Hoàn thiện pháp luật về tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

Thực tiễn áp dụng các quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2019 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình; việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính; xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù… đặt ra vấn đề cần sớm sửa đổi, hoàn thiện các quy định này trong thời gian tới.

 

1. Một số khó khăn trong áp dụng quy định về tạm giữ, tạm giam và đề xuất, kiến nghị

Về công tác quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình

Công tác quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do số lượng người bị kết án tử hình tăng nhanh, gây áp lực lớn cho công tác quản lý, giam giữ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ quản lý giam giữ người bị kết án tử hình chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; các quy định của pháp luật về tử hình còn bất cập.

Việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trong hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thi hành án tử hình còn chậm, dẫn đến các trường hợp người bị kết án tử hình bị giam, giữ lâu, chưa được thi hành án nên có hành vi chống đối hoặc vi phạm nội quy trại tạm giam. Do đó, cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến thời hạn, thủ tục Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm; thời hạn thi hành án tử hình sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm…

Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được quy định tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015), sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao; bản án phải gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao để xem xét, quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

Về thời hạn thi hành bản án tử hình còn có một số vướng mắc, bất cập như sau:

Điểm đ khoản 1 Điều 367 BLTTHS về trường hợp thi hành bản án tử hình quy định: “Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước…”. Đồng thời, điểm e khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015 quy định về trường hợp thi hành bản án tử hình như sau: “Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm”.

Như vậy, luật không quy định rõ sau thời gian bao lâu kể từ khi Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước thì bản án được thi hành, đồng thời cũng không quy định trong thời gian bao lâu khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm thì bản án được thi hành.

Do đó, tác giả đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015 theo hướng quy định cụ thể thời hạn thi hành bản án tử hình sau khi Chủ tịch nước bác đơn; thời hạn thi hành bản án tử hình sau khi không có quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao, cụ thể:

“Điều 367. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

1. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện:

… đ) Bản án tử hình được thi hành trong thời hạn… kể từ khi Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước...

e) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc ngày nhận được thông báo về việc không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên chủ tịch nước. Bản án tử hình được thi hành trong thời hạn … tháng sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

- Về việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, tạm giam là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính:

Ngay khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam, cơ sở giam giữ phải tổ chức khám sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và có cơ sở phân loại giam giữ, nhưng hiện nay người thực hiện việc kiểm tra thân thể người đồng tính, người chuyển đổi giới tính chưa được quy định trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Khoản 2 Điều 16 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: “Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo”.

Do đó, đề xuất bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 như sau: “Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo; người đã phẫu thuật chuyển đổi bộ phận sinh dục của nam thành nữ, phẫu thuật ngực thành nữ (hoặc chỉ chuyển đổi bộ phận sinh dục của nam thành nữ) do cán bộ nữ thực hiện; người đã phẫu thuật nhằm chuyển đổi bộ phận sinh dục của nữ thành nam, cắt bỏ ngực nữ (hoặc chỉ chuyển đổi bộ phận sinh dục của nữ thành nam) do cán bộ nam thực hiện; người đồng tính nam do cán bộ nam khám, người đồng tính nữ do cán bộ nữ khám”.

Về việc kiểm tra thân thể phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính

Thực tế cho thấy, những người đồng tính, người chuyển đổi giới tính được giam giữ chung với nhau, có thể xảy ra quan hệ luyến ái, thậm chí có quan hệ tình dục, mâu thuẫn vì ghen tuông, gây khó khăn trong việc quản lý, giam giữ, mất an toàn trại giam. Tuy nhiên, khi tiếp nhận phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính (hoặc người chuyển đổi giới tính một phần) nhìn bề ngoài thì khó để nhận biết được; chưa có căn cứ xác định là người đồng tính, hoặc người chuyển giới một phần vì khi đến chấp hành án phạt tù họ không mang theo bất cứ giấy tờ gì để chứng minh là chuyển đổi giới tính một phần.

Khi tiếp nhận người chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm: Kiểm tra người chấp hành án phạt tù để đảm bảo quyền lợi chính đáng của phạm nhân và có cơ sở phân loại giam giữ, tuy nhiên việc kiểm tra thân thể phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, cũng chưa được quy định trong Luật thi hành án hình sự năm 2019. Theo điểm c khoản 2 Điều 28 Luật thi hành án hình sự năm 2019 thì: “Kiểm tra người chấp hành án phạt tù; kiểm tra và xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng giam”.

Do đó, cần bổ sung quy định cho các đối tượng này, trong trường hợp họ phải chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Tác giả đề xuất bổ sung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28 Luật thi hành án hình sự năm 2019 như sau:

“Việc kiểm tra thân thể người chấp hành án phạt tù là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo; người đã phẫu thuật nhằm chuyển đổi bộ phận sinh dục của nam thành nữ, phẫu thuật ngực thành nữ (hoặc chỉ chuyển đổi bộ phận sinh dục của nam thành nữ) do cán bộ nữ thực hiện; người đã phẫu thuật nhằm chuyển đổi bộ phận sinh dục của nữ thành nam, cắt bỏ ngực nữ (hoặc chỉ chuyển đổi bộ phận sinh dục của nữ thành nam) do cán bộ nam thực hiện; người đồng tính nam do cán bộ nam khám, người đồng tính nữ do cán bộ nữ khám; kiểm tra và xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng giam”.

Bên cạnh đó, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cần bổ sung một điều luật quy định về chế độ, chính sách đặc thù đối với người đồng tính, người chuyển đổi giới tính và người song tính, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết như thế nào là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính và người song tính. Đồng thời, thành lập cơ quan chuyên môn xác định giới đối với phạm nhân trong thời gian chấp hành án phạt tù. Ngoài ra, Bộ Công an cần quan tâm và cấp kinh phí để sửa chữa và xây dựng kịp thời cơ sở vật chất cho Trại giam Thủ Đức đang giam giữ phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính và người song tính.

2. Một số khó khăn và kiến nghị hoàn thiện về Luật thi hành án hình sự năm 2019

Về xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

Theo khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của liên ngành trung ương hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân đã quy định về mức giảm thời hạn chấp hành án phạt tù như sau: “Phạm nhân bị phạt tù từ ba mươi năm trở xuống, mỗi lần có thể được giảm từ một tháng đến ba năm…”, không quy định về khung, mức giảm cụ thể trường hợp nào được giảm 01 tháng, 02 tháng... cho đến 36 tháng, dẫn đến việc tùy tiện áp dụng mức giảm, không thống nhất. Do đó, đề xuất bổ sung vào Luật thi hành án hình sự năm 2019 điều luật quy định cụ thể về khung, mức giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân để áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

Điều kiện bồi thường nghĩa vụ dân sự để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

Theo khoản 1 Điều 63 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì: Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan Thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Tuy nhiên, tại khoản 1 Mục I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TAND tối cao giải thích vướng mắc về áp dụng pháp luật có hướng dẫn tình tiết “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015 được hiểu là đã bồi thường được ít nhất 1/2 nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án.

Thực tế, hiện nay khó khăn trong công tác quản lý giam giữ phạm nhân, cụ thể các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền bồi thường 1/2 nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, phạm nhân phạm tội trước ngày 01/01/2018 chỉ cần tích cực khắc phục một phần bồi thường dân sự thì được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, còn những phạm nhân phạm tội kể từ ngày 01/01/2018 trở đi thì phải bồi thường 1/2 nghĩa vụ dân sự, trong khi những phạm nhân này chấp hành án phạt tù rất tốt, lao động giỏi, được xếp loại khá, nhưng lại không được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Do vậy, theo tác giả, bất cập trên cần được hướng dẫn cụ thể và phù hợp với khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015.

Theo kiemsat.vn

 

TRẦN THỊ THANH NHÀN