Bảo đảm quyền nhân thân của người lao động theo pháp luật lao động Việt Nam hiện hành

Bài viết phân tích quy định của pháp luật hiện hành về bảo đảm quyền nhân thân của người lao động theo pháp luật Việt Nam.

Đặt vấn đề

Quyền nhân thân thuộc phạm trù của quyền con người, chỉ gắn với mỗi con người cụ thể. Ở mức độ cao nhất, quyền con người là những quyền tự nhiên vốn có khi con người sinh ra, thiêng liêng và bất khả xâm phạm, như quyền sống, quyền tự do lựa chọn việc làm, quyền mưu cầu hạnh phúc... Mỗi con người đều có đời sống riêng, tâm tư, tình cảm, nhân cách, phẩm giá, uy tín riêng… làm nên những giá trị tinh thần cốt lõi của người đó.  

Kinh tế càng phát triển thì khả năng thu hút sức lao động càng cao, với quá trình này, không thể bỏ qua nhu cầu về bảo vệ người lao động đặc biệt là quyền nhân thân của người lao động là mục tiêu hàng đầu của pháp luật lao động nước ta. Xã hội càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao kéo theo đó nhận thức của mỗi người lao động ngày càng được hoàn thiện hơn. Những người lao động họ đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ các quyền lợi của chính mình khi tham gia vào quan hệ lao động, đặc biệt là quyền nhân thân. Do đó, nhu cầu được pháp luật bảo vệ quyền nhân của người lao động là hoàn toàn thiết thực và cần thiết đối với xã hội ngày nay.

1. Định nghĩa về bảo vệ quyền nhân thân của người lao động

Người lao động từ xưa đến nay vẫn được coi là bộ phận yếu thế được pháp luật quan tâm và bảo vệ. Bảo vệ quyền nhân thân cho người lao động góp phần tạo nên sự cân bằng trong mối quan hệ lao động, tạo động lực phát triển xã hội văn minh. Vậy bảo vệ quyền nhân thân của người lao động là gì? Tác giả xin tóm lược sơ qua về “bảo đảm quyền nhân thân của người lao động” dưới góc độ là một công dân Việt Nam trong bài viết của mình.

Quyền nhân thân là một bộ phận của quyền con người, quyền dân sự và không tách rời khỏi quyền con người[1]. Theo quy định tại Điều 24 BLDS 2005 và Điều 25 BLDS 2015, thì quyền nhân thân được hiểu là một loại quyền dân sự. Do vậy, tìm hiểu khái niệm quyền nhân thân trước hết phải xuất phát từ khái niệm quyền con người, quyền dân sự.

Người lao động là một cá nhân trong xã hội trước hết họ cũng là một công dân. Do đó, họ cũng có những quyền nhân thân cơ bản của một công dân. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 của Liên hợp quốc đã chỉ ra các quyền nhân thân của con người, trong đó có người lao động, đó là: quyền làm việc, quyền được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, quyền được thành lập và gia nhập công đoàn, quyền đình công, quyền được hưởng an sinh xã hội kể cả bảo hiệm xã hội, quyền được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần… Như vậy, quyền nhân thân của người lao động theo cách hiểu chung nhất là “những quyền dân sự gắn liền với người lao động, không thể chuyển giao cho người khác trong quá trình tham gia vào quan hệ lao động trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Quyền nhân thân được biết đến là một phần nhỏ của khái niệm quyền công dân. Từ khi được sinh ra, mọi người đều có quyền nhân thân và quyền này sẽ chỉ chấm dứt khi người đó chết đi. Quyền nhân thân không nằm trong phạm trù tài sản không thể chuyển nhượng, hay định đoạt, hay chuyển giao cho người khác được. Quyền nhân thân ở đây mang tính xã hội, phản ánh sự phát triển của một xã hội, thể hiện thái độ của nhà nước với mỗi công dân.

Theo BLDS mới nhất năm 2015 có quy định rằng: “Quyền nhân thân được quy định trong bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”[2]. Vậy chúng ta có thể hiểu quyền nhân thân là một bộ phận của quyền con người, quyền dân sự và không thể tách rời khỏi quyền con người

Định nghĩa “Bảo vệ quyền nhân thân của người lao động là việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền lao động của người lao động khi tham gia vào mối quan hệ lao động”.

Với định nghĩa Bảo vệ quyền nhân thân của người lao động là việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền lao động của người lao động khi tham gia vào mối quan hệ lao động thì pháp luật về bảo vệ quyền nhân thân của người lao động được hiểu là các văn bản quy phạm pháp luật có các điều luật, biện pháp được đưa ra nhằm hướng tới mục đích bảo vệ các quyền nhân thân của người lao động

Do đó, việc nghiên cứu các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền nhân thân của người lao động để có thể nâng cao hiệu quả của việc thực thi pháp luật trên thực tế cũng vô cùng cấp thiết.

2. Phân loại quyền nhân thân của người lao động

Tại mục 2 BLDS 2015 có quy định về quyền nhân thân, tại mục này đã quy định rất chi tiết và đầy đủ về quyền nhân thân từ Điều 25 đến Điều 39, như: quyền đối với họ tên; quyền thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh; quyền được khai tử; quyền đối với hình ảnh; quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được hiến bộ phận thân thể; quyền bí mật đời tư; quyền kết hôn; quyền bình đẳng vợ chồng… rất nhiều các quyền nhân thân của người lao động đã được quy định. Các quyền nhân thân này có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, mỗi tiêu chí thể hiện một khía cạnh pháp lý đặc thù[3].

Xét dưới góc độ quyền nhân thân của người lao động cũng như căn cứ trên các quy định của pháp luật lao động thì có thể phân loại quyền nhân thân của người lao động thành 3 nhóm sau:

Thứ nhất, là quyền lao động: Pháp luật lao động ở Việt Nam bảo vệ quyền nhân thân của người lao động thông qua các quy định như: tự do lựa chọn việc làm của người lao động; các quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và sa thải người lao động và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về việc làm và hợp đồng lao động…

Thứ hai, là quyền được bảo đảm về an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể của người lao động. Trong đó bao gồm các nội dung: quy định về chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi, quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, quy định về chế độ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động… nhằm bù đắp hao phí sức lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Thân thể của mỗi cá nhân không phải là tài sản, mà thuộc về nhân thân của cá nhân đó. Các quyền liên quan đến thân thể của người lao động được bảo vệ một cách giống nhau ở mọi người lao động.

Thứ ba, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền lao động của người lao động. bao gồm như: các quy định về chống phân biệt đối xử, người lao động được tôn trọng, được đối xử công bằng và bình đẳng giữa những người lao động với nhau. Ngoài ra, nghiêm cấm mọi hành vi: quấy rối tình dục và ngược đãi, bạo hành người lao động…

Từ việc phân loại quyền nhân thân của người lao động sẽ tạo nền tảng để xây dựng các quy định pháp luật lao động phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động một cách hiệu quả nhất đối với mỗi nhóm quyền nhân thân thì pháp luật sẽ có những cơ chế riêng để bảo vệ.

3. Bảo vệ các quyền nhân thân của người lao động

Với tinh thần bảo vệ người lao động một cách toàn diện, bảo vệ tất cả các quyền con người trong lĩnh vực lao động thì các quyền nhân thân gắn với lĩnh vực lao động là đối tượng quan trọng cần được pháp luật lao động coi trọng bảo vệ.

Vấn đề bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người lao động trong quá trình lao động được đặc biệt chú trọng. Bộ luật Lao động hiện hành cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm cho từng cấp, ngành, nhằm mục đích bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động. Các đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ chế độ khám sức khỏe, trợ cấp độc hại cho người lao động. Việc sử dụng lao động phải bảo đảm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, không vượt quá mức luật quy định. Người sử dụng lao động phải rút ngắn thời gian làm việc cho các đối tượng: lao động tàn tật, lao động vị thành niên, lao động nữ mang thai, lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại để bảo đảm sức khỏe cho họ.

Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và nghiêm cấm người sử dụng lao động xúc phạm bằng bất cứ hình thức nào. Việc phân biệt đối xử, trả thù, trù dập người lao động vì bất cứ lý do nào đều vi phạm pháp luật. Ngay cả khi người lao động vi phạm kỷ luật thì người sử dụng lao động cũng không được xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của người lao động.

4. Một số biện pháp bảo vệ quyền nhân thân của người lao động

Biện pháp bảo vệ quyền nhân thân của người lao động trong pháp luật lao động hiện hành được hiểu là những biện pháp do luật lao động quy định nhằm bảo đảm cho các quyền nhân thân của người lao động trong pháp luật lao động được thực thi đầy đủ trên thực tế. Có rất nhiều cách để tiếp cận, tuy nhiên nếu căn cứ vào tính chất các biện pháp bảo vệ quyền nhân thân của người lao động thì có một số biện pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, biện pháp pháp lý

Biện pháp pháp lý là những quy định pháp luật liên quan đến những cách thức ban hành những quy định pháp luật, cách thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với người lao động và người sử dụng lao động. Các biện pháp pháp lý này đều được đưa ra dựa trên những tính chất về chủ thể thực hiện, tính chất của biện pháp và sự tác động của các biện pháp này lên các chủ thể là người lao động và người sử dụng lao động.

Nền tảng quan trọng để đảm bảo và thực thi các quyền nhân thân của người lao động chính là hệ thống pháp luật lao động của Nhà nước, pháp luật lao động của nước ta là một mặt quy định các quyền của người lao động trong từng lĩnh vực, mặt khác quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan trong việc tôn trọng và đảm bảo các quyền nhân thân của người lao động, đồng thời cũng quy định các biện pháp nhằm đảm bảo thực thi các quyền này trong thực tế[4].

Để bảo vệ các quyền nhân thân của người lao động, pháp luật đã xây dựng rất nhiều cơ chế từ đơn giản đến phức tạp, từ mềm dẻo đến cứng rắn, có giá trị thi hành từ thấp đến cao tạo ra sự linh hoạt trong quá trình bảo vệ các quyền nhân thân của người lao động. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh nhất định và từng giai đoạn khác nhau mà người lao động có thể lựa chọn các cơ chế khác nhau để áp dụng sao cho việc giải quyết nhanh chóng, thuận lợi và hợp lý nhất để bảo vệ tối đa các quyền nhân thân của người lao động.

Bên cạnh đó, hệ thống thanh tra cũng được xây dựng trong việc bảo vệ quyền nhân thân của người lao động. Hệ thống thanh tra tập trung vào ba lĩnh vực chính sau: đó là điều kiện làm việc, an toàn lao động và vệ sinh lao động. Hệ thống thanh tra lao động có chức năng thanh tra các đối tượng sau đây: các doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế; doanh nghiệp sản xuất là hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; các hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; các cơ quan hành chính, tổ chức, đơn vị sản xuất và dịch vụ kinh doanh trực thuộc các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác.

Thứ hai, biện pháp xã hội

Biện pháp xã hội là biện pháp thông qua tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thực hiện các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ chính những người lao động. Khi tham gia vào quan hệ lao động, người lao động có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về các nội dung của hợp đồng lao động. Pháp luật cho phép người lao động có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,... để bảo vệ các quyền nhân thân của mình. Hơn ai hết, người lao động sẽ có trách nhiệm để bảo vệ các quyền nhân thân của mình và hợp đồng lao động là nội dung chỉ liên quan đến họ và người sử dụng lao động nên họ sẽ phải tự cân nhắc về các nội dung trong hợp đồng lao động sẽ ký kết[5]...

Theo Bộ luật Lao động 2019, cụ thể: “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”[6].

Trong pháp luật lao động Việt Nam biện pháp này được thể hiện ở hai nội dung chính: Người lao động liên kết tạo sức mạnh tập thể, tự bảo đảm quyền con người của mình thông qua hoạt động tổ chức công đoàn và tiến hành đình công.  Như vậy, mối quan hệ lao động thường chỉ có hai bên là người sử dụng lao động và người lao động. Do bên người lao động luôn ở trong vị thế yếu hơn nên cần có những tổ chức đứng ra bảo vệ cho những người lao động. Đó là lý do vì sao có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Thứ ba, biện pháp kinh tế

Biện pháp kinh tế được thể hiện qua việc bồi thường thiệt hại. Trong mối quan hệ lao động khi có các sự việc xảy ra do việc người sử dụng lao động vi phạm các quy định về bảo vệ quyền nhân thân của người lao động gây ra các hậu quả có thể nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng lắm nhưng bắt buộc người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động một cách hợp lý và phù hợp với hoàn cảnh khi xảy ra các vấn đề, vụ việc và có dấu hiệu của sự tổn thất. Tổn thất đấy có thể hiểu là tổn thất về tinh thần hoặc là tổn thất về mặt vật chất.

Trong quan hệ pháp luật lao động thì bồi thường thiệt hại là một trong những biện pháp kinh tế để bảo vệ quyền nhân thân của người lao động một cách hữu hiệu trong nền kinh tế thị trường, khi lợi ích kinh tế là mục đích cơ bản của các bên khi tham gia quan hệ lao động. Đối với người lao động, biện pháp bồi thường thiệt hại được áp dụng ở nhiều lĩnh vực như bồi thường thiệt hại do người sử dụng lao động vi phạm về tiền lương, thu nhập; bồi thường thiệt hại do bị ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe và bồi thường thiệt hại do người sử dụng lao động vi phạm hợp đồng lao động.

Khi tham gia quan hệ lao động, tiền lương luôn là mối quan tâm lớn nhất của người lao động, bởi người lao động mong muốn có được thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình. Vì vậy, nếu người sử dụng lao động có lỗi hoặc gặp rủi ro khách quan, gây ra ngừng việc thì phải trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nếu người sử dụng lao động trậm chả lương cho người lao động thì còn phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do ngân hàng nhà nước quy định công bố tại thời điểm trả lương, người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm trả đủ lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị. 

Ngoài việc được bồi thường tiền lương, bồi thường về tính mạng sức khỏe, người lao động còn được bồi thường trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm hợp đồng lao động. Quy định này không những góp phần bảo đảm các quyền nhân thân của người lao động mà còn góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người sử dụng lao động.

Kết luận

Bảo vệ quyền nhân thân của người lao động không những thể hiện đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn giúp quan hệ lao động ngày càng hoàn thiện và ổn định hơn. Pháp luật lao động hiện hành cũng quy định các biện pháp bảo vệ cũng như bảo đảm cho quyền nhân thân của người lao động được thực thi một cách có hiệu quả trên thực tế. Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động nói chung, bảo vệ quyền nhân thân của người lao động nói riêng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của pháp luật lao động ở nước ta hiện nay.

 

ThS. LÊ THỊ HƯỚNG (Giảng viên Khoa Đào tạo đại học, Học viện Tòa án)

[1] Lê Đình Nghị, Quyền bí mật đời tư theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học Trường Đại học Luật Hà Nội, 2008, tr.8.

[2] Khoản 1 Điều 25 BLDS 2015.

[3] Nguyễn Hoài Thương, Bảo vệ quyền nhân thân của người lao động trong pháp luật lao động ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr.7.

[4] Tô Thị Phương Dung, Bảo vệ quyền nhân thân của người lao động là gì? Biện pháp bảo vệ, https://luatminhkhue.vn/bao-ve-quyen-nhan-than-cua-nguoi-lao-dong.aspx, truy cập ngày 01/7/2014.

[5] Tô Thị Phương Dung, Tlđd.

[6] Khoản 3 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019.