Khiếu nại về việc trả lại đơn do người khởi kiện không có quyền khởi kiện
Trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS do người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự và được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP còn có quan điểm khác nhau.
1.Quy định của pháp luật
Về người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS, đã được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186, Điều 187 BLTTDS: a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình là người đại diện hợp pháp;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không thuộc trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
Yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ”[1].
Như vậy, căn cứ người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS, đã được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP, cụ thể:
Một là, quy định về năng lực pháp luật, năng lực hành vi tố tụng dân sự của chủ thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm và thuộc trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
Ví dụ: Tổ chức A (không phải là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010) cho rằng Công ty B bán hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng như đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết dẫn đến việc chị C (người tiêu dùng) mua sử dụng bị thiệt hại nên Tổ chức A làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty B bồi thường thiệt hại cho chị C. Trường hợp này, Tổ chức A không có quyền khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 3 Điều 187 BLTTDS năm 2015.
Hai là, xác định yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ.
Ví dụ: Cụ A chết năm 2010, để lại di sản là căn nhà X nhưng không có di chúc và không có thỏa thuận khác. Cụ A có con là ông B (còn sống, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 BLDS năm 2015). Trường hợp này, theo quy định của pháp luật về thừa kế thì anh C là con của ông B không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ A theo pháp luật.
2.Thực tiễn áp dụng
2.1. Một trường hợp cụ thể
Nghiên cứu tình huống thực tiễn sau cho thấy hạn chế trong áp dụng pháp luật tố tụng về căn cứ trả lại đơn khởi kiện do người khởi kiện không có quyền khởi kiện:
Căn nhà tại địa chỉ số 16 bà Lê Thị Tuyết M đang ở có nguồn gốc là nhà số 112/5 của ông Lê Vinh T (cha bà M); căn nhà tại địa chỉ số 17 ông Lê Minh H đang ở có nguồn gốc là nhà số 112/5A của ông Lê Minh P (cha ông H). Ngày 17/8/1990, giữa ông Lê Vinh T với ông Lê Minh P lập sơ đồ khu đất hai căn nhà số 112/5 và 112/5A đường Phạm Hồng T, thỏa thuận: “Hành lang nhà 112/5 có đúc ban công” và phần chú thích: “Ông P ở phần dưới, phần trên của ông T”.
Năm 2019, ông T (đã chết), bà M là con duy nhất của ông T tháo dỡ nhà cũ xây dựng lại nhà mới như hiện trạng căn nhà số 112/5 thì bị ông Lê Minh H ngăn cản, cho rằng bà M xây lấn không gian nhà ông nên không cho xây dựng.
Ngày 1/8/2019, bà M khởi kiện yêu cầu ông H chấm dứt hành vi cản trở bà xây dựng nhà. Ngày 23/12/ 2019, TAND huyện C ban hành Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 839/TB-TA, nhận định: Xét thấy đơn khởi kiện thuộc trường hợp “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện”.
Lý do:“Bà Lê Thị Tuyết M khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp với ông Lê Minh H về quyền sử dụng không gian phía trên căn nhà số 17 đường Phạm Hồng T, ấp T, thị trấn C, huyện C, tỉnh A. Căn cứ khởi kiện là giấy thỏa thuận lập ngày 17/8/1990, được xác lập giữa ông Lê Vinh T (cha bà Lê Thị Tuyết M) với ông Lê Minh P (cha của ông Lê Minh H). Hiện tại, bà Lê Thị Tuyết M chỉ được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 166,7m2, thửa 79, tờ bản đồ số 8, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh A cấp ngày 27/11/2018, đất tọa lạc tại số 16 đường Phạm Hồng T, ấp Th, thị trấn C, huyện C, tỉnh A; bà Lê Thị Tuyết M không có tài liệu chứng minh bà được quyền hưởng dụng theo quy định của Bộ luật dân sự về không gian đang tranh chấp chiều ngang 2 mét, chiều dài 12 mét (không gian phía trên căn nhà số 17) đường Phạm Hồng T, ấp T, thị trấn C, huyện C, tỉnh A mà bà yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền của mình bị người khác xâm phạm nên thuộc trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện” và căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS trả lại đơn khởi kiện cho bà M.
Ngày 3/1/2020, bà M khiếu nại Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 839/TB-TA. Ngày 10/1/2020 Tòa án nhân dân huyện C ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 01/2020/QĐ-GQKN, không chấp nhận đơn khiếu nại của bà M, giữ nguyên Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 839/TB-TA, với nhận định: “Bà Lê Thị Tuyết M không có tài liệu chứng minh bà được quyền hưởng dụng theo quy định của Bộ luật dân sự về không gian đang tranh chấp chiều ngang 2 mét, chiều dài 12 mét (không gian phía trên căn nhà số 17) đường Phạm Hồng T, ấp T, thị trấn C, huyện C, tỉnh A mà bà yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền của mình bị người khác xâm phạm nên thuộc trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện”.
Qua nghiên cứu tình huống trên thấy, Thẩm phán được phân công xử lý đơn khởi kiện ban hành Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 839/TB-TA và Thẩm phán được phân công giải quyết khiếu nại ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 01/2020/QĐ-GQKN, đều nhận định đơn khởi kiện thuộc trường hợp “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện”.
Như vậy, Thông báo trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán được phân công xử lý đơn khởi kiện và Quyết định giải quyết khiếu nại của Thẩm phán được phân công giải quyết khiếu nại nêu lý do trả lại đơn khởi kiện cũng như lý do không chấp nhận khiếu nại không phải do bà M không có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi tố tụng dân sự hay đã xác định được yêu cầu khởi kiện của bà M không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của bà M bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ như hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyêt 04/2017/NQ-HĐTP.
2.2.Quan điểm khác nhau
Qua nghiên cứu trường hợp khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện nêu trên, tác giả thấy có hai quan điểm không đồng nhất:
Quan điểm về phía người khiếu nại, cho rằng bà M là hàng thừa kế thứ nhất và duy nhất của ông T và theo thỏa thuận lập ngày 17/8/1990, giữa ông Lê Vinh T (Cha bà M) với ông Lê Minh P (Cha ông H) tại sơ đồ khu đất hai căn nhà số 112/5 và 112/5A, Phạm Hồng T, thỏa thuận:“Hành lang nhà 112/5 có đúc ban công, phần chú thích: Ông P ở phần dưới, phần trên của ông T”; như vậy, bà M có quyền sử dụng phần không gian phía trên ban công, do đó việc ông H ngăn cản thì bà có quyền khởi kiện.
Quan điểm về phía người giải quyết khiếu nại, cho rằng bà M không có tài liệu chứng minh bà được quyền hưởng dụng theo quy định của BLDS năm 2015 về không gian đang tranh chấp mà bà yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền của mình bị người khác xâm phạm nên thuộc trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện.
Theo quan điểm của tác giả, việc ông H ngăn cản không cho bà M xây dựng lại nhà như hiện trạng căn nhà cũ, là tranh chấp quyền bề mặt theo quy định tại Điều 267 BLDS “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác” và căn cứ xác lập quyền bề mặt quy định tại Điều 268 BLDS “Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc”. Như vậy, theo thỏa thuận lập ngày 17/8/1990, giữa ông Lê Vinh T với ông Lê Minh P tại sơ đồ khu đất hai căn nhà số 112/5 và 112/5A, Phạm Hồng T, thỏa thuận:“Hành lang nhà 112/5 có đúc ban công, phần chú thích: Ông P ở phần dưới, phần trên của ông T”, cho thấy ông Lê Vinh T cha bà M có quyền sử dụng khoảng không gian hành lang nhà số 112/5. Ông T đã chết, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”; tại thời điểm khởi kiện chỉ có bà M là hàng thừa kế thứ nhất và duy nhất của ông T cho nên bà M có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà theo quy định tại các Điều 4, Điều 186 BLTTDS; khoản 2 Điều 14, Điều 267 và Điều 268 BLDS. Như vậy, lẽ ra việc tranh chấp giữa bà M với ông H phải được thụ lý giải quyết nhưng TAND huyện C cho rằng bà M không có quyền khởi kiện, trả lại đơn khởi kiện cho bà M là không đúng. Bà M khiếu nại Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 839/TB-TA của Thẩm phán được phân công xem xét xử lý đơn khởi kiện là có cơ sở; lẽ ra, phải được chấp nhận, nhưng Thẩm phán được phân công giải quyết khiếu nại lại không chấp nhận khiếu nại.
2.3.Những vấn đề rút ra và kiến nghị
Qua phân tích và đối chiếu với căn cứ người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS, đã được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP, xem xét tình huống nêu trên tác giả thấy có một số vấn đề như sau:
Thứ nhất. Tòa án đã ban hành quyết định thông báo trả lại đơn khởi kiện cơ bản đúng quy định về hình thức văn bản (quy định tại biểu mẫu tố tụng số 27- Thông báo trả lại đơn khởi kiện, mẫu số 28 – Quyết định giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện. Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/ 2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC). Tuy nhiên, Thẩm phán được phân xử lý đơn khởi kiện và Thẩm phán được phân công giải quyết khiếu nại chưa phân biệt được chủ thể “Không có quyền khởi kiện” với việc “Yêu cầu khởi kiện không có căn cứ không được chấp nhận”.
Thứ hai. Ngày 1/ 8/ 2019 bà M gửi đơn khởi kiện đến ngày 23/12/2019 TAND huyện C mới ban hành Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 839/TB-TA là vi phạm thời hạn xử lý đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 191 BLTTDS, cụ thể:
“2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này; c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”.
Thứ ba. Tòa án có nêu và giải thích căn cứ của việc trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, lập luận và quan điểm của Tòa án trong tình huống trên chưa thực sự hợp lý, thuyết phục, chưa xem xét đến quan hệ pháp luật tranh chấp vì đây là tranh chấp quyền bề mặt theo quy định tại Điều 267 BLDS “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác” và căn cứ xác lập quyền bề mặt quy định tại Điều 268 BLDS “Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc”.
Việc bà M không khiếu nại đến Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp cho nên Quyết định giải quyết khiếu nại số 01/2020/QĐ-GQKN của Thẩm phán TAND huyện C được phân công giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành. Do đó, bà Mai không thực hiện được quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Cuối cùng, tác giả đề xuất TANDTC cần có hướng dẫn phân biệt giữa “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện” với việc “Yêu cầu khởi kiện không có căn cứ không được chấp nhận” để giúp các Thẩm phán áp dụng đúng quy định của pháp luật./.
HĐXX một vụ án dân sự – Ảnh: LS online
[1]Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận