Đổi mới liên quan đến chế định bảo vệ Thẩm phán trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TCTAND) năm 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. So với Luật TCTAND năm 2014, Luật TCTAND năm 2024 có nhiều sửa đổi, bổ sung mang tính đổi mới, một trong số đó là chế định bảo vệ Thẩm phán.
1. Quy định về bảo vệ Thẩm phán
Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” . Quy định này làm nổi bật chức năng và nhiệm vụ của Thẩm phán, theo đó, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân không được can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, bất cứ hình thức nào cũng không được chấp nhận. Vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Điều này bảo đảm các vụ án được xét xử theo luật pháp và không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của bên thứ ba. Thể chế hóa Hiến pháp, Luật TCTAND năm 2024 quy định: Thẩm phán là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật TCTAND năm 2024 được Chủ tịch nước bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật TCTAND năm 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan1. Như vậy, theo quy định nêu trên, chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền bổ nhiệm Thẩm phán.
Xuất phát từ trách nhiệm của Thẩm phán đó là: (i) Trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, kiên quyết bảo vệ công lý; (ii) Tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; (iii) Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; vô tư, khách quan trong xét xử; chấp hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán, giữ gìn uy tín của Tòa án; (iv) Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; (v) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, bị hại, đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của luật; (vi) Giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật; (vii) Học tập, nghiên cứu, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, đạo đức, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của Thẩm phán; (viii) Tham gia bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, kiến thức xã hội liên quan, về đạo đức, trách nhiệm và ứng xử của Thẩm phán theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; (ix) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình2. Do đó, Thẩm phán cần được bảo vệ.
Luật Tổ chức TAND năm 2014 không quy định Điều luật riêng về bảo vệ Thẩm phán mà được quy định chung trong Điều luật là chế độ, chính sách đối với Thẩm phán. Theo đó, Thẩm phán được bảo đảm tôn trọng danh dự, uy tín; được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết và nghiêm cấm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán và thân nhân của Thẩm phán3. Vấn đề bảo vệ Thẩm phán không được quy định thành chế định riêng và không được gọi tên là “Bảo vệ Thẩm phán” sẽ không làm nổi bật yêu cầu cấp bách của vấn đề này, dẫn đến không có cơ chế để thực thi một cách hiệu quả, chưa tương xứng với trách nhiệm của Thẩm phán. Khắc phục được thực trạng trên, Luật TCTAND năm 2024 đã có quy định và gọi tên “Bảo vệ Thẩm phán”4.
Thứ nhất, bảo vệ danh dự, uy tín và quyền lợi của Thẩm phán - một yếu tố then chốt cho độc lập tư pháp.
Theo quy định, Thẩm phán được tôn trọng danh dự, uy tín, được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết. Trong một xã hội pháp quyền, Thẩm phán đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi công lý và bảo vệ quyền lợi của công dân. Để bảo đảm Thẩm phán thực hiện trách nhiệm này một cách hiệu quả, Thẩm phán cần được tôn trọng danh dự, uy tín, và được bảo vệ khi thi hành công vụ. Tôn trọng danh dự và uy tín của Thẩm phán là một điều kiện tiên quyết để duy trì tính trung lập và khách quan của hệ thống tư pháp. Khi Thẩm phán được tôn trọng, họ sẽ yên tâm thực hiện trách nhiệm của mình, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Ngược lại, việc bị xúc phạm, bị đe dọa, hoặc bị bôi nhọ danh dự sẽ làm suy giảm tinh thần và tạo ra áp lực không cần thiết, ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Thứ hai, về các hành vi nghiêm cấm.
Thẩm phán đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tư pháp, đảm bảo công lý được thực thi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thẩm phán có thể phải đối mặt với nhiều áp lực và cản trở từ xã hội. Để bảo vệ tính công bằng và khách quan trong công việc của Thẩm phán, pháp luật đã quy định rõ các hành vi nghiêm cấm thực hiện đối với Thẩm phán. Các hành vi này bao gồm: đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của Thẩm phán, thân nhân của Thẩm phán khi Thẩm phán thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ; cản trở Thẩm phán thi hành công vụ; gây ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, sự vô tư, khách quan của Thẩm phán khi thi hành công vụ. Những quy định nêu trên không chỉ bảo vệ Thẩm phán mà còn bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật và niềm tin của Nhân dân vào hệ thống tư pháp. Việc tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh những quy định này là điều kiện tiên quyết để xây dựng một hệ thống tư pháp công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Thứ ba, về cơ chế bảo vệ Thẩm phán.
Để Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả, việc bảo vệ Thẩm phán trước những áp lực và nguy cơ từ xã hội là cần thiết. Cơ chế bảo vệ Thẩm phán được xây dựng nhằm bảo đảm sự an toàn, độc lập và khách quan trong công việc của Thẩm phán. Theo đó, trường hợp danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán bị xúc phạm khi thực hiện nhiệm vụ thì Thẩm phán, Chánh án Tòa án nơi Thẩm phán công tác yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi xúc phạm và xin lỗi công khai. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Trường hợp an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán bị đe dọa do việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán thì Chánh án Tòa án nơi Thẩm phán công tác đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán. Cơ quan công an nhận được đề nghị có trách nhiệm xem xét tính chất, mức độ của hành vi đe dọa để có biện pháp bảo vệ phù hợp. Đồng thời, pháp luật cũng quy định việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi, theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong công tác chuyên môn, để bảo vệ Thẩm phán, pháp luật quy định Thẩm phán đã ra bản án, quyết định mà bản án, quyết định đó bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan theo quy định của pháp luật.
Cơ chế bảo vệ Thẩm phán được xây dựng nhằm đảm bảo sự an toàn, độc lập và khách quan trong công việc của Thẩm phán. Các biện pháp bảo vệ danh dự, an toàn cá nhân và thân nhân, cũng như việc xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm, đều đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tôn nghiêm của pháp luật và niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp.
2. Một số kiến nghị liên quan đến quy định về bảo vệ Thẩm phán
Quy định về bảo vệ Thẩm phán trong Luật Tổ chức TAND năm 2024 là quy định mang tính nguyên tắc. Chính vì vậy, Luật TCTAND năm 2024 quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ bảo vệ Thẩm phán theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”5. Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan được giao hướng dẫn cụ thể về chế độ bảo vệ Thẩm phán. Qua việc nghiên cứu pháp luật cũng như thực tiễn thực thi, tác giả kiến nghị một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn như thế nào là “trong trường hợp cần thiết” theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật TCTAND năm 2024: “1. Thẩm phán được tôn trọng danh dự, uy tín, được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết”.
Thứ hai, kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn đánh giá mức độ an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán bị đe dọa làm căn cứ cho việc bảo vệ Thẩm phán, đồng thời hướng dẫn như thế nào là “tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán” theo quy định tại khoản 4 Điều 102 Luật TCTAND năm 2024: “4. Trường hợp an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán bị đe dọa do việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán thì Chánh án Tòa án nơi Thẩm phán công tác đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán. Cơ quan công an nhận được đề nghị có trách nhiệm xem xét tính chất, mức độ của hành vi đe dọa để có biện pháp bảo vệ phù hợp”.
Thứ ba, hệ thống Tòa án cần có các biện pháp tuyên truyền pháp luật về cơ chế bảo vệ Thẩm phán, đồng thời có phương hướng phối hợp thực hiện trong việc thực thi pháp luật một cách hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Hệ thống TAND cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cơ chế bảo vệ Thẩm phán đến toàn thể xã hội. Việc này có thể thực hiện thông qua các hình thức như tổ chức hội thảo, hội nghị và các chương trình đào tạo cho cán bộ tư pháp. Đồng thời, cần sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình, và mạng xã hội để phổ biến thông tin một cách rộng rãi và hiệu quả.
Xây dựng tài liệu và tăng cường đào tạo. Tòa án cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn cụ thể về cơ chế bảo vệ Thẩm phán, bao gồm trách nhiệm, quyền hạn của Thẩm phán, các biện pháp bảo vệ khi bị đe dọa hoặc xúc phạm, và quy trình xử lý các hành vi vi phạm. Các tài liệu này cần được phân phối rộng rãi đến các cơ quan tư pháp, các tổ chức pháp lý, các cơ quan hành chính để mọi người đều nắm rõ và tuân thủ. Đồng thời, Tòa án cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về các biện pháp bảo vệ, và cách thức xử lý khi gặp phải các tình huống đe dọa hoặc xúc phạm. Việc này giúp Thẩm phán hiểu rõ trách nhiệm của mình và biết cách tự bảo vệ mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Tăng cường công tác phối hợp. Tòa án cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an để đảm bảo an ninh cho Thẩm phán. Khi Thẩm phán hoặc thân nhân của họ bị đe dọa, Chánh án Tòa án cần nhanh chóng đề nghị cơ quan Công an tiến hành các biện pháp bảo vệ cần thiết. Cơ quan Công an cần có trách nhiệm xem xét tính chất và mức độ của hành vi đe dọa để có biện pháp bảo vệ phù hợp. Tòa án cũng cần phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức pháp lý và các tổ chức xã hội khác để đảm bảo cơ chế bảo vệ Thẩm phán được thực thi một cách đồng bộ và hiệu quả. Việc này bao gồm việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến an toàn của Thẩm phán, và tạo điều kiện thuận lợi cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ.
1 Điều 88 Luật Tổ chức TAND năm 2024.
2 Điều 103 Luật TCTAND năm 2024.
3 Khoản 3, khoản 5 Điều 75 Luật TCTAND năm 2014.
4 Điều 102 Luật TCTAND năm 2024.
5 Khoản 7 Điều 102 Luật TCTAND năm 2024.
TAND tỉnh Hậu Giang xét xử hình sự vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Trí Thức
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận