Lấy ý kiến con chưa thành niên từ 7 tuổi trở lên ở Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Trong trường hợp các bên có tranh chấp về người trực tiếp nuôi con chung, nhưng sau khi hòa giải họ thống nhất thỏa thuận được với nhau, thì có cần phải lấy ý kiến của con chung (từ 7 tuổi trở lên) nữa hay không? Đây là vấn đề mà tác giả muốn đưa ra trao đổi và xin quan điểm góp ý từ bạn đọc.
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là chế định mang lại nhiều ưu điểm, giúp giải quyết nhanh chóng các tranh chấp hơn so với giải quyết bằng con đường theo trình tự tố tụng. Đặc biệt là đối với các vụ án ly hôn, tỷ lệ được giải quyết tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, đối với các trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (HGĐTTTA) không quy định về việc lấy ý kiến con chung chưa thành niên từ 7 tuổi trở lên như quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) và BLTTDS hiện hành.
1. Quy định của pháp luật
Điều 55 Luật HNGĐ năm 2014 về thuận tình ly hôn quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.
Khoản 2 Điều 81 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.
Tham khảo Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có hướng dẫn: “...để bảo đảm quyền lợi của người con, Tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ 07 tuổi trở lên; phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên, Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của người con để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng” (Mục 26 Phần IV).
Khoản 9 Điều 3 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định: “Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại”.
Khoản 4 Điều 33 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định: “Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình”.
Như vậy, Luật HGĐTTTA không quy định việc buộc phải lấy ý kiến của con chưa thành niên trong quá trình Hòa giải viên tiến hành hòa giải.
2. Hạn chế
Thực tiễn cho thấy, bởi lợi ích từ việc giải quyết tranh chấp tại Trung tâm hòa giải, đối thoại (điển hình là tiết kiệm chi phí, thời gian, thủ tục rút gọn thuận tiện...) cho nên đương sự chấp nhận đi đến thỏa thuận đầy đủ các vấn đề cần giải quyết để có thể thuận tình ly hôn một cách nhanh chóng. Đôi khi sự thỏa thuận của họ tại Trung tâm hòa giải, đối thoại lại trái ngược với ý chí, nguyện vọng của con; việc thỏa thuận trở nên vô nghĩa khi thực tế họ không thực hiện theo đó hay họ bỏ mặc con cho người khác chăm sóc. Tức là sự thỏa thuận đó không bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho con chung. Điều này dẫn đến hệ lụy là ảnh hưởng đến sự phát triển của con chưa thành niên hoặc chỉ sau một thời gian ngắn họ lại phải khởi kiện để yêu cầu thay đổi người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung.
Ly hôn vốn là vấn đề của người lớn nhưng trẻ em luôn là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất sau mỗi cuộc chia ly. Cho dù nguyện vọng của con không phải là yếu tố quyết định việc ai sẽ là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mình nhưng tác giả cho rằng việc lấy ý kiến của con chung ngay từ khi hòa giải tại Trung tâm hòa giải, đối thoại là cần thiết. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, mọi sự lựa chọn của cha, mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ quá trình phát triển của con sau này. Việc cân nhắc nguyện vọng của con là cơ sở để hòa giải, phân tích cho cha mẹ cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định ly hôn. Đồng thời nếu trường hợp con chưa thành niên có nguyện vọng trái với thỏa thuận của cha, mẹ thì Hòa giải viên sẽ là người có đủ kinh nghiệm để đưa ra những phương án hòa giải có thể bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em, tránh những hệ lụy xấu về tâm lý cho con sau những cuộc đổ vỡ của cha mẹ.
Thứ hai, trường hợp cha mẹ đã thống nhất thỏa thuận được với nhau thì có thể dễ dàng lấy ý kiến của con hơn là khi xảy ra tranh chấp. Hơn nữa việc đối diện, phân tích, bày tỏ với con cái một cách trực tiếp là cần thiết, giúp giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đây cũng là cơ hội hiếm có để cha, mẹ lắng nghe nguyện vọng của con từ đó cân nhắc hơn khi có quyết định ly hôn. Rất nhiều trường hợp sau khi ly hôn, con cái thường có ác cảm với người không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mình từ đó làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác trong đời sống.
Thứ ba, việc lấy ý kiến con chung khi công nhận thuận tình ly hôn tại trung tâm hòa giải, đối thoại là nguồn chứng cứ quan trọng để có thể vận dụng trong giải quyết các tranh chấp liên quan về sau.
Tác giả nhận thấy rằng Hòa giải tại Trung tâm hòa giải, đối thoại là một cơ chế rất thân thiện, mềm dẻo và có hiệu quả cao. Chính vì vậy, tác giả cho rằng cần có văn bản hướng dẫn, quy định thống nhất về việc khuyến khích Hòa giải viên nên lấy ý kiến của con chưa thành niên để hiểu được nguyện vọng của con, từ đó có phương án hòa giải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em theo quy định của Luật HGĐTTTA.
Hòa giải viên Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP. Nha Trang trao đổi với đương sự.- Ảnh: Nguyễn Vũ
Bài liên quan
-
Thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án - Bất cập và một số kiến nghị
-
Bàn về việc đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
-
Giải pháp hạn chế trả lại đơn khởi kiện về tranh chấp đất đai do hòa giải tại cơ sở chưa đúng
-
Hoàn thiện khung pháp luật về hòa giải thương mại của Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận