Không cần thiết phải hướng dẫn về trường hợp thay đổi thẩm quyền theo Điều 298 BLTTHS
Nghiên cứu bài “Thực trạng áp dụng Điều 298 BLTTHS tại Tòa án nhân dân cấp huyện” của các tác giả Nguyễn Đình Tiến và Châu Thanh Quyền, ngày 11/5/2023, chúng tôi có ý kiến phản biện.
1.Về thực trạng áp dụng pháp luật về giới hạn của việc xét xử
Điều 298 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định giới hạn của việc xét xử cụ thể như sau:
“Điều 298. Giới hạn của việc xét xử
1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”
Như vậy, so với quy định tại Điều 196 của BLTTHS 2003[1], quy định về giới hạn của việc xét xử của BLTTHS có sự thay đổi, bổ sung điểm mới tại khoản 3 Điều 298. Theo đó, BLTTHS 2003 không quy định việc Tòa án được xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố trong khi BLTTHS quy định Tòa án được quyền thực hiện quyền này sau khi trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại mà Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố. Cũng chính từ sự thay đổi, bổ sung này dẫn đến thực tiễn xét xử tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong trường hợp Tòa án xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố và đã trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại nhưng Viện kiểm sát vẫn nguyên quan điểm truy tố. Từ đó, các tác giả bài viết đặt ra ba vấn đề pháp lý liên quan.
2. Tòa án vẫn phải tuân thủ quy định về thẩm quyền xét xử
Vấn đề thứ nhất các tác giả bài viết đặt ra là tranh chấp về thẩm quyền. Cụ thể khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn mà theo quy định của BLTTHS thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh sẽ dẫn đến tranh chấp về thẩm quyền:“Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền”[2].
Tuy nhiên, nghiên cứu toàn diện các quy định của BLTTHS chúng tôi nhận thấy trường hợp thay đổi thẩm quyền theo giới hạn của việc xét xử quy định tại khoản 3 Điều 298 của BLTTHS không thuộc trường hợp giải quyết việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử theo quy định tại Điều 275 của BLTTHS. Bởi lẽ, Điều 275 của BLTTHS chỉ quy định việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa: (1) các TAND cấp huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giữa các Tòa án quân sự khu vực trong cùng một quân khu; (2) các TAND cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, giữa các Tòa án quân sự khu vực thuộc các quân khu khác nhau; (3) các TAND cấp tỉnh, các TAQS cấp quân khu; (4) TAND và TAQS. Do điều luật không quy định việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh nên Tòa án cấp huyện không thể căn cứ vào quy định này để đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử.
Về quan điểm của các tác giả bài viết là: “Trong trường hợp này, bắt buộc TAND cấp huyện phải chuyển hồ sơ về TAND cấp tỉnh để giải quyết theo tội danh tương ứng. Tuy nhiên, vấn đề sẽ tiếp tục khó khăn khi TAND cấp tỉnh không tiếp nhận hồ sơ vì chưa có quyết định cuối cùng xác định bị cáo phạm tội danh nặng hơn, ví dụ “Tội giết người” trong tình huống nêu trên”, chúng tôi không thống nhất.
Bởi lẽ, trình tự, thủ tục tố tụng hình sự khác với trình tự, thủ tục tố tụng dân sự và hành chính. Nếu như đối với vụ án dân sự, hành chính, khi Tòa án cấp huyện có căn cứ xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh và luật quy định phải chuyển vụ án đến Tòa án cấp tỉnh để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền thì Tòa án cấp huyện chuyển thẳng hồ sơ đến TAND cấp tỉnh để thụ lý giải quyết mà không cần phải thông qua Viện kiểm sát. Trong khi đó, đối với vụ án hình sự, thẩm quyền xét xử của Tòa án còn phải phụ thuộc vào thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát, cụ thể, tại khoản 1 Điều 239 BLTTHS quy định: “Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án”. Tức là Viện kiểm sát cấp nào truy tố thì Tòa án cấp đó xét xử (trừ trường hợp vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hiện quyền thực hành công tố và kiểm sát điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 239 BLTTHS).
Do đó, sau khi Tòa án đã trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại mà Viện kiểm sát không chấp nhận thì Tòa án cấp huyện cũng không thể tự mình chuyển thẳng hồ sơ đến Tòa án cấp tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền (mà phải theo trình tự: Tòa án cấp huyện trả hồ sơ cho Viện kiểm sát cấp huyện à Viện kiểm sát cấp huyện chuyển vụ án cho Viện kiểm sát cấp tỉnh à Viện kiểm sát cấp tỉnh truy tố và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp tỉnh xét xử). Vì vậy, không đặt ra vấn đề “khó khăn khi Tòa án nhân dân cấp tỉnh không tiếp nhận hồ sơ” vì quy định của BLTTHS không cho phép cơ quan tiến hành tố tụng mà cụ thể là Tòa án cấp tỉnh trực tiếp tiếp nhận hồ sơ từ Tòa án cấp huyện để giải quyết trong trường hợp này.
Vấn đề thứ hai và thứ ba các tác giả bài viết đặt ra là “khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn sẽ ảnh hưởng đến thành phần Hội đồng xét xử” và “sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo”. Từ đó, các tác giả bài viết đề xuất trong trường hợp này Tòa án cấp huyện xét xử với Hội đồng xét xử gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm và chỉ định người bào chữa cho bị cáo (trong trường hợp bị cáo không có người bào chữa). Quan điểm này, chúng tôi không thống nhất, bởi lẽ trong hoạt động tố tụng hình sự nói riêng cũng như trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung, người tiến hành tố tụng (người thi hành công vụ) chỉ được phép thực hiện những hành vi mà pháp luật quy định cho phép thực hiện.
Quay trở lại với tình huống nêu trên, trường hợp Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại mà Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn nhưng bên cạnh đó, Tòa án vẫn phải tuân thủ quy định về thẩm quyền xét xử tại Điều 268 của BLTTHS. Trong khi BLTTHS không cho phép Tòa án cấp huyện xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh thì dù có thống nhất với quan điểm của Viện kiểm sát hay không, Tòa án cấp huyện vẫn phải chấp nhận xét xử bị cáo theo tội danh hoặc điều khoản thuộc phạm vi thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Do đó, không đặt ra vấn đề Tòa án cấp huyện xét xử bị cáo với Hội đồng xét xử gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm và chỉ định người bào chữa cho bị cáo do bị cáo bị xét xử về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù (đối với chỉ định người bào chữa), tù chung thân, tử hình vì Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền xét xử bị cáo về các tội danh hoặc điều khoản này.
3. Về kiến nghị
Từ những phân tích phản biện nêu trên, đối với ba nội dung các tác giả bài viết kiến nghị TANDTC hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, người viết có đề xuất như sau:
Thứ nhất, không cần thiết phải hướng dẫn về trường hợp thay đổi thẩm quyền khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn theo hướng nếu TAND cấp huyện thay đổi tội danh mà tội danh đó không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện thì Tòa án cấp tỉnh phải thụ lý, giải quyết vụ án. Bởi lẽ, căn cứ vào các quy định của BLTTHS thì trường hợp này Tòa án hoàn toàn có thể giải quyết được vụ án đúng theo quy định của pháp luật mà không phát sinh vướng mắc.
Cụ thể, nếu Tòa án cấp huyện đã trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại nhưng Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố mà tội danh mà Tòa án cấp huyện xét thấy cần xét xử bị cáo là tội danh nặng hơn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh thì Tòa án cấp huyện vẫn phải xét xử bị cáo theo tội danh thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện (tức là vừa không được vi phạm quy định về giới hạn của việc xét xử vừa không được vi phạm quy định về thẩm quyền xét xử). Trường hợp việc xét xử của Tòa án cấp huyện có sai sót về tội danh thì vấn đề này sẽ được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm. Trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm thì bản án có hiệu lực pháp luật.
- Thứ hai, không cần thiết hướng dẫn về trường hợp thành phần Hội đồng xét xử theo hướng trước khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn thì bắt buộc phải đảm bảo thành phần Hội đồng xét xử gồm 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm và về trường hợp phát sinh việc chỉ định người bào chữa tại phiên tòa khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn theo hướng Tòa án phải hoãn phiên tòa để tiến hành việc chỉ định người bào chữa theo Điều 76 BLTTHS. Vì BLTTHS không cho phép nên thực tiễn xét xử không thể phát sinh trường hợp Tòa án cấp huyện được quyền xét xử bị cáo về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù (đối với chỉ định người bào chữa), tù chung thân, tử hình như đã phân tích trên.
TAND huyện Tây Hòa, Phú Yên xét xử vụ án hình sự trực tuyến - Ảnh: Hàn Ni
[1]Điều 196. Giới hạn của việc xét xử
Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.
Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
[2] Điều 274. Chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử
1. Khi vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát đã truy tố phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố để giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu thực hiện theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này.
Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền.
2. Thời hạn truy tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn được thực hiện theo quy định tại Điều 240 và Điều 241 của Bộ luật này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận