Các đối tượng chỉ phạm tội Trộm cắp tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết "Ba đối tượng phạm một hay hai tội?" của tác giả Nguyễn Văn Toàn, đăng ngày 04/6/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng, các đối tượng Tr, Đ, H chỉ phạm tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS.
Hiện nay, việc xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi thỏa mãn cấu thành của nhiều tội vẫn là một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi, chưa thống nhất quan điểm và chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào hướng dẫn về vấn đề này. Tuy nhiên, tại Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC có hướng dẫn nghiệp vụ về vấn đề này như sau:
“- Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn.
- Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.”
Trên thực tế, việc xác định người phạm tội thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn cấu thành của nhiều tội hoặc trường hợp thực hiện một chuỗi hành vi kế tiếp nhau về mặt thời gian, trường hợp nào chỉ phạm một tội, trường hợp nào thì phải xác định phạm nhiều tội khi thỏa mãn cấu thành tội phạm tương ứng? Điều này chúng ta phải nghiên cứu kỹ các vấn đề lý luận khi định tội danh trong khoa học pháp lý hình sự như các cặp quan hệ cấu thành tội phạm bao gồm cấu thành chung và cấu thành riêng (Quy phạm chung quy định một nhóm loại hành vi nhất định, quy phạm riêng là trường hợp cụ thể của nhóm loại hành vi đó, trong đó bổ sung thêm dấu hiệu riêng.
Ví dụ như giữa tội Vô ý làm chết người và tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp làm chết người); cấu thành chính và cấu thành bổ sung; cấu thành tội phạm thu hút và cấu thành tội phạm bị thu hút (đây là trường hợp những dấu hiệu của một cấu thành tội phạm trong sự so sánh với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm kia có tính chất như một bộ phận, nói cách khác, các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm đã thu hút các dấu hiệu của cấu thành tội phạm còn lại); cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm với cấu thành tội phạm của một tội độc lập khác (quy định hành vi đồng phạm nhất định thành tội danh riêng). Bên cạnh đó, việc định tội danh có thể căn cứ vào việc cạnh tranh giữa một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm của các tội danh đó là khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan.
Có thể nói đến khách thể của tội phạm, trong lý luận pháp luật hình sự, phải xác định được đâu là khách thể trực tiếp, có tội chỉ có một khách thể trực tiếp, có tội lại có thể có nhiều khách thể trực tiếp. Khách thể trực tiếp gồm khách thể trực tiếp cơ bản có ý nghĩa trong việc quyết định tội danh đối với một hành vi nguy hiểm cho xã hội, khách thể phụ giúp đảm bảo giải quyết vấn đề định tội danh theo nguyên tắc tổng hợp tội phạm, quyết định hình phạt và bồi thường thiệt hại. Như vậy, nếu định tội danh theo khách thể thì cần thiết phải xác định chính xác đâu là khách thể trực tiếp của tội phạm? Khách thể của tội phạm có bao hàm hết các khách thể mà hành vi phạm tội xâm phạm đến hay không? Nếu bao hàm hết thì chỉ xác định một tội danh đó, nếu không bao hàm hết thì phải xác định thêm tội danh tương ứng.
Trong trường hợp mà tác giả đưa ra, các đối tượng đã có các hành vi dùng cưa cắt các đoạn thân cây hoa giấy, xới đất xung quanh gốc cây để nhổ gốc nhưng nhổ không được làm phần gốc cây bị gãy, sau đó các đối tượng lấy được các đoạn thân hoa giấy có chiều dài 1,74m, có phần rễ cây nhưng các phần như nhánh, cành, gốc của cây còn lại hiện trường. Hành vi mà các đối tượng đã thực hiện xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, cụ thể là xâm phạm đến quyền sở hữu và quyền được bảo vệ về tài sản là cây hoa giấy của bà N. Mặc dù một hành vi của các đối tượng đã thỏa mãn dấu hiệu của hai tội danh độc lập nhưng thực chất chỉ xâm phạm đến một khách thể nên chỉ xác định các đối tượng phạm tội theo khách thể đó, trong trường hợp này là tội Trộm cắp tài sản.
Mặt khác, theo Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 thì “Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn”. So sánh giữa tội Trộm cắp tài sản và Hủy hoại tài sản thì tội Trộm cắp tài sản là tội nặng hơn nên trong trường hơp này, vì các đối tượng chỉ thực hiện một hành vi là lén lút chiếm đoạt cây hoa giấy của bà N, việc cắt cành, đào gốc chỉ là một trong những phương thức để các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nên các đối tượng này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản.
Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả và đồng nghiệp.
Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà, Kon Tum xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Sen Ngọc
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận