Điều kiện bắt buộc khi chuyển nhượng vốn góp cho người không phải thành viên công ty
Trong bài viết này, tác giả muốn đề cập đến một số vấn đề pháp lý liên quan đến hiệu lực của giao dịch chuyển nhượng vốn góp cho người không phải là thành viên công ty, nhìn từ một tình huống tranh chấp cụ thể.
Theo quy định hiện hành, giao dịch chuyển nhượng vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (công ty) vẫn cần có sự tham gia của công ty khi mà công ty sẽ phải ghi nhận thông tin thành viên mới vào sổ đăng ký thành viên, đồng thời thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan có thẩm quyền. Quy định này dẫn đến nhiều tranh chấp trên thực tế, phát sinh giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty. Trong nhiều tranh chấp, vấn đề hiệu lực của giao dịch chuyển nhượng vốn góp được Tòa án xem xét rất kỹ lưỡng, bởi lẽ đây là yếu tố quyết định việc các bên liên quan có phải thực hiện các nghĩa vụ của mình hay không.
1. Chuyển nhượng vốn góp cho người ngoài với giá rẻ hơn
Ngày 11/8/2023, TAND cấp cao tại TP.H đã ban hành Bản án số 88/2023/KDTM-PT giải quyết tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với thành viên công ty. Theo nội dung vụ án, ông Đình H và bà T đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của bà T tại Công ty T, tương ứng với 45% vốn điều lệ Công ty T với giá 500 triệu đồng. Sau khi hoàn tất giao dịch, ông Đình H có yêu cầu Công ty T, do bà Thiên H là người đại diện theo pháp luật (bà Thiên H cũng đồng thời là thành viên còn lại của Công ty T, giữ 55% vốn điều lệ Công ty T) thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp để ghi nhận ông Đình H là thành viên Công ty T.
Công ty T không thực hiện việc này, do đó, ông Đình H đã khởi kiện Công ty T. Tại bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đình H, công nhận ông Đình H là thành viên Công ty T và buộc Công ty T phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi có kháng cáo của Công ty T, tại bản án phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã cho rằng giao dịch chuyển nhượng vốn giữa ông Đình H và bà T thực hiện không đúng quy định pháp luật, bởi trước khi chuyển nhượng vốn góp cho ông Đình H với giá 500 triệu đồng, bà T đã chào bán vốn góp của mình cho bà Thiên H, nhưng với giá cao hơn, là 1 tỷ đồng. Chính vì lẽ đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đình H.
2. Khi nào giao dịch chuyển nhượng vốn được xem là hợp pháp?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020 (tương tự với khoản 1 Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2014, được áp dụng để giải quyết trong vụ tranh chấp trên), để có thể chuyển nhượng vốn góp cho người không phải là thành viên công ty, thành viên chuyển nhượng trước tiên phải chào bán cho các thành viên còn lại trong công ty với cùng điều kiện chào bán theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán, nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết thì mới được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại.
Theo quy định này, có thể thấy hai điều kiện quan trọng để một giao dịch chuyển nhượng vốn góp được xem là hợp pháp, là: (i) phải chào bán trước cho các thành viên còn lại của công ty; và (ii) điều kiện chào bán cho người không phải là thành viên công ty phải giống với điều kiện đã chào bán cho các thành viên còn lại của công ty.
3. Phải chào bán trước cho các thành viên còn lại của công ty
Đối với yêu cầu phải chào bán trước cho các thành viên còn lại của công ty, đây có thể được xem là một đặc thù của loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Không hoàn toàn mang tính chất đối vốn như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mặc dù vẫn được các thành viên sở hữu và chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp mình sở hữu, nhưng lại có sự giới hạn về số thành viên công ty. Điều này dẫn đến việc các thành viên trong công ty thường có mối quan hệ quen biết hoặc thân thuộc trước khi thành lập công ty. Chính điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định cho phép một thành viên mới gia nhập vào công ty của các thành viên còn lại. Nhiều trường hợp các thành viên còn lại của công ty vì không muốn hoạt động của công ty có sự tham gia của một hoặc nhiều thành viên khác, không quen biết với mình, nên đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của thành viên chuyển nhượng. Trong trường hợp các thành viên còn lại không muốn mua hoặc không mua hết, số phần vốn góp còn lại vẫn sẽ được bán cho người không phải là thành viên công ty. Những quy định trên cho thấy tính chất vừa đối vốn, vừa đối nhân của loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Trong vụ tranh chấp trên, hai thành viên của Công ty T là những người trong cùng một gia đình, trước khi chuyển nhượng vốn góp cho ông Đình H vào ngày 07/12/2018, bà T đã chào bán phần vốn góp này cho bà Thiên H vào ngày 22/11/2018 và bà Thiên H đã từ chối mua vì không đủ tài chính thông qua văn bản ghi ngày 01/12/2018. Tòa án cấp phúc thẩm đã nhận định bà T đã có thông báo chào bán gửi đến bà Thiên H và bà Thiên H đã từ chối mua, do đó, bà T được chuyển nhượng vốn cho ông Đình H.
Tuy nhiên, một quy định chưa rõ ràng của Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Doanh nghiệp 2014 là nếu các thành viên còn lại từ chối mua thì thành viên chuyển nhượng có được chuyển nhượng ngay cho người không phải là thành viên công ty không hay phải đợi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán. Điều này xuất phát từ việc không hiếm trường hợp các thành viên còn lại từ chối mua phần vốn góp nhưng sau đó (vẫn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán) lại đổi ý và yêu cầu được mua phần vốn góp được chào bán. Lập luận của Tòa án cấp phúc thẩm trong vụ án trên theo hướng thành viên chuyển nhượng có quyền chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty sau khi thành viên còn lại từ chối mua mà không phải đợi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán. Tác giả cho rằng lập luận này là hợp lý, bởi lẽ khoảng thời hạn 30 ngày chỉ nên dùng để giới hạn thời gian mà các thành viên còn lại của công ty phải ra quyết định mua hoặc không mua đối với phần vốn góp được bán, tránh kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đến quyền lợi của thành viên chuyển nhượng. Nếu cho phép các thành viên còn lại được quyền thay đổi ý định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán có thể gây lãng phí thời gian cho thành viên chuyển nhượng hoặc gây nên các thiệt hại khác trong trường hợp thành viên chuyển nhượng đã tìm kiếm đối tác và chuyển nhượng vốn sau khi đã nhận được ý kiến từ chối mua từ thành viên còn lại của công ty.
4. Điều kiện chào bán cho người không phải là thành viên công ty
Đây chính là quy định đã dẫn đến kết quả xét xử khác nhau giữa hai cấp Tòa trong vụ án trên. Như đã đề cập, quy định của Luật Doanh nghiệp yêu cầu thành viên chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên không phải thành viên công ty với cùng điều kiện đã chào bán cho các thành viên còn lại của công ty trước đó. Trong vụ án trên, bà T đã chào bán cho bà Thiên H toàn bộ vốn góp của mình tại Công ty T với giá 01 tỷ đồng, nhưng lại chuyển nhượng số vốn góp này cho ông Đình H với giá 500 triệu đồng. Giá cả là một trong những điều kiện chào bán và trong trường hợp này, rõ ràng bà T đã chuyển nhượng vốn cho ông Đình H với một điều kiện chào bán thuận lợi hơn. Bên cạnh giá cả, một số nội dung khác cũng có thể được xem là điều kiện chào bán như thời hạn thanh toán, các yêu cầu ký quỹ, khoản tiền giữ lại,…
Xét tiếp một vấn đề cũng chưa rõ theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong trường hợp này là liệu rằng việc thành viên chuyển nhượng chào bán phần vốn góp cho người không phải là thành viên công ty với điều kiện chào bán kém thuận lợi hơn (ví dụ giá cao hơn) so với điều kiện chào bán cho các thành viên còn lại của công ty có được xem là phù hợp không? Quy định hiện hành chỉ yêu cầu thành viên chuyển nhượng chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên không phải thành viên công ty với cùng điều kiện đã chào bán cho các thành viên còn lại của công ty trước đó, mà không đề cập đến vấn đề trên.
Để giải quyết trường hợp này, tác giả dẫn chiếu đến một quy định có phần tương tự tại Luật Doanh nghiệp 2020 về chào bán cổ phần riêng lẻ tại công ty cổ phần (Điều 125 Luật Doanh nghiệp 2020). Theo đó, trước khi chào bán cổ phần cho người khác (không phải là cổ đông hiện hữu của công ty cổ phần), công ty cổ phần phải dành cho cổ đông hiện hữu quyền ưu tiên mua. Nếu số cổ phần này không được mua hết thì sẽ được chào bán cho người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông. Áp dụng tương tự cho trường hợp chuyển nhượng vốn góp, tác giả cho rằng việc pháp luật đặt ra yêu cầu phải chuyển nhượng vốn cho người không phải là thành viên công ty cùng điều kiện với các thành viên còn lại của công ty là để bảo đảm cho quyền được ưu tiên mua phần vốn góp được chuyển nhượng của các thành viên còn lại của công ty. Việc chuyển nhượng vốn góp của thành viên chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty với điều kiện kém thuận lợi hơn so với điều kiện đã chào bán cho các thành viên còn lại của công ty hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên còn lại của công ty. Do đó, giao dịch chuyển nhượng vốn trong trường hợp này sẽ là hợp pháp.
Tóm lại, mặc dù đã được Luật Doanh nghiệp quy định tương đối rõ ràng, những giao dịch chuyển nhượng vốn với người không phải là thành viên công ty vẫn thường xuyên phát sinh tranh chấp, xuất phát từ điều kiện giao dịch của các bên. Ở góc độ bên chuyển nhượng, thành viên chuyển nhượng cần quan tâm đến hai điều kiện đã phân tích trong bài viết này, nhằm bảo đảm giao dịch chuyển nhượng vốn được xem là hợp pháp, làm tiền đề cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh.
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm vụ án dân sự - Ảnh: Phương Thảo
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận