Một số quy định chung của BLDS năm 2015 - Hạn chế và kiến nghị

 Bài viết này, tác giả tập trung, phân tích làm rõ một số tồn tại trong quy định về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự trong BLDS năm 2015 trên cơ sở so sánh, đối chiếu với một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

BLDS năm 2015 ra đời thay thế cho BLDS năm 2005 với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng đã góp phần bảo đảm tốt hơn quy định về địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm[1]. Một trong những sửa đổi, bổ sung đó là quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và quy định về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự. Đây được xem là sự điều chỉnh quan trọng, thể hiện sự nhất quán trong quan điểm lập pháp của nước ta và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.

Đặt vấn đề

BLDS năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. BLDS năm 2015 có bố cục gồm 6 phần, 27 chương, 689 Điều, trong đó có nhiều nội dung mới, tiệm cận hơn với xu thế xây dựng luật của thế giới, chứng tỏ sự đột phá trong tư duy pháp lý, trong tạo lập cơ chế pháp lý đồng bộ, thống nhất về điều chỉnh quan hệ dân sự ở nước ta. Việc hoàn thiện quy định của BLDS năm 2015 là cơ sở, căn cứ để điều chỉnh, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan. Trong đó, việc đổi mới trong Chương I Phần thứ nhất về Những quy định chung là một trong những vấn đề cốt lõi, bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá trên cơ sở so sánh với một số VBQPPL hiện hành về nội dung này, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể nhằm bảo đảm tính tương thích, đồng bộ, thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ dân sự cụ thể theo tinh thần mới của BLDS năm 2015.

1. Quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự - một số tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị

1.1. Quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

Trong BLDS năm 1995, năm 2005 và năm 2015 đều ghi nhận các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Có thể hiểu một cách khái quát, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những tư tưởng mang tính chỉ đạo cơ bản, xuyên suốt, định hướng cho toàn bộ hệ thống pháp luật dân sự. Việc ghi nhận các nguyên tắc cơ bản trong BLDS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bới đây được xem là Bộ luật gốc, luật chung, điều chỉnh quan hệ nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được ghi nhận trong BLDS được xác định là “kim chỉ nam” để xây dựng, hoàn thiện, áp dụng các VBQPPL khác có liên quan.

BLDS 1995 được đánh giá là BLDS đồ sộ nhất từ trước đến nay với 838 Điều. BLDS 1995 đề cập đến 13 nguyên tắc bao gồm: nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; nguyên tắc tuân thủ pháp luật; nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền nhân thân; nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu, các quyền khác đối với tài sản; nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc thiện chí, trung thực; nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; nguyên tắc hoà giải; bảo vệ quyền dân sự; căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự; nguyên tắc áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật.

Đến BLDS năm 2005, nhà làm luật đã có những điều chỉnh quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, các nguyên tắc này gồm: nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận; nguyên tắc bình đẳngnguyên tắc thiện chí, trung thực; nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự; nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; nguyên tắc tuân thủ pháp luật; nguyên tắc hòa giải; căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự.

BLDS năm 2015, trên cơ sở kế thừa quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự năm 2005 đã có những điều chỉnh cho phù hợp, thể hiện sự tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp của nước ta, theo đó, BLDS năm 2015 quy định 05 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Điều 3, cụ thể như sau:

1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Có thể thấy, quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Điều luật này thể hiện sự sắp xếp, điều chỉnh khoa học và hợp lý hơn, trong đó có những điều chỉnh tiến bộ hơn hẳn so với BLDS năm 2005. Tuy nhiên, so sánh, đối chiếu với một số VBQPPL có liên quan thì thấy vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện.

 1.2. Một số tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị

BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự[2], tại khoản 2, 3 Điều 4 BLDS năm 2015 quy định về áp dụng BLDS như sau:

“2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng”.

Theo quy định nêu trên, BLDS năm 2015 quy định luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015.

Tuy nhiên, nghiên cứu một số VBQPPL hiện hành thì thấy còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, cụ thể:

Thứ nhất, trong một số văn bản luật có quy định về nguyên tắc chung, về cơ bản là ghi nhận lại nguyên tắc chung của pháp luật dân sự đã được ghi nhận trong BLDS. Tác giả cho rằng, sự ghi nhận lại này là không cần thiết, vì BLDS là luật chung và đã quy định thống nhất việc các luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại BLDS.

Ví dụ: Trong Luật Thương mại năm 2005, tại Mục 2 Chương I, từ Điều 10 đến Điều 15 quy định về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại, bao gồm 06 nguyên tắc. So sánh, đối chiếu với BLDS năm 2015 thì thấy, quy định của Luật Thương mại năm 2005 có ghi nhận các nguyên tắc trong BLDS năm 2015 nhưng chưa đầy đủ, như chưa ghi nhận cụ thể: nguyên tắc thiện chí, trung thực; nguyên tắc không được xâm phạm đến quyền, lợi ích của chủ thể khác; nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự. Như vậy, việc ghi nhận lại nguyên tắc cơ bản của BLDS trong trường hợp này là vừa thừa, vừa chưa chính xác, cần sớm được điều chỉnh lại.

Thứ hai, nghiên cứu một số VBQPPL thì thấy, một số luật quy định về nguyên tắc cơ bản còn chưa đầy đủ, chính xác so với quy định về nguyên tắc chung của pháp luật dân sự trong BLDS năm 2015.

Ví dụ: Điều 11 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội...”.

Hoặc tại khoản 1 Điều 4 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định một trong những nguyên tắc kinh doanh bất động sản là “không trái quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015 quy định: “… Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng...”.

Như vậy, ở đây có sự thay đổi của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 theo hướng mở rộng hơn phạm vi giới hạn là các cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật chứ không phải là vi phạm điều cấm của pháp luật như trước đây, tuy nhiên, các VBQPPL khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể lại chưa điều chỉnh về nội dung này. Điều này là chưa bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế này, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại tổng thể các VBQPPL có liên quan để điều chỉnh lại theo hướng thống nhất với quy định về các nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2015. Đồng thời, tác giả cho rằng, trong các VBQPPL này không cần thiết nhắc lại các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự đã được ghi nhận tại BLDS năm 2015 mà chỉ ghi nhận các nguyên tắc đặc thù đối với từng lĩnh vực cụ thể. Việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung này bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, từ đó bảo đảm tính hiệu quả trong áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

2. Về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự

2.1. Quy định về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự

Điều 2 BLDS năm 2015 quy định:

“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như vậy, theo quy định của điều luật này thì quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật và cũng chỉ trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc quy định quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật là quy định tiến bộ, theo đó, thu hẹp phạm vi hạn chế các quyền dân sự để các chủ thể trong xã hội có điều kiện thực hiện các quyền dân sự của mình một cách tốt hơn.

2.2. Một số tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị

Để cụ thể hóa quy định công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự, BLDS năm 2015 đã có điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến thực hiện, bảo vệ quyền dân sự theo hướng việc hạn chế, thay đổi, chấm dứt quyền dân sự không phải theo quy định của pháp luật như trong BLDS năm 2005 mà phải do “luật định”[3], cụ thể, BLDS năm 2015 quy định:

- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó;

- Thời hiệu là thời hạn do luật quy định;

 - Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật;

- Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định. Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác;

- Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao;

- Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật;

- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; …

Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số VBQPPL có liên quan thì thấy, vẫn còn ghi nhận việc hạn chế quyền dân sự theo quy định của pháp luật, chứ không phải theo quy định của luật, điều này làm cản trở, hạn chế các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.

Ví dụ: Điều 24 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”...

Quy định này là chưa phù hợp vì ghi nhận quyền dân sự bị hạn chế theo quy định của pháp luật chứ không phải theo quy định của luật. Điều này là chưa phù hợp với quy định về hình thức của hợp đồng/giao dịch ghi nhận tại khoản 2 Điều 117 BLDS năm 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, theo đó, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Điều đó cho thấy, có sự chưa thống nhất trong quy định về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này là do một số VBQPPL trước đây được xây dựng theo tinh thần của BLDS năm 2005, do vậy, khi BLDS năm 2015 ra đời, những quy định này đã không còn phù hợp.

Để khắc phục hạn chế này, tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm rà soát để sửa đổi, bổ sung trong các VBQPPL này hoặc ban hành văn bản mới thay thế để bảo đảm tính thống nhất trong quy định quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật.

3. Kết luận

BLDS năm 2015 ra đời với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng được đánh giá là tiến bộ, tiệm cận với các quy định của pháp luật quốc tế và bảo vệ tốt hơn quyền dân sự của các chủ thể trong xã hội. Để bảo đảm việc phát huy hiệu lực, hiệu quả của BLDS năm 2015 trong thực tiễn, đòi hỏi phải rà soát, chỉnh sửa tổng thể các VBQPPL có liên quan theo hướng thống nhất với BLDS năm 2015. Với việc phân tích, đánh giá và chỉ ra một số tồn tại hạn chế và đưa ra đề xuất, kiến nghị như nêu trên, tác giả hy vọng hệ thống pháp luật tư của Việt Nam sớm hoàn thiện theo hướng thống nhất.  


 

 

ThS. LÊ THỊ NGA (Khoa Lý luận chính trị, Trường ĐHSPKT Hưng Yên)

Một phiên tòa xét xử phúc thẩm tranh chấp dân sự tại TAND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T.Tâm

[1] Điều 1 BLDS năm 2015.

[2] Khoản 1 Điều 4 BLDS năm 2015.

[3] Khoản 2 Điều 9, Điều 13, khoản 2 Điều 14, Điều 18, Điều 25, khoản 3 Điều 31, điểm c khoản 4 Điều 33, khoản 2 Điều 34, khoản 3 Điều 36, khoản 2, khoản 3 Điều 38, Điều 74, khoản 2, khoản 3 Điều 87, khoản 2 Điều 101, điểm c khoản 1 Điều 117, khoản 2 Điều 117, khoản 1 Điều 149, Điều 158, Điều 160, khoản 1 Điều 161, Điều 162, khoản 2 Điều 214, khoản 1 Điều 219, khoản 4 Điều 220, khoản 8 Điều 221, điểm b khoản 3 Điều 225, Điều 236, khoản 8 Điều 237, Điều 246, Điều 247, khoản 2 Điều 278, khoản 4 Điều 312, khoản 1 Điều 320, khoản 5 Điều 321, khoản 6 Điều 323, Điều 360, khoản 1 Điều 372, điểm b khoản 1 Điều 388, khoản 7 Điều 422, Điều 431, khoản 1 Điều 459, khoản 3 Điều 465, khoản 4 Điều 466, khoản 1 Điều 468, khoản 2 Điều 470, khoản 1 Điều 473, Điều 514, khoản 2 Điều 570, khoản 1 Điều 573, Điều 584, Điều 598, điểm b khoản 1 Điều 630… của BLDS năm 2015.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Dân sự năm 1995.

2.  Bộ luật Dân sự năm 2005.

3. Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Luật Thương mại năm 2005.

5. Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.