Những thiệt hại được bồi thường trong LBTCNN 2017
Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường theo hướng quy định về các thiệt hại được bồi thường chi tiết, cụ thể các loại thiệt hại cũng như cách thức xác định, căn cứ xác định từng loại thiệt hại được bồi thường mà không quy định theo hướng mang tính khái quát, hay mang tính nguyên tắc chung. Trong từng nhóm thiệt hại được bồi thường Luật TNBTCNN năm 2017 quy định thêm nhiều loại thiệt hại cụ thể được bồi thường. Luật cũng quy định tăng mức thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong một số trường hợp như: bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù; sức khỏe bị xâm phạm; bị khởi tố, truy tố, xét xử mà không bị tạm giữ, tạm giam; bị xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo mà không bị tạm giữ, tạm giam. Nội dung do Thẩm phán Tống Anh Hào, nguyên Phó Chánh án TANDTC giới thiệu.
1.Xác định thiệt hại
LTNBTCNN năm 2017 bổ sung 1 điều về việc xác định thiệt hại (Điều 22) nhằm làm cơ sở để xác định thiệt hại khi giải quyết bồi thường. Cụ thể như sau:
- a) Thiệt hại được bồi thường bao gồm: Thiệt hại thực tế đã phát sinh; Các khoản lãi; Chi phí khác theo quy định của LTNBTCNN.
- b) Thời điểm tính giá trị thiệt hại
Khi giải quyết bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường xác định giá trị đối với các thiệt hại như sau:
– Giá trị thiệt hại được được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ
– Giá trị thiệt hại được được tính tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị thiệt hại đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện tại Tòa án hoặc việc bồi thường được giải quyết trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính
– Trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường với lý do: người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc có biên bản kết quả thương lượng không thành quy thì giá trị thiệt hại vẫn được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ
- c) Khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại
- Là khoảng thời gian tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế cho đến khi chấm dứt thiệt hại đó.
2.Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Cơ bản giải quyết như LTNBTCNN năm 2009, Tuy nhiên sửa dổi bổ sung những nội dung sau đây:
- a) Trường hợp các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các khoản tiền bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phải hoàn trả các khoản tiền đó đồng thời phải trả khoản lãi cho người bị thiệt hại.
Việc tính lãi được xác định như sau:
– Trường hợp các khoản tiền đã nộp là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính là khoản lãi vay hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự. Khoảng tiền lãi vượt quá quy định của BLDS , Luật của các tổ chức tín dụng sẽ không được giải quyết
– Trường hợp các khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự. Thời điểm tính lãi được áp dụng như đã phân tích ở phần trên ( theo khoản 2 Điều 22 LTNBTCNN năm 2017)
- b) Trường hợp người bị thiệt hại không thể thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế đã có hiệu lực và đã phải thanh toán tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế đó thì thiệt hại được xác định là số tiền phạt theo mức phạt đã thỏa thuận và khoản lãi của khoản tiền phạt đó.
Việc tính lãi như sau:
-Trường hợp khoản tiền phạt đó là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính là khoản lãi vay hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Trường hợp khoản tiền phạt đó không phải là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự
- c) Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì thiệt hại được bồi thường là phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
3.Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
Trên cơ sở kế thừa những văn bản đã hướng dẫn, đồng thời để quy định rõ ràng hơn về xác định thu nhập bị bất hoặc giảm sút , LTNBTCNN năm 2017 quy định như sau:
- a) Người bị thiệt hại là cá nhân
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của được xác định như sau:
– Thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công: thì thiệt hại được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;
– Thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công thì thiệt hại được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;
– Thu nhập không ổn định theo mùa vụ thì thiệt hại được xác định là thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.
Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.
- b) Người bị thiệt hại là tổ chức:
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút bao gồm các khoản thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thu nhập được bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình của 02 năm liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại. Việc xác định thu nhập trung bình được căn cứ vào báo cáo tài chính của tổ chức theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức được thành lập chưa đủ 02 năm tính đến thời điểm xảy ra thiệt hại thì thu nhập được bồi thường được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình trong thời gian hoạt động thực tế theo báo cáo tài chính của tổ chức đó theo quy định của pháp luật.
4.Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết và Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm
Quy định như LTNBTCNN năm 2009, tuy nhiên đã sửa đổi , bổ sung về căn cứ tính 1 số trường hợp cụ thể như sau:
– Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại ( kể cả đối với người bị thiệt hại chết thì thời gian cứu chửa,điều trị trước khi chết) là 01 ngày điều trị bằng 1 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thời gian khám bệnh, chữa bệnh được tính theo số ngày trong hồ sơ bệnh án.
– Chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh là 1 ngày chăm sóc bằng 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
– Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:
+ Chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại;
+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng cư trú cho mỗi tháng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đã được xác định theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
5.Thiệt hại về tinh thần
- a) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được xác định là 0,5 ngày lương theo mức lương cơ sở cho 01 ngày bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
- b) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được xác định là 02 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- c) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn trong hoạt động tố tụng hình sự được xác định như sau:
– Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được xác định là 02 ngày lương cơ sở;
– Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 05 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù;
– Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại không bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc chấp hành hình phạt không phải là hình phạt tù được xác định là 02 ngày lương cơ sở cho 01 ngày không bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;
– Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo được xác định là 03 ngày lương cơ sở cho 01 ngày chấp hành hình phạt;
– Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại đã chấp hành xong hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án mà sau đó mới có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được xác định là 02 ngày lương cơ sở cho 01 ngày chưa có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.
- d) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở.
đ) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá 50 tháng lương cơ sở.
- e) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật được xác định là 01 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị buộc thôi việc trái pháp luật.
Ngày lương cơ sở được xác định là 01 tháng lương cơ sở chia cho 22 ngày.
6. Các chi phí khác được bồi thường
Trong thực tế, để có được văn bản làm căn cứ bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại phải chi những khoản cần thiết như chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, chi phí viết đơn, gửi đơn … . Vì vậy để bảo đảm quyền lợi cho người bị thiệt hại LTNBTCNN năm 2017 đã bổ sung các chi phí hợp lý khác được bồi thường bao gồm:
- a) Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại;
Các chi phí nói trên được tính như sau:
– Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu được thanh toán theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp với giá trị được xác định tại thời điểm giải quyết ( theo khoản 2 Điều 22 LTNBTCNN năm 2017) nhưng tối đa không quá mức quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức; chế độ chi tổ chức hội nghị đối với cơ quan nhà nước.
Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với các chi phí quy định tại điểm này thì chi phí được bồi thường không quá 06 tháng lương cơ sở cho 01 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền;
– Chi phí gửi đơn thư đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết được tính theo biên lai cước phí bưu chính với giá trị được xác định tại thời điểm giải quyết (khoản 2 Điều 22 LTNBTCNN năm 2017).
Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được biên lai cước phí đối với các chi phí quy định tại điểm này thì chi phí được bồi thường không quá 01 tháng lương cơ cho 01 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền;
– Chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại được thanh toán theo hợp đồng thực tế nhưng không quá mức thù lao do Chính phủ quy định đối với luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và chỉ thanh toán cho một người bào chữa hoặc một người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại tại một thời điểm.
- b) Chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự.
– Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù được xác định theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự.
– Chi phí quy định tại được xác định như sau:
Chi phí được xác định theo số người, số lần thăm gặp thực tế nhưng không quá số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự. Trường hợp không chứng minh được số người, số lần thăm gặp thực tế thì chi phí này được xác định theo số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam[1], pháp luật về thi hành án hình sự[2].
- c) Khoảng thời gian làm căn cứ xác định chi phí được bồi thường quy định tại Điều này được tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.
- [1] Luật thi hành tạm giữ, tạm giam
Điều 3. Giải thích từ ngữ
8.Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.
[2] Luật Thi hành án hình sự
Điều 46. Chế độ gặp thân nhân, nhận quà của phạm nhân
- Phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ, trường hợp đặc biệt thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 03 giờ. Phạm nhân được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm một lần trong 01 tháng. Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác có đề nghị được gặp phạm nhân thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, giải quyết.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận