngày 25/12/2019 của VKSNDTC giải đáp vướng mắc về pháp luật dân sự, hành chính có giải đáp nội dụng: “Mặc dù Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 chỉ quy định việc trả lãi đối với tài sản vay là tiền, tuy nhiên, căn cứ vào khoản 2 Điều 14 Bộ luật dân sự 2015: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng ”, trường hợp vay tài sản là vật, có thỏa thuận về lãi mà có tranh chấp về việc trả lãi thì Tòa án vẫn phải thụ lý vụ án để giải quyết. Việc giải quyết phải được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; tài sản vay là vật có thể được quy ra giá trị bằng tiền để tính lãi suất theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015”.

Quan điểm thứ ba: Tính lãi suất đối với giá trị vàng được quy ra tại thời điểm xét xử là 5.000.000 đồng/chỉ. Căn cứ theo tiểu mục 21 mục III Giải đáp số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của TANDTC về một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng có giải đáp nội dung: “Nếu bên vay không có thóc để trả thì Toà án tính thóc thành tiền theo giá thị trường tự do lúc xét xử sơ thẩm. Nếu các đương sự thoả thuận trả lãi thì Toà án chấp nhận mức lãi mà họ đã thoả thuận. Nếu các đương sự không thống nhất với nhau về mức lãi vì bên cho vay đòi lãi cao, còn bên vay đồng ý trả lãi với mức thấp hơn hoặc nếu khi vay và cho vay các đương sự không đề cập đến vấn đề lãi, chỉ đến khi quá hạn trả nợ bên cho vay mới yêu cầu trả lãi, thì chỉ tính lãi từ thời điểm nợ quá hạn theo thoả thuận về thời điểm trả nợ. Mức lãi mà Toà án áp dụng cho cả hai trường hợp này là mức lãi suất tiền cho vay của các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay. Trong trường hợp này Toà án phải tính giá trị số thóc cho vay thành tiền theo giá thị trường tự do khi xét xử sơ thẩm để tính lãi...".

Quan điểm thứ tư: Tính lãi suất đối với giá trị vàng được quy ra bằng tiền tại thời điểm ông B chậm trả làm ảnh hưởng quyền lợi của ông A là 4.500.000 đồng/chỉ để tính lãi.

Quan điểm thứ năm: Tính lãi suất đối với giá trị vàng được quy ra bằng tiền tại từng thời điểm từ thời điểm ông B chậm trả làm ảnh hưởng quyền lợi của ông A là 4.500.000 đồng/chỉ đến khi xét xử là 5.000.000 đồng/chỉ để tính lãi.

Theo tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai vẫn tính lãi suất đối với tài sản vay là vật và do vật có biến động về giá có thể tăng hoặc giảm nhưng tại thời điểm cho vay giá trị vật được xác định bao nhiêu thì sẽ tính lãi suất trên giá trị vật tại thời điểm cho vay đến khi trả xong nợ, không xác định tính lãi đối với giá trị vật tại các thời điểm khác. Như vậy vừa đảm bảo quyền lợi của cả bên vay và bên cho vay, tránh vướng mắc trong quá trình áp dụng giải quyết.

3. Kiến nghị

Hiện nay loại tranh chấp đối với tài sản vay là vật tuy không phổ biến nhưng để có căn cứ giải quyết kịp thời khi phát sinh, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp, chúng tôi kiến nghị liên ngành trung ương có văn bản hướng dẫn về việc tính lãi suất đối với tài sản vay là vật nói chung và đối với tài sản vay là vàng nói riêng theo hướng đối với tài sản là vật thì quy ra thành tiền tại thời điểm cho vay để tính lãi suất theo quy định của BLDS.

 

 

 

 

 

 

 

HUỲNH VĂN SÁNG (VKSND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)