Một số ý kiến về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự
Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một trong những biện pháp tư pháp được nêu ra trong Bộ luật hình sự Việt Nam
Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được áp dụng như sau:
“1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”.
Đây là biện pháp tư pháp được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội. 1. Khoản 1 của điều luật xác định 03 nhóm đối tượng bị tịch thu và mục đích của việc tịch thu.
Thứ nhất, công cụ, phương tiện dùng vào việc thực hiện tội phạm: đây là vật chứng trong vụ án hình sự, có thể thuộc sở hữu của người phạm tội và đã được người đó sử dụng làm công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm, đó có thể là vũ khí, hung khí được sử dụng để xâm hại tính mạng, sức khỏe của người khác; là xe mô tô, ô tô được dử dụng để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy… Đối với các vật chứng này, việc tịch thu có thể để nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy. Nếu vật chứng là tiền hoặc tài sản thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Nếu vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Tuy nhiên, điều luật không xác định rõ công cụ, phương tiện được dùng vào việc thực hiện tội phạm gì? Tội cố ý hay vô ý. Theo quan điểm tác giả, có thể hiểu việc tịch thu công cụ, phương tiện chỉ đặt ra đối với tội phạm mà lỗi của người phạm tội là cố ý. Đối với các tội vô ý, như các tội vô ý xâm phạm an toàn giao thông thì việc tịch thu phương tiện phạm tội không đặt ra.
Thứ hai, vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội:
- Vật hoặc tiền do phạm tội mà có là vật, tiền mà người phạm tội có được là do thực hiện tội phạm như tiền nhận hối lộ…
- Vật hoặc tiền do mua bán, đổi chác những thứ do phạm tội mà có là vật, tiền có nguồn gốc từ các vật, tiền do phạm tội mà có như vật được mua từ tiền nhận hối lộ, trộm cắp…
- Khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội như khoản thu lợi bất chính từ việc phạm một số tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin…
Tuy nhiên, việc xác định vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có, thực tiễn xét xử cho thấy, việc áp dụng thế nào còn chưa thống nhất mà chưa có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng, nhất là đối với các tội có tính chất chiếm đoạt. Ví dụ, A trộm cắp tài sản của B, sau đó bán cho C được ba triệu đồng. Trong trường hợp hợp này có nhiều quan điểm khác nhau: có quan điểm cho rằng phải tịch thu số tiền trên vì đây là tiền do phạm tội mà có, nên phải buộc người phạm tội nộp lại số tiền trên để sung vào ngân sách nhà nước; có quan điểm là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đã phải bồi thường cho bị hại, do đó không áp dụng biện pháp tịch thu số tiền trên, nếu xét thấy cần phải áp dụng hình phạt tiền, thì có thể áp dụng thêm hình phạt bổ sung quy định tại điều luật đó trong bản án hoặc nếu bị hại không yêu cầu bồi thường thì áp dụng biện pháp tịch thu. Theo quan điểm của tác giả, thì đối với các tội xâm phạm sở hữu nếu xác định được bị hại thì buộc người phạm tội phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu, nếu tài sản không còn thì buộc phải trả lại giá trị tài sản đã bị chiếm đoạt, còn việc người bị hại không yêu cầu người phạm tội trả lại tài sản thì không đặt vấn đề giải quyết vì đây là nghĩa vụ dân sự do các bên tự thỏa thuận, Tòa án có thể cân nhắc áp dụng thêm hình phạt bổ sung là hình phạt tiền tùy vào điều kiện thi hành án của bị cáo chứ không áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Trường hợp, vật, tiền mà người phạm tội chiếm đoạt không xác định được bị hại, tài sản bị chiếm đoạt là tài sản thuộc sở hữu nhà nước thì áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.
Thứ ba, vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành là những vật mà việc tàng trữ, lưu hành bị cấm như ma túy, chất nổ, chất cháy…
2. Khoản 2 của điều luật quy định những trường hợp không được tịch thu. Đó là vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Những đối tượng này được trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp sau khi xác định được chủ sở hữ hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Khoản 3 của điều luật quy định trường hợp vật, tiền tuy là tài sản của người khác nhưng vẫn có thể bị tịch thu. Đó là trường hợp chủ tài sản có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản đó vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu. Tuy nhiên, điều luật không quy định cụ thể lỗi của chủ tài sản là lỗi như thế nào trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản vào việc phạm tội. Như vậy, có thể phân biệt hai trường hợp:
- Nếu chủ tài sản cố ý để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình thực hiện tội phạm thì vật, tiền đó phải bị tịch thu và bản thân người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm giúp sức.
- Nếu chủ tài sản vô ý để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình cho việc thực hiện tội phạm thì việc tịch thu sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định. Tuy nhiên, việc quyết định này không có hướng dẫn quy định cụ thể việc áp dụng là mức độ lỗi như thế nào, nên gây khó khăn và chưa thống nhất trong việc tịch thu tài sản của người khác khi người đó có lỗi để cho người phạm tội sử dụng tài sản của mình vào việc phạm tội.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận