Bàn về tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ theo Bộ luật Hình sự

BLHS 2015 của nước ta chỉ quy định hành vi “đòi hối lộ” trong cấu thành tăng nặng của tội nhận hối lộ, trong khi đó, cấu thành cơ bản của tội này chỉ có hai hành vi là đã nhận hoặc sẽ nhận, điều này dẫn đến bất cập là chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu của việc xây dựng CTTP cơ bản, đặc biệt là yêu cầu “tính khái quát cao” và “rõ ràng” của CTTP.

1.Quy định của pháp luật

Tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS)

Trước hết, người phạm tội nhận hối lộ đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận bất kỳ lợi ích nào từ người đưa hối lộ. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi phạm tội của mình. Nếu không có chức vụ, quyền hạn thì sẽ rất khó khăn trong việc nhận các lợi ích để giải quyết theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, chủ thể phải có việc lợi dụng chức vụ để nhận các lợi ích của người đưa hối lộ thì mới bị coi là nhận hối lộ.

Hành vi nhận hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian. Nhận hối lộ trực tiếp là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp nhận của hối lộ từ người đưa hối lộ không qua người khác, ví dụ như nhận tiền hối lộ từ tay người đưa hối lộ. Việc nhận của hối lộ trực tiếp có thể được thực hiện thông qua các loại hình dịch vụ, ví dụ như dịch vụ chuyển tiền, hàng hoá của ngân hàng hoặc bưu điện. Nhận hối lộ trực tiếp còn có thể là trường hợp tuy chưa nhận của hối lộ song người có chức vụ, quyền hạn đã trực tiếp thỏa thuận với người đưa hối lộ thông qua gặp mặt hoặc trao đổi qua điện thoại, thư điện tử… Còn đối với trường hợp nhận hối lộ qua trung gian thì người có chức vụ, quyền hạn gián tiếp nhận của hối lộ từ người đưa hối lộ thông qua người khác, chẳng hạn như thông qua người môi giới hối lộ. Qua trung gian không nhất thiết là chỉ qua người thứ ba mà có thể qua nhiều người, nhiều khâu nhưng cuối cùng thì tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của người đưa hối lộ cũng đến với người nhận hối lộ. Trường hợp người nhận thỏa thuận việc hối lộ với người đưa và nhận của hối lộ qua người môi giới hối lộ thì cũng được coi là gián tiếp nhận hối lộ.

Tội đưa hối lộ (Điều 364 BLHS)

Đưa hối lộ là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc bất kì lợi ích phi vật chất nào cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.                                        

Hành vi khách quan của tội đưa hối lộ là người đưa hối lộ đã có hành vi “đưa” của hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi đưa của hối lộ có thể được thực hiện một cách trực tiếp (người đưa trực tiếp đưa cho người nhận hối lộ) hoặc có thể gián tiếp qua trung gian (người môi giới hối lộ).

2.Thực tiễn và kiến nghị, đề xuất

2.1.Quy định hành vi “đòi hối lộ” trong CTTP cơ bản của tội nhận hối lộ và hành vi “đề nghị đưa hối lộ” trong CTTP cơ bản của tội đưa hối lộ

Theo Điều 354 BLHS 2015 thì nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Theo đó thì giữa giữa bên nhận và đưa hối lộ đã tồn tại một thỏa thuận trái pháp luật: bên nhận hối lộ nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ một lợi ích nào đó từ người đưa hối lộ, còn người đưa hối lộ thì đưa lợi ích cho người nhận để đổi lấy việc làm hay không làm một việc nào đó của người nhận. Như vậy, hai bên đã có sự thỏa thuận, thống nhất về của hối lộ cũng như phương thức, thời gian, thời điểm,… đưa và nhận hối lộ.

Tuy nhiên, có trường hợp việc nhận hối lộ không phải do thỏa thuận giữa hai bên mà chính là do sự áp đặt ý chí từ một bên, đó chính là hành vi “đòi hối lộ” của người nhận hối lộ. Đó chính là trường hợp người nhận hối lộ chủ động đòi hỏi của hối lộ, áp đặt lên ý chí của người đưa hối lộ để có thể đạt được việc như người đưa mong muốn. Không những thế, người nhận hối lộ còn có thể áp đặt luôn cả phương thức, thời gian, địa điểm… để nhận của hối lộ. Có thể nói, đây là hành vi hết sức nguy hiểm và khó lường. Tuy nhiên, BLHS 2015 của nước ta lại chỉ quy định hành vi “đòi hối lộ” trong cấu thành tăng nặng của tội nhận hối lộ, trong khi đó, cấu thành cơ bản của tội này chỉ có hai hành vi là đã nhận hoặc sẽ nhận, điều này dẫn đến bất cập là chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu của việc xây dựng CTTP cơ bản, đặc biệt là yêu cầu “tính khái quát cao” và “rõ ràng” của CTTP. Hành vi “đòi hối lộ” là tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 354 BLHS 2015. Tức là, một người muốn xem xét tình tiết tăng nặng là “đòi hối lộ” thì phải thỏa các yếu tố khoản 1, tức cấu thành cơ bản trước, điều này có nghĩa là phải có hành vi nhận hoặc sẽ nhận trước rồi mới xem xét chủ thể có hành vi đòi hối lộ không để áp dụng tình tiết tăng nặng ở khoản 2. Trong một số trường hợp, người có chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ trước rồi mới thức hiện yêu cầu của người đưa, tuy nhiên, cũng có trường hợp việc nhận hối lộ xảy ra sau khi người có chức vụ, quyền hạn đã hoàn thành xong công việc theo yêu cầu của người đưa. Đòi hối lộ là một hành vi nguy hiểm với sự áp đặt ý chí từ một bên, hành vi nhận hoặc sẽ nhận là hành vi tiếp theo của hành vi đòi hối lộ. Hay nói cách khác hành vi “đòi hối lộ” bào hàm cả hành vi nhận và sẽ nhận hối lộ[1].

Pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia phân tích ở trên đều nhận định hành vi “đòi hối lộ” là hành vi nguy hiểm và quy định hành vi này ngay trong cấu thành cơ bản. Do vậy, quy định hành vi “đòi hối lộ” ở khoản 2 Điều 354 là chưa phản ánh đúng đắn được bản chất cũng như tính chất nguy hiểm của các hành vi này. Do vậy, tác giả kiến nghị nên đưa yếu “đòi hối lộ” vào cấu thành cơ bản của tội nhận hối lộ. Hơn nữa, do hành vi “đòi hối lộ” mang tính chất nguy hiểm hơn hành vi “nhận” và “sẽ nhận”, do vậy, nên sắp xếp các hành vi này trong CTTP cơ bản của tội nhận hối lộ theo thứ tự “đòi hối lộ”, “nhận” rồi mới đến “sẽ nhận” thì sẽ phù hợp hơn.

Tương tự như vậy, đối với tội đưa hối lộ, tác giả kiến nghị nên quy định hành vi “đề nghị đưa” trong cấu thành cơ bản của tội tội đưa hối lộ. Và cũng căn cứ vào mức độ nguy hiểm của các hành vi đưa hối lộ nên sắp xếp các hành vi này theo thứ tự là: “đề nghị đưa”, “đã đưa” và “sẽ đưa”.

Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và pháp luật của hầu hết các quốc gia được nghiên cứu cũng đều phản ánh hành vi “đòi hối lộ” trong mặt khách quan của tội phạm. Trên cơ sở đó, tác giả kiến nghị các điều luật về nhận và đưa hối lộ nên được sửa đổi như sau:

Điều 354. Tội nhận hối lộ

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đề nghị, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt…”

Điều 364. Tội đưa hối lộ

“1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đề nghị đưa, đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt…”

2.2.Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội đưa và nhận hối lộ

Công ước UNCAC và Bản kế hoạch chống tham nhũng được nghiên cứu đều đề cập đến TNHS của pháp nhân. Đặc biệt, đối với các quy định về tội phạm hối lộ, TNHS của pháp nhân cũng được dành một sự quan tâm đáng kể.

Cụ thể nhất là theo Kế hoạch chống tham nhũng pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, nghĩa vụ dân sự và hành chính. Các quốc gia đã ký kết quy định TNHS đối với pháp nhân phạm tội này như Ôt-xtrây-lia, Nhật Bản và Hàn Quốc; tuy nhiên ở Nhật Bản và Hàn Quốc thì những quy định này chỉ giới hạn ở các pháp nhân liên quan đến việc chủ động hối lộ các quan chức nước ngoài. Do không thể bỏ tù một pháp nhân nên người ta bắt pháp nhân phải nộp một khoản tiền phạt thêm so với (chứ không phải là với điều kiện) án phạt có thể có đối với pháp nhân đã phạm tội này.

Công ước UNCAC lại không phân biệt trách nhiệm của pháp nhân trong lĩnh vực công hay lĩnh vực tư. Công ước này đã quy định cả vấn đề TNHS của pháp nhân trong các tội phạm về hối lộ[2]. Nếu người đưa hối lộ hành động vì lợi ích của pháp nhân và nhân danh pháp nhân, TNHS của pháp nhân sẽ được đặt ra đối với pháp nhân đó.

Nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp hình sự của một số nước cho thấy xu thế quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân ngày càng nhiều. Ở Singapore, cả cá nhân lẫn công ty đều có thể phải chịu trách nhiệm về tội hối lộ, kể cả hối lộ của một quan chức nước ngoài. Các điều khoản khác nhau trong Luật phòng chống tham nhũng quy định một số tội phạm có thể xảy ra bởi “một người” nếu người đó tham gia vào hành vi tham nhũng nhất định. Thuật ngữ “người” đã được định nghĩa trong Đạo luật Giải thích Singapore bao gồm cả “bất kỳ công ty hoặc hiệp hội, công ty hoặc chưa thành lập”. Trong các quốc gia được nghiên cứu thì Trung Quốc là quốc gia có quy định đầy đủ và rõ ràng nhất về TNHS đối với pháp nhân phạm tội hối lộ. BLHS Trung Quốc cũng quy định tội đưa hối lộ thực hiện bởi pháp nhân, những người phụ trách trực tiếp và những nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp khác đồng thời cũng phải chịu TNHS về tội đưa hối lộ. Bên cạnh đó Điều 164 quy định về tội đưa hối lộ trong lĩnh vực tư cũng khẳng định pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm này và những người phụ trách trực tiếp hoặc nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp không được pháp nhân gánh thay TNHS. Đây là một điểm đáng chú ý khi quy định những cá nhân là đồng phạm với pháp nhân khi thực hiện tội phạm hay còn gọi là “TNHS kép”.

Thực tế cho thấy, trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt như ở nước ta hiện nay, đã xuất hiện nhiều hành vi của đại diện công ty, doanh nghiệp vì muốn giành được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu cho công ty, doanh nghiệp của mình mà thực hiện một số hành vi như đưa hối lộ người có chức vụ, quyền hạn,... Pháp luật các nước được nghiên cứu tại Chương 2 cũng đều quy định TNHS đối với pháp nhân trong loại tội phạm này. Tuy nhiên, chỉ nên coi pháp nhân là chủ thể chịu trách nhiệm hình sự khi đủ các điều kiện sau đây[3]:

Một là, pháp nhân chỉ phải chịu TNHS trong trường hợp cá nhân là thành viên pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân (đại diện của pháp nhân hoặc đại diện theo ủy quyền);

Hai là, pháp nhân chỉ phải chịu TNHS trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân;

Ba là, pháp nhân chỉ phải chịu TNHS trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi theo chủ trương hoặc có sự chỉ đạo từ pháp nhân.

Mặc dù, BLHS 2015 đã quy định các pháp nhân thương mại cũng là chủ thể phạm tội phạm. Tuy nhiên, BLHS 2015 lại không quy định xử lý đối với pháp nhân phạm các tội phạm về hối lộ, do đó không thể xử lý hình sự loại hành vi này của pháp nhân. Do đó, tác giả kiến nghị đề xuất nên quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại đối với hai tội đưa và nhận hối lộ, thứ nhất, để phù hợp với xu thế chung trên thế giới hiện nay, thứ hai, đáp ứng được yêu cầu về thực tiễn không bỏ sót tội phạm đối với hành vi đưa và nhận hối lộ của pháp nhân thương mại.

 

TAND TP Hà Nội xét xử cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an Nguyễn Duy Linh nhận hối lộ 5 tỷ đồng của Phan Văn Anh Vũ - Ảnh: PV

 

 

[1] Trần Hữu Tráng, “Hoàn thiện quy định về các tội nhận và đưa hối lộ”, Tạp chí Luật học, số 3/2009, trang 69.

[2]Theo Điều 26 Công ước UNCAC.

[3] Đào Lệ Thu, Trần Văn Dũng, Trịnh Tiến Việt, Báo cáo tổng thuật, Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật Hình sự Việt Nam từ góc độ so sánh luật, trang 48,49.

ĐOÀN PHƯỚC HÒA  (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)