Một số giải pháp và kiến nghị để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số tại Tòa án và xây dựng Tòa án điện tử
Công tác thực hiện chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là công tác mang tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa then chốt trong tiến trình thực hiện cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp. Nên, công tác này cần phải được thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
1. Đặt vấn đề
Bản chất của Tòa án điện tử là chuyển một phần hoạt động của Tòa án từ không gian thực lên không gian số, trong đó, cốt lõi là việc tiến hành, tối ưu hóa và phát triển trên nền tảng số trong một số hoạt động của Tòa án như: quản trị nội bộ Tòa án; công khai hoạt động của Tòa án; cung ứng cho người dân các dịch vụ tư pháp công; hỗ trợ các tiện ích nâng cao hiệu quả hoạt động của các chức danh tư pháp; kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu của các nền tảng số quốc gia; đặc biệt là tiến hành các hoạt động tố tụng điện tử hoặc tin học hóa, số hóa công tác hành chính tư pháp tại các Tòa án.
Cụ thể hóa Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có Chỉ thị số 02/2024/CT-CA ngày 15/01/2024 về đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử;
Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành diễn ra vào chiều 16/6 tại Hội trường B2 TANDTC
Theo đó, Hệ thống Tòa án nhân dân đã và đang khẩn trương thông qua việc xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm trong hoạt động của Tòa án như: Phần mềm xét xử trực tuyến, Hệ thống phần mềm thống kê các loại vụ án Tòa án nhân dân có địa chỉ truy cập là tk.toaan.gov.vn; phần mềm Hệ thống giám sát Hoạt động Tòa án có địa chỉ truy cập là qlta.toaan.gov.vn, phần mềm Trợ lý ảo có địa chỉ truy cập là trolyao.toaan.gov.vn …Việc sử dụng và khai thác tốt các phần mềm trong hoạt động của mình sẽ đảm bảo cho công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điển tử đạt được hiệu quả cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Do đó, trong phạm vi bài viết của mình, chúng tôi sẽ trình bày một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm đảm bảo công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử đạt hiệu quả cao.
2. Một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.
Qua khảo sát công tác khai thác, sử dụng các phần mềm của Tòa án nhân dân tối cao; cũng qua thực tiễn thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử, chúng tôi nhận thấy còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử như sau:
Một là, cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ cho công tác thực hiện việc chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử còn hạn chế; thiết bị, máy móc tại một số đơn vị còn lạc hậu; nên công tác thực hiện chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử chưa có bước đột phá.
Hai là, thiếu nhân sự có trình độ về công nghệ thông tin tại các Tòa án địa phương, nhất là đối với Tòa án nhân dân cấp huyện: phần lớn công chức phụ trách công nghệ thông tin tại Tòa án nhân dân cấp huyện đều kiêm nhiệm; họ vừa phải thực hiện công việc chuyên môn của thư ký viên, thẩm tra viên …vốn đã quá tải (do thực trạng một thư ký phải làm cho hai hoặc ba thẩm phán, do số lượng án phải giải quyết luôn ở mức cao) nhưng họ lại phải thực hiện thêm công việc phụ trách công nghệ thông tin; Trong khi đó, chế độ đãi ngộ của người phụ cấp kiêm nhiệm đối với công chức phụ trách công nghệ thông tin là thư ký viên, thẩm tra viên…lại không có.
Ba là, tốc độ xử lý của một số phần mềm của Tòa án nhân dân tối cao đã đưa vào khai thác, sử dụng có tốc độ xử lý còn chậm; các phần mềm chưa liên thông, kết nối dữ liệu với nhau một cách tối ưu nên chưa thể phát huy hiệu quả một cách tốt nhất của các phần mềm mang lại.
Bốn là, nhận thức của một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Hệ thống Tòa án còn hạn chế; chưa quan tâm và thực hiện nghiêm minh quy định về sử dụng, khai thác các phần mềm theo yêu cầu của Tòa án nhân dân tối cao; dẫn đến tình trạng có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Hệ thống Tòa án không sử dụng, khai thác các tính năng của các phần mềm trong công việc hoặc có sử dụng, khai thác nhưng thực hiện một cách tùy tiện, qua lo.
Cụ thể: Theo Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì “- Chuyển sang sử dụng hoàn toàn các sổ tiện tử được tích hợp sẳn trên các phần mềm nộ bộ của Tòa án thay thế cho sổ theo dỗi truyền thông trên giấy nhằm bảo đảm tính chính xác và giúp tiết kiệm chi phí in ấn các loại sổ cho từng lĩnh vực công tác. Việc soạn thảo các văn bản tố tụng theo mẫu trong quá trình giải quyết vụ án phải thực hiện trên nền tảng số Tòa án thông qua phần mềm quản lý nghiệp vụ thụ lý, giải quyết các loại vụ việc của Tòa án – QLTA (https//qlta.toaan.gov.vn) để tránh nhầm lẫn, sai sót thông tin và bảo đảm công tác quản lý.”
Phần mềm QLTA là phần mềm có tính năng giám sát hoạt động tố tụng của các Tòa án trong hệ thống đối với từng vụ việc cụ thể kể từ bắt đầu phát sinh tại Tòa án cho đến khi kết thúc quy trình tố tụng bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đồng thời, phần mềm này cũng tích hợp đầy đủ các loại sổ sách nghiệp vụ, tự động hóa ban hành các văn bản tố tụng đối với từng loại vụ việc cụ thể.
Nên để khai thác, sử dụng tốt các tính năng này của phần mềm đòi hỏi các người dùng là các thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký của các Tòa án phải nhập đầy đủ, chính xác dữ liệu của từng vụ việc cụ thể. Do việc nhập dữ liệu vào phần mềm QLTA không đầy đủ nên đẫn đến việc người dùng không thể khai thác, sử dụng hết các tiện ích to lớn của phần mềm mang lại.
Việc sử dụng phần mềm trợ lý áo còn qua lo: có nhiều người sử dụng có số lượt truy cập rất thấp, số tình huống pháp lý chỉ vừa đạt yêu cầu là 01 tình huống/năm (dưới 100 lượt/năm, thậm chí chỉ là vài chục lượt/năm);
Năm là, một số quy định hiện hành còn xung đột, là rào cản, ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử. Cụ thể:
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhập dữ liệu vào phần mềm QLTA đạt tỷ lệ chưa cao là một số thẩm phán còn tâm lý: mặc dù mình đã cố gắng làm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao nhưng do số lượng đơn khởi kiện, vụ việc phải giải quyết nhiều, công việc trở nên quá tải dẫn đến việc xử lý đơn, giải quyết vụ việc còn tình trạng quá hạn luật định.
Trường hợp các thẩm phán nhập đầy đủ dữ liệu các đơn, các vụ việc vào phần mềm QLTA thì phần mềm sẽ thông báo số liệu các đơn, các vụ việc mà thẩm phán đó xử lý hay giải quyết quá hạn luật định. Hành vi để xử lý đơn, giải quyết các vụ việc quá hạn luật định của thẩm phán thì thẩm phán sẽ “có nguy cơ” bị xử lý trách nhiệm theo quy định của điểm a, b, c Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19.6.2017 về Ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân (gọi tắt là Quyết định 120). Cụ thể như sau:
Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị khi Thẩm phán có một trong những hành vi vi phạm trong việc xử lý đơn, thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ, việc:
- Xử lý đơn khởi kiện để quá thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 3 Điều 121 Luật tố tụng hành chính;
- Xử lý đơn yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự để quá thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Điều 363 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Thụ lý vụ, việc chậm quá thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 195; khoản 4 Điều 363 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 125 Luật tố tụng hành chính;
- Để từ 01 đến 03 vụ, việc quá thời hạn dưới 06 tháng, kể từ ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật nhưng không có lý do chính đáng.
Nguyên nhân dẫn đến việc xử lý đơn quá hạn một phần là do công việc của thẩm phán trở nên quá tải, một phần là do quy định về cách tính tỷ lệ án như hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến thực trang là các Tòa án các cấp thường ngưng thụ lý vụ việc vào các tháng 8, 9 hằng năm để hạn chế số lượng án phải giải quyết, nâng cao tỷ lệ án đã giải quyết để đạt chỉ tiêu về tỷ lệ giải quyết án theo quy định.
3. Đề xuất một số giải pháp, kiến nghị:
Một là, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ cho công tác thực hiện việc chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử; trang bị máy móc, thiết bị …đảm bảo đám ứng được yêu cầu chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử;
Hai là, cần có chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực có trình độ về công nghệ thông tin; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ phụ trách về công tác công nghệ thông tin nói riêng và các công chức, viên chức, người lao động tại Tòa án các cấp nói chung.
Cần bổ sung một biên chế phụ trách công nghệ thông tin đối với các Tòa án nhân dân cấp huyện có số lượng án trên 1.000 vụ việc/năm
Ba là, nghiên cứu, tối ưu hóa đối với các phần mềm trong Hệ thống Tòa án nhân dân để việc sử dụng, chia sẽ dữ liệu giữa các phần mềm được liên thông, đẩy mạnh tốc độ xử lý của các phần mềm.
Bốn là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Hệ thống Tòa án về vai trò, ý nghĩa, hiệu quả… của việc sử dụng, khai thác các phần mềm mang lại; kịp thời khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng, khai thác tốt các phần mềm; xây dựng gương điển hình, tiên tiến trong việc sử dụng, khai thác các phần mềm để tạo động lực thi đua của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Hệ thống Tòa án.
Năm là, cần sửa đổi quy định của Quyết định số 120 sao cho đảm bảo với các quy định của Luật Tổ chức Tòa án sửa đổi, bổ sung năm 2023; tháo gỡ rào cản pháp lý gây cản trở tiến trình thực hiện chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử;
Cần thay đổi cách tính tỷ lệ giải quyết án theo hướng tỷ lệ các loại vụ việc đã giải quyết là tỷ lệ giữa tổng số vụ việc đã giải quyết trên tổng số vụ việc đã thụ lý và có điều kiện giải quyết[1]. Theo đó, tổng số vụ việc đã thụ lý và có điều kiện giải quyết là tổng số vụ việc đã thụ lý giải quyết quá thời hạn chuẩn bị xét xử cộng với số vụ việc đã giải quyết trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Cách tính này góp phần thúc đẩy các Thẩm phán tập trung giải quyết các loại vụ việc tồn đọng, kéo dài vì nếu không giải quyết sẽ bị tính là án tồn,…
Công tác thực hiện chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là công tác mang tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay; công tác này luôn có ý nghĩa then chốt trong tiến trình thực hiện cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp. Nên, công tác này cần phải được thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhất định. Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, tác giả đã có một số chia sẻ về đề xuất giải pháp tháo dỡ khó khăn, vướng mặc, tồn tại để quý đồng nghiệp cùng trao đổi nhằm thực hiện tốt công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.
[1] Án có điều kiện giải quyết là án đã thụ lý và đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử (quá 04 tháng hoặc 06 tháng tùy theo tiêu chí quy định); hoặc án trong thời hạn chuẩn bị xét xử những đã được giải quyết xong.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận