Người chưa thành niên bị buộc tội trong tố tụng hình sự theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam
Bài viết tìm hiểu một số quy định của một số văn bản pháp luật quốc tế về thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên bị buộc tội. Trên cơ sở đó, bài viết tiến hành so sánh và chỉ ra một số bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam liên quan đến thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên bị buộc tội.
Đặt vấn đề
Xuất phát từ đặc điểm về lứa tuổi, những người chưa thành niên được coi là những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tâm sinh lý cũng như nhận thức và rất dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, quá trình tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên, đặc biệt là những người chưa thành niên bị buộc tội đòi hỏi phải có những điểm đặc biệt nhất định phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức và sự phát triển về mặt tâm sinh lý của các em, sao cho việc giải quyết vụ án hình sự được hiệu quả nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ được các em trước những khó khăn của quá trình tư pháp, hướng dẫn để các em chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình và hơn thế nữa, được tạo một cơ hội nhằm tránh mắc phải những sai phạm như vậy trong tương lai để lớn lên thành những người có trách nhiệm[1].
Đã có nhiều văn bản pháp luật quốc tế được ban hành nhằm bảo vệ người chưa thành niên trong quá trình tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, trong đó phải kể đến hai văn bản là Công ước quốc tế về Quyền trẻ em được thông qua và ký kết ngày 20/11/1989 (còn gọi là Công ước Quyền trẻ em năm 1989) và Quy tắc Tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hiệp quốc về việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên (còn gọi là Quy tắc Bắc Kinh), được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 29/11/1985. Trong đó, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990 (không có sự bảo lưu nào). Với tư cách là một thành viên của Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ nội luật hóa các nội dung của công ước trong pháp luật quốc gia. Xét trên khía cạnh bảo vệ quyền của người chưa thành niên bị buộc tội, BLTTHS năm 2015 đã có những sự tiến bộ nhất định so với BLTTHS năm 2003, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế nhật định.
1. Về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên
Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói chung có các mục đích chính như: ngăn ngừa đối tượng bỏ trốn, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội và ngăn ngừa các hành vi gây cản trở cho quá trình giải quyết vụ án của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, những mục đích này không thể được lạm dụng hay biện minh cho việc giam giữ người chưa thành niên một cách tùy tiện. Trong số các biện pháp ngăn chặn, bắt, tạm giữ, tạm giam là những biện pháp ngăn chặn mang tính nghiêm khắc nhất, có thể được áp dụng đối với một người chưa thành niên bị nghi ngờ là đã thực hiện một tội phạm. Các biện pháp này được thừa nhận rộng rãi là không có lợi cho người chưa thành niên vì cách ly các em khỏi gia đình, đặt các em trước nguy cơ bị lạm dụng về thể chất và bị ảnh hưởng bởi những thói hư, tật xấu từ những người cùng bị giam giữ khác, đồng thời cản trở các em thực hiện các quyền khác như quyền học tập, quyền được chăm sóc y tế… Vì những lý do đó, Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em và các hướng dẫn của Liên hiệp quốc đã có những quy định cụ thể để bảo vệ và thúc đẩy đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ em bị bắt giữ và trong giai đoạn điều tra.[2]
Theo quy định tại Điều 37 Công ước về quyền trẻ em, “Không trẻ em nào bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em phải được tiến hành phù hợp với pháp luật và chỉ được coi là biện pháp cuối cùng và áp dụng trong thời hạn thích hợp ngắn nhất”. Hay theo Điều 13.1 Quy tắc Bắc Kinh, “Hình thức tạm giam chờ xét xử được sử dụng đến như một phương kế cuối cùng và chỉ trong thời gian ngắn nhất có thể”. Như vậy, theo tinh thần của cả hai văn bản này thì việc áp dụng các biện pháp bắt, giam giữ trẻ em phải được hạn chế đến mức thấp nhất, cả về các trường hợp áp dụng và thời hạn áp dụng. Về các trường hợp áp dụng, các biện pháp này chỉ được áp dụng như những “biện pháp cuối cùng” (measure of last resort), có nghĩa là không phân biệt tội phạm bị cáo buộc là ít nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, các biện pháp này chỉ có thể được áp dụng sau khi các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét, cân nhắc hết tất cả các biện pháp khác và xác định rằng không có biện pháp nào là hiệu quả trong trường hợp này. Về thời hạn áp dụng, các biện pháp này chỉ được áp dụng trong “thời gian ngắn nhất có thể”. Có nghĩa là, biện pháp giam giữ người chưa thành niên cần được hủy bỏ hoặc thay thế bằng những biện pháp khác thích hợp hơn nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp giam giữ là không còn cần thiết. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền phải thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án hình sự để từ đó đảm bảo rằng thời hạn giam giữ với người chưa thành niên là ngắn nhất có thể.
Một trong những cách thức để hạn chế áp dụng biện pháp giam giữ đối với người chưa thành niên là quy định những biện pháp thay thế giam giữ. Theo Điều 13.2 Quy tắc Bắc Kinh, “Bất cứ khi nào có thể, hình thức tạm giam chờ xét xử cần được thay thế bằng những phương pháp khác như giám sát chặt chẽ, chăm sóc đặc biệt hoặc đưa về sống với gia đình hay tại một trung tâm giáo dục hoặc tại nhà”. Theo văn bản này, các quốc gia không được đánh giá thấp mối nguy hiểm “tiêm nhiễm tội phạm” đối với người chưa thành niên trong khi bị giam chờ xét xử. Vì vậy, cần phải nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp thay thế khác. Từ đó, khuyến khích tìm ra những biện pháp mới, có tính đổi mới để tránh hình phạt giam giữ, vì phúc lợi của người chưa thành niên.
Đáp ứng yêu cầu của Công ước về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, BLTTHS năm 2015 đã quy định một cách chặt chẽ về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung, biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên nói riêng. Theo Điều 419 BLTTHS năm 2015, các biện pháp ngăn chặn chỉ được áp dụng với người chưa thành niên trong trường hợp “thật cần thiết” và việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với nhóm đối tượng này chỉ được thực hiện “khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả”. Điều 419 cũng quy định các căn cứ cụ thể để áp dụng biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên. Theo đó, điều kiện để áp dụng biện pháp tạm giam với hai nhóm là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là khác nhau[3]. Đồng thời, về mặt thời hạn, Điều luật này cũng quy định một thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên ngắn hơn so với người đã thành niên, cụ thể, “Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này”.
Về các biện pháp thay thế tạm giam, BLTTHS năm 2015 quy định hai biện pháp nhằm thay thế cho biện pháp tạm giam là bảo lĩnh và đặt tiền để đảm bảo (được áp dụng đối với không chỉ người chưa thành niên mà còn áp dụng đối với người bị buộc tội nói chung). Theo đó, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh hay đặt tiền để đảm bảo nhằm thay thế cho biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, có thể nhận thấy những biện pháp này khó phát huy được hiệu quả cao, nhất là đối với trường hợp người bị buộc tội là những trẻ lang thang, trẻ không có gia đình hoặc gia đình không có điều kiện về kinh tế (một trong những điều kiện để cá nhân đứng ra nhận bảo lĩnh là phải có “thu nhập ổn định”, còn biện pháp đặt tiền để đảm bảo thì có xét đến tình trạng tài sản của bị can, bị cáo).
Ở New Zealand, các nghiên cứu cho thấy rằng việc đặt tiền bảo lĩnh không thực sự khuyến khích gia đình chịu trách nhiệm đối với con em mình, vì vậy biện pháp này đã không tiếp tục được áp dụng. Thay vào đó, các thành viên trong gia đình được khuyến khích chịu trách nhiệm cao hơn, thông qua việc được cùng với người chưa thành niên tham gia vào quá trình xây dựng một kế hoạch giám sát người chưa thành niên. Cha mẹ và người chưa thành niên sẽ cùng gặp cảnh sát và tham gia vào việc quyết định những điều kiện được áp dụng đối với người chưa thành niên. Điều đó đảm bảo rằng họ sẽ nhận thức được đầy đủ các nghĩa vụ của mình cũng như cho phép cha mẹ được để xuất các điều kiện mà họ cho rằng có thể giúp họ kiểm soát con mình một cách tốt nhất[4].
Bên cạnh việc quy định hai biện pháp thay thế tạm giam được áp dụng chung cho người bị buộc tội ở mọi lứa tuổi, BLTTHS năm 2015 cũng quy định biện pháp đặc thù đối với người chưa thành niên, đó là biện pháp giám sát. Theo Điều 418, “Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của họ khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người dưới 18 tuổi, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người đó”.
Đối với những trẻ lang thang, hoặc trẻ của các gia đình có vấn đề không thể giám sát các em một cách hiệu quả, cần thiết phải có những giải pháp thay thế tạm giam phù hợp. Theo Điều 7, TTLT 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH, “Đối với người chưa thành niên phạm tội không còn cha mẹ, không có nơi cư trú rõ ràng hoặc là người lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa thì cơ quan điều tra cần tìm mọi biện pháp để xác định lý lịch cũng như gia đình của họ. Trong trường hợp không xác định được thì Cơ quan điều tra đề nghị cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở nơi bắt giữ, nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi có thẩm quyền điều tra cử cán bộ giám sát người chưa thành niên phạm tội. Khi đã chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc cử cán bộ giám sát người chưa thành niên phạm tội, cơ quan đã nhận trách nhiệm cử cán bộ giám sát cần cử ngay cán bộ và kịp thời thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng biết để tạo điều kiện cho họ tiếp xúc, gặp gỡ người chưa thành niên phạm tội”. Tuy nhiên, hạn chế của quy định này là không đề cập đến ý chí của bản thân người chưa thành niên bị buộc tội. Thiết nghĩ, để biện pháp này có hiệu quả trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền cần phải lắng nghe ý kiến của người chưa thành niên trong việc có hay không đồng ý chịu sự giám sát và chịu sự giám sát của ai. Điều này cũng phần nào thể hiện sự “coi trọng một cách thích đáng” những quan điểm của trẻ em.[5]
Như vậy, nhìn chung, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đã đáp ứng khá tốt các yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ cũng như Quy tắc Bắc Kinh trong việc quy định về các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người bị buộc tội chưa thành niên.
2. Sự tham gia của người đại diện của người chưa thành niên bị buộc tội
Do đặc điểm chưa phát triển đầy đủ về mặt nhận thức cũng như tâm sinh lý, trong khi tố tụng hình sự là một quá trình kéo dài và mang tính chất căng thẳng cao nên người bị buộc tội chưa thành niên cần thiết phải có người đại diện trong khi tham gia vào tố tụng hình sự, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích cho họ. Có thể nói, nếu sự tham gia của luật sư bào chữa là sự giúp đỡ về mặt pháp lý thì sự tham gia của người đại diện chính là sự giúp đỡ về mặt tâm lý, tình cảm đối với người chưa thành niên và giúp họ thực hiện những quyền lợi của mình một cách đầy đủ hơn.
Công ước quốc tế về Quyền trẻ em không quy định một cách trực tiếp về việc bảo đảm sự tham gia của người đại diện của người chưa thành niên. Tuy nhiên, Công ước nhiều lần đề cập đến chủ thể này. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 12 của Công ước quy định: “Trẻ em phải được đặc biệt trao cơ hội nói lên ý kiến của mình trong bất kỳ quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào có liên quan đến trẻ, trực tiếp hoặc thông qua một người đại diện hay một cơ quan thích hợp, theo cách thức phù hợp với những quy tắc thủ tục trong pháp luật quốc gia”. Còn theo Điều 15.2 Quy tắc Bắc Kinh thì “Cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền tham dự vào quá trình tố tụng và có thể được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tham dự vào quá trình tố tụng vì lợi ích của người chưa thành niên.”
Theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, một trong những nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với vụ án có sự tham gia của người chưa thành niên nói chung và người chưa thành niên bị buộc tội nói riêng là “Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi” (Khoản 3 Điều 414 BLTTHS năm 2015). Người đại diện của người dưới 18 tuổi được xác định theo pháp luật dân sự. Đó là cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên hay người khác được tòa án chỉ định (Điều 136 BLDS năm 2015). Điều 420 BLTTHS năm 2015 cụ thể hóa nguyên tắc này thông qua việc quy định quyền và nghĩa vụ của người đại diện cho người chưa thành niên. Theo đó, người đại diện của người dưới 18 tuổi có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Người đại diện của người dưới 18 tuổi được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra; khi tham gia phiên tòa có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án.
Một điều đáng lưu ý là bên cạnh việc quy định sự tham gia của đại diện người chưa thành niên, Quy tắc Bắc Kinh cũng quy định trường hợp ngoại lệ mà cơ quan có thẩm quyền có thể từ chối sự tham gia của người đại diện của người chưa thành niên. Theo Điều 15.2 Quy tắc Bắc Kinh, người đại diện của người chưa thành niên “có thể bị cơ quan có thẩm quyền từ chối không cho tham dự nếu có những lý do cho rằng sự từ chối đó là cần thiết vì lợi ích của người chưa thành niên”. Theo đó, sự hợp tác với những người đại diện cho người chưa thành niên có thể có ích cho quá trình tìm kiếm một phán quyết thỏa đáng của cơ quan có thẩm quyền, nhưng cũng có thể gây ra những trở ngại nhất định nếu sự có mặt của cha mẹ hay người giám hộ đóng một vai trò tiêu cực, ví dụ như họ tỏ thái độ thù địch đối với người chưa thành niên, do vậy cần phải quy định khả năng loại trừ sự có mặt của họ. Đây cũng là quan điểm của Ủy ban quyền trẻ em được thể hiện tại Đoạn 53 Bình luận chung số 10 (2007) về Các quyền của trẻ em trong tư pháp người chưa thành niên.
Cũng về trường hợp ngoại lệ trên, pháp luật Canada quy định: “Trong trường hợp lợi ích của người chưa thành niên và lợi ích của cha mẹ họ xung đột lẫn nhau, hoặc việc được đại diện bởi người bào chữa sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên thì thẩm phán phải đảm bảo rằng người chưa thành niên sẽ được đại diện bởi người bào chữa, không phụ thuộc vào cha mẹ họ”.
So sánh với pháp luật Việt Nam, có thể thấy pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam chưa quy định trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể từ chối quyền tham gia tố tụng của người đại diện người chưa thành niên. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp mà sự tham gia của cha mẹ với tư cách là người đại diện của con chưa thành niên sẽ mang lại những tác động tiêu cực đến đứa trẻ. Chẳng hạn, trong một số trường hợp, cha mẹ có hành vi xúi giục con cái thực hiện tội phạm như trộm cắp, cướp bóc, mại dâm...[6] Đối với những trường hợp mà cha mẹ có sự ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con cái, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên[7], tuy nhiên BLTTHS lại không đề cập đến vấn đề này. Có thể nói đây là một điểm thiếu sót của BLTTHS năm 2015 về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên. Do đó, tác giả kiến nghị bổ sung quy định về các trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể hạn chế hoặc từ chối việc tham gia tố tụng của người đại diện của người chưa thành niên.
3. Bảo đảm quyền được giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên bị buộc tội
Do nhận thức chưa được phát triển một cách hoàn thiện nên người chưa thành niên có thể chỉ vì một sai lầm hoặc bị kích động, rủ rê, lôi kéo mà thực hiện hành vi tội phạm trong khi không ý thức được hậu quả cũng như mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà mình gây ra. Tuy nhiên, nếu phải đối mặt với những chỉ trích, thậm chí là bị phân biệt đối xử từ phía dư luận và xã hội, người chưa thành niên rất dễ bị tổn thương về tinh thần, sẽ rất khó để các em có thể hòa nhập cuộc sống sau này, từ đó dễ đi vào con đường sai lầm cũ. Người chưa thành niên bị buộc tội cần phải có quyền được giữ bí mật cá nhân trong suốt quá trình tố tụng hình sự nhằm tránh những tổn hại có thể xảy ra do sự công khai quá mức hay sự quy chụp.
Điều 40 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia thành viên phải đặc biệt đảm bảo rằng “Mọi điều riêng tư của trẻ em được hoàn toàn tôn trọng đầy đủ trong suốt tất cả các giai đoạn tố tụng”. Quy tắc 8.1 Quy tắc Bắc Kinh cũng quy định “Quyền riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng trong tất cả các giai đoạn tố tụng, nhằm tránh những tổn hại gây ra do sự công khai hóa quá mức hay do sự quy chụp”. Có thể thấy, cả hai văn bản pháp luật quốc tế trên đều nhấn mạnh về việc đảm bảo quyền riêng tư của người chưa thành niên trong tố tụng hình sự nói chung cũng như việc đảm bảo quyền riêng tư của người chưa thành niên bị buộc tội nói riêng, trong “tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng”.
Theo hướng dẫn của Bình luận chung Số 10, “tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng” được xác định từ những thời điểm đầu tiên có sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền trong các hoạt động như thu thập thông tin mang tính nhận dạng của người chưa thành niên, cho đến khi phán quyết cuối cùng về vụ án được đưa ra, thậm chí đến khi người chưa thành niên hoàn thành các biện pháp giám sát, giam giữ hay hình phạt tù. Trong suốt quá trình tố tụng, các thông tin mang tính chất nhận dạng người chưa thành niên phạm tội sẽ không thể được công bố một cách công khai do những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với cuộc sống cũng như những cơ hội tiếp cận giáo dục, việc làm sau này của người chưa thành niên. Những thông tin liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên cũng chỉ được công bố ở mức rất hạn chế, trong những trường hợp đặc biệt. Những nhà báo vi phạm quyền riêng tư đối với người chưa thành niên phạm tội phải chịu những biện pháp mang tính kỷ luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự nếu cần thiết (chẳng hạn trong trường hợp tái phạm)[8]. Có thể nói, nguyên tắc bảo đảm quyền được giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên bị buộc tội với một phiên xét xử kín là một ngoại lệ của nguyên tắc xét xử công khai trong thủ tục tố tụng công bằng đã được đề cập trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc.
Đối chiếu với quy định của BLTTHS năm 2015, có thể thấy, BLTTHS năm 2015 tuy có quy định về quyền bảo đảm bí mật cá nhân của người chưa thành niên nhưng còn rất sơ sài. Khoản 2 Điều 414 quy định nguyên tắc “Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi”. Về hoạt động xét xử, khoản 2 Điều 423 quy định: “Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín”. Có thể thấy sự khác biệt trong cách thức quy định về quyền được xét xử kín của người chưa thành niên giữa BLTTHS năm 2015 và hướng dẫn tại Bình luận chung Số 10. Theo đó, Bình luận chung số 10 hướng dẫn các quốc gia cần quy định việc xét xử những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên phải được tiến hành “kín”, việc tiến hành công khai những phiên tòa này chỉ được coi là những trường hợp “ngoại lệ” và phải có quyết định bằng văn bản của tòa án, quyết định này cũng có thể bị kháng cáo. Trong khi đó, theo Điều 423 BLTTHS năm 2015 thì việc xét xử những vụ án có bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi có thể được tiến hành một cách công khai trong những trường hợp thông thường và chỉ được xét xử kín nếu Tòa án nhận thấy đó là trường hợp “đặc biệt”. Có thể nói, cách thức quy định của Điều 423 như vậy là chưa phù hợp với tinh thần của pháp luật quốc tế. Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 cũng thiếu những quy định về quyền được giữ bí mật cá nhân của người bị buộc tội dưới 18 tuổi trong các giai đoạn khác của quá trình tố tụng như giai đoạn điều tra, truy tố, thi hành án. Đây là một sự thiếu sót cần thiết phải bổ sung của BLTTHS năm 2015.
[1] Vũ Thị Thu Quyên (2012), “Quyền của người chưa thành niên phạm tội trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật số 5/2012, tr8.
[2] Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Unicef Việt Nam (2012), Tài liệu tập huấn tư pháp người chưa thành niên, NXB Lao động, Hà Nội, tr142
[3] Cụ thể, xem Điều 419 BLTTHS 2015.
[4] Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Unicef Việt Nam (2012), Tài liệu tập huấn tư pháp người chưa thành niên, NXB Lao động, Hà Nội, tr149.
[5] Điều 12 Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
[6] Bùi Minh nhất, Hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên – Thực tiễn và giải pháp, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1742, truy cập 14h ngày 22/12/2018.
[7] Khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây: a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; b) Phá tán tài sản của con; c) Có lối sống đồi trụy; d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.
[8] Bình luận chung Số 10 (2007), Ủy ban về Quyền trẻ em, Liên hiệp quốc.
Bài liên quan
-
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Giữ quy định giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng
-
Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhân văn, bảo vệ quyền, lợi ích và tạo điều kiện tốt nhất cho người chưa thành niên
-
Đình chỉ vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
-
Người chưa thành niên phạm tội cần được giam giữ riêng với những người trưởng thành
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận