Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đã có quyết định xét xử
Thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại, kiến nghị tại Tòa án các cấp về việc Thẩm phán ban hành quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đã có Quyết định xét xử còn có nhiều quan điểm khác nhau.
Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp do Tòa án quyết định áp dụng nhằm tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự. Những biện pháp này được áp dụng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập và bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Chương VIII BLTTDS năm 2015[1], Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC[2] “Hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự” và Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30/12/2019 của Chánh án TANDTC[3] “Về việc nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự”.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại, kiến nghị tại Tòa án các cấp về việc Thẩm phán ban hành quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đã có Quyết định xét xử còn có nhiều quan điểm khác nhau. Tác giả nêu lên một ví dụ trong thực tiễn giải quyết tố tụng, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
1. Quy định của pháp luật
1.1. Điều 140 BLTTDS năm 2015[4] quy định khiếu nại, kiến nghị về Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: “Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời…”.
1.2. Điều 141 BLTTDS năm 2015[5] quy định giải quyết khiếu nại, kiến nghị về Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
“1. Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị quy định tại Điều 140 của Bộ luật này trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án là quyết định cuối cùng ...
3. Tại phiên tòa, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Hội đồng xét xử là quyết định cuối cùng”
Quá trình áp dụng các căn cứ, quy định của pháp luật để xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đã có quyết định xét xử còn có nhiều vướng mắc và quan điểm khác nhau, thông qua vụ án như sau:
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật
2.1. Ngày 20/3/2023, TAND thành phố NT đã thụ lý vụ án về “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Hồng V, bị đơn bà Nguyễn Thị T. Nguyên đơn bà V khởi kiện với nội dung: Buộc bị đơn bà T trả số tiền đặt cọc là 2,4 tỷ đồng và tiền phạt cọc với số tiền 2,4 tỷ đồng. Ngày 26/7/2023, Tòa án ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa sẽ được ấn định xét xử vào lúc 14 giờ 00 phút ngày 06/8/2023.
Ngày 01/8/2023, nguyên đơn bà V có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” theo khoản 11 Điều 114, Điều 126 BLTTDS 2015[6] đối với bị đơn bà T. Ngày 05/8/2023, TAND thành phố NT đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 07/2023/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo điểm a khoản 2 Điều 133 BLTTDS 2015[7].
Ngày 06/8/2023, bà Nguyễn Thị T có đơn khiếu nại đề nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 07/2023/QĐ-BPKCTT ngày 05/8/2023 (Thời điểm này Thẩm phán đã ban hành Quyết định xét xử nhưng chưa mở phiên tòa).
2.2. Vấn đề tác giả đặt ra ở đây là: Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại mục 2.1 nêu trên thuộc về ai? Hiện nay tồn tại các quan điểm về thẩm quyền giải quyết khiếu nại như sau:
Quan điểm thứ nhất: Việc giải quyết khiếu nại thuộc về Chánh án vì TAND thành phố NT căn cứ vào Điều 141 BLTTDS năm 2015 quy định: “1. Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị quy định tại Điều 140 của Bộ luật này trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án là quyết định cuối cùng ...
3. Tại phiên tòa, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử...”.
Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 141 BLTTDS năm 2015 nêu trên có thể hiểu “trước khi mở phiên tòa” thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc về Chánh án và khoản 3 Điều 141 BLTTDS năm 2015 “tại phiên tòa” thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc về Hội đồng xét xử.
Áp dụng tương tự các trường hợp có quy định “trước phiên tòa” và “tại phiên tòa” được thể hiện tại các điều luật, cụ thể: Điều 56 về thay đổi người tiến hành tố tụng, Điều 61 về từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi Kiểm sát viên, Điều 62 về thay đổi Kiểm sát viên, Điều 112 về thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Điều 133 về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Điều 219 về thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ - tiếp tục – đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Điều 299 về việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại BLTTDS năm 2015[8].
Để xác định được thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với đề nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bị đơn khi đã có Quyết định xét xử thì Tòa án phải xác định được thời điểm “trước” hay“tại” phiên tòa là như thế nào? Tại điểm b mục 3 Phần II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019[9] về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến đã giải đáp như sau: “Phiên tòa bắt đầu (Mục 2 Chương XIV BLTTDS năm 2015[10]) bằng thủ tục “Khai mạc phiên tòa” (Điều 239 BLTTDS năm 2015[11]) thì mới được xem là “tại phiên tòa”. Do đó, dù đã thành lập Hội đồng xét xử, ban hành Quyết định xét xử và đến ngày mở phiên tòa (được triệu tập) nhưng chưa khai mạc phiên tòa thì chưa coi là “bắt đầu phiên tòa”, chưa coi là “tại phiên tòa””.
Như vậy, đối với trường hợp khiếu nại tại mục 2.1, trong thời gian này đã ban hành Quyết định xét xử, đến ngày xét xử nhưng chưa khai mạc phiên tòa mà đương sự có đơn khiếu nại hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về Chánh án.
Quan điểm thứ hai: Việc giải quyết khiếu nại thuộc về Hội đồng xét xử vì TAND thành phố NT căn cứ vào thời điểm khiếu nại là trước khi ra Quyết định xét xử hay sau khi ra Quyết định xét xử. Quan điểm này cũng là quan điểm của tác giả.
Sở dĩ xác định như vậy là vì tác giả áp dụng tương tự khoản 2 Điều 289 BLTTDS năm 2015[12] về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án: “Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo… trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo… sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”. Hơn nữa, căn cứ vào khoản 1 Điều 221 của BLTTDS năm 2015[13] về phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật quy định: “a, Trường hợp chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án báo cáo … b, Trường hợp đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc vụ án đang được xem xét tại phiên tòa hoặc đang được xét xử theo… thì Hội đồng xét xử…”; căn cứ vào khoản 2 Điều 289 của BLTTDS năm 2015[14] về đình chỉ xét xử phúc thẩm quy định: “Trường hợp người kháng cáo rút… trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công… ra quyết định…; trường hợp người kháng cáo rút… sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định…”.
Như vậy, Toà án cần xem xét việc đương sự khiếu nại vào khoảng thời gian nào trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu khiếu nại trước khi Toà án ban hành Quyết định xét xử thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về Chánh án, sau khi ban hành Quyết định xét xử thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về Hội đồng xét xử mà không phụ thuộc vào trước hay tại phiên toà.
Đối với khiếu nại nêu tại mục 2.1 thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc về Hội đồng xét xử. Vì khiếu nại nộp sau khi vụ án đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử với thành phần Hội đồng xét xử đã được thể hiện cụ thể. Vấn đề này cũng được áp dụng đối với trường hợp ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 259 BLTTDS năm 2015[15], vì: tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015 quy định“… nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa;…thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự…”, Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017[16] và Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC[17] về Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ.
2.3. Thông qua các tình tiết thực tiễn nêu trên, Toà án gặp nhiều vướng mắc về việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị về Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đã có Quyết định xét xử và thẩm quyền giải quyết khiếu nại nói chung. Pháp luật hiện hành tuy đã quy định và hướng dẫn thi hành nhiều vấn đề nhưng qua thực tiễn áp dụng cho thấy một số quy định về khiếu nại còn chưa rõ ràng và cụ thể nên phần lớn áp dụng tương tự pháp luật và giải quyết phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của từng cơ quan khác nhau. Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn thiệt hại hơn là việc để thiệt hại xảy ra rồi sau đó lại phải giải quyết hậu quả bằng biện pháp bồi thường thì càng làm cho sự việc phức tạp hơn, phát sinh nhiều hậu quả pháp lý bất lợi cho các bên đương sự hoặc bên thứ ba có liên quan thì việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị phải nhanh chóng và được Luật quy định cụ thể, rõ ràng; đảm bảo quyền lợi cho đương sự cũng như người tiến hành tố tụng và việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, pháp luật cần có quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị về Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đã có Quyết định xét xử.
Căn cứ vào việc khiếu nại trước hay sau khi ban hành Quyết định xét xử, người viết xin đề xuất theo hướng: Chánh án Toà án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị về Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi ban hành Quyết định xét xử; Hội đồng xét xử có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị về Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay và sau khi ban hành Quyết định xét xử. Vì vậy cần sửa lại Điều 141 BLTTDS năm 2015 theo hướng như sau: “1. Trước khi có quyết định xét xử, Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị… 3. Sau khi có quyết định xét xử, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử...” và quy định về “trước khi ban hành Quyết định xét xử”, “ngay và sau khi ban hành Quyết định xét xử” đối với các trường hợp quy định tại Điều 56, Điều 61, Điều 62, Điều 112, Điều 133, Điều 219, Điều 299 BLTTDS năm 2015 (mục 2.2.).
Thứ hai, để nâng cao chất lượng giải quyết các loại án thì công tác giải quyết các đơn thư khiếu nại, kiến nghị cũng phải đạt hiệu quả cao, TANDTC cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân, quy định các văn bản hướng dẫn cụ thể và biểu mẫu giải quyết khiếu nại, kiến nghị nêu trên để việc áp dụng được thống nhất (Vì hiện nay công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều vướng mắc mà Luật chưa quy định hết).
Kết luận
Trên đây là một số ý kiến trao đổi cá nhân về “Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị về Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đã có Quyết định xét xử”, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc để góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật và áp dụng pháp luật được thống nhất.
*TAND Tp Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
TAND huyện Phú Riềng, Bình Phước xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Quốc Trung
[1] Chương VIII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
[2] Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
[3] Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30/12/2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
[4] Điều 140 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
[5] Điều 141 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[6] Điều 126 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
[7] điểm a khoản 2 Điều 133 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
[8] Điều 56, Điều 61, Điều 62, Điều 112, Điều 133, Điều 219, Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
[9] Điểm b mục 3 Phần II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019;
[10] Mục 2 Chương XIV Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
[11] Điều 239 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[12] khoản 2 Điều 289 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
[13] khoản 1 Điều 221 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
[14] khoản 2 Điều 289 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[15] Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
[16] Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao;
[17] Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao;
Bài liên quan
-
Bàn về một số vấn đề liên quan đến đăng ký thay đổi hộ kinh doanh theo văn bản thỏa thuận mua bán - tặng cho trong lĩnh vực công chứng
-
Tạp chí điện tử Tiếp thị và Gia đình ra mắt bộ nhận diện mới, thay đổi cơ cấu chuyên mục
-
Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án tiếp tục quản lý, theo dõi người được hoãn chấp hành án thay đổi nơi cư trú
-
Quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp xảy ra hoàn cảnh thay đổi cơ bản và kiến nghị
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận