Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Khởi tố vụ án là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng giải quyết vụ án hình sự. Việc khởi tố vụ án cần dựa trên các căn cứ khởi tố vụ án được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Bài viết phân tích một số vấn đề chung về căn cứ khởi tố vụ án hình sự, nêu những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện.

1. Những vấn đề chung về căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Trong khoa học luật tố tụng hình sự thì khái niệm “khởi tố vụ án hình sự” đang được tìm hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau: (1) Là một chế định của luật tố tụng hình sự, bao gồm tập hợp những quy định về trình tự và thủ tục khởi tố vụ án hình sự; (2) Là một quyết định tố tụng mở đầu cho một vụ án hình sự, đó là quyết định khởi tố vụ án hình sự; (3) Là một giai đoạn độc lập của quá trình tố tụng hình sự - đây là cách hiểu thông dụng nhất. 

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự, được thực hiện từ khi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra, xác minh những nguồn tin về tội phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cũng như trường hợp người phạm tội tự thú hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Như vậy, căn cứ khởi tố vụ án hình sự là một trong những nội dung quan trọng nhất của khởi tố vụ án hình sự.

Theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) thì “chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: (1) Tố giác của cá nhân; (2) Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (3) Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; (4) Kiến nghị khởi tố của cơ quan Nhà nước; (5) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; (6) Người phạm tội tự thú”. Như vậy, căn cứ khởi tố vụ án hình sự chính là các dấu hiệu tội phạm và các dấu hiệu này được xác định dựa trên các cơ sở như tố giác, tin báo tội phạm, và kiến nghị khởi tố...

Để khởi tố vụ án hình sự, pháp luật nước ta cũng như các nước chỉ yêu cầu xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm mà chưa cần phải xác định được người phạm tội.

Theo Điều 143 BLTTHS năm 2015 thì căn cứ để khởi tố vụ án hình sự chính là dấu hiệu của tội phạm. Đó là những tài liệu ban đầu về sự kiện phạm tội nói chung, có thể chưa phản ánh đầy đủ về tội phạm đã xảy ra nhưng là căn cứ để khẳng định rằng có sự việc xảy ra và sự việc đó có dấu hiệu tội phạm, là căn cứ để khẳng định phải tiến hành tố tụng để làm rõ vụ việc. Dấu hiệu tội phạm được xác định trên cơ sở những thông tin thu được từ những nguồn nhất định do pháp luật quy định. Dựa trên việc xác minh các nguồn thông tin đó, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án.

Căn cứ khởi tố vụ án hình sự là sự việc được tố giác, thông báo hoặc phát hiện có dấu hiệu của tội phạm. Để khởi tố vụ án hình sự, pháp luật tố tụng hình sự chỉ yêu cầu “có dấu hiệu của tội phạm”, mà không cần “có đủ dấu hiệu của tội phạm”. Bởi vì, quyết định khởi tố vụ án chưa có nghĩa là buộc tội bất kỳ một ai, mà chỉ là mở đầu một vụ án để Cơ quan điều tra có căn cứ tiến hành các hoạt động điều tra cụ thể được pháp luật tố tụng hình sự quy định nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án.

Khi xác định dấu hiệu tội phạm thì chỉ cần xác định có sự việc phạm tội xảy ra mà chưa cần xác định ai là người thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi đã khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra để xác định người thực hiện tội phạm. Do đó, để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền phải xác định được có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra và hành vi đó có dấu hiệu của tội phạm hay không?

2. Một số hạn chế, bất cập

Thứ nhất, về cách hiểu nội dung “xác định có dấu hiệu tội phạm”.  Điều 143 BLTTHS 2015 xác định dấu hiệu tội phạm là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhưng hiện nay căn cứ này vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích nên trong khoa học pháp lý và thực tiễn áp dụng còn có nhiều cách hiểu khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, dấu hiệu tội phạm bao gồm tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tính có lỗi của hành vi phạm tội, tính trái pháp luật của hành vi phạm tội, tính phải chịu hình phạt. Các dấu hiệu này có thể chưa phản ánh đầy đủ về tội phạm đã xảy ra nhưng là căn cứ để khẳng định cần phải tiến hành tố tụng để làm rõ vụ việc. Như vậy, để quyết định khởi tố vụ án hình sự cần xác định: Có sự việc xảy ra và sự việc đó có dấu hiệu tội phạm. Theo quan điểm này thì dấu hiệu tội phạm là căn cứ khởi tố vụ án hình sự được rút ra từ khái niệm tội phạm, đó là các thuộc tính của tội phạm.

Quan điểm thứ hai cho rằng, dấu hiệu tội phạm là căn cứ khởi tố được hiểu không hoàn toàn giống các dấu hiệu của tội phạm trong khái niệm tội phạm và dấu hiệu tội phạm trong lý luận về cấu thành tội phạm. Các dấu hiệu của tội phạm được rút ra từ khái niệm tội phạm là những thuộc tính của tội phạm (tính nguy hiểm, tính có lỗi, tính trái pháp luật hình sự và tính phải chịu hình phạt). Một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi có đầy đủ các dấu hiệu nêu trên. Trong lý luận về cấu thành tội phạm, dấu hiệu tội phạm được hiểu là biểu hiện, nội dung của các yếu tố cấu thành tội phạm, các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể của tội phạm. Trong áp dụng luật hình sự để định tội danh không chỉ dựa vào một hoặc một số dấu hiệu mà phải dựa trên tổng thể các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Theo quan điểm này, “dấu hiệu tội phạm phải được hiểu theo nghĩa chung, khái quát, đó là những biểu hiện, khía cạnh của tội phạm được chứng minh, xác định bằng chứng cứ cụ thể. Sự khác nhau về dấu hiệu tội phạm trong căn cứ khởi tố với dấu hiệu tội phạm trong khái niệm tội phạm là tính đầy đủ”. Như vậy, quan điểm này đã phân biệt được dấu hiệu tội phạm là căn cứ khởi tố vụ án hình sự với dấu hiệu tội phạm trong khái niệm tội phạm và cấu thành tội phạm.

Quan điểm thứ ba cho rằng, dấu hiệu tội phạm là những dấu hiệu được quy định trong Điều 8 Bộ luật Hình sự (BLHS). Những dấu hiệu tội phạm được thể hiện trong các sự việc, sự kiện phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện. Cần phải chú ý trong giai đoạn khởi tố các cơ quan có thẩm quyền chưa thể ngay lập tức xác định được đầy đủ các dấu hiệu tội phạm, cho nên khi có sự việc xảy ra chỉ cần xác định có hành vi nguy hiểm cho xã hội là đã có căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Việc làm rõ, đầy đủ các dấu hiệu tội phạm phải trải qua quá trình điều tra mới xác định được.

Như vậy, mặc dù có những cách tiếp cận và diễn đạt khác nhau nhưng có thể thấy các quan điểm trên đều thống nhất về dấu hiệu tội phạm là căn cứ khởi tố vụ án hình sự ở những nội dung sau: Một là, dấu hiệu tội phạm là căn cứ khởi tố vụ án chính là những dấu hiệu của tội phạm được quy định trong BLHS. Đó là căn cứ để phân biệt tội phạm với các hành vi không phải là tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Hai là, dấu hiệu tội phạm là căn cứ khởi tố vụ án chỉ khác dấu hiệu tội phạm trong BLHS ở tính đầy đủ của nó. Dấu hiệu tội phạm là căn cứ khởi tố vụ án không đòi hỏi phải xác định đầy đủ như dấu hiệu tội phạm trong khái niệm tội phạm và dấu hiệu tội phạm trong các cấu thành tội phạm trong BLHS. Dấu hiệu tội phạm là căn cứ khởi tố vụ án hình sự có thể chỉ là một hoặc một vài dấu hiệu trong mặt khách của tội phạm như dấu hiệu về hành vi, hậu quả... Kết quả điều tra, truy tố, xét xử sau đó mới xác định chính xác và đầy đủ các dấu hiệu còn lại của tội phạm giúp cơ quan có thẩm quyền định tội danh và quyết định hình phạt chính xác.

Thứ hai, vấn đề hình sự hóa các quan hệ dân sự, có nghĩa là việc khởi tố vụ án hình sự khi vụ án đó không có dấu hiệu tội phạm mà chỉ là các tranh chấp dân sự hoặc các vi phạm pháp luật khác. Nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng đã không đánh giá đúng bản chất của các mối quan hệ dân sự như vay mượn, hụi họ mà chỉ dựa trên việc không thực hiện các cam kết trong việc vay mượn, trao trả tài sản đến hạn, không xem xét đến các yếu tố thuộc mặt chủ quan của bên có nghĩa vụ trả nợ, không làm rõ có hay không có ý thức chiếm đoạt, việc họ không hoặc chưa thực hiện các cam kết theo hợp đồng là do nguyên nhân gì, do quản lý, sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không có khả năng thu hồi vốn để trả nợ hay lý do bất khả kháng... Điều này xuất phát từ nhận thức của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng về căn cứ khởi tố vụ án hình sự còn chưa triệt để, đồng thời, một số dấu hiệu tội phạm được quy định trong BLHS cũng chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, xảy ra trường hợp các vụ việc phi hình sự nhưng lại bị khởi tố hình sự.

Thứ ba, việc diễn giải nguyên tắc “không ai bị đưa ra xét xử hoặc bị trừng trị lần thứ hai về cùng một tội phạm mà người đó đã bị kết án hoặc đã được tuyên trắng án phù hợp với pháp luật và thủ tục tố tụng hình sự của mỗi nước”. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 nhưng ở mỗi quốc gia khác nhau có những cách hiểu, giải thích và áp dụng khác nhau. Có quốc gia quy định công dân của quốc gia đó nếu phạm tội ở nước ngoài, mà đã bị Tòa án nước ngoài xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật thì quốc gia đó sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự với công dân của họ nữa (BLHS Nga), nhưng có quốc gia quy định họ vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự (BLHS Trung Quốc). Ở Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật tố tụng hình sự không giới hạn bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực là của Tòa án Việt Nam hay Tòa án nước ngoài. Theo Điều 6 BLHS năm 2015 thì công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật này. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là: Nếu công dân của Việt Nam phạm tội ở nước ngoài và đã bị Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xử lý hành vi phạm tội đó bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì Việt Nam có khởi tố về hành vi phạm tội đó nữa hay không? Vấn đề này trong quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia cũng chưa được xác định rõ.

Thứ tư, ngoài dấu hiệu tội phạm là căn cứ khởi tố vụ án trong các vụ án thông thường, BLTTHS năm 2015 còn quy định căn cứ khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại (Điều 155). Tuy nhiên, các nội dung về khởi tố theo yêu cầu của bị hại cũng còn tồn tại, bất cập nhất định như vấn đề phạm vi các loại tội cần có thêm căn cứ là có đơn yêu cầu khởi tố của bị hại thì mới được khởi tố, việc xác định đơn tố giác có phải là đơn yêu cầu khởi tố hay không hay nếu đã có đơn tố giác thì vẫn cần phải có đơn yêu cầu khởi tố nữa mới được khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại.

3.Kiến nghị hoàn thiện

Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, theo tác giả, BLTTHS hiện hành cần tiếp tục được hoàn thiện các nội dung liên quan đến căn cứ khởi tố vụ án, từ đó góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có căn cứ rõ ràng hơn để khởi tố vụ án kịp thời và đúng luật. Cụ thể:

Một là, các cơ quan tư pháp ở trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để xác định rõ dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 143 BLTTHS năm 2015, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng để khởi tố vụ án hình sự trên thực tế một cách chính xác.

Hai là, cần hoàn thiện các quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự, gắn với việc tiếp tục hoàn thiện các dấu hiệu cấu thành các tội phạm trong BLHS nhằm góp phần hạn chế tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Để tránh tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, các cơ quan tư pháp trung ương cần có những chỉ thị, hướng dẫn cụ thể nhằm chỉ đạo việc các cơ quan cấp dưới triệt để thực hiện đúng nguyên tắc khởi tố vụ án, chỉ khi xác định có dấu hiệu tội phạm - tức dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được quy định trong BLHS thì mới được khởi tố vụ án. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định của BLHS về các dấu hiệu cấu thành các tội phạm có tính chất chiếm đoạt, tội phạm kinh tế, nhất là các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để các cơ quan tiến hành tố tụng khi thực hiện việc khởi tố vụ án có căn cứ rõ ràng, chuẩn xác trong quá trình áp dụng.

Ba là, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài và đã bị Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xử lý hành vi phạm tội đó bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có khởi tố về hành vi phạm tội đó nữa hay không. Tại khoản 3 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”. Ở Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật tố tụng hình sự không giới hạn bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực là của Tòa án Việt Nam hay Tòa án nước ngoài. Như vậy, việc có khởi tố vụ án hình sự hay không thì cần phải chia làm 02 trường hợp: (1) Nếu việc kết án của nước sở tại phù hợp với pháp luật và thủ tục tố tụng hình sự của Việt Nam thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ không khởi tố vụ án hình sự; (2) Nếu việc kết án của nước sở tại không phù hợp với pháp luật và thủ tục tố tụng hình sự của Việt Nam thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có quyền khởi tố vụ án hình sự nếu hành vi phạm tội xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Bốn là, Điều 155 BLTTHS năm 2015 cần tiếp tục mở rộng thêm phạm vi loại tội phạm mà cần có căn cứ là có đơn yêu cầu của bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được khởi tố vụ án. Ví dụ như các tội sau đây: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157); Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289). Nhìn chung các tội phạm trên đây là các tội xâm phạm có khách thể trực tiếp là quyền cá nhân của bị hại, sau đó xâm hại đến trật tự an toàn xã hội và các khách thể khác. Với các tội này, cần thiết để bị hại cân nhắc việc hành vi xâm hại đó có cần xử lý bằng pháp luật hình sự hay không. Đây cũng sẽ là chính sách hình sự làm giảm tỉ lệ tội phạm bị khởi tố hiện hành xử lý bằng hình sự, phù hợp với mô hình tố tụng hình sự Việt Nam là mô hình kiểm soát tội phạm, bảo đảm công bằng, dân chủ trong xử lý tội phạm.

Ngoài ra, đề nghị cân nhắc các tội phạm với lỗi vô ý: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260); Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180).

Điều 155 BLTTHS năm 2015 cũng cần bổ sung thêm quy định về thời hạn yêu cầu khởi tố do điều luật này không quy định thời hạn cụ thể mà trong đó bị hại được quyền yêu cầu khởi tố, nghĩa là họ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án bất cứ lúc nào, không bị giới hạn về mặt thời gian. Nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại Điều 155 BLTTHS mà vì một lý do nào đó bị hại chưa yêu cầu khởi tố, nhưng cũng không thể hiện ý chí là không yêu cầu khởi tố vụ án thì vụ án sẽ bị “treo” và chưa thể được giải quyết. Những trường hợp này Cơ quan điều tra không thể ra quyết định khởi tố vụ án vì chưa có yêu cầu khởi tố của bị hại, cũng không thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì không có căn cứ.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 147 BLTTHS năm 2015, thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm là 20 ngày, trường hợp đặc biệt có thể tới 02 tháng. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp thuộc quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015, đã quá thời hạn nhưng bị hại vẫn không có yêu cầu khởi tố vụ án, họ cũng không thể hiện ý chí từ bỏ quyền này, dẫn đến trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không thể giải quyết vụ án và buộc phải chấp nhận vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm theo quy định tại Điều 147 BLTTHS vì liên quan đến quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại.

Theo kiemsat.vn

Cơ quan chức năng khám xét, thu giữ tài liệu trong vụ án Trung tâm đăng kiểm Sơn La. Ảnh: CACC

 

ThS. LÊ XUÂN LỤC