Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho thấy, việc thực hiện các quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung của BLTTDS năm 2015 còn tồn tại những vướng mắc, bất cập nhất định trong nhận thức và áp dụng pháp luật, tác giả đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục hạn chế này.
1. Một số vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Để giải quyết vụ án hình sự đảm bảo khách quan, toàn diện, triệt để, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015) đã quy định cụ thể các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung tại các Điều 245, 280. Theo đó, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp: (1) Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát, Tòa án không thể tự bổ sung được; (2) Có căn cứ cho rằng, ngoài hành vi phạm tội bị khởi tố, truy tố, bị can còn thực hiện hành vi phạm tội khác; (3) Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can; (4) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử cho thấy, có một số vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật dẫn đến nhiều vụ án Viện kiểm sát, Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cụ thể như sau:
- Về căn cứ để Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015 thì Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát khi thiếu chứng cứ quy định tại Điều 85 của BLTTHS năm 2015 mà không thể bổ sung tại phiên tòa được, tức là chỉ khi thiếu chứng cứ mà đến phiên tòa mới phát hiện và Hội đồng xét xử xác định không thể bổ sung được trong quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa thì Tòa án mới trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Như vậy, quy định về nội dung quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra (CQĐT) và Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát tại Điều 245 và Điều 280 BLTTHS là thống nhất. Tuy nhiên, Điều 245 BLTTHS năm 2015 không quy định rõ trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ cho CQĐT thì trong thời hạn bao nhiêu ngày phải chuyển hồ sơ vụ án cho CQĐT. Trong khi Điều 280 BLTTHS quy định Tòa án phải gửi quyết định trả hồ sơ kèm hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp Viện kiểm sát chấp nhận quan điểm trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án mà Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho CQĐT để tiến hành điều tra.
- Về thủ tục pháp lý sau khi kết thúc việc điều tra bổ sung: Khoản 3 Điều 245 BLTTHS năm 2015 quy định: Kết thúc điều tra bổ sung, CQĐT phải có bản kết luận điều tra bổ sung, nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì CQĐT phải ra bản kết luận điều tra mới thay thế. Trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó (khoản 3 Điều 280 BLTTHS năm 2015), tức là trong trường hợp Viện kiểm sát chấp nhận nội dung Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung, đã trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung và CQĐT có kết luận điều tra bổ sung thì không phải mọi trường hợp Viện kiểm sát đều phải ban hành cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó, như trường hợp chỉ bổ sung về chứng cứ, khắc phục vi phạm về thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, BLTTHS năm 2015 không quy định khi chuyển hồ sơ sang Tòa án sau khi điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát ban hành loại văn bản tố tụng gì.
- Về trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà kết quả điều tra bổ sung dẫn đến việc đình chỉ vụ án: Trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung mà kết quả điều tra bổ sung dẫn đến việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định. Tuy nhiên, trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ cho CQĐT mà dẫn đến việc đình chỉ điều tra vụ án không được quy định tại Điều 245 BLTTHS năm 2015 mà được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Thông tư liên tịch số 02/2017). Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, có trường hợp sau khi Viện kiểm sát truy tố, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng như tại phiên tòa, Thẩm phán không phát hiện có căn cứ để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà do Viện kiểm sát phát hiện, BLTTHS năm 2003 chưa quy định trong trường hợp này thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ. Mặc dù, Điều 280 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung căn cứ trả hồ sơ trong những trường hợp này, tuy nhiên nếu vụ án có nhiều bị can, CQĐT ra quyết định tách vụ án hình sự do có bị can trốn, sau đó tạm đình chỉ, đến giai đoạn truy tố, xét xử mới bắt được bị can, hoặc trong trường hợp trước khi Viện kiểm sát truy tố, CQĐT phát hiện có căn cứ trả hồ sơ và có văn bản đề nghị Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để nhập vụ án đảm bảo việc giải quyết vụ án được toàn diện và triệt để thì BLTTHS năm 2015 chưa quy định về việc CQĐT đề nghị Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ thì được giải quyết thế nào.
- Về số lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung: Để tránh việc lạm dụng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, BLTTHS năm 2015 quy định rõ thời gian điều tra bổ sung, số lần Viện kiểm sát và Tòa án được phép trả hồ sơ để điều tra bổ sung tại khoản 2 Điều 174. Theo đó, trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung 02 lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 01 lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 01 lần.
Thực tiễn áp dụng quy định này trong thời gian qua còn vướng mắc, bất cập trong trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ cho CQĐT nhưng vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà CQĐT không thực hiện được đầy đủ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát hoặc trong trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó, nhất là đối với các vụ án là chuyên án lớn, nhiều bị can, tội phạm công nghệ cao, với tổng thời hạn Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung không quá 04 tháng vẫn không đủ điều kiện để kết thúc điều tra vụ án đã dẫn tới việc vận dụng bằng cách mặc dù chưa thu thập đủ chứng cứ chứng minh những vấn đề quy định tại Điều 85 BLTTHS năm 2015 thì vẫn làm thủ tục truy tố, chuyển hồ sơ sang Tòa án để Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Đây cũng là vấn đề cần xem xét, khắc phục khi sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015.
2. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Để hạn chế tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, ngoài công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tổng kết, rút kinh nghiệm hàng năm thì cần hoàn thiện quy định của pháp luật về trả hồ sơ để điều tra bổ sung để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, cụ thể:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Điều 245 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Bổ sung vào đoạn cuối khoản 2 về thời hạn Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ cho CQĐT cụm từ “... và gửi cho Cơ quan điều tra cùng hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định”.
Bổ sung khoản 4 vào điều luật, cụ thể:
“... 4. Trường hợp Cơ quan điều tra phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát trả hồ sơ.
Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ điều tra, thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại Điều 230 của Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Thứ hai, về các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cần sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015 như sau: “Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể tự mình bổ sung được”.
Thứ ba, tại khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 02/2017 quy định: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, sau khi nghiên cứu hồ sơ nếu thấy có một trong các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 của Thông tư liên tịch này thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trao đổi với Kiểm sát viên để có biện pháp khắc phục kịp thời hoặc có thể bổ sung được tại phiên tòa mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu Kiểm sát viên và Thẩm phán không thống nhất ý kiến, thì báo cáo lãnh đạo liên ngành xem xét cho ý kiến về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 280 của BLTTHS năm 2015.
Như vậy, Điều 280 BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 02/2017 đều không quy định rõ trong trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Tòa án có bắt buộc phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát hay không. Vì vậy, cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 02/2017 theo hướng Tòa án bắt buộc phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để giải quyết theo quy định trong trường hợp Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Thông tư liên tịch số 02/2017 như sau: “Định kỳ (hàng tháng, hàng quý, 06 tháng, 01 năm), các cơ quan tiến hành tố tụng phải xây dựng báo cáo liên ngành về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; trong đó, phải đánh giá tình hình, xác định số vụ/bị can, bị cáo, phân tích lý do trả hồ sơ để điều tra bổ sung, số vụ trả có căn cứ, số vụ trả không có căn cứ, nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, người tiến hành tố tụng trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung”. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này sẽ là căn cứ để xác định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 14 Thông tư liên tịch số 02/2017 đối với những vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung không được chấp nhận.
Theo Kiemsat.vn
Tòa án nhân dân thị xã Long Mỹ, Hậu Giang xét xử vụ án cố ý gây thương tích - Ảnh: Kim Chúc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận