Một số vấn đề về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong tố tụng dân sự
Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện

Hoạt động định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong tố tụng dân sự là một hoạt động khá phổ biến đối với các loại tranh chấp khi giải quyết tại Tòa án. Kết quả của định giá tài sản, thẩm định giá tài sản là một trong những chứng cứ quan trọng nhằm mục đích xác định giá trị tài sản làm căn cứ để giải quyết vụ án.

1. Quy định của pháp luật về định giá tài sản và thẩm định giá tài sản

Theo quy định tại Điều 4 Luật giá 2023 thì “Định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hóa, dịch vụ” (khoản 11); “Thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định do doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá thực hiện theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ” (khoản 16).

BLTTDS 2004 chỉ quy định về hoạt động định giá tài sản tại khoản 8 Điều 82; điểm c khoản 2 Điều 85; Điều 92 theo đó định giá tài sản là một hoạt động trong tố tụng do Tòa án quyết định làm căn cứ xác định giá tài sản để giải quyết vụ án khi cần thiết.

BLTTDS 2015 cụ thế hóa nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự đã khắc phục một số hạn chế về hoạt động định giá tài sản tại BLTTDS 2004 bằng việc bổ sung thêm việc các đương sự có quyền cung cấp, thống nhất thỏa thuận giá trị tài sản tranh chấp hoặc lựa chọn tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, hiện nay ngoài Điều 104 quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản thì không có văn bản nào hướng dẫn chi tiết về hoạt động này ngoại trừ Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 28/3/2014 hướng dẫn thi hành Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản và đã hết hiệu lực.

Từ các quy định tại điểm d khoản 2 Điều 97 và Điều 104 BLTTDS 2015 tác giả cho rằng có thể định nghĩa định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong hoạt động tố tụng là việc xác định giá trị tài sản tranh chấp làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Hoạt động định giá tài sản được Tòa án quyết định và Tòa án tiến hành thành lập Hội đồng định giá. Hoạt động thẩm định giá tài sản do các bên đương sự quyết định và lựa chọn tổ chức thẩm định giá đủ điều kiện theo trình tự và thủ tục do BLTTDS quy định.

2. Thực trạng và vướng mắc

Thứ nhất, về định nghĩa khái niệm định giá tài sản, thẩm định giá tài sản và tính hợp pháp về kết quả định giá tài sản.

Hiện nay BLTTDS 2015 không đưa ra định nghĩa cụ thể về định giá tài sản và thẩm định giá tài sản. Tòa án lựa chọn kết quả định giá do Hội đồng định giá của Tòa án thành lập hay kết quả định giá của tổ chức thẩm định giá để làm căn cứ giải quyết vụ án? vì luật tố tụng không quy định minh thị rằng kết quả định giá tài sản sau hoặc định giá lại sẽ phủ quyết kết quả định giá tài sản trước hay kết quả định giá tài sản lần đầu.

Thứ hai, về việc định giá lại tài sản.

Một là, theo khoản 5 Điều 104 BLTTDS 2015 quy định về định giá lại tài sản “việc định giá lại tài sản được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự”.

Tham khảo Điều 18 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC quy định về định giá lại tài sản

  “1. Tòa án đang giải quyết ra Quyết định định giá lại tài sản theo đơn yêu cầu của một hoặc các bên đương sự trong các trường hợp sau đây: 

 a) Có căn cứ rõ ràng cho thấy kết quả định giá tài sản không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá; 

b) Có căn cứ cho thấy Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thiếu trung thực, khách quan…

 3. Việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá khác thực hiện, thủ tục thành lập và các quy định về Hội đồng định giá lại tài sản thực hiện như Hội đồng định giá quy định tại Thông tư liên tịch này”.

Từ các quy định viện dẫn trên cho thấy việc định giá lại tài sản chỉ bao gồm việc định giá lại đối với kết quả định giá do Tòa án ban hành quyết định định giá được tiến hành bởi Hội đồng định giá do Tòa án thành lập mà không bao gồm kết quả định giá do các bên lựa chọn tổ chức thẩm định giá định giá tài sản.

Hai là, căn cứ định giá lại tài sản

Theo quy định tại khoản 5 Điều 104 BLTTDS 2015 việc định giá lại tài sản khi có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự. Vậy khi đương sự có yêu cầu định giá lại phải chứng minh được căn cứ hợp pháp và được Tòa án chấp nhận thì mới được quyền yêu cầu định giá lại. Như vậy trong trường hợp này việc chứng minh tính hợp pháp đó được thực hiện như thế nào? theo quy trình, thủ tục như thế nào? khi việc định giá tài sản, thẩm định giá tài sản đang thuộc giai đoạn chuẩn bị xét xử.

 Thứ ba, về chi phí tạm ứng định giá.

 Theo điểm a khoản 3 Điều 104 BLTTDS 2015 quy định: “Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:  a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự”.

 Điều 164 BLTTDS 2015 quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.

“Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản được xác định như sau:

1. Người yêu cầu định giá tài sản phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản…

3. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 của Bộ luật này thì nguyên đơn, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản”.

Vậy trường hợp đương sự là bị đơn yêu cầu Tòa án ban hành quyết định định giá tài sản thì nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản thuộc về bị đơn là người yêu cầu (theo điểm a khoản 3 Điều 104 BLTTDS 2015) hay thuộc về nguyên đơn (theo khoản 3 Điều 164 BLTTDS 2015)

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, nên có định nghĩa về khái niệm định giá tài sản và thẩm định giá tài sản như sau: Định giá tài sản và thẩm định giá tài sản là hoạt động tố tụng nhằm xác định giá trị tài sản tranh chấp làm căn cứ để giải quyết vụ án. Định giá tài sản do Tòa án quyết định và thành lập hội đồng định giá, thẩm định giá tài sản do các đương sự lựa chọn đơn vị có đủ chức năng tiến hành định giá tài sản đang tranh chấp theo trình tự, thủ tục theo quy định.

Thứ hai, bổ sung cụm từ “thẩm định lại giá tài sản” vào khoản 5 Điều 104 thành: Việc định giá lại tài sản, thẩm định lại giá tài sản được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự”.

Các bên có quyền yêu cầu định giá lại, thẩm định lại giá tài sản khi không đồng ý với kết quả định giá lần đầu mà tại thời điểm đó không cần chứng minh hay đưa ra căn cứ cho việc yêu cầu định giá lại, thẩm định giá lại đó. Việc chứng minh cho kết quả định giá lần đầu có giá trị hay kết quả định giá lại có giá trị áp dụng để làm căn cứ giải quyết vụ án thuộc về nghĩa vụ chứng minh của đương sự tại phiên tòa và do Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá và quyết định.

Thứ ba, đối với nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá. Trường hợp các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản thì Tòa án quyết định việc định giá và thành lập Hội đồng định giá và nguyên đơn phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản theo quy định.

LS. LƯU VĂN SÁNG (Công ty Luật TNHH SHV Lawfirm thuộc Đoàn luật sư TP. HCM)

TAND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận phối hợp VKSND huyện tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản tranh chấp- Ảnh: Bích Ngà