Tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
- Một số vướng mắc và kiến nghị

Hiện nay, việc tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) và Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 (NĐ 116) có những vướng mắc, bất cập. Tác giả đưa ra những kiến nghị khắc phục.

1.Những vướng mắc, bất cập

1.1. Trường hợp tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Theo quy định tại khoản 2 Điều 112 Luật XLVPHC: Trong trường hợp người đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định …”.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 58 NĐ 116 quy định về điều kiện tạm đình chỉ thi hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc: “Người ốm nặng phải điều trị nội trú hơn 10 ngày tại cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên. Trường hợp người ốm nặng sau khi sức khỏe phục hồi mà thời hạn chấp hành quyết định còn từ 03 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành” và khoản 2 Điều 67 NĐ 116 lại quy định thêm trường hợp: “Người cai nghiện bị ốm được điều trị tại phòng y tế của cơ sở cai nghiện. Trường hợp người cai nghiện bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện thì được đưa đi bệnh viện hoặc đưa về gia đình để điều trị. Giám đốc cơ sở cai nghiện phải báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của người cai nghiện”.

Tại khoản 1 Điều 59 NĐ 116: “Theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định theo Mẫu số 45 Phụ lục II Nghị định này và đưa ra khỏi cơ sở cai nghiện bắt buộc để tham gia tố tụng trong các vụ án có liên quan đến người đó”.

Như vậy, theo Luật XLVPHC chỉ quy định duy nhất trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị nhưng theo hướng dẫn của NĐ 116 thì trường hợp tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện hoặc ốm nặng phải điều trị nội trú hơn 10 ngày tại cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

1.2.Thẩm quyền tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Theo quy định tại khoản 3 Điều 112 Luật XLVPHC thẩm quyền tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện do TAND cấp huyện nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 59 NĐ 116 thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định và đưa ra khỏi cơ sở cai nghiện bắt buộc để tham gia tố tụng trong các vụ án có liên quan đến người đó.

Khoản 2 Điều 67 NĐ 116 còn quy định thêm trường hợp: Trường hợp người cai nghiện bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện thì được đưa đi bệnh viện hoặc đưa về gia đình để điều trị. Giám đốc cơ sở cai nghiện phải báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của người cai nghiện”. Mặc dù quy định trên không nêu rõ Giám đốc cơ sở cai nghiện quyết định  tạm đình chỉ thi hành quyết định nhưng theo suy luận lôgic cho thấy trường hợp này Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải quyết định tạm đình chỉ mới có cơ sở đưa người bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện được đi bệnh viện hoặc về gia đình để điều trị.

Rõ ràng với các quy định, hướng dẫn trên của NĐ 116 đã có sự chồng chéo, mâu thuẫn về thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 105 Luật XLVPHC thì thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do Toà án nhân dân thực hiện.

1.3.Trường hợp người chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng, mắc bệnh hiểm nghèo

Theo hướng dẫn khoản 3, khoản 4 Điều 3 Nghị định 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc giải thích: “Người bị ốm nặng là người đang ở trong tình trạng bị bệnh nặng đến mức không còn khả năng lao động và sinh hoạt bình thường hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và phải điều trị trong một thời gian nhất định theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên mới có thể bình phục trở lại”. “Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư giai đoạn cuối, bại liệt, phong hủi, lao đã kháng thuốc, xơ gan cổ trướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS hoặc bệnh khác có văn bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên xác nhận là bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế”.

Tuy nhiên, đối với trường hợp người chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng, mắc bệnh hiểm nghèo là như thế nào thì chưa có văn bản quy định cụ thể. Do đó, trong thực tiễn áp dụng pháp luật đã có nhiều cách hiểu khác nhau.

Năm 2023, Cơ sở cai nghiện ma tuý Quảng Nam tiếp nhận người cai nghiện bắt buộc đối với hai trường hợp là Phan Anh T, Nguyễn Đức Đ về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý. Trong thời gian chấp hành quyết định, T thường xuyên có hành vi gây gổ, la lớn tiếng, gây rối trật tự do tinh thần không ổn định. Cơ sở đã áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với T nhưng không có tác dụng. Do đó Cơ sở đã giao T về gia đình để điều trị bệnh về tâm thần. Còn đối với Nguyễn Đức Đ, trong thời gian chấp hành quyết định, do Đ sử dụng ma tuý thời gian dài nên khớp háng chân của Đ bị thoái hoá, phải tiến hành phẩu thuật mới đi lại bình thường. Do đó, Cơ sở cai nghiện đã giao Đ về gia đình để phẩu thuật.

Xem xét trường hợp Phan Anh T, Nguyễn Đức Đ cho thấy cần thiết phải tạm đình chỉ chấp hành quyết định để đưa về gia đình điều trị bệnh theo quyết định của Toà án. Tuy nhiên, để có cơ sở xác định những người này có phải là bị ốm nặng, hay mắc bệnh hiểm nghèo để xem xét tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 112 Luật XLVPHC hay không thì vẫn chưa có căn cứ pháp lý.

2.Kiến nghị đề xuất

Trong khuôn khổ nội dung bài viết, tác giả xin được đề xuất một số kiến nghị, giải pháp sau:

2.1. Để thống nhất về thẩm quyền Toà án đối với xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND theo quy định tại Điều 105 Luật XLVPHC, chúng tôi cho rằng cần bãi bỏ các quy định về thẩm quyền của Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc về tạm đình chỉ thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc theo các quy định tại khoản 1 Điều 59 và khoản 2 Điều 67 của NĐ 116.

2.2. Sửa đổi bổ sung quy định tại Điều 112 về trường hợp, điều kiện được xem xét tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm: Người bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được đưa đi bệnh viện hoặc đưa về gia đình để điều trị dài ngày (10 ngày trở lên theo hướng dẫn tại Điều 58 NĐ 116), người được đưa ra khỏi cơ sở cai nghiện bắt buộc để tham gia tố tụng trong các vụ án có liên quan đến người đó theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người đang cai nghiện bắt buộc phải thi hành án hình sự.

Theo đó, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc trong quá trình quản lý người chấp hành quyết định nếu người đó bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc thì có quyền đưa đi bệnh viện hoặc đưa về gia đình để điều trị dài ngày (10 ngày trở lên). Quá thời hạn này mà người đó không khỏi bệnh thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải lập hồ sơ gửi TAND cấp huyện xem xét, quyết định tạm định chỉ chấp hành quyết định. Đối với trường hợp người được đưa ra khỏi cơ sở cai nghiện bắt buộc để tham gia tố tụng trong các vụ án có liên quan đến người đó theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, hoặc người đang cai nghiện bắt buộc phải thi hành án hình sự thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải lập hồ sơ để Toà án quyết định tạm đình chỉ trước khi giao người đó cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc chấp hành án.

2.3.Cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp người đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bị ốm nặng, mắc bệnh hiểm nghèo. Theo ý kiến chúng tôi, có thể quy định trường hợp này như hướng dẫn khoản 3, khoản 4 Điều 3 Nghị định 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ. Hiện nay, một số Cơ sở cai nghiện bắt buộc có quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về y tế cấp có thẩm quyền về danh mục dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh tại trạm xã Cơ sở. Do đó, để tháo gỡ khó khăn trước mắt có thể xem những bệnh nằm ngoài danh mục trên mà có dấu hiệu nặng là cơ sở xác định người bị ốm nặng, đây là căn cứ để tạm đình chỉ chấp hành quyết định.

 

ThS TRẦN ANH LIÊM (Thẩm phán TAND huyện Hiệp Đức, Quảng Nam)

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long  kiểm tra sức khỏe học viên. Ảnh: HG