Mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền lập pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam
Đóng góp mới của bài viết này cho mỗi phần là đề xuất ý tưởng trao quyền “bảo hiến mềm” cho các TAND hoặc/và Hội đồng Hiến pháp; và cân bằng trách nhiệm giải trình tư pháp và độc lập tư pháp ở Việt Nam.
I. Xác lập quyền tài phán hiến pháp đối với quyền lập pháp: Trao quyền “bảo hiến mềm” cho các TAND hoặc/và Hội đồng Hiến pháp
1.1. Cần phải xác lập quyền tài phán hiến pháp đối với quyền lập pháp
Một số quốc gia trao quyền cho Hội đồng Hiến pháp, trong khi một số ít Hiến pháp, trong đó có Việt Nam bỏ ngỏ cơ chế bảo hiến chuyên trách và trao quyền bảo hiến cho nhiều cơ quan khác nhau thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, cùng với sự du nhập tư tưởng Nhà nước pháp quyền, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế bảo hiến hiện hành, các đề xuất thay đổi, đổi mới mô hình bảo hiến ở Việt Nam là rất cần thiết. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định: “Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý… Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định” (Điều 119 Hiến pháp năm 2013).
Ở Việt Nam và các nước theo truyền thống Nghị viện (Quốc hội), việc thừa nhận quyền tài phán hiến pháp đối với quyền lập pháp đều gặp trở ngại lớn xuất phát từ một số vấn đề/câu hỏi cơ bản đặt ra: Liệu tài phán đối với quyền lập pháp có phải đi ngược lại với lý thuyết, quan niệm về dân chủ? Điều đó có đi ngược lại với quan niệm Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, quyền lực nhà nước cao nhất hay không? Tại sao các cơ quan tư pháp/tài phán lại có quyền thách thức, xem xét lại quyết định của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất? Điều đó có cổ súy cho việc thiết lập “chính quyền của các quan tòa”[1]?
Trước hết, cần phải khẳng định quyền lập pháp của Quốc hội cũng cần phải được tổ chức và thực hiện trong khuôn khổ của Hiến pháp và phải có cơ chế để kiểm tra, bảo đảm sự phù hợp của quyền lập pháp với Hiến pháp.
Hiến pháp là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, là bản khế ước xã hội, phản ánh chủ quyền nhân dân. Tất cả các hành vi xâm phạm Hiến pháp của các cơ quan Nhà nước, kể cả Quốc hội cũng là trái với chủ quyền tối cao của nhân dân. Quyền lập hiến là quyền gốc, quyền thiết lập ra các quyền khác, trong đó có quyền lập pháp. Quyền lập pháp phải được tổ chức và thực hiện trong khuôn khổ của Hiến pháp. Vì thế, kiểm tra tính hợp hiến của quyền lập pháp (các đạo luật) của Quốc hội không phải là phủ nhận ý chí nhân dân, mà trái lại, là bảo vệ ý chí chung của nhân dân. Với cách quan niệm này, thì các đạo luật hay Quốc hội sẽ không phải là tối cao và không thể bị kiểm soát, mà Hiến pháp mới là tối cao.
Thứ hai, vai trò tài phán hiến pháp của các tòa án và các thiết chế tài phán độc lập là một trong những yêu cầu cơ bản của nhà nước pháp quyền.
Quyền lập pháp và quyền hành pháp là những nhá nh quyền lực mạnh và do đó dễ có nguy cơ lạm quyền. Khác với lập pháp và hành pháp, tư pháp lại là một ngành quyền lực yếu hơn so với lập pháp, hành pháp. Hơn nữa, trong một chế độ dân chủ thừa nhận sự phân công quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì ngành tư pháp được thiết kế độc lập có trách nhiệm bảo vệ hiến pháp với tư cách là đạo luật tối cao của một đất nước, bảo vệ tự do dân chủ bằng cách chống lại sự tập trung quyền lực vào nhà nước. Nếu như lập pháp, hành pháp là những ngành quyền lực đại diện cho nhà nước và chính trị thì tư pháp lại đại diện cho công lý để bảo vệ các quyền tự nhiên vốn có mà mọi người sinh ra phải được hưởng. Cho nên có tác giả cho rằng: “Giới hạn quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền cá nhân sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có những định chế kìm chế quyền lực của đa số. Do đó, tư pháp là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền của thiểu số trong khi hai ngành quyền lực còn lại lại phúc đáp cho đa số.”[2] Với ý nghĩa như vậy, tư pháp không chỉ là một ngành quyền lực ít có nguy cơ lạm quyền, ít nguy hiểm đối với các quyền hiến định của công dân, mà còn là một ngành quyền lực được tạo ra nhằm để giải quyết các khiếu nại của công dân khi các quyền hiến định của công dân bị chính quyền vi phạm.[3] Quyền lập pháp là đại diện cho đa số, nhưng không được trái với các quyền và tự do cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Theo nghĩa này, quyền tài phán hiến pháp đối với quyền lập pháp đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ các quyền và tự do cơ bản – nền tảng cơ bản của “Dân chủ hợp hiến” (constitutional democracy).[4] Phù hợp với tư duy pháp quyền, các tòa án thường hay Tòa án Hiến pháp hay Hội đồng Hiến pháp được trao quyền bảo hiến pháp trước mọi sư vi phạm, kể cả quyền lập pháp.
1.2. Cần phải có cơ chế phù hợp để hiện thực hóa quyền tài phán hiến pháp đối với quyền lập pháp
Việc thảo luận đề xuất mô hình bảo hiến đã được thảo luận khá nhiều trong quá trình xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 2013. Trong quá trình này, mô hình bảo hiến bởi các TAND không được giới học thuật ủng hộ. Lý do chính được đưa ra là Việt Nam có nhiều tương đồng với truyền thống pháp luật Châu Âu - bối cảnh đã dẫn đến sự chối bỏ mô hình bảo hiến Hoa Kỳ trao quyền bảo hiến cho các tòa án thường để thay vào đó là sự ra đời của một loại tòa án đặc biệt - Tòa án Hiến pháp. Ngoài ra, những bất cập của hệ thống tư pháp hiện nay cũng được cho là những rào cản lớn cho việc thúc đẩy vai trò của các tòa án trong vai trò bảo vệ Hiến pháp. Trong khi đó, đề xuất thành lập Hội đồng Hiến pháp đã từng được đưa vào Dự thảo hiến pháp, nhưng cuối cùng lại không được chấp nhận. Trong bối cảnh đó, việc trao quyền bảo hiến cho các tòa án hay đề xuất thành lập một Hội đồng Hiến pháp có thể bị đặt ra nghi vấn về tính phù hợp hay khả thi ở Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả bài viết lập luận rằng việc trao quyền và thúc đẩy vai trò của các TAND hoặc/và Hội đồng Hiến pháp vẫn có triển vọng áp dụng. Mô hình khả thi khi trao quyền tài phán hiến pháp cho các TAND hoặc/và Hội đồng hiến pháp là mô hình “bảo hiến mềm”, trong đó các thiết chế bảo hiến thực hiện vai trò bảo hiến tương đối. Trong cả hai trường hợp, việc nâng cao vị thế của các thiết chế bảo hiến là không thể thỏa hiệp.
Trước hết, tác giả cho rằng việc trao quyền tài phán hiến pháp cho Tòa án Hiến pháp khó khả thi ở Việt Nam, cho dù mô hình này có nhiều ưu điểm, giá trị, đặc biệt là sự hiện diện của một Tòa án Hiến pháp độc lập, thẩm quyền rộng rãi, được nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả nhiều quốc gia chuyển đổi lựa chọn áp dụng. Có hai lý do chính dẫn đến nhận định này:
Thứ nhất, chính ưu điểm, giá trị cơ bản của Tòa án Hiến pháp tư cách là một Tòa án Hiến pháp độc lập, thẩm quyền rộng rãi, mạnh mẽ cho thấy mô hình này chưa thể được chấp nhận và thiết lập ở Việt Nam. Một cách khái quát nhất, mặc dù chính sách Đổi mới hơn 30 năm qua đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực về thể chế, nhưng chưa đủ để thiết lập một Tòa án Hiến pháp như các quốc gia dân chủ khác.[5]
Thứ hai, thực tiễn áp dụng mô hình bảo hiến ở các quốc gia chuyển đổi hoặc ít dân chủ cho thấy, trong rất nhiều quốc gia, các Tòa án Hiến pháp không những không phát huy được vai trò bảo vệ Hiến pháp, thúc đẩy pháp quyền mà ngược lại, trở thành công cụ hợp thức hóa, chính danh hóa các hành vi lạm quyền, chuyên chế của các nhà cầm quyền chuyên chính. Trên thực tế, vị trí độc lập của Tòa án Hiến pháp và các thẩm phán ở các quốc gia này không được bảo đảm, và khi đó, các quyền hạn rộng lớn của Tòa án Hiến pháp lại trở thành công cụ, phương tiện của các nhà cầm quyền sử dụng để phục vụ cho các lợi ích chính trị thiếu hoặc không chính đáng. Vì vậy, việc cải cách nâng cao tính độc lập và giảm bớt thẩm quyền của các Tòa án Hiến pháp đang được đặt ra như là một trong vấn đề cấp bách của các Tòa án Hiến pháp trong những nền dân chủ chuyển đổi.
Khi không thể thành lập Tòa án Hiến pháp, các lựa chọn khác có thể xem xét, đó là trao quyền tài phán hiến pháp cho các TAND và/hoặc thành lập Hội đồng Hiến pháp trong mô hình bảo hiến “mềm” - mô hình bảo hiến bởi một (các) thiết chế độc lập, có thẩm quyền hạn chế, hoạt động trong sự tương tác giữa cơ quan bảo hiến và Quốc hội. Bảo hiến “mềm” có nghĩa là phán quyết vi phạm hiến pháp chưa dẫn đến việc vô hiệu, hay mất giá trị pháp lý của văn bản, hành vi bị tuyên bố vi hiến, mà cho phép chủ thể ban hành văn bản hoặc có hành vi vi phạm thời gian, cơ hội để xem xét lại văn bản, quyết định của mình. Nếu không đồng tình, hay chống lại quyết định của cơ quan bảo hiến, thì chủ thể ban hành văn bản, có hành vi bị xem xét phải có biểu quyết đa số tuyệt đối. Các TAND và/hoặc Hội đồng hiến pháp có quyền quyết định cuối cùng về phán quyết hiến pháp.
Mô hình bảo hiến “mềm” được tác giả đưa ra dựa trên lý thuyết bảo hiến tương đối phát triển ở một số quốc gia có truyền thống Nghị viện mạnh như Canada, Anh và New Zealand. Theo mô hình này, các tòa án độc lập có quyền phân tích và đưa ra phán quyết về sự không phù hợp của các đạo luật so với các quy phạm hiến pháp, nhưng đồng thời cho phép cơ quan lập pháp (Nghị viện) được phản ứng lại bằng cách: hoặc sửa lại phán quyết của tòa án hoặc sửa đổi luật sao cho phù hợp với các quy phạm hiến pháp. Cơ sở hợp lý của chế độ bảo hiến này là ở chỗ: Một là, có những bất đồng ý kiến hợp lý không thể tránh khỏi trong cách giải thích một điều khoản hiến pháp do tính trừu tượng cố hữu của ngôn ngữ hiến pháp; hai là, do vậy, cần có một cuộc đối thoại giữa cơ quan bảo hiến và cơ quan lập pháp trong các vấn đề giải thích hiến pháp. Đây là một cơ chế cho phép tăng cường sự cẩn trọng trong các vấn đề hiến pháp, nhất là khả năng của người dân và các đại diện của họ có thể phản ứng kịp thời khi một phán quyết hiến pháp sai lầm rõ ràng[6]. Hay nói cách khác, mô hình này thể hiện sự hài hòa giữa lý thuyết bảo hiến và truyền thống Nghị viện/Quốc hội. Ở Việt Nam, truyền thống Quốc hội cũng rất mạnh, vì thế cho phép nghiên cứu để trao quyền bảo hiến hạn chế cho các TAND hoặc Hội đồng Hiến pháp.
Ngoài sự thích hợp với truyền thống Quốc hội, mô hình bảo hiến “mềm” còn có một số ưu điểm có thể ứng dụng ở Việt Nam:
- Phù hợp với cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước (chưa phải là phân quyền);
- Phù hợp với văn hóa đối thoại, hợp tác trong xây dựng và thực thi chính sách.
Đối với TAND, pháp luật hiện hành trao quyền cho tòa án còn rất hạn chế, chủ yếu mới có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định các văn bản pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, pháp luật (khoản 7 Điều 2 Luật Tổ chức TAND 2014). Cần bổ sung thêm quyền hạn cho các Tòa án, đặc biệt là TANDTC trong hoạt động bảo hiến theo hướng TAND có quyền phân tích và đưa ra phán quyết trực tiếp về tính hợp hiến hay bất hợp hiến của luật so với các quy phạm hiến pháp và yêu cầu Quốc hội xem xét quyết định. Tòa án cũng có thẩm quyền bảo hiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, và phán quyết của tòa án đối với các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có giá trị áp dụng ngay, các văn bản này chỉ là những văn bản dưới luật, không phải do Quốc hội ban hành. Ngay cả trong trường hợp khi mà tòa án chưa sẵn sàng cho việc trao quyền phán quyết các vụ việc hiến pháp, thì tòa án cũng vẫn cần phải đóng vai trò không thể thiếu trong việc đề xuất các vụ việc hiến pháp lên cho cơ quan bảo hiến khi được thành lập. Trong thực tiễn, tòa án, thông qua hoạt động xét xử, là chủ thể có thuận lợi bậc nhất trong phát hiện các vi phạm hiến pháp.
Đối với Hội đồng Hiến pháp, việc thành lập một thiết chế bảo hiến chuyên trách có thể phát huy hoạt động bảo hiến. Thẩm quyền bảo hiến hạn chế trong mối quan hệ tương tác với Quốc hội được cân nhắc cho phù hợp trong mối quan hệ giữa Hội đồng Hiến pháp và Quốc hội. Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp không làm giảm hay mất đi vai trò của các TAND trong hoạt động Hiến pháp, mà thay vào đó là cơ chế phân công, phối hợp trong hoạt động bảo hiến.
Một trong những điều kiện căn bản của tài phán Hiến pháp, nhưng cũng là khó khăn, thách thức lớn nhất là làm sao để bảo đảm sự độc lập về tổ chức và hoạt động của các TAND và Hội đồng Hiến pháp (nếu được thành lập). Dù với nhiều nỗ lực đề xuất và một số cải cách được thực hiện, việc đảm bảo tính độc lập tư pháp vẫn là một vấn đề lớn đặt ra hiện nay ở Việt Nam. Trong khi đó, việc thiết lập sao cho Hội đồng Hiến pháp là một thiết chế độc lập cũng rất thách thức, đặc biệt trong mối quan hệ với Đảng. Thậm chí, có quan điểm cho rằng Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam, nếu được thành lập, sẽ khó phát huy ngay vai trò, vị thế, bởi thực tế, các xung đột lợi ích liên quan đến thực thi quyền lực ở Việt Nam hiện vẫn đang được xử lý bởi các thiết chế của Đảng.[7]
II. Thực thi quyền giám sát của quyền lập pháp đối với quyền tư pháp: cân bằng trách nhiệm giải trình và độc lập tư pháp
2.1. Quốc hội có quyền giám sát các vụ án cụ thể
Theo Hiến pháp, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 26). Với vị trí hiến định đặc biệt như vậy, Quốc hội có quyền giám sát đối với nhánh quyền tư pháp, cụ thể như sau:
- Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của TANDTC (Khoản 1 Điều 70);
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TANDTC; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC (Khoản 2 Điều 70)
- Bãi bỏ văn bản của TANDTC trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (Khoản 7 Điều 70);
- Chánh án TANDTC phải chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước UBTVQH, Chủ tịch nước (Khoản 2 Điều 105)
Với các quy định trên, Quốc hội có thẩm quyền giám sát rất lớn đối với TANDTC, Chánh án TANDTC để đảm bảo các chủ thể này phải tuân thủ Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Đây là một đặc điểm của mô hình Nhà nước XHCN Việt Nam, đồng thời được cho là phù hợp trong bối cảnh hệ thống tư pháp còn nhiều hạn chế, bất cập. Trước thực trạng đó, hệ thống tòa án, đặc biệt là TANDTC phải có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội về những hạn chế, bất cập của hệ thống tòa án và có các giải pháp, hành động để giải quyết thực trạng, vấn đề đặt ra.
Tuy nhiên, việc quá nhấn mạnh đến trách nhiệm của Tòa án trước Quốc hội lại ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo nguyên tắc độc lập tư pháp. Nhận định này thể hiện thông qua một số vấn đề sau đây:
Theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành, Quốc hội có quyền giám sát các vụ án cụ thể. Thực vậy, theo khoản 1 Điều 2 Giải thích từ ngữ trong Luật Giám sát Quốc hội, giám sát là việc Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội”. Theo cách giải thích này, xét xử với tính cách là hoạt động cơ bản của Tòa án cũng thuộc đối tượng giám sát của nhánh lập pháp.
Theo pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội được trao thẩm quyền để tiến hành các hoạt động giám sát đối với các vụ án. Ví dụ, Ủy ban Tư pháp có quyền kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác, về vấn đề hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính… (khoản 6 Điều 71 Luật Tổ chức Quốc hội); UBTVQH khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì UBTVQH có quyền yêu cầu người có thẩm quyền xem xét, giải quyết… (Điều 25 Luật Giám sát Quốc hội); Quốc hội cũng thành lập các Đoàn giám sát để giám sát các vụ việc cụ thể…
Trên thực tế, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội thường xuyên giám sát các vụ án cụ thể. Ví dụ, trong vụ án Hồ Duy Hải, Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều trực tiếp giám sát và đã có ý kiến, kiến nghị về vụ án này.
Việc trao quyền cho nhánh lập pháp quyền giám sát cụ thể các vụ án không phù hợp với nguyên tắc độc tư pháp. Theo khoản 1 Điều 103, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Giám sát của Quốc hội đối với ngành tư pháp cần có giới hạn, và giới hạn cơ bản nhất của nó là không được giám sát các vụ án cụ thể.
2.2. Chánh án TAND và các thẩm phán bị chính trị hóa thông qua quy trình bầu, miễm nhiệm, bãi nhiệm
Vị trí và hoạt động Chánh án TAND và các thẩm phán bị chính trị hóa thông qua quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và cơ chế chịu trách nhiệm và báo cáo công tác của Chánh án TAND trước Quốc hội.
Chánh án TAND được lựa chọn theo quy trình chính trị ở Quốc hội – điều này không phù hợp với đặc tính độc lập của người đứng đầu hệ thống tòa án. Hầu như không quốc gia nào có quy trình tương tự như Việt Nam. Nghị viện một số quốc gia chỉ có quyền phê chuẩn, bãi nhiệm các thẩm phán giống như quyền phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm các thẩm phán TANDTC ở Việt Nam. Tuy vậy, Nghị viện với tư cách là một thiết chế chính trị rất có thể can thiệp gây ảnh hưởng đến tính độc lập tư pháp. Vì thế, theo một số quy định của pháp luật quốc tế, Nghị viện không nên đóng vai trò quyết định trong việc bãi nhiệm Thẩm phán. Các thủ tục phê chuẩn, bãi nhiệm thẩm phán của Nghị viện cần phải được thực thi trên cơ sở các điều kiện bảo đảm tính độc lập tư pháp, như đòi hỏi thủ tục nghị viện chỉ được thực thi theo đề nghị của một Ủy ban tư pháp độc lập trên cơ sở của của một cuộc điều tra toàn diện, xem xét công bằng; yêu cầu phải có một biểu quyết đa số tuyệt đối, thường là 2/3 hoặc ¾ tổng số các nghị sĩ để ban hành một phán quyết bãi miễn Thẩm phán…
Ở Việt Nam, việc thiếu vắng một Ủy ban Tư pháp độc lập cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quy trình bổ nhiệm, bãi nhiệm thẩm phán chưa thật sự đảm bảo công bằng, khách quan và chuyên nghiệp. Trong khi đó, hiện nay pháp luật Việt Nam mới trao cho Quốc hội quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm đối đối với Chánh án và các thẩm phán TAND. Theo kinh nghiệm các quốc gia, thường thì các thẩm phán cao cấp trở lên là đối tượng chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng. Vì thế, cần nghiên cứu mở rộng thẩm quyền bãi chức đối với các thẩm phán TAND cấp cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
2.3. Tư duy pháp quyền - độc lập tư pháp
- Thứ ba, thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH trong việc bãi bỏ các văn bản của TANDTC là không phù hợp với tư duy pháp quyền – độc lập tư pháp và quyền kiểm soát của tư pháp đối với lập pháp.
Trong cơ chế phân quyền lực, Quốc hội và TANDTC có thẩm quyền độc lập trong hoạt động ban hành văn bản pháp luật, bao gồm văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật. Tòa án có thẩm quyền riêng trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC; Thông tư của Chánh án TANDTC) và văn bản áp dụng pháp luật. Trong cơ chế phân công quyền lực đó, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất là phải đảm bảo sự độc lập tư pháp. Vì thế, thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH trong việc xử lý các văn bản của TANDTC là không phù hợp với tư UBTVQH duy pháp quyền.
Thêm vào đó, việc thực hiện quyền kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp không nên trao cho các cơ quan chính trị như Quốc hội, UBTVQH, bởi theo tư duy pháp quyền, thẩm quyền này phải thuộc về các Tòa án hoặc các thiết chế tài phán độc lập. Các văn bản của Tòa án không thể trở thành đối tượng tài phán của Quốc hội, UBTVQH, mà ngược lại, chính các văn bản của Quốc hội mới là đối tượng tài phán của Tòa án (như phần đầu của bài viết đã trình bày). Vì thế, quyền giám sát này của Quốc hội một mặt không phù hợp với đặc điểm của quyền tài phán, mặt khác nó là trở ngại cho việc thừa nhận thầm quyền của tòa án trong việc phán quyết về tính hợp hiến của luật.
III. Kết luận
Qua những phân tích ở trên, tác giả cho rằng ngành tư pháp cũng phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, nhưng không nên được hiểu là “báo cáo”, “chịu trách nhiệm”, hay “lệ thuộc” vào Quốc hội. Quyền giám sát của Quốc hội để đảm bảo cân bằng giữa trách nhiệm giải trình tư pháp và độc lập tư pháp. Quốc hội chỉ nên giữ lại quyền phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán TAND tối cao, đồng thời mở rộng phạm vi thẩm quyền này đối với các thẩm phán cao cấp. Để tránh sự chính trị hóa việc thực thi quyền giám sát này của Quốc hội, cần nghiên cứu thiết lập thiết chế Ủy ban tư pháp độc lập nắm giữ vai trò quyết định trong việc lựa chọn, bãi miễn, cách thức thẩm phán.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại một phiên họp UBTVQH. Ảnh: Quochoi.vn
[1] Xem: L. Boudin, Government by Judiciary, New York, 1932; R.H. Bork, Coercing Virtue: the Worldwide Rule of Judges, Toronto, 2002.
[2] Susan Sullivan Lagon, The role of the independent judiciary. Xem tại http://usembassy.state.gov/vietnam/.
[3] Bùi Ngọc Sơn, Tố tụng hiến pháp, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 12, năm 2004.
[4] Conrado Hubner Mendes, Constitutional Courts and Deliberative Democracy, Oxford University Press, 2014, tr.6.
[5] Đặng Minh Tuấn, Cải cách Hiến pháp trong xu thế chuyển đổi, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số. 22 (207) 2011.
[6] Theo Bùi Ngọc Sơn, Triển vọng của Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam, Xem: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/du-thao-sua-doi-nam-1992/2013/23845/Trien-vong-cua-Hoi-dong-Hien-phap-o-Viet-Nam.aspx
[7] Phạm Duy Nghĩa, Hội đồng Hiến pháp: Nhu cầu và dự báo tính khả thi, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số chuyên đề 2 (238), T3/2013, tr.54.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận