Quy định về người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung thêm các chủ thể như: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Thế nhưng rà soát quy định pháp luật tố tụng hình sự, việc xác định tư cách cũng như thủ tục tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố vẫn còn bỏ ngõ, điều này dẫn đến quyền được nhờ người khác bảo vệ của đối tượng là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khó có thể áp dụng trên thực tiễn. Bài viết của tác giả xin được bàn thêm về vấn đề này.

         Quy định Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố trong BLTTHS 2015

       Trong BLTTHS 2015 bổ sung chủ thể người bị tố giác, kiến nghị khởi tố nhưng không định nghĩa rõ ràng về hai chủ thể này. Theo lý luận về pháp luật tố tụng hình sự chúng ta có thể hiểu cách đơn giản, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố là cá nhân, tổ chức bị tố cáo về một hành vi có dấu hiệu tội phạm; bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị khởi tố bằng văn bản. 

        Vụ án hình sự được bắt đầu từ khi có Quyết định khởi tố vụ án, đây là văn bản pháp lý đánh dấu quá trình tố tụng vụ án hình sự. Trên cơ sở vụ án đã được khởi tố, người bào chữa có thể tham gia vào vụ án từ khi có Quyết định khởi tố bị can, chỉ ngoại trừ một số trường hợp đó là người bị bắt, người bị tạm giữ thì lúc này người bào chữa sẽ được tham gia tố tụng khi người bị bắt có mặt tại trụ sở Cơ quan điều tra.Thủ tục đăng ký người bào chữa cũng được BLTTHS quy định rất rõ ràng tại Điều 78, cụ thể: đối với người bào chữa là Luật sư tùy vào thời điểm tham gia vụ án hình sự khi muốn đăng ký bào chữa xuất trình các loại giấy tờ “Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chững thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội” và trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ việc đăng ký bào chữa của Luật sư sẽ được xữ lý. Tuy nhiên người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, kiến nghị khởi tố không được pháp luật quy định một cách cụ thể.

       Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, kiến nghị khởi tố chỉ được BLTTHS 2015 quy định tại duy nhất Điều 83 BLTTHS như sau: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”, trong đó xác định có ba đối tượng được thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố bao gồm: a) Luật sư; b) Bào chữa viên nhân dân; c) Người đại diện; d) Trợ giúp viên pháp lý. Và có 05 (năm) quyền sau:

a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

bKiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

c) Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

đ) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

        Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố như thế nào?

        Một trong số các chủ thể được thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là Luật sư – Nhưng pháp luật không quy định rõ thủ tục để Luật sư tham gia bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố như thế nào? Tư cách Luật sư lúc này sẽ được xác định ra sao và dựa trên cơ sở văn bản pháp luật nào? Việc tham gia của Luật sư ở giai đoạn này pháp luật vẫn còn bỏ ngõ. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền được nhờ người khác bảo vệ của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố cũng như ảnh hưởng đến quá trình hành nghề của Luật sư.

       Khi so sánh giữa Luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố và Luật sư là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thì chúng ta thấy rõ ràng có sự khác biệt. Phía người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được BLTTHS điều chỉnh rất rõ ràng về tư cách lẫn thủ tục tham gia vào vụ án, đồng thời Thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ Công An cũng đã quy định nhằm bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Mặc dù xét về bản chất đều nhằm đảm bảo quyền bào chữa và được bào chữa, bảo vệ của con người.

       Sở dĩ, đây chỉ mới là giai đoạn tiền tố tụng do đó việc xác định Cơ quan nào có thẩm quyền cho phép Luật sư tham gia cũng chưa thể xác định, Cơ quan công an giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, người bị tố giác hay Cơ quan nào khác? Đồng thời quy trình, thủ tục để Luật sư tham gia bảo vệ cũng chưa được quy định rõ, do đó trường hợp Luật sư tham gia mà bị Cơ quan công an từ chối thì các Luật sư cũng rất khó xử lý vấn đề này, về phía Cơ quan Công an được Luật sư đề nghị đăng ký bảo vệ cũng lúng túng trong thủ tục đăng ký bảo vệ của Luật sư vì pháp luật hiện nay chưa quy định.

         Một công dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm nhưng Cơ quan có thẩm quyền nói chung, Cơ quan công an nói riêng chỉ được thực hiện các quyền hạn, nhiệm vụ của mình trong phạm vi luật định; giả sử Cơ quan công an từ chối Luật sư vì chưa có luật áp dụng phần nào cũng có lý lẽ riêng, Cơ quan Công an không thể tự ra một quy định, thủ tục nhằm đăng ký Luật sư bảo vệ trong khi BLTTHS và các văn bản hướng dẫn khác chưa quy định. Như vậy, một khi chưa xác định được tư cách của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình của người bị khởi tố, người bị kiến nghị khởi tố không được đãm bảo; Đồng thời 05 quyền của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố sẽ không được vận dụng trên thực tiễn.

      Do đó, tác giả cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể về quyền bảo vệ, thủ tục thực hiện quyền được nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đổi tượng là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nói riêng và các chủ thể khác ở giai đoạn tiền tố tụng nói chung.

 Luật sư tại một phiên tòa hình sự – ảnh Minh họa

LÊ THIỆN - Công ty TNHH MTV DANALAW