Một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết việc dân sự và kiến nghị, đề xuất

Trong phạm vi bài viết, tác giả xin nêu và phân tích một số khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực tiễn giải quyết việc dân sự tại đơn vị, từ đó đề xuất một số ý kiến nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, góp phần hoàn thiện các quy định về thủ tục giải quyết việc dân sự của BLTTDS.

1.Đặt vấn đề

Bên cạnh các quy định về thủ tục giải quyết vụ án dân sự, tại Phần thứ Năm của BLTTDS năm 2015 (BLTTDS) quy định về thủ tục giải quyết việc dân sự. Tại đoạn 1 Điều 361 BLTTDS quy định:“Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”.

Tại đoạn 2 của Điều 361 BLTTDS quy định:“Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự”.

Trong bối cảnh các tranh chấp phát sinh phải khởi kiện tại Tòa án ngày càng nhiều và tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp thì thực tiễn giải quyết việc dân sự, Tòa án các địa phương cũng gặp nhiều trường hợp ban đầu tưởng chừng có tính chất đơn giản vì không có tranh chấp, nhưng sau khi thụ lý lại phát sinh những khó khăn, vướng mắc, mà một phần nguyên nhân xuất phát từ những bất cập, hạn chế trong quy định về thủ tục giải quyết việc dân sự của BLTTDS.

2. Về thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự và căn cứ kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu

Khoản 1 Điều 366 BLTTDS quy định “Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”. “Trường hợp Bộ luật này có quy định khác” được hiểu là thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tương ứng với từng loại việc dân sự cụ thể được quy định tại Phần thứ Năm của BLTTDS, như: Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết phụ thuộc vào thời hạn đăng thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc đã chết là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên (Điều 388 và Điều 392); thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là 10 ngày, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu (Điều 402); thời hạn giải quyết các việc dân sự liên quan đến hoạt động của Trọng tài thương mại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại Việt Nam (Điều 415); thời hạn xét đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu (Điều 419)...

Điểm b khoản 2 Điều 366 BLTTDS quy định trường hợp Tòa án được kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự như sau:“Trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết thì Thẩm phán ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản. Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 01 tháng”.

Như vậy, theo quy định của BLTTDS hiện hành thì Tòa án chỉ được quyền kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu trong trường hợp trường hợp “hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa có kết quả giám định, định giá tài sản”. Đối với các trường hợp khác thì Tòa án không được quyền kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu trong khi trong quá trình chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án có thể phải tiến hành nhiều hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ khác ngoài việc “trưng cầu giám định, định giá tài sản” như “yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng”.

Trước hết, xét về kỹ thuật lập pháp, tại đoạn 1 của điểm b khoản 2 Điều 366 BLTTDS quy định 04 trường hợp cụ thể Tòa án thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu để có căn cứ mở phiên họp giải quyết việc dân sự gồm: (1) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; (2) Triệu tập người làm chứng; (3) Trưng cầu giám định; (4) Định giá tài sản. Tuy nhiên tại đoạn 2 của điều luật này lại chỉ quy định 02 trường hợp Tòa án được quyền kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu khi đã hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là: (1) Chưa có kết quả giám định; và (2) Chưa có kết quả định giá tài sản.

Theo tác giả, quy định như vậy là chưa thể hiện sự logic, kết nối về mặt nội dung của điều luật. Bởi nếu quy định các trường hợp Tòa án phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để có căn cứ xét đơn yêu cầu thì đương nhiên cũng phải dự liệu khả năng Tòa án không thể thu thập được đầy đủ tài liệu, chứng cứ cần thiết trong thời chuẩn bị xét đơn yêu cầu, từ đó quy định Tòa án quyền được kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tương ứng với các trường hợp phải thu thập tài liệu, chứng cứ.

Thực tiễn giải quyết việc dân sự tại Tòa án hiện nay có không ít trường hợp các Thẩm phán phải “vận dụng” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 366 BLTTDS để kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu cho tất cả các trường hợp mà Tòa án phải thu thập tài liệu, chứng cứ chứ không riêng trường hợp “chưa có kết quả giám định, định giá tài sản”. Điều này thể hiện “lỗ hổng” pháp lý và vô hình trung dẫn đến việc Tòa án đã “vi phạm thủ tục tố tụng” trong quá trình giải quyết việc dân sự.

Tác giả xin đơn cử trường hợp một việc dân sự phát sinh tại đơn vị nơi tác giả công tác như sau: Anh A và chị B chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn và có với nhau một con chung. Sau khi sinh con một thời gian thì anh chị phát sinh mâu thuẫn nên chị B bỏ đi. Anh A nuôi con và nay người con đã đến tuổi đi học nhưng không làm được giấy khai sinh, do đó anh A đã làm đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự về việc “Yêu cầu xác định cha cho con” tại Tòa án nơi chị B có hộ khẩu thường trú là Tòa án huyện C, tỉnh G.

Tòa án huyện C đã thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự của anh A, sau đó ban hành quyết định chuyển hồ sơ việc dân sự cùng toàn bộ hồ sơ cho Toà án nơi anh A cư trú giải quyết theo quy định tại Điều 35, điểm t khoản 2 Điều 39, Điều 40, Điều 41 và Điều 361 của BLTTDS.

Quá trình xem xét, giải quyết việc dân sự tại Tòa án nơi anh A cư trú, anh A có lời khai về việc chị B sợ ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân hiện tại nên cố tình tránh mặt anh, do đó anh không biết ý kiến của chị B như thế nào và cũng không rõ trước khi chung sống với anh hoặc sau khi bỏ đi chị B có kết hôn với ai hay không. Anh A yêu cầu Tòa án hỗ trợ lấy ý kiến của chị B về việc chị B có kết hôn hợp pháp với ai trước khi khi chung sống với anh và sau khi bỏ đi hay không, họ tên địa chỉ, ý kiến của người chồng hợp pháp của chị B. Tòa án nơi anh A cư trú đã ủy thác cho Tòa án huyện C nhưng sau hơn 02 tháng mới có kết quả.

Tại lời khai của chị B thể hiện chị có chồng hợp pháp trước khi sống chung với anh A và hiện nay người chồng đó đang cư trú, sinh sống ở tỉnh khác. Do đó Tòa án nơi anh A cư trú tiếp tục ủy thác và sau hơn một tháng mới có kết quả xác minh về việc người chồng hợp pháp của chị B có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi Tòa án được ủy thác nhưng đã đi làm ăn xa, không rõ thời điểm trở về.

Như vậy trong trường hợp việc dân sự này, Tòa án nơi anh A cư trú đã thực hiện đúng và đầy đủ thủ tục tố tụng, tuy nhiên vì lý do khách quan dẫn đến việc thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu bị kéo dài trong khi không có căn cứ pháp lý để tạm đình chỉ hoặc kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, dẫn đến việc Thẩm phán có vi phạm về thủ tục tố tụng khi để vụ án bị quá thời hạn giải quyết.

Từ những phân tích trên, để thống nhất về mặt ngữ nghĩa của điều luật và thể hiện sự khoa học, logic, dự liệu được đầy đủ các trường hợp Tòa án có quyền kéo dài thời hạn xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự, theo quan điểm của tác giả cần sửa đổi cụm từ “chưa có kết quả giám định, định giá tài sản” bằng cụm từ có nội hàm bao quát hơn là “chưa có kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ” trong quy định của điểm b khoản 2 Điều 366 BLTTDS. Đồng thời quy định hoặc có hướng dẫn cụ thể về thời hạn được kéo dài trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo hướng cho phép trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể kéo dài hơn 01 tháng hoặc kéo dài cho đến khi có kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ vì trong thủ tục giải quyết việc dân sự không có quy định về tạm đình chỉ giải quyết việc dân sự. Như vậy, vừa không làm mất đi tính nhanh chóng đặc thù của thủ tục giải quyết việc dân sự nhưng vừa đảm bảo được tính hợp lý về thời hạn, tránh trường hợp việc dân sự bị quá hạn xuất phát từ nguyên nhân khách quan nhưng Thẩm phán phải chịu trách nhiệm cho việc này.

3. Về đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự, đình chỉ giải quyết việc dân sự

Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366 của BLTTDS như sau: Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu”.

Đình chỉ giải quyết việc dân sự được quy định tại đoạn cuối khoản 2 Điều 367 của BLTTDS như sau: “... Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm.”

Như vậy, theo các quy định này thì trong quá trình giải quyết việc dân sự, có hai căn cứ để Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu, đình chỉ việc giải quyết việc dân sự gồm: (1) Người yêu cầu rút đơn yêu cầu; và (2) Người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.

Ngoài ra, đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết việc dân sự cũng được BLTTDS quy định riêng trong thủ tục giải quyết các việc dân sự cụ thể như: Trường hợp người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm trở về và yêu cầu thì Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu (Điều 382); trường hợp người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu thì Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu (khoản 3 Điều 388), trường hợp người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trở về và thông báo cho Tòa án biết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu (khoản 3 Điều 392); trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết (khoản 5 Điều 397); trường hợp người yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu rút đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu (khoản 3 Điều 399)...

Về nội dung này, đối chiếu với các quy định của thủ tục giải quyết vụ án dân sự có thể thấy, tại điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS quy định một trong những căn cứ để Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự là “Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý”. Tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS quy định các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện.

Như vậy, có thể thấy BLTTDS chưa ghi nhận việc các trường hợp trả lại đơn yêu cầu mà Tòa án đã thụ lý quy định tại Điều 364 BLTTDS là một trong những căn cứ để Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hoặc đình chỉ việc giải quyết việc dân sự tương tự như căn cứ để đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự. Trong khi thực tiễn giải quyết việc dân sự, không ít việc dân sự sau khi thụ lý Tòa án mới phát hiện việc dân sự không đủ điều kiện để thụ lý do thuộc một trong các trường hợp trả lại đơn yêu cầu quy định tại Điều 364 BLTTDS. Khi đó thì Tòa án cần xử lý việc dân sự như thế nào? Điều này cũng đã dẫn đến những lúng túng nhất định trong việc áp dụng pháp luật khi giải quyết việc dân sự.

Đơn cử như việc dân sự sau đây phát sinh tại đơn vị nơi tác giả công tác:

Sau khi cha mẹ chết, các con thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, không tranh chấp và cùng làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự là “Yêu cầu công nhận sự thỏa thuận phân chia di sản thừa kế”. Khi tiếp nhận đơn, cán bộ nhận đơn đã căn cứ Điều 27 BLTTDS về việc không quy định yêu cầu công nhận thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án giải thích cho những người yêu cầu để họ rút đơn, liên hệ với Ủy ban nhân dân có thẩm quyền để giải quyết yêu cầu của mình nhưng họ không đồng ý.

Thẩm phán được phân công xem xét đơn yêu cầu cho rằng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” nên đã tiến hành thụ lý đơn yêu cầu sau khi người yêu cầu đã nộp lệ phí Tòa án theo quy định. Tuy nhiên sau khi thụ lý việc dân sự, Thẩm phán lại nhận thấy việc dân sự thuộc trường hợp trả đơn yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 364 của BLTTDS là “Việc dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án” nhưng đơn yêu cầu đã được Tòa án thụ lý, mà đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì lại không có căn cứ pháp lý dẫn đến lúng túng, khó khăn trong quá trình giải quyết việc dân sự. Sau khi trao đổi trong tập thể đơn vị thì có các quan điểm về hướng giải quyết việc dân sự như sau:

Quan điểm thứ nhất: Thẩm phán cần đình chỉ giải quyết việc dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 364 và áp dụng tương tự quy định tại Điều 217 và Điều 218 của BLTTDS.

Quan điểm thứ hai: Thẩm phán thực hiện các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ đầy đủ, quá trình giải quyết cần lấy lời khai, làm rõ phạm vi yêu cầu và giải thích pháp luật cho người yêu cầu. Trường hợp những người yêu cầu đều đồng ý rút đơn thì đình chỉ giải quyết việc dân sự. Trường hợp có người đồng ý rút đơn và có người không đồng ý rút đơn thì chuyển việc dân sự thành vụ án dân sự, xác định lại tư cách tố tụng và giải quyết vụ án theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự.

Quan điểm thứ ba đồng thời là quan điểm của tác giả: Thẩm phán triệu tập đương sự để lấy lời khai, làm rõ các nội dung, phạm vi yêu cầu, hướng dẫn đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ, thu thập tài liệu, chứng cứ đầy đủ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 366 BLTTDS để mở phiên họp giải quyết việc dân sự không chấp nhận đơn yêu cầu với lý do:

Thứ nhất, việc giải quyết việc dân sự trước tiên phải phù hợp với ý chí, quyền tự quyết định và tự định đoạt của đương sự về phạm vi yêu cầu của đương sự.

Thứ hai, trong quá trình giải quyết việc dân sự, người tiến hành tố tụng cũng đã làm hết trách nhiệm, Tòa án cũng không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, đồng thời tại Điều 27 BLTTDS không quy định cụ thể yêu cầu công nhận thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế là yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng tại khoản 10 Điều 27 BLTTDS lại có quy định mở là “Các yêu cầu khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.

Điểm c khoản 1 Điều 364 BLTTDS không quy định rõ việc công nhận thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và theo quy định của BLTTDS thì cũng không có căn cứ pháp lý để đình chỉ giải quyết việc dân sự hoặc việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự sau khi Tòa án đã thụ lý. Do đó, Tòa án phải thực hiện đúng thủ tục tố tụng, mở phiên họp giải quyết việc dân sự, ban hành quyết định giải quyết việc dân sự. Căn cứ Điều 361, điểm c khoản 1 Điều 364, Điều 370 BLTTDS; Điều 4, Điều 656 BLDS 2015; Điều 57 Luật Công chứng; điểm c khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai; Quyết định số 2555/QĐ-BTNMT ngày 20/10/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về công bố thủ tục hành chính mới ban hành; được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường để không chấp nhận đơn yêu cầu về việc công nhận thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Từ những phân tích trên, tác giả đề xuất bổ sung thêm điều khoản quy định về trường hợp Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc đình chỉ giải quyết việc dân sự trong trường hợp trả lại đơn yêu cầu nhưng việc dân sự đó đã được Tòa án thụ lý. Cụ thể bổ sung quy định tại Điều 364 BLTTDS như sau:

Điều 364. Trả lại đơn yêu cầu

1. Tòa án trả lại đơn yêu cầu trong những trường hợp sau đây:

...4. Những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà việc dân sự đã được Tòa án đã thụ lý thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc đình chỉ giải quyết việc dân sự.”

CAO THỊ HIỀN - ĐINH THÀNH LONG  (TAND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai)

Trụ sở TAND tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Thái Vũ