Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 lần đầu tiên quy định về nguyên tắc tổ chức của TAND (Điều 5), các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND lần đầu tiên được ghi nhận đầy đủ. Đặc biệt, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bổ sung sự giám sát của nhân dân và bổ sung mục đích của việc giám sát hoạt động của Tòa án là để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án…
Theo nghĩa Hán - Việt, nguyên tắc được hiểu theo 3 nghĩa: i) Điều cơ bản đã được qui định để dùng làm cơ sở cho các mối quan hệ xã hội; ii) Điều cơ bản rút ra từ thực tế khách quan để chỉ đạo hành động; iii) Phép tắc hoặc chuẩn tắc, điều lệ căn bản phải tôn trọng trong lời nói hoặc xử sự[1] hoặc “Cách thức làm đầu mối cho những cách thức khác”[2]; “Quy tắc chung của nhiều sự tượng. Phàm quy chuẩn cơ bản của hành vi để đạt tới một mục tiêu nào đều gọi là nguyên tắc”[3]; “Điều cơ bản đã được quy định để dùng làm cơ sở cho các mối quan hệ xã hội; Điều cơ bản rút ra từ thực tế khách quan để chỉ đạo hành động”[4]. Đó còn là hệ thống các quan điểm, tư tưởng xuyên suốt toàn bộ hoặc một giai đoạn nhất định đòi hỏi các tổ chức và cá nhân phải tuân theo; điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo.
Dưới góc độ pháp luật, nguyên tắc được hiểu là những tư tưởng mang tính chỉ đạo cơ bản, xuyên suốt, định hướng và chỉ đạo, với nghĩa này, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 lần đầu tiên quy định về nguyên tắc tổ chức của TAND với nội dung: “Các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử” (Điều 5), nhưng chưa quy định cụ thể về các nguyên tắc hoạt động của TAND mặc dù một số nội dung thể hiện tính chất nguyên tắc xét xử đã được quy định tại Hiến pháp và một số điều luật của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và trước đây. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2024, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND lần đầu tiên được ghi nhận đầy đủ trong tính hệ thống tại Điều 5 với 10 nguyên tắc, bao gồm: i) Độc lập theo thẩm quyền xét xử; ii) Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật và Tòa án; iii) Thực hiện quyền tư pháp kịp thời, công bằng, công khai, vô tư, khách quan; iv) Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm; v) Thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn; vi) Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; vii) Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn; viii) Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; ix) Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; x) Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận”.
1. Về nguyên tắc độc lập theo thẩm quyền xét xử: Nội dung của nguyên tắc được thể hiện khái quát tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Từ đó, Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: “Các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử” (Điều 5). Đến Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bổ sung “Các Tòa án nhân dân được hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử” và sửa thành “Các Tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử” (Điều 6). Đây là một điểm mới thể hiện đặc trưng riêng của Tòa án nhân dân - cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCH theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Về nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật và Tòa án: Nội dung nguyên tắc này được ghi nhận khái quát trong Hiến pháp năm 2013: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (Khoản 1, Điều 16); “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt” (Khoản 1, Điều 26). Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: “Toà án xét xử theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 8). Đến Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bổ sung cụm từ “bình đẳng trước pháp luật trong tên của Điều luật” và sửa thành “Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật và Tòa án”; thay thế cụm từ “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” trong nội dung của nguyên tắc thành “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” để mở rộng phạm vi đối tượng tác động của nguyên tắc và bảo đảm tính bao quát, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân. Đồng thời quy định nội dung của nguyên tắc này theo hướng ngắn gọn, khái quát các nhóm đối tượng và bao trùm hơn, không chỉ đối với nam và nữ (Điều 7).
3. Về nguyên tắc thực hiện quyền tư pháp kịp thời, công bằng, công khai, vô tư, khách quan. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”. Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định tại Điều 11 về Tòa án nhân dân xét xử kịp thời, công bằng, công khai với nội dung “Tòa án nhân dân xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng” và ghi nhận lại các nội dung được Hiến pháp quy định. Với vị trí là một nguyên tắc, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã thay cụm từ “Tòa án nhân dân xét xử” thành “Thực hiện quyền tư pháp”; giữ nguyên nguyên tắc “kịp thời, công bằng, công khai” nhưng bổ sung nội dung “vô tư, khách quan”. Theo đó, Tòa án thực hiện quyền tư pháp kịp thời, trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng, công khai, vô tư, khách quan. Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ, Tòa án có thể xét xử kín. Tòa án thực hiện công khai hoạt động xét xử và hoạt động khác. Phạm vi, nội dung, hình thức công khai hoạt động của Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định” (Điều 8). Như vậy, so với trước đây, trong nguyên tắc này, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bổ sung nội dung “Bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh” là những nội dung mà Tòa án có thể xét xử kín để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật tố tụng và quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Đồng thời làm rõ “Phạm vi, nội dung, hình thức công khai hoạt động của Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định”.
4. Về nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 6 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”. Nguyên tắc này được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật Tổ chức TAND năm 2014; được kế thừa tại Điều 9 Luật Tổ chức TAND năm 2024 với nội dung: “Tòa án bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án, vụ việc phải được xét xử, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. So với trước đây, nội dung của nguyên tắc này ngoài việc áp dụng đối với các vụ án đã được bổ sung áp dụng đối với các vụ việc và ngoài việc được xét xử theo thủ tục phúc thẩm thì còn được áp dụng để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
5. Về nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Nội dung này được thể hiện tại Điều 8 Luật Tổ chức TAND năm 2014 với nội dung “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm tham gia theo quy định của luật tố tụng, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” và cơ bản được kế thừa trong Luật Tổ chức TAND năm 2024 nhưng có sửa tên Điều theo hướng bổ sung cụm từ “sơ thẩm” và sửa thành “Thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia” và có đảo lại câu chữ trong nội dung của Điều luật để bảo đảm tính khái quát.
6. Về nguyên tắc thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này trước đây được thể hiện tại Điều 9 Luật Tổ chức TAND năm 2014: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Cá nhân, cơ quan tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Khi trở thành một nguyên tắc, Luật Tổ chức TAND năm 2024 bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận nội dung nêu trên đã bổ sung thêm 02 nội dung mới là: Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm và người có chức danh tư pháp khác của Tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó. Không điều tra đối với Thẩm phán, Hội thẩm về việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ xác định Thẩm phán, Hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đó”. Nguyên tắc này còn bổ sung phạm vi “giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm” ngoài việc xét xử để bảo đảm tính đầy đủ trong các hoạt động của Tòa án, của Thẩm phán và của Hội thẩm.
7. Về nguyên tắc Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này được ghi nhận trong Khoản 4 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Nội dung này được thể hiện tại Điều 10 Luật Tổ chức TAND năm 2014 nhưng có bổ sung nội dung “Thành phần Hội đồng xét xử theo quy định của luật tố tụng” và được kế thừa trong Điều 12 Luật Tổ chức TAND năm 2024. So với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Tổ chức TAND năm 2024 có bổ sung nội dung “và quyết định theo đa số” vào tên Điều để thể hiện đầy đủ các nội dung của nguyên tắc.
8. Về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này đã được ghi nhận tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” nhưng chưa có các nội dung cụ thể. Vì vậy, tại Điều 13 Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã quy định về “bảo đảm tranh tụng trong xét xử” với nội dung “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo quy định của luật tố tụng”. Bên cạnh việc kế thừa các nội dung này, Điều 13 Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bổ sung nội dung “Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho người tiến hành tố tụng thực hiện quyền tranh tụng theo quy định của luật” và không quy định nội dung “Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo quy định của luật tố tụng” để thể hiện tính khái quát của nguyên tắc.
9. Về nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này đã được thể hiện khái quát tại khoản 7 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm” nhưng chưa quy định cụ thể nội dung của nguyên tắc này. Vì vậy, tại Điều 14 Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm và việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự với nội dung: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự khác trong vụ án có quyền tự mình hoặc nhờ người bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự”. Kế thừa quy định trên, Điều 14 Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định về nguyên tắc này với nội dung “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; bị hại, đương sự trong vụ án có quyền tự mình hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền tự bào chữa, được bào chữa, được trợ giúp pháp lý, được có người đại diện của bị can, bị cáo theo quy định của luật”. So với quy định trước đây, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bổ sung quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại; bổ sung quyền được trợ giúp pháp lý, quyền được có người đại diện của bị can, bị cáo theo quy định của luật và trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quyền này của Tòa án. Quy định mới này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là các quy định mới của Luật trợ giúp pháp lý và quy định của pháp luật tố tụng liên quan đến bị hại.
10. Về nguyên tắc Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Nội dung nguyên tắc này đã được thể hiện khái quát trong quy định của Hiến pháp năm 2013: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân” (Khoản 2 Điều 8); “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Khoản 1 Điều 9); “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69). Trên cơ sở đó, Điều 19 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định về giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân với nội dung “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân theo quy định của luật”. Kế thừa các quy định trên, tại Điều 21 Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định cụ thể nội dung của nguyên tắc này: “Nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án và thực hiện các quyền yêu cầu, đề nghị, kiến nghị với Tòa án theo quy định của pháp luật. Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Tòa án theo quy định của luật. Việc giám sát hoạt động của Tòa án để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án; bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Tòa án, việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm”. So với quy định trước đây, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bổ sung sự giám sát của nhân dân và bổ sung mục đích của việc giám sát hoạt động của Tòa án là để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án; bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Tòa án, việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm, đồng thời kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án./.
[1] Hán Việt tự điển, Thiều Chửu, Hà Nội, 1942;
[2] Nguyễn Quốc Hùng, Hán Việt Tân Từ điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1975, tr.442.
[3] Hoàng Thúc Trâm, Hán Việt Tân Từ điển, Hoa Tiên, 1974, tr.529
[4] Giáo sư Nguyễn Lân, Từ điển Từ và ngữ Hán Việt, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2002, tr.470.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận