Bàn về yêu cầu giám định trong tố tụng dân sự
Hoạt động giám định tư pháp góp phần bảo vệ hữu hiệu các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc tạo lập và cung cấp những chứng cứ mang tính khoa học, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả và chất lượng của hoạt động tố tụng. Giám định tư pháp trong tố tụng dân sự gồm có trưng cầu giám định và yêu cầu giám định.
1. Khái quát chung về giám định tư pháp
Theo khoản 1 Điều 2 Luật giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật giám định tư pháp năm 2012), “giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.
Theo Luật giám định tư pháp năm 2012 và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, để có kết luận giám định, có thể tiến hành thông qua hai hình thức: Trưng cầu giám định và yêu cầu giám định. Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định là biện pháp thu thập chứng cứ được quy định tại khoản 1 Điều 102 BLTTDS năm 2015: “1. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự”.
Đối với nhiều vụ việc dân sự, để giải quyết chính xác, đúng đắn các vấn đề đặt ra thì phải có người giám định tham gia tố tụng dân sự. Điều 79 BLTTDS năm 2015 quy định: Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc do đương sự yêu cầu giám định theo Điều 102 Bộ luật này. Người giám định tham gia tố tụng dân sự không phải để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, mà để hỗ trợ Tòa án và đương sự xác định, làm sáng tỏ các vấn đề cần thiết trong vụ việc dân sự. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có quyền triệu tập người giám định đến tham gia phiên tòa để giải thích, trả lời những vấn đề liên quan đến kết luận giám định, nếu họ vắng mặt thì Tòa án có thể phải hoãn phiên tòa.
2. Một số bất cập về yêu cầu giám định theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Thứ nhất, chưa có sự đồng bộ giữa quy định của BLTTDS năm 2015 và Luật giám định tư pháp năm 2012. Khoản 1 Điều 102 BLTTDS năm 2015 quy định: “Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự”.
Khoản 4 Điều 22 Luật giám định tư pháp năm 2012 quy định: “Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”.
Theo đó, về vấn đề yêu cầu giám định, Luật giám định tư pháp năm 2012 chỉ đề cập đến vụ án dân sự, trong khi BLTTDS năm 2015 điều chỉnh cả vụ án và việc dân sự. Các hoạt động giám định trong giải quyết việc dân sự là chứng cứ rất quan trọng; trong nhiều việc dân sự, kết luận giám định là chứng cứ duy nhất để Tòa án ra phán quyết (ví dụ: Tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi…). Bên cạnh đó, quy định về thời điểm cuối cùng để đương sự thực hiện quyền yêu cầu giám định (trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử) chưa đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa của các đương sự, chưa đảm bảo nguyên tắc đánh giá chứng cứ phải “khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác”. Bởi lẽ, khoản 5 Điều 94 BLTTDS năm 2015 ghi nhận kết luận giám định là một nguồn chứng cứ và sẽ được coi là chứng cứ nếu việc giám định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định, nguồn chứng cứ này cần được xác định xuyên suốt các giai đoạn tố tụng.
Thứ hai, pháp luật chỉ xác định thời điểm chấm dứt quyền mà không quy định thời hạn thực hiện quyền yêu cầu giám định, dẫn đến nhiều trường hợp quyền này không được thực hiện. Cụ thể, thời điểm xác lập quyền yêu cầu giám định của đương sự là khi Tòa án thông báo không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định. Vấn đề đặt ra là: Trong nhiều trường hợp, Tòa án ra thông báo không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định khi gần hết thời hạn chuẩn bị xét xử, nên đương sự không kịp thực hiện yêu cầu giám định của mình thì xử lý như thế nào?
Thứ ba, chưa có quy định cụ thể về việc Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự. Khoản 1 Điều 22 Luật giám định tư pháp năm 2012 quy định: “Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu trưng cầu giám định, phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định”.
Theo đó, có 02 dạng hành vi thể hiện việc Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự, đó là: Trực tiếp ban hành thông báo từ chối yêu cầu; hoặc không có văn bản thể hiện việc chấp thuận hay không chấp thuận yêu cầu, mà để hết thời hạn thông báo (07 ngày). Vấn đề đặt ra là: Trong trường hợp Tòa án không ban hành văn bản từ chối, thì đương sự chứng minh cho tổ chức được yêu cầu giám định về việc Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự như thế nào? Bên cạnh đó, pháp luật cũng không quy định chế tài đối với Thẩm phán khi từ chối yêu cầu trưng cầu giám định nhưng không ban hành thông báo từ chối để đương sự thực hiện quyền yêu cầu giám định của mình.
Thứ tư, chưa có quy định cụ thể về việc Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định bổ sung của đương sự. Khoản 3, khoản 4 Điều 102 BLTTDS năm 2015 quy định:
…“3. Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa, phiên họp để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết.
4. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó”.
So với thủ tục giám định lần đầu, thì việc giám định bổ sung cũng dựa trên yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết. Người trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người yêu cầu trưng cầu giám định quyết định việc trưng cầu giám định bổ sung. Tuy nhiên, pháp luật không điều chỉnh trường hợp Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định bổ sung của đương sự thì đương sự có quyền tự mình yêu cầu giám định bổ sung hay không.
3. Đề xuất, kiến nghị
Để đảm bảo quy định về yêu cầu giám định được áp dụng thống nhất, chính xác, hiệu quả trong thực tiễn, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn những nội dung sau:
Một là, cần sửa đổi Điều 102 BLTTDS năm 2015 và Điều 22 Luật giám định tư pháp năm 2012 theo hướng các điều luật trên điều chỉnh vấn đề trưng cầu giám định, yêu cầu giám định cả trong vụ án dân sự và việc dân sự. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, giám định trong giải quyết việc dân sự là nguồn chứng cứ quan trọng giúp Tòa án ban hành quyết định một cách chính xác.
Hai là, cần mở rộng thời hạn thực hiện quyền yêu cầu giám định của đương sự trong cả quá trình giải quyết vụ án sơ thẩm và phúc thẩm. Thực tế hiện nay cho thấy, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử vẫn chấp nhận yêu cầu giám định vì lý do chứng cứ không đầy đủ; đây cũng là căn cứ để cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm theo Điều 310 BLTTDS năm 2015. Việc cho phép giám định ngay cả tại phiên tòa, mà không bị giới hạn về thời gian theo Điều 102 BLTTDS năm 2015 giúp đảm bảo sự chính xác trong đánh giá chứng cứ bản án sơ thẩm bị hủy, sửa vì lý do vi phạm thủ tục giám định.
Ba là, cần quy định cụ thể về việc ra thông báo từ chối yêu cầu trưng cầu giám định theo hướng: “Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự phải ban hành thông báo trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu trưng cầu giám định”, nhằm đảm bảo quyền lợi của đương sự trong việc tiếp tục thực hiện các thủ tục tự mình yêu cầu giám định. Việc đương sự có thông báo từ chối yêu cầu trưng cầu giám định của Tòa án kèm theo đơn yêu cầu giám định sẽ là căn cứ giúp đương sự cũng như cơ quan giám định thuận lợi thực hiện các thủ tục tố tụng; tránh trường hợp cơ quan giám định yêu cầu cung cấp văn bản từ chối giám định của Tòa án nhưng đương sự không thể cung cấp.
Bốn là, về yêu cầu giám định bổ sung, cần quy định cụ thể trường hợp Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định bổ sung của đương sự thì phải ban hành thông báo, đồng thời cho phép đương sự có quyền tự mình yêu cầu giám định bổ sung theo Điều 102 BLTTDS năm 2015 để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của đương sự trong quá trình tham gia tố tụng dân sự.
Theo: Tạp chí Kiểm sát
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận