Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024: “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội
UBND Thành phố Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Hôm nay, UBND Thành phố Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”. Đây là năm thứ 2 chương trình được tổ chức, đồng thời cũng là bắt đầu một dấu mốc mới trong tiến trình chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng.
Năm 2023, năm đầu tiên Diễn đàn được tổ chức với chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số – nền tảng phát triển kinh tế, xã hội”. Kết quả thực hiện các định hướng năm 2024 rất đáng ghi nhận.
Năm 2024, thủ tục hành chính được giải quyết qua cổng dịch vụ công quốc gia đạt tỉ lệ xử lý hồ sơ đúng hạn đạt trên 90%. Thành phố đã tích hợp 1.579/1937 dịch vụ công trực tuyến lên cổng quốc gia đạt tỷ lệ 81,5%; Kho dữ liệu dùng chung đã khởi tạo được 192 bộ dữ liệu, 1.941 trường thông tin, 437.621 bản ghi, do 18/20 đơn vị Sở/Ngành cung cấp; Cổng dữ liệu mở đã có 50/98 bộ dữ liệu mở do 07 đơn vị Sở/Ngành cung cấp. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh đã kết nối liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng Giám định BHYT.
Triển khai Mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, Kios tự phục vụ, Mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VneID. Số hoá thuyết minh hình ảnh 25 điểm du lịch, gắn mã QR tra cứu thông tin cho 290 điểm di tích trên địa bàn thành phố. Ký số sổ điểm, học bạ điện tử ở các cấp học. Thành phố hiện có gần 1000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động; gần 9000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp triển khai hợp đồng điện tử đạt trên 80%, số lượng doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt hơn 40%. Hải Phòng cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thúc đẩy công nghệ 5G phục vụ sản xuất, logistics, cảng biển. Kết quả này, là tiền đề cho bước phát triển tiếp theo, mang tính đột phá trong công tác chuyển đổi số.
Các đại biểu về dự Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024
Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 21 – 22/11/2024, dự kiến thu hút hơn 1.000 lượt đại biểu đến từ 8 Bộ ngành Trung ương, 12 tỉnh/thành phố và 22 sở/ban/ngành. Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng và ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng hơn 30 diễn giả, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Các lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp sẽ cùng nhau chia sẻ và thảo luận trong 03 hoạt động chính: - Khai trương dự án Chính quyền số Hải Phòng – mô hình chính quyền số thế hệ mới
- Phiên toàn thể: Chuyển đổi số xanh – động lực phát triển kinh tế, xã hội
- Phiên chuyên đề: Kinh tế số - Kinh tế xanh
Cùng với đó là các hoạt động triển lãm, giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp công nghệ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để thúc đẩy chuyển đổi số. Dự án chính quyền số - dấu mốc mới trong tiến trình chuyển đổi số của Hải Phòng - nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội Không chỉ phục vụ chính quyền trong quản lý, hoạch định chính sách phát triển dài hạn của thành phố, Chính quyền số Hải phòng hướng đến làm nền tảng tạo động lực phát triển mới, khả năng tạo ra bước tiến lớn trong phát triển kinh tế, xã hội thông qua những lợi ích lớn dành cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ nhất: Kho dữ liệu dùng chung được thiết kế là một nền tảng mở để giúp cho cả người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dữ liệu quản lý của thành phố. Thứ hai, Nền tảng chính quyền số Hải Phòng đã xây dựng và cung cấp sẵn một số mô hình phân tích dữ liệu dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như mô hình phân tích dịch vụ công, quản lý kinh tế, y tế, giáo dục. Thứ ba, Ứng dụng Smart Hải Phòng được hoàn thiện. Ứng dụng này tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong: giải quyết các thủ tục hành chính; tra cứu thông tin; cung cấp dịch vụ cổng; thanh toán trực tuyến…
Thứ 4, ưu việt hơn cả, để không ai bị bỏ lại phía sau, hệ thống phát triển kỹ năng số thành phố Hải Phòng cung cấp một công cụ học trực tuyến cho toàn dân. Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết thêm: “Hải Phòng xác định chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo.”
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ cũng đã giới thiệu khuyến nghị Hải phòng tập trung vào bổ sung các giải pháp dữ liệu, giải pháp AI trong các lĩnh vực trọng yếu như quy hoạch, bất động sản, cảng biển, logistics. Chuyên gia đã thảo luận và thống nhất khuyến nghị: Hải phòng tập trung xây dựng và hoàn thiện: - Các hạ tầng số bao gồm: Hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kết nối – nhất là 5G, hạ tầng xanh để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giải pháp chuyển đổi số - có được từ lựa chọn, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để phổ biến thúc đẩy ứng dụng trong tất cả các cơ quan, doanh nghiệp - Dữ liệu số: Dữ liệu số là thành phần quan trọng trong xây dựng và phát triển chính quyền số của các địa phương, và là tài nguyên mới giá trị.
Hải Phòng liên tục tạo lập các kho dữ liệu số, đảm bảo “Đúng - đủ - sạch - sống”. Song song với đó, là thực hiện các công tác phổ biến & huy động doanh nghiệp cùng sử dụng, cùng khai thác, cơ chế khai thác tài nguyên dữ liệu: Thúc đẩy phát triển kinh tế. - Phát triển nguồn nhân lực số: Nguồn nhân lực luôn là nền tảng để thúc đẩy mọi sự phát triển. Hải Phòng cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực số, phát triển nguồn nhân lực công nghệ mới, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm năng như AI, bán dẫn, để không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn đủ khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế Phát triển kinh tế số - kinh tế xanh Chuyển đổi số không chỉ là yếu tố thúc đẩy kinh tế số mà còn là yếu tố then chốt để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh của Hải Phòng. Trong bối cảnh các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng, thành phố Hải Phòng xác định chuyển đổi số xanh là động lực quan trọng để phát triển các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp, cảng biển, du lịch và y tế.
Các đại biểu ấn nút Khai trương Dự án Chính quyền số TP. Hải Phòng
Đặc biệt, phiên chuyên đề "Kinh tế số - Kinh tế xanh", tập trung vào tư vấn xây dựng mô hình Khu công nghiệp xanh và thông minh, Doanh nghiệp sản xuất xanh thông minh, hướng tới tạo dụng môi trường đầu tư, sản xuất, phát triển kinh tế bền vững. TP. Hải Phòng hiện có 14 KCN đang hoạt động. Năm 2023, Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu (752 ha), KCN Tiên Thanh (410ha). Tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hải Phòng quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích tối đa 15.777 ha. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Hải Phòng tăng hơn 13% và đứng trong tốp đầu các địa phương có quy mô lớn về công nghiệp; gấp hơn 8 lần bình quân chung cả nước (cả nước tăng 1,5%).
Hải Phòng cũng là địa phương có số lượng bến cảng lớn nhất cả nước với 49 bến cảng. Việt Nam đang được thế giới tìm đến như công xưởng tiếp theo, tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, việc định hướng chuyển dịch theo hướng xanh – thông minh cần được thực hiện nhanh, mạnh mẽ để tạo lợi thế cạnh tranh. Các chuyên gia, diễn giả tham gia thảo luận đã gợi ý: thứ nhất, các khu công nghiệp cần có cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng khu công nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ bản, hạ tầng pháp lý sẵn sàng, vì những lợi thế cạnh tranh này sẽ biết mất trong thời gian tới, Hải Phòng cần đi đầu trong phát triển theo xu hướng và tiêu chuẩn khu phát triển công nghiệp xanh – thông minh. Cụ thể, các khu công nghiệp phát triển Hạ tầng xanh sẵn có - để hấp dẫn nhà đầu tư: Điện xanh, nước sạch, môi trường xanh, xử lý rác thải xanh; Hạ tầng các nhà xưởng có sẵn, xanh - thông minh với các hệ thống kiểm soát; tài chính xanh. Thứ hai là phát triển các hạ tầng số bao gồm: Hạ tầng dữ liệu; Hạ tầng truyền dẫn: Cáp quang, 5G; Hạ tầng các giải pháp số - các nhà cung cấp công nghệ số sẵn có - sẵn sàng tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp/nhà đầu tư, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi xanh. Thứ ba, cần có chiến lược săn đón và sự chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm đủ lớn để đón những doanh nghiệp lớn “doanh nghiệp đại bàng” của thế giới, thay vì chạy theo các chỉ tiêu “lấp đầy”. Phát triển hạ tầng số - hình thành chuyển đổi kép Số - Xanh, tạo lợi thế vượt trội hấp dẫn nhà đầu tư cho Hải phòng.
Các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ tham gia chương trình đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số chuyển đổi xanh cho các khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất như: Viettel giới thiệu hạ tầng và các giải pháp 5G cho cảng biển, khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất; Oracle giới thiệu nền tảng Netsuite thúc đẩy sản xuất thông minh; TNTech giới thiệu giải pháp quy hoạt, phát triển và quản lý toàn diện các khu công nghiệp xanh, thông minh. Ngoài các phiên hội nghị chính, Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2024 còn có hoạt động bên lề như Triển lãm thành tựu và giải pháp công nghệ đến từ gần 20 gian hàng trưng bày trưng bày các thành tựu chuyển đổi số của Hải Phòng và các giải pháp chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, Mobifone… thu hút hơn 3.000 lượt tham quan. Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA cho biết: “Hải Phòng là một thành phố đặc thù với nhiều lợi thế và dư địa phát triển. Những lĩnh vực Hải Phòng đang tập trung cũng chính là những lĩnh vực các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có kinh nghiệm, giải pháp, và nguồn lực triển khai. VINASA và các doanh nghiệp công nghệ số hội viên sẵn sàng đồng hành cùng Hải Phòng cho những bước chuyển đổi tiếp theo về số về xanh và những lĩnh vực công nghệ mới tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn.
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận