Nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam và quyền tiếp cận công lý
Ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014 đều ghi nhận nhiệm vụ của Toà án là “cơ quan bảo vệ công lý”. Muốn hiện thực hoá mục tiêu này, một trong những cơ chế cơ bản nhất và có tính tiên quyết là phải đảm bảo quyền tiếp cận công lý của các chủ thể.
Trong pháp luật tố tụng dân sự, không chỉ các quy định cụ thể tạo cơ chế cho các đương sự có khả năng tiếp cận công lý mà từ các nguyên tắc cơ bản, quyền này đã được định hình. Bài viết phân tích quyền tiếp cận công lý được biểu hiện ở nhóm các nguyên tắc đảm bảo quyền tham gia tố tụng của đương sự cũng như bàn về các điều kiện hiện thực hoá quyền này trong thực tiễn.
Đặt vấn đề
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam đến năm 2020 đặt ra những mục tiêu và yêu cầu cụ thể để hình thành một nền tư pháp độc lập, hiệu quả và trong sạch. Cải cách tư pháp thực chất là hướng đến một thủ tục tố tụng minh bạch, khách quan trong đó Toà án phải là hiện thân của một thiết chế độc lập và chỉ đứng về phía công lý. Bảo vệ công lý trở thành điều cốt yếu thể hiện sứ mạng của Toà án.
Trong các loại vụ việc được Toà án xét xử, giải quyết, vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự bao giờ cũng chiếm tỉ lệ lớn nhất[1]. Xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai.
1. Khái niệm quyền tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự
Công lý là một trong những khái niệm cổ xưa nhất của triết học pháp luật. Suy cho cùng, pháp luật ra đời là để bảo vệ công lý trong xã hội. Từ những bộ luật thành văn đầu tiên của lịch sử loài người cho đến hệ thống pháp luật đồ sộ ở các nhà nước hiện đại ngày nay, các nhà làm luật đều trực tiếp hoặc gián tiếp khẳng định mục đích bảo vệ công lý của mình [2]. Dù tồn tại nhiều cách định nghĩa khác nhau nhưng tựu chung, công lý đặt trong mối quan hệ với pháp luật được hiểu là giá trị khách quan, lẽ phải, sự hợp lý, được xã hội thừa nhận và ủng hộ. Pháp luật đích thực phải là pháp luật chứa đựng nội dung công lý và bảo đảm được công lý. Người ta có thể tìm kiếm công lý ở nhiều phương thức khác nhau nhưng pháp luật phải là phương tiện đạt được công lý một cách phổ biến nhất và hữu hiệu nhất.
Quyền tiếp cận công lý (access to justice) cũng là một khái niệm được bàn đến ở nhiều góc độ khác nhau. Cách hiểu phổ biến hiện nay bao gồm nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng, đó là việc người dân tìm kiếm và đạt được các hình thức giải quyết tranh chấp thông qua việc tiếp cận với các biện pháp đền bù, hoặc khắc phục từ các thiết chế tư pháp chính thức, như cơ quan điều tra, truy tố xét xử đến các thiết chế không mang tính chính thức, như cơ quan nhân quyền quốc gia, cơ quan thanh tra quốc hội… trên cơ sở tuân thủ theo các chuẩn mực về quyền con người [3]. Theo nghĩa hẹp, quyền tiếp cận công lý là khả năng các chủ thể lựa chọn phương thức bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng con đường toà án. Với tư cách là cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, Toà án sẽ thực hiện một trình tự tố tụng chặt chẽ đảm bảo khôi phục các giá trị pháp lý đã bị xâm hại.
Từ góc độ hiểu về công lý và tiếp cận công lý như trên, có thể coi quyền tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự là khả năng các chủ thể (tổ chức, cá nhân) đạt được mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực dân sự thông qua hoạt động giải quyết vụ việc dân sự của Toà án theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự. Khi một chủ thể cho rằng quyền dân sự của mình đã bị xâm phạm, họ có quyền yêu cầu cơ quan tư pháp khôi phục quyền đó, được bù đắp những tổn hại mà mình phải gánh chịu thông qua việc buộc người gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành vi của mình. Suy cho cùng, quyền tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự là quyền được yêu cầu và được chấp nhận yêu cầu để bảo vệ quyền tài sản, quyền nhân thân trên cơ sở sự hợp pháp, hợp lý, khách quan và công bằng. Đó không chỉ là quá trình Toà án xét xử và đưa ra phán quyết mà là tổng thể cơ chế để cá nhân, cơ quan, tổ chức hiểu và sử dụng được quyền của mình trong đời sống dân sự. Đó còn là một hệ thống pháp luật xác định rõ những loại việc đương sự được yêu cầu Toà án giải quyết cũng như cho phép sự tồn tại đa dạng các loại nguồn đủ làm căn cứ để giải quyết các vụ việc dân sự phát sinh vô cùng đa dạng và phức tạp trong thực tế. Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của đương sự, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự cần được quy định một cách hợp lý, đầy đủ, khả thi…Từ đó, có thể thấy tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự là cả một quá trình bao gồm nhiều yếu tố cần được đảm bảo và nhiều giai đoạn cần được thực thi.
Quyền tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự có những yêu cầu nhất định.
Thứ nhất, hệ thống luật nội dung cần hoàn thiện để có thể là cơ sở pháp lý cho việc giải quyết những vấn đề nảy sinh. Quan hệ dân sự vốn là quan hệ mang tính tư nhân và rất đa dạng, phức tạp. Khó có thể tồn tại một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao phủ được hết lĩnh vực dân sự. Tranh chấp nảy sinh trong đời sống thực tế hoàn toàn có thể ngoài dự liệu của các nhà làm luật. Tồn tại tranh chấp hoặc nhu cầu cần giải quyết việc dân sự tức là tồn tại những khúc mắc trong đời sống dân sự. Vì vậy, nguồn luật cần đa dạng, phong phú, linh hoạt, “bắt kịp” được những phát sinh có tính chất ngoại lệ.
Thứ hai, người dân cần dễ dàng tiếp cận toà án và các biện pháp trợ giúp pháp lý. Điều này thể hiện qua những quy định về thẩm quyền toà án (thẩm quyền theo vụ việc, theo cấp và theo lãnh thổ), quy định về tống đạt văn bản tố tụng, quy định về trợ giúp pháp lý cho các chủ thể yếu thế trong xã hội (người nghèo, người khuyết tật…)
Thứ ba, trình tự, thủ tục tố tụng cần minh bạch, rõ ràng, hiệu quả. Một trong những khía cạnh khiến người dân ngại ngần khi cần giải quyết vụ việc dân sự tại toà chính là thủ tục phức tạp, nhiều giai đoạn và có phần xa lạ và khó hiểu với người dân. Vì vậy, một thủ tục hợp lý, đơn giản cũng sẽ là cơ sở cho quyền tiếp cận công lý của người dân.
Thứ tư, chi phí tố tụng, thời gian tố tụng cần giảm thiểu và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội. Chi phí tố tụng cao và thời gian kéo dài sẽ cản trở mong muốn được toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thông qua con đường xét xử.
Quyền tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự có đặc trưng riêng biệt.
Xuất phát từ tính chất của quan hệ dân sự là sự tự định đoạt, tự do ý chí của các bên tham gia, nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể hoàn toàn khác biệt nhau. Ngưỡng hay giới hạn họ cho rằng công lý cần phải được thực thi sẽ không giống nhau trong từng trường hợp. Bản thân quan điểm của mỗi chủ thể về giá trị công lý cũng không đồng nhất với nhau. Nó phụ thuộc vào nhận thức, môi trường sống, nghề nghiệp, tôn giáo… Vì vậy, quyền tiếp cận công lý trong lĩnh vực dân sự nói chung, tố tụng dân sự nói riêng phải đảm bảo yếu tố cần và đủ. Yếu tố cần là cơ chế do pháp luật đề ra. Ý chí, sự tự định đoạt của các đương sự là điều kiện đủ. Pháp luật đặt cơ sở, điều kiện để các chủ thể có thể thực hiện quyền của mình và hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chỉ “kích hoạt” hoạt động khi có sự yêu cầu của các bên đương sự.
2. Biểu hiện quyền tiếp cận công lý trong nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam
Nguyên tắc của luật tố tụng dân sự là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật tố tụng dân sự [4]
Nguyên tắc của luật tố tụng dân sự Việt Nam được ghi nhận trong chương II, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015. Những nội dung được đề ra trong nguyên tắc sẽ chi phối toàn bộ quy định cụ thể và quá trình áp dụng pháp luật tố tụng dân sự để giải quyết vụ việc dân sự. Vì vậy, một khi pháp luật khẳng định trách nhiệm bảo vệ công lý của Toà án, gián tiếp khẳng định quyền tiếp cận công lý của các chủ thể trong xã hội cũng có nghĩa là các nguyên tắc của luật tố tụng dân sự phải thể hiện được quyền này.
Trong phạm vi bài viết này, quyền tiếp cận công lý sẽ được bàn đến ở nhóm các nguyên tắc thể hiện quyền tham gia tố tụng của đương sự, được quy định ở Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 8 và Điều 24 BLTTDS 2015.
Trước hết, quyền đầu tiên của đương sự, là khởi đầu hình thành các quyền tiếp theo, đó là quyền khởi kiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân “có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác” (Điều 4, BLTTDS 2015). Mục đích quan trọng nhất được đề cập tới khi đương sự khởi kiện là yêu cầu Toà án “bảo vệ công lý”. Tất nhiên, công lý trong quan hệ dân sự không phải là công lý cho xã hội, cho cộng đồng, mà về cơ bản, đó là công lý cho chính các chủ thể. Họ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm bởi các chủ thể khác. Họ cần sự công bằng và được chủ động yêu cầu bảo vệ cho quyền lợi của họ.
Hơn thế nữa, khoản 2 Điều 4 quy định trách nhiệm của toà án trong trường hợp không có điều luật áp dụng: “Toà án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật áp dụng”. Quy định này nhấn mạnh quyền được bảo vệ của người dân và trách nhiệm phải bảo vệ quyền đó của Toà án trong lĩnh vực dân sự. Pháp luật đã hướng tới sự triệt để trong cách thức đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân. Luật thực định có giới hạn trong khi tranh chấp dân sự lại đa dạng, phức tạp. Một khi các chủ thể có tranh chấp và có nhu cầu cần toà án giải quyết cũng có nghĩa là họ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, công lý đã bị xâm phạm. Luật thành văn là căn cứ đầu tiên được viện dẫn để giải quyết nhưng không phải là căn cứ duy nhất. Công lý không phụ thuộc vào sự hạn hẹp của luật thành văn. Công lý là giá trị khách quan mà xã hội loài người hướng tới. Vì thế, khi giá trị ấy bị xâm phạm, nếu không có luật thực định điều chỉnh, trách nhiệm của toà án là dựa trên một phương thức nào đó để công lý được thực thi. Đó có thể là tập quán pháp, tương tự pháp luật, án lệ…Và khi không có các căn cứ trên, lẽ công bằng – lẽ phải, giá trị đạo đức cốt lõi được mọi người trong xã hội thừa nhận, được viện dẫn để đem lại công bằng cho các bên. Với quy định như trên, trách nhiệm bảo vệ công lý của Toà án được đặt ra một cách triệt để, đồng thời, khả năng tìm kiếm công lý của người dân luôn được bảo đảm một cách tích cực.
Tại Điều 5, nguyên tắc đặc trưng của luật tố tụng dân sự về quyền của đương sự tiếp tục thể hiện việc đảm bảo quyền tiếp cận công lý bằng việc quy định “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”. Như trên đã đề cập, với tính chất của quan hệ dân sự, việc xác định trường hợp nào cá nhân, tổ chức cần được bảo vệ, bảo vệ ở mức độ nào hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể. Quan niệm về quyền, lợi ích, công bằng, công lý trong đời sống dân sự khác nhau ở từng chủ thể. Nhà nước không áp đặt một chuẩn chung rằng trường hợp bị thiệt hại về tài sản, nhân thân ở mức độ nào thì chủ thể phải khởi kiện mà chỉ có thể thiết lập cơ chế để đương sự tự lựa chọn và định đoạt. Ngoài ra, quá trình Toà án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền “chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội” (khoản 2, Điều 5, BLTTDS 2015). Quyền quyết định và tự định đoạt là quyền mang tính chất liên tục và xuyên suốt. Căn cứ phát sinh, thay đổi, chấm dứt việc giải quyết vụ việc dân sự thuộc về ý chí của đương sự. Đảm bảo tôn trọng ý chí đương sự và sự chủ động của đương sự đối với phạm vi khởi kiện, phạm vi yêu cầu cũng như việc chấm dứt, thay đổi yêu cầu là một khía cạnh riêng biệt của quyền tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự so với các hình thức tố tụng khác.
Quyền tiếp cận công lý của đương sự còn biểu hiện ở Điều 6, “cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự”. Cụ thể: “Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp” (khoản 1 Điều 6 BLTTDS 2015) và “Toà án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ…” (Khoản 2 Điều 6 BLTTDS 2015).
Vẫn từ tính chất của quan hệ dân sự, nguyên tắc trên coi hoạt động thu thập, giao nộp chứng cứ vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của đương sự. Để giải quyết việc mang tính chất “tư nhân” giữa các bên, Toà án chỉ tiến hành các hoạt động tố tụng khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Toà án cũng chỉ giải quyết vụ việc dân sự trong phạm vi chứng cứ các bên thu thập, giao nộp. Vị trí của Toà án tương tự như một chủ thể trung gian mang quyền lực nhà nước. Chủ thể này không đơn phương can thiệp vào quan hệ dân sự giữa các bên, không có nghĩa vụ tìm kiếm các tình tiết, sự kiện của vụ việc mà chỉ dựa vào quy định của pháp luật và những gì được cung cấp để đưa ra phán quyết. Ở góc độ quyền tiếp cận công lý, sự “chủ động” mà Điều 6 quy định đã nhấn mạnh khả năng tự làm rõ bản chất sự thật khách quan của đương sự. Nhìn nhận như một quyền của đương sự, khi thu thập chứng cứ, họ “không bị ràng buộc, thúc ép hay phải tuân theo một chỉ đạo hay điều khiển của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào”[5]. Tình tiết, sự kiện… do đương sự chứng minh là căn cứ cho việc giải quyết của Toà án. Đó còn là nghĩa vụ của đương sự, bởi không một ai có thể nắm bắt, hiểu rõ những gì đã diễn ra trong quan hệ dân sự giữa các đương sự bằng chính họ. Họ cũng là người nắm giữ trực tiếp chứng cứ hoặc biết được nguồn chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của họ. Chỉ khi sự thật khách quan được làm rõ, Toà án mới có thể đưa ra những phán quyết phù hợp và công lý mới có thể được thực thi.
Song song với đương sự, Toà án sẽ phải hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ. Quy định này loại trừ những khó khăn, cản trở nào đó xuất hiện, sự không hợp tác, không thiện chí từ phía cơ quan, tổ chức, cá nhân khiến đương sự không thực hiện được quyền của mình. Chỉ khi hoạt động chứng minh được thực hiện hiệu quả, các hoạt động tố tụng do Toà án thực hiện mới có ý nghĩa và đưa đến kết quả chính xác.
Vẫn nằm trong hệ thống các nguyên tắc đảm bảo quyền tố tụng của đương sự, Điều 8 ghi nhận sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng dân sự. Bản chất của công lý đã bao hàm yếu tố bình đẳng. Trong lịch sử phát triển nhà nước và pháp luật, ở một số kiểu nhà nước, công lý được hiểu và được duy trì ở trạng thái bất bình đẳng. Pháp luật được áp dụng khác biệt nhau ở các chủ thể khác nhau. Tuy nhiên, theo sự phát triển văn minh của xã hội loài người, công lý đã được đặt về đúng vị trí đích thực của nó. Vì thế, trong nhà nước văn minh, hiện đại, công lý trước hết phải được thể hiện ở sự bình đẳng trước pháp luật của mọi chủ thể. Tương ứng là khả năng tiếp cận Toà án, khả năng sử dụng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ không mang tính phân biệt đối xử.
Trên cơ sở đó, nội dung của Điều 8 mang tính chất khái quát – khẳng định ngắn gọn sự bình đẳng của “mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân” trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Toà án. Như vậy, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính, địa vị xã hội…, bất kì chủ thể nào cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực dân sự bị xâm phạm hoặc cần phải được Toà án giải quyết đều có thể thực hiện các hoạt động khởi kiện, hoạt động chứng minh và cung cấp chứng cứ, hoạt động tranh tụng… Đây chính là tiền đề đảm bảo công lý nói chung, quyền tiếp cận công lý nói riêng trong tố tụng dân sự.
Nếu các nguyên tắc quy định tại Điều 4,5,6, 8 đề cập tới những yêu cầu có tính khái quát về quyền tham gia tố tụng của đương sự thì Điều 24 ghi nhận quyền cụ thể trong tố tụng dân sự của đương sự - quyền tranh tụng. Tranh tụng là hoạt động xuyên suốt của đương sự từ khi Toà án thụ lý vụ án. Họ có quyền “thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ”, biết được tài liệu, chứng cứ của bên kia thông qua nghĩa vụ “thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp”. Họ cũng có quyền “trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác...”. Khả năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào Toà án mà họ được tạo một cơ chế chủ động, tự làm rõ mọi khía cạnh của sự việc. Nguyên tắc này nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với các nguyên tắc: Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 4), Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự (Điều 5), Cung cấp chứng minh và chứng cứ trong tố tụng dân sự (Điều 6), Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự (Điều 8), từ đó hình thành nên cơ chế đặc trưng trong giải quyết vụ việc dân sự. Bên cạnh đó, nguyên tắc đảm bảo quyền tranh tụng còn là cơ sở để thiết lập các điều khoản cụ thể, từ quyền khởi kiện vụ án (Điều 186) đến các quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (Điều 199, 200, 201…). Đặc biệt, hoạt động tranh tụng tại phiên toà thể hiện rõ sự cụ thể hoá nguyên tắc tại điều 24. Với 17 điều quy định về nội dung, phương thức tranh tụng, có thể thấy kết quả giải quyết vụ việc dân sự của toà án phụ thuộc phần lớn vào khả năng thu thập chứng cứ, khả năng vận dụng quy định của pháp luật và sự lập luận của đương sự. Trung tâm của quá trình giải quyết vụ án dân sự là hoạt động của đương sự. Do đó, quyền tranh tụng nói riêng, khả năng tiếp cận công lý nói chung càng quan trọng hơn bao giờ hết.
3. Một số yêu cầu đảm bảo quyền tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự
Thứ nhất, sự hiểu biết về trình tự, thủ tục tố tụng dân sự của người dân phải được nâng cao. Họ cần hiểu những nội dung cơ bản như: xác định loại việc nào được/cần yêu cầu Toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, nộp đơn đến Toà án nào để đúng thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ của đương sự, chi phí cho hoạt động tố tụng… Những kiến thức cơ bản về tố tụng dân sự có thể không giúp họ tự mình tham gia toàn bộ quá trình tố tụng nhưng sẽ là cơ sở để họ biết và thực hiện được các quyền của mình, đưa ra những quyết định phù hợp với nhu cầu, ý chí của họ.
Thứ hai, trong mô hình tố tụng tranh tụng như Việt Nam đang hướng tới hiện nay, luật sư, trợ giúp viên pháp lý có vai trò rất quan trọng bởi đại đa số đương sự cần sự hỗ trợ pháp lý. Những quy định của luật nội dung, các bước trong thủ tục tố tụng, những chứng cứ cần thu thập, lập luận đưa ra… đều cần sự hiểu biết chuyên môn sâu sắc – điều mà đa số người dân không có được. Với đặc điểm một quốc gia thuần nông, dân cư nông thôn, miền núi vẫn có thói quen sử dụng các tập tục, lệ làng… giải quyết các tranh chấp phát sinh vì những quy tắc này quen thuộc và đơn giản hơn pháp luật. Mức thu nhập thấp cũng là rào cản để họ có thể tìm đến các dịch vụ pháp lý. Vì vậy, thúc đẩy khả năng sử dụng dịch vụ pháp lý nói chung, cung cấp hoạt động trợ giúp pháp lý cho các chủ thể như người nghèo, người yếu thế nói riêng là yếu tố quan trọng để người dân tiếp cận được công lý.
Thứ ba, việc xây dựng toà án điện tử cần nhanh chóng hoàn thiện trong tương lai. Thực hiện được điều này sẽ giúp thời hạn tố tụng được rút ngắn hơn, khả năng tiếp cận toà án linh hoạt, dễ dàng hơn. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã đi theo hướng này khi quy định cách thức nộp đơn khởi kiện bằng hình thức trực tuyến (Điều 190, 191). Tuy nhiên, việc gửi đơn bằng hình thức trực tuyến còn gặp nhiều bất cập trong khi đây chỉ là một trong các yếu tố để có thể xây dựng mô hình toà án điện tử. Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên toà trực tuyến của Quốc hội đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình toà án điện tử. Ở góc độ đảm bảo quyền tiếp cận công lý, khi người dân có thể thực hiện các thủ tục một cách nhanh gọn, linh hoạt, hiệu quả, chắc chắn tâm lý “ngại” “đáo tụng đình” sẽ giảm bớt. Những hạn chế của hình thức tố tụng toà án sẽ được khắc phục hiệu quả và cơ hội để người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình sẽ gia tăng. Đây là một biểu hiện mang tính thực tế của quyền tiếp cận công lý trong tố tụng nói chung, trong tố tụng dân sự nói riêng.
Kết luận
Bảo vệ công lý không chỉ là hoạt động của toà án. Toà án là hiện thân của công lý, có trách nhiệm chính đảm bảo công lý được thực thi bởi toà án là cơ quan tư pháp. Nhưng để toà án thực thi được nhiệm vụ của mình, trước hết, người dân cần hiểu, cần có quyền lựa chọn và sử dụng cách thức giải quyết tranh chấp dân sự bằng con đường toà án một cách linh hoạt, thuận lợi. Đó chính là quyền tiếp cận công lý.
Pháp luật tố tụng dân sự nói chung, các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự nói riêng đã xác định được tinh thần đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân và thiết lập được cơ chế để họ thực hiện quyền đó. Đây sẽ là tiền đề để các chủ thể trong xã hội sẵn sàng tìm đến toà án như một thiết chế trung gian mang quyền lực nhà nước có khả năng và trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của họ. Cho dù nhà nước không mong muốn các tranh chấp dân sự phát sinh trong đời sống thực tiễn nhưng cũng không thể không thừa nhận rằng đời sống dân sự sẽ ngày một phức tạp hơn và tranh chấp, mâu thuẫn, quan điểm khác biệt sẽ tương ứng mà nảy sinh. Và hoàn thiện các quy định đảm bảo quyền tiếp cận công lý của các chủ thể trong tố tụng dân sự vẫn sẽ là yêu cầu cơ bản trong hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự hiện nay.
Hoa ở sân trụ sở TANDTC trong ngày Tết - Ảnh: Thái Vũ
[1] Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kì 2016-2020 của Toà án nhân dân tối cao về Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 của các Toà án, Toà án đã thụ lý 1.894.472 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh,thương mại và lao động.
[2] Bộ luật Hammurabi của người Lưỡng Hà cổ đại đã ghi nhận vua là người “ làm cho công bằng và chính nghĩa toả khắp đất nước và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân từ nay về sau”
[3] UNDP (2005), Programming for Justice: Access for All, Bangkok
[4] Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2017, tr.36
[5] Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2017, tr.18.
Bài liên quan
-
Một số ý kiến về việc giải quyết các vụ án tranh chấp có đối tượng là bất động sản theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
-
Quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 – một số tồn tại, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện
-
Bảo đảm quyền tiếp cận công lý tại Việt Nam góc nhìn từ vai trò của Tòa án trong bối cảnh chuyển đổi số
-
Mức độ đáp ứng của pháp luật tố tụng dân sự trước yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận