NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG THỦ TỤC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU CÔNG NHẬN THUẬN TÌNH LY HÔN, THỎA THUẬN NUÔI CON, CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN

Ngày 25/11/2015, Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự  (BLTTDS) số 92/2015/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016, thay thế cho BLTTDS  năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011. Bên cạnh các vấn đề thuộc quy định chung, BLTTDS  năm 2015 dành hẳn một chương riêng là Chương XXVIII thuộc Phần thứ sáu để quy định thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Đây là sự đổi mới, thể hiện sự tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp. Điểm đổi mới này phù hợp với tính đặc thù trong giải quyết loại việc liên quan đến hôn nhân và gia đình, phù hợp với nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình, khắc phục được những vấn đề chưa thống nhất trong thực tiễn thi hành và tạo thuận lợi, tiết kiệm cho công dân, cũng như cơ quan Nhà nước.

Nghiên cứu các quy định liên quan đến thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn tại BLTTDS  năm 2015, đối chiếu với các quy định của BLTTDS  năm 2004 và sửa đổi, bổ sung  năm 2011, chúng tôi thấy rằng, có những điểm mới xin được trao đổi với quý bạn đọc và đồng nghiệp.

  1. 1.Về thẩm quyền loại việc

Theo BLTTDS  năm 2004, loại việc này được quy định tại khoản 2 Điều 27 với tên gọi “Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. Tại BLTTDS  năm 2015 thì loại việc này được quy định tại khoản 2 Điều 29 với tên gọi là “Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”.

Như vậy, ngoài thay đổi về điều luật thì BLTTDS  năm 2015 bổ sung thêm từ “thỏa thuận” trước cụm từ “nuôi con”. Theo chúng tôi, việc bổ sung này là phù hợp với nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và phù hợp với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại khoản 2 Điều 81 việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi ly hôn quy định “2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con ….”.

  1. 2.Về thủ tục giải quyết cụ thể

Thủ tục giải quyết được quy định tại Điều 397 BLTTDS  năm 2015 gồm các bước như sau:

 2.1. Xác định hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con

Tại khoản 1 Điều 397 BLTTDS 2015 quy định: Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án”.

Mục đích cao nhất của việc giải quyết vụ án hay việc liên quan đến ly hôn là động viên vợ chồng đoàn tụ. Chỉ khi có cơ sở xác định không thể đoàn tụ được thì áp dụng giải pháp chấm dứt quan hệ vợ chồng. Để có cơ sở hòa giải đoàn tụ, vấn đề quan trọng nhất là, Thẩm phán phải xác định chính xác hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân mâu thuẫn, nguyện vọng của các bên. Trên cơ sở quy định nêu trên, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán cần thu thập, tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em (ở cấp huyện là Phòng Văn hóa và thông tin, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, ở cấp xã là Uỷ ban nhân dân); trường hợp đơn và các tài liệu, chứng cứ cung cấp đã có đủ cơ sở để xác định thì không phải thu thập thêm.

2.2. Hòa giải

Theo khoản 2 Điều 397 BLTTDS năm 2015 thì: “Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Như vậy, quy định này tuy không hoàn toàn mới, nhưng đã khắc phục sự không thống nhất trong giải quyết loại việc này do trước đây chưa có quy định cụ thể, nên có Thẩm phán tiến hành hòa giải, có Thẩm phán thì không. Kể từ ngày 01/7/2016 (ngày BLTTDS năm 2015 có hiệu lực) thì, việc hòa giải để vợ chồng đoàn tụ với nhau là thủ tục bắt buộc phải tiến hành. Khi hòa giải, Thẩm phán thực hiện việc giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình (trừ một số trường hợp không tiến hành hòa giải được hoặc không thể tiến hành hòa giải theo quy định).

2.3. Ra các quyết định

Sau khi tiến hành hòa giải, căn cứ vào kết quả hòa giải để Thẩm phán ra quyết định phù hợp. Theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 397 BLTTDS năm 2015 thì tùy trường hợp mà Thẩm phán ra một trong ba loại quyết định sau:

  1. a.Quyết định đình chỉ giải quyết việc yêu cầu (khoản 3 Điều 397):

Áp dụng trong trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ với nhau.

Như vậy, nếu kết quả hòa giải mà vợ, chồng thống nhất về đoàn tụ, thì Thẩm phán phải ra quyết định đình chỉ giải quyết việc yêu cầu do vợ chồng đã đoàn tụ, không yêu cầu tiếp tục giải quyết việc yêu cầu của họ nữa, không phải ra quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành như quan điểm của một số Thẩm phán. Trong trường hợp này, người yêu cầu (vợ, chồng) phải chịu lệ phí theo khoản 2 Điều 149 BLTTDS  năm 2015.

  1. b. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự (khoản 4 Điều 397):

Áp dụng trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và có đầy đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất: Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;

Thứ hai: Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;

Thứ ba: Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

Như vậy, có thể khẳng định, đây là một trong những điểm mới nhất của thủ tục giải quyết loại việc này. Nếu như theo các bộ luật trước, thì sau khi hòa giải đoàn tụ không thành, các bên thật sự tự nguyện ly hôn, thỏa thuận thống nhất về các vấn đề thì căn cứ các Điều 313, 314, 315 Tòa án ra quyết định mở phiên họp, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu tham gia phiên họp và trên cơ sở kết quả tại phiên họp để ra quyết định giải quyết việc dân sự, nhưng nay thì không còn thủ tục mở phiên họp nữa, mà Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo Điều 212 BLTTDS năm 2015.

Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 397 nêu trên, thì có lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành không hay ra ngay quyết định thì không có quy định, mà chỉ viện dẫn đến Điều 212. Theo chúng tôi, để áp dụng quy định tại Điều 212 thì Thẩm phán phải lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành, hết thời hạn 07 ngày mới được ra quyết định. Quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết (khoản 5 Điều 397):

Áp dụng trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết.

Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định.

Đây là một trong những điểm mới trong thủ tục giải quyết việc thuận tình ly hôn. Trước đây, theo BLTTDS  năm 2004 và Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự thì, trong quá trình giải quyết loại việc này, nếu một hoặc các bên đương sự có thay đổi thỏa thuận (một phần hoặc toàn bộ) nhưng không thỏa thuận được về vấn đề đã được thỏa thuận trước đó và có tranh chấp, thì được coi như đương sự rút đơn yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự, đương sự nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết thì phải khởi kiện vụ án theo thủ tục chung (phải làm đơn, cung cấp tài liệu chứng cứ, tạm ứng án phí …) hoàn toàn là các bước của một vụ án mới.

Nay, theo quy định trên, cùng với việc đình chỉ việc công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, thì Tòa án thụ lý vụ án theo thủ tục chung theo quy định của BLTTDS, không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán. Có thể xem đây là trường hợp chuyển từ việc sang vụ, tạo thuận lợi cho công dân không phải thực hiện lại thủ tục từ đầu, trong khi hồ sơ đã thu thập tài liệu, chứng cứ tương đối đầy đủ, tránh lãng phí cho công dân và cơ quan nhà nước ./.

TRẦN VĂN TRƯỜNG - TAND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế