Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng và tội buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Xuất phát từ thực tiễn công tác phòng ngừa và đấu tranh, chống nhóm các tội xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế còn nhiều vướng mắc trong việc phân biệt tội danh giữa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng và buôn bán hàng giả.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đôi khi vẫn không có sự thống nhất về nhận thức, chưa làm rõ được điểm mấu chốt để phân biệt giữa các tội phạm này. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích những dấu hiệu pháp lý đặc trưng và đưa ra quan điểm để có thể phân biệt được các tội phạm này một cách rõ ràng, giúp cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh, chống tội phạm trong thời gian tới.
1. Dấu hiệu pháp lý cơ bản, đặc trưng của các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng và buôn bán hàng giả
1.1. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 quy định:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”.
Đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối (qua lời nói, hành động, việc làm, mối quan hệ, có thể kết hợp sử dụng các công cụ, phương tiện khác…) khiến cho bị hại tin tưởng đó là sự thật và tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội.
Ví dụ: A nói dối B là mình có thể xin cho con của B vào trong cơ quan nhà nước với số tiền 100 triệu đồng nhằm chiếm đoạt tài sản của B. B thấy A là người có quan hệ rộng, làm trong cơ quan nhà nước nên tin tưởng A sẽ làm được điều đó và tự nguyện chuyển cho A 100 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, A bỏ trốn, cắt đứt liên lạc với B. Hành vi của A có dấu hiệu của tội lừa dối chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS).
Thời điểm người phạm tội nhận tài sản từ bị hại chuyển giao chính là thời điểm chiếm đoạt được tài sản. Mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt tài sản.
Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự: Tài sản chiếm đoạt phải có trị giá từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc một trong các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 BLHS 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của bị hại và gia đình họ.
1.2. Tội lừa dối khách hàng
Khoản 1 Điều 198 BLHS 2015 quy định:
“1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng”.
Đặc trưng của tội lừa dối khách hàng: Người phạm tội trong quan hệ mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà có các hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để vụ lợi (thu lợi bất chính) từ khách hàng. Mục đích của người phạm tội là vụ lợi.
Người phạm tội cũng có những thủ đoạn gian dối để khiến bị hại tin tưởng, tự nguyện giao tài sản cho họ. Nhưng thủ đoạn gian dối trong tội lừa dối khách hàng có phạm vi hẹp, chỉ trong quan hệ mua - bán hàng hóa. Bị hại là khách hàng (người nhận hàng hóa, dịch vụ từ người phạm tội). Các dạng thủ đoạn giai đoạn phổ biến, đặc trưng của người phạm tội là cân, đo, đong, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ.
Ví dụ: A đi mua 1 túi gạo 10 kg tại cửa hàng của B. Vì vụ lợi, B chỉ đóng cho A 01 túi gạo với khối lượng 9,5 kg mà thôi, nhưng vẫn bán với giá của 10 kg gạo cho A. Trong trường hợp này, B đã thu lợi bất chính được số tiền tương đương với giá trị của 0,5 kg gạo.
“Thủ đoạn gian dối khác” là nhằm dự liệu những thủ đoạn có thể phát sinh trong thực tiễn tránh bỏ lọt tội phạm, nhưng vẫn phải thể hiện rõ bản chất của tội lừa dối khách hàng là thủ đoạn đó phải nhằm tính gian hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ mua - bán hàng hóa.
Dấu hiệu vụ lợi (thu lợi bất chính) của người phạm tội trong những khía cạnh nhất định cũng có thể được coi là chiếm đoạt tài sản của khách hàng một cách trái pháp luật.
Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự: Người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hày hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên.
1.3. Tội buôn bán hàng giả
Khoản 1 Điều 192 BLHS 2015 quy định:
“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.
Đặc trưng của tội buôn bán hàng giả: Người phạm tội có hành vi bán hàng giả (không phụ thuộc vào việc hàng giả có được từ đâu) cho người tiêu dùng để vụ lợi (thu lợi bất chính). Về bản chất, người phạm tội cũng có sự gian dối đối với người tiêu dùng, không muốn cho người tiêu dùng biết đó là hàng giả để thu lợi bất chính, bởi vì giá trị của hàng hóa giả thông thường ngang giá hoặc thấp hơn trị giá của hàng hóa thật. Cá biệt vẫn có trường hợp giá bán một hàng hóa giả cao hơn giá bán của hàng hóa thật (mặt bằng chung trên thị trường) nhưng vì vẫn thu được lợi nhuận nên người phạm tội vẫn có hành vi buôn bán hàng giả.
Căn cứ khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:
Hàng giả bao gồm: (1) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; (2) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; (3) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016; (4) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng; (5) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; (6) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Hàng giả có thể thuộc trường hợp giả về công dụng, chất lượng hoặc giả về hình thức (kiểu dáng, mẫu mã, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…) hoặc giả về cả chất lượng, công dụng, hình thức. Nếu một sản phẩm chỉ đơn thuần giả về hình thức (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…) của sản phẩm đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì sẽ xử lý về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS). Nếu một sản phẩm vừa giả về công dụng, giá trị sử dụng, vừa giả về hình thức thì sẽ xem xét bị xử lý về cả hai tội: Tội sản xuất buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS). Do đó, trong phạm vi điều chỉnh của Điều 192 BLHS chỉ hướng đến những loại hàng hóa giả về giá trị sử dụng, công dụng (giả về nội dung) - đó là loại hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng chỉ đạt từ 70% trở xuống so với hàng hóa thật.
Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 BLHS hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 BLHS hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên; hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên.
2. Một số dấu hiệu để phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng và tội buôn bán hàng giả
Để phân biệt 03 tội phạm này cần căn cứ vào một số dấu hiệu sau:
Thứ nhất, đối tượng tác động trong tội lừa dối khách hàng (Điều 198 BLHS) là hàng hóa thật, được phép kinh doanh, lưu thông trên thị trường. Người phạm tội không có sự gian dối về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, mà chỉ gian dối trong việc cân, đo, đong, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ. Nếu hàng hóa là hàng hóa giả hoặc dù là hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường nhưng không đúng chủng loại hàng hóa mà khách hàng hướng đến thì không có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng, mà xem xét về tội lừa đảo chiếm đảo tài sản hoặc buôn bán hàng giả.
Thứ hai, nếu hàng hóa giả chỉ về hình thức, nhưng chất lượng, giá trị sử dụng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn của hàng hóa thật thì cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS) và tội buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS).
Thứ ba, nếu hàng hóa giả về công dụng, giá trị sử dụng của hàng hóa, tức là hàng hóa đó không có công dụng, giá trị sử dụng như tên gọi của hàng hóa đó hoặc có công dụng, giá trị sử dụng từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn đã công bố thì cần phân tách như sau:
- Nếu hàng hóa không có công dụng, giá trị sử dụng như đúng tên gọi của hàng hóa đó thì cần phải xác định đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vì, bị hại không đạt được lợi ích gì đối với hàng hóa mình mong muốn nhận được từ người phạm tội.
- Nếu hàng hóa bị hại nhận được có 1 phần công dụng, giá trị sử dụng theo mong muốn của bị hại, nhưng không đạt được từ trên 70% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố của hàng thật thì thực tiễn xét xử vẫn chưa có sự phân tách rõ ràng về vấn đề này.
Dưới khía cạnh nghiên cứu, có quan điểm cho rằng: “Đối với hàng giả chỉ đạt từ 30% chất lượng, công dụng trở xuống so với hàng thật thì cần phải coi đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quan điểm cá nhân cho rằng, một trong những dấu hiệu pháp lý trong cấu thành của tội buôn bán hàng giả là gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người sử dụng vì khách hàng đã sử dụng phải hàng giả. Còn trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không có dấu hiệu pháp lý này trong cấu thành tội phạm cơ bản hoặc hoặc cấu thành định khung tăng nặng hình phạt. Tức là, nạn nhân trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không có ý định sử dụng gì đến hàng hóa, sản phẩm hoặc không thể sử dụng được hàng hóa, sản phẩm bị lừa đảo đó. Về ý thức người tiêu dùng theo phản ứng tự nhiên, nếu chất lượng sản phẩm không đạt từ 50% trở lên thì về cơ bản không dám sử dụng sản phẩm đó. Còn trong tội buôn bán hàng giả thì người tiêu dùng vẫn sử dụng được hàng hóa đó theo mục đích, mong muốn khi mua hàng hóa đó (khách hàng không biết mình đã mua phải hàng giả, vì kiểu dáng, hình thức bên ngoài giống với hàng thật) nên đã sử dụng và bị ảnh hưởng phần nào đến tính mạng, sức khỏe. Do đó, điểm mấu chốt để định tội danh trong trường hợp này là:
+ Nếu trong ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng “hàng giả” được buôn bán ra thị trường đó vẫn đáp ứng được những nhu cầu, công dụng, giá trị sử dụng nhất định của người tiêu dùng (đạt chất lượng ừ 50% trở lên), có hình thức, kiểu dáng bên ngoài giống với hàng thật thì xem xét xử lý về tội buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS).
+ Nếu trong ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng “hàng giả” được buôn bán ra thị trường đó không thể đáp ứng được những nhu cầu, công dụng, giá trị sử dụng nhất định theo mong muốn của người tiêu dùng (công dụng, giá trị sử dụng sản phẩm dưới 50%) và kiểu dáng, hình dạng bên ngoài có thể giống hoặc không giống với hàng thật thì xem xét xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS).
Trên cơ sở đó, áp dụng vào việc định tội danh trong một tình huống thực tiễn điển hình như sau: “A đặt mua của B 01 (một) chiếc điện thoại Iphone 16, với tổng số tiền là 30 triệu đồng”.
Trường hợp 1. B không giao hàng cho A vì B có ý định chiếm đoạt tiền của A từ trước thì xem xét xử lý B có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS).
Trường hợp 2. B chuyển giao cho A 01 chiếc điện thoại Iphone 16, nhưng B biết điện thoại đó bị lỗi phần mềm hoặc vấn đề gì đó không hoạt động ở mức độ tốt nhất (bán ra thị trường bên ngoài chỉ bằng khoảng 80% giá trị điện thoại không bị lỗi sản xuất) và vẫn chuyển hàng cho A thì xem xét xử lý B về tội lừa dối khách hàng (Điều 198 BLHS).
Trường hợp 3. B chuyển giao cho A không phải là điện thoại Iphone 16, mà là điện thoại Iphone 15 thì xem xét xử lý B về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS).
Trường hợp 4. B chuyển giao cho A một điện thoại có kiểu dáng, mẫu mã giống với Iphone 16 nhưng lại không chính hãng của nhà sản xuất, giá trị sử dụng, chất lượng chỉ đạt từ 50%-70% thì xem xét xử lý về tội buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS).
Trường hợp 5. B chuyển giao cho điện thoại cho A có kiểu dáng, mẫu mã không giống với Iphone 16, không phải là sản phẩm chính hãng và giá trị sử dụng, chất lượng đạt trên 70% thì vẫn bị xem xét xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS).
Trường hợp 6. B chuyển giao điện thoại cho A có kiểu dáng, mẫu mã giống với Iphone 16 nhưng lại không chính hãng của nhà sản xuất, giá trị sử dụng, chất lượng đạt dưới 50% thì xem xét xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS).
Trường hợp 7. B chuyển giao điện thoại cho A có kiểu dáng, mẫu mã không giống với Iphone 16, không chính hãng của nhà sản xuất và giá trị sử dụng, chất lượng đạt dưới 50% thì xem xét xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS).
Trên đây là một số quan điểm, ý kiến trao đổi cá nhân của tác giả để có thể phân định một cách rõ nét giữa các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng và buôn bán hàng giả theo quy định của BLHS năm 2015. Vấn đề này rất mong TANDTC sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
TAND tỉnh Bắc Kạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Minh Tuyết.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận