MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI CỦA BLHS NĂM 2015 VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội, chế độ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.Đấu tranh chống các tội xâm phạm ANQG là nội dung chủ yếu của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng. Yêu cầu đặt ra trong cuộc đấu tranh này là làm thất bại âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ sự tồn tại và vững mạnh của chế độ XHCN và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

         Bộ luật hình sự năm 2015 đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN phát triển đúng hướng, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…

       Những điểm mới của BLHS năm 2015 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia:

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Chương XIII BLHS năm 2015, Chương này gồm 14 điều, từ Điều 108 đến Điều 122. Về cơ bản, Chương này được kế thừa các quy định của BLHS năm 1999. Có một số sửa đổi, bổ sung như sau:

       Một là: Phi hình sự hóa đối với tội “Hoạt động phỉ” (Điều 83 BLHS năm 1999). Trong quá trình xây dựng BLHS năm 2015, có một số ý kiến không đồng tình với việc bãi bỏ tội danh này vì tội hoạt động phỉ có dấu hiệu đặc trưng là “hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản” và trong thực tế, trong tương lai vẫn xảy ra hành vi phạm tội này. Tuy nhiên, ý kiến này không được chấp nhận vì nếu có các hành vi hoạt động phỉ xảy ra, thì hành vi này được xét xử tùy theo các dấu hiệu của các tội phạm trong Chương này như tội bạo loạn, khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân…

         Hai là: Sửa tên tội danh và quy định rõ ràng hơn đối với tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 88 BLHS năm 1999)

Điều 117 tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có gây chiến tranh tâm lý.

Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

       Ba là: Bổ sung tội danh mới quy định tại Điều 120

Điều 120 Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.

Người nào tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị tù từ 05 năm đến 15 năm.

Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

3.Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự, không phân biệt nam hay nữ, trừ người chuẩn bị phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

       Bốn là: Bổ sung thêm vào Điều 108 tội phản bội Tổ quốc cụm từ “tiềm lực quốc phòng, an ninh” và điều luật quy định là:

“1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

      Năm là: Sửa tên tội danh tội chống phá trại giam thành tội Chống phá cơ sở giam giữ (Điều 119) vì có thể hành vi được thực hiện ở nhà tạm giam giữ, tạm giam và những nơi đang giam giữ người thực hiện hành vi phạm tội được gọi chung là cơ sở giam giữ.

       Sáu là: Hành vi chuẩn bị phạm tội, mức hình phạt đối với các hành vi này được quy định trong từng tội phạm cụ thể của Chương này.

        Bảy là: Tất cả các quy định bằng chữ được sửa đổi bằng số trong các điều luật của Chương này. Ví dụ 10 năm đến 20 năm tù thay cho mười năm tù đến hai mươi năm tù.

Hồ Nguyễn Quân - Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4