Dự thảo quy định về các bậc, điều kiện nâng bậc và số lượng Thẩm phán TAND
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán TAND.
Theo dự thảo, các bậc Thẩm phán TAND gồm: Bậc 1, bậc 2 và bậc 3.
Về điều kiện của từng bậc Thẩm phán TAND cụ thể như sau:
Thẩm phán TAND bậc 1 đáp ứng một trong các điều kiện sau: Có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND theo quy định tại khoản 1 Điều 95 của Luật Tổ chức TAND năm 2024; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, TAQS khu vực hoặc năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TAND công tác tại TANDTC theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật Tổ chức TAND năm 2024.
Có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức TAND năm 2024; được điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Phó Chánh án TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Phó Chánh án TAQS khu vực.
Thẩm phán TAND bậc 2 đáp ứng một trong các điều kiện sau: Có ít nhất 05 năm làm Thẩm phán TAND bậc 1; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAQS khu vực hoặc năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TAND công tác tại TANDTC theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 Luật Tổ chức TAND năm 2024.
Có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức TAND năm 2024; được điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Chánh án TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Chánh án TAQS khu vực.
Có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức TAND năm 2024; được điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Phó Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phó Chánh án TAND sơ thẩm chuyên biệt; Phó Chánh án TAQS quân khu và tương đương.
Thẩm phán TAND bậc 3 đáp ứng một trong các điều kiện sau: Có ít nhất 05 năm làm Thẩm phán TAND bậc 2; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp cao, TAQS trung ương hoặc năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TAND công tác tại TANDTC theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật Tổ chức TAND năm 2024.
Có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức TAND năm 2024; được điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp cao; Chánh án TAND sơ thẩm chuyên biệt; Chánh án TAQS quân khu và tương đương; Phó Chánh án TAQS trung ương.
Về điều kiện nâng bậc Thẩm phán TAND
Dự thảo cũng đề xuất việc nâng bậc Thẩm phán TAND quy định như sau:
Căn cứ số lượng Thẩm phán TAND được giao, Chánh án, Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền theo phân cấp quản lý đề nghị xét nâng bậc Thẩm phán TAND.
Người được xét nâng bậc Thẩm phán TAND phải đáp ứng đủ các điều kiện của bậc Thẩm phán TAND; đảm bảo tiêu chuẩn chính trị; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao và đáp ứng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Thẩm phán TAND bậc 1 thuộc một trong các trường hợp sau được xét nâng bậc lên Thẩm phán TAND bậc 2:
Trong 5 năm công tác tính đến thời điểm xét nâng bậc, không có án quá hạn luật định, số lượng án bị hủy và án bị sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt tỷ lệ do Chánh án TANDTC quy định; liên tục được xếp loại công chức "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Được bổ nhiệm giữ chức vụ: Chánh án TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Chánh án TAQS khu vực.
Đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh án TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ 05 năm trở lên. Trong nhiệm kỳ giữ chức vụ tính đến thời điểm xét nâng bậc, liên tục được xếp loại công chức "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên.
Trong năm hoặc năm liền kề trước thời điểm xét nâng bậc Thẩm phán, đạt một trong các danh hiệu: "Thẩm phán giỏi", "Thẩm phán tiêu biểu", "Thẩm phán mẫu mực".
Thẩm phán TAND bậc 2 thuộc một trong các trường hợp sau được xét nâng bậc lên Thẩm phán TAND bậc 3:
Trong 05 năm công tác tính đến thời điểm xét nâng bậc, không có án quá hạn luật định, số lượng án bị hủy và án bị sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt tỷ lệ do Chánh án TANDTC quy định; liên tục được xếp loại công chức "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Được bổ nhiệm giữ chức vụ: Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp cao;
Chánh án TAND sơ thẩm chuyên biệt; Chánh án TAQS quân khu và tương đương; Phó Chánh án TAQS trung ương; Vụ trưởng và tương đương thuộc TANDTC.
Đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phó Chánh án TAND sơ thẩm chuyên biệt; Phó Chánh án TAQS quân khu và tương đương; Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc TANDTC từ 05 năm trở lên. Trong nhiệm kỳ giữ chức vụ tính đến thời điểm xét nâng bậc, liên tục được xếp loại công chức "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên. Trong năm hoặc năm liền kề trước thời điểm xét nâng bậc Thẩm phán, đạt một trong các danh hiệu: "Thẩm phán giỏi", "Thẩm phán tiêu biểu", "Thẩm phán mẫu mực".
Số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán TAND
Tổng số lượng Thẩm phán TAND của TAND các cấp là 7004 người. Số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán TAND của các TAND như sau:
TANDTC có Thẩm phán TAND bậc 1, Thẩm phán TAND bậc 2, Thẩm phán TAND bậc 3. Số lượng Thẩm phán TAND của TANDTC là 50 người; trong đó, số lượng Thẩm phán TAND bậc 3 không quá 40% số lượng Thẩm phán TAND được giao. Cơ cấu tỷ lệ Thẩm phán TAND bậc 1 và bậc 2 của TANDTC do Chánh án TANDTC quyết định.
TAND cấp cao có Thẩm phán TAND bậc 3. Số lượng Thẩm phán TAND của TAND cấp cao là 170 người.
TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND sơ thẩm chuyên biệt có Thẩm phán TAND bậc 2, Thẩm phán TAND bậc 3. Số lượng Thẩm phán TAND của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 1235 người; trong đó, số lượng Thẩm phán TAND bậc 3 không quá 30% số lượng Thẩm phán TAND được giao.
TAND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương có Thẩm phán TAND bậc 1 và bậc 2. Số lượng Thẩm phán TAND của TAND huyện, quận thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương là 5549 người; trong đó, số lượng Thẩm phán TAND bậc 2 không quá số lượng Thẩm phán TAND được giao.
Tổng số lượng Thẩm phán TAND của Tòa án quận sự các cấp là 129 người. Số lượng, cơ cấu tỷ lệ các Thẩm phán TAND của các Tòa án quân sự như sau:
Tòa án quân sự trung ương có Thẩm phán TAND bậc 3. Số lượng Thẩm phán TAND của Tòa án quân sự trung ương là 15 người.
Tòa án quân sự quân khu và tương đương có Thẩm phán TAND bậc 2 và bậc 3. Số lượng Thẩm phán TAND của Tòa án quân sự quân khu và tương đương là 54 người; trong đó, số lượng Thẩm phán TAND bậc 3 không quá 30% số lượng Thẩm phán TAND được giao.
Tòa án quân sự khu vực có Thẩm phán TAND bậc 1 và bậc 2. Số lượng Thẩm phán TAND của Tòa án quân sự khu vực là 60 người; trong đó, số lượng Thẩm phán TAND bậc 2 không quá 30% số lượng Thẩm phán TAND được giao.
Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 được chuyển thành Thẩm phán TAND theo quy định tại Điều 152 của Luật Tổ chức TAND năm 2024 và được Chánh án TANDTC xếp bậc Thẩm phán TAND như sau:
Thẩm phán cao cấp được xếp vào Thẩm phán TAND bậc 3.
Thẩm phán trung cấp được xếp vào Thẩm phán TAND bậc 2.
Thẩm phán sơ cấp được xếp vào Thẩm phán TAND bậc 1.
Bài liên quan
-
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến dự hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 11 tại Phillippines
-
Chánh án TANDTC lê Minh Trí dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
Một số ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 321 và Điều 322 của Bộ luật Hình sự
-
Dự thảo Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận