Một số góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thực hiện Chương trình xây dựng Luật năm 2024 của Quốc hội, hiện nay dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện, xin ý kiến đóng góp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả làm rõ hai vấn đề là: (i) Nhận thức chung về việc xây dựng, hoàn thiện Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); (ii) Một số góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Trên cơ sở dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), tác giả có một số đóng góp ý kiến như sau:

Thứ nhất, về tổ chức và thành lập các TAND tại Điều 4 của dự thảo.

Tác giả thống nhất với việc tổ chức TAND vẫn còn giữ nguyên TANDTC và TAND cấp cao như dự thảo đề cập. Liên quan đến các Tòa án địa phương, quá trình soạn thảo dự thảo luật, vẫn còn có hai phương án khác nhau.

Phương án 1. Vẫn giữ nguyên như hiện hành trong việc xác định tên gọi TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Bởi lẽ, việc đổi tên không làm thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án. Các Tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh, không thống nhất về tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương. Mặt khác phải sửa đổi nhiều luật có liên quan trong lĩnh vực tư pháp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát sinh chi phí tuân thủ như sửa con dấu, biển hiệu, các loại mẫu giấy tờ. Do đó, việc đổi mới này chưa thực chất.

Phương án 2. Đổi tên TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành TAND phúc thẩm; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thành TAND sơ thẩm. Việc đổi tên này được nhận định là bảo đảm tính độc lập theo thẩm quyền xét xử.

Quan điểm của tác giả, thống nhất với quan điểm thứ hai, cần thiết đổi tên TAND địa phương thành TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm, bởi những lý do sau đây:

Một là, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm...”. Việc đổi tên như vậy nhằm mục đích làm rõ hơn chức năng và thẩm quyền của từng cấp Tòa án, theo nguyên tắc sơ thẩm - phúc thẩm trong hệ thống tư pháp. Việc này sẽ giúp công chúng dễ hiểu hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cấp Tòa án, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào hệ thống tư pháp.

Hai là, liên quan đến các luật tố tụng. Trong các luật tố tụng gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đều quy định chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm2. Đồng thời, các thuật ngữ dùng để xác định thẩm quyền xét xử theo các luật tố tụng hiện hành là Tòa án cấp phúc thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm. Ví dụ: Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, việc đổi tên thành TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm cũng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các luật tố tụng hiện hành. Đồng thời, việc tổ chức TAND sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử; không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp nhưng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là Điều 4 của dự thảo nếu lựa chọn phương án đổi tên TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành TAND phúc thẩm; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thành TAND sơ thẩm thì các Điều luật khác trong dự thảo cũng cần phải sửa đổi một cách đồng nhất như Mục 3, Mục 4 Chương IV... của dự thảo.

Thứ hai, về điều khoản chuyển tiếp tại Điều 152 của dự thảo.

Dựa trên phân tích nêu trên về việc vẫn giữ nguyên tên gọi TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Hoặc đổi tên thành TAND phúc thẩm; TAND sơ thẩm. Tác giả đã lựa chọn phương án đổi tên thành TAND phúc thẩm; TAND sơ thẩm. Do đó, đối với Điều khoản chuyển tiếp tại Điều 152 của dự thảo cần bổ sung khoản 5 là “Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” được thay thế bằng “Tòa án nhân dân phúc thẩm”, “Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” được thay thế bằng “Tòa án nhân dân sơ thẩm” trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQG và pháp luật có liên quan. Điều này là phù hợp với Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)3.

 


2 Điều 27 BLTTHS năm 2015; Điều 17 BLTTDS năm 2015; Điều 11 Luật TTHC năm 2015.

3 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

“Điều 154. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực

Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:

1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;

2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;

3. Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

4. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQG phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) - Ảnh: Lê Anh

NGUYỄN ĐÌNH TIẾN - CHÂU THANH QUYỀN (TAND thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang)