Thẩm quyền theo lãnh thổ khi giải quyết các tranh chấp dân sự theo luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 (LHGĐTTTA), đã tạo ra một cơ chế hòa giải hữu hiệu khi có tranh chấp dân sự xảy ra. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng LHGĐTTTA vẫn còn nhiều cách hiểu về thẩm quyền theo lãnh thổ khi xử lý đơn khởi kiện, tiến hành hòa giải và ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành.

Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ trong việc giải quyết các vụ án dân sự là quy định trong pháp luật tố tụng dân sự được ghi nhận tại BLTTDS năm 2015. Khi có tranh chấp phát sinh mà chủ thể muốn được giải quyết thông qua thủ tục tố tụng thì vấn đề xác định thẩm quyền là điều kiện cần để Tòa án thụ lý vụ án. Quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ nhằm mục đích để cho người khởi kiện có thể dựa vào vị trí địa lý, lãnh thổ để yêu cầu Tòa án giải quyết theo đúng thẩm quyền, không mất thời gian khi khởi kiện sai thẩm quyền.

1. Quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ khi giải quyết vụ án dân sự

Để phù hợp với tính chất của từng vụ án dân sự, quyền lợi của các chủ thể tham gia tố tụng nên BLTTDS đã quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ tại khoản 1 Điều 39 như sau:

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.

Theo quy định trên, nếu các bên không tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc, trụ sở của nguyên đơn[1] thì thẩm quyền theo lãnh thổ được xác định theo nơi cư trú, làm việc, nơi có trụ sở của bị đơn hoặc theo nơi có bất động sản.

Khi Tòa án nhận được đơn khởi kiện và xử lý theo thủ tục tố tụng dân sự thì có 2 trường hợp về thẩm quyền theo lãnh thổ[2]: (1) Tòa án Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án; (2) Tòa án chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác (Không phải trường hợp “Trả lại đơn khởi kiện” nếu vụ án đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án).

Như vậy, BLTTDS đã minh thị khá rõ ràng về thẩm quyền khi Tòa án xử lý đơn khởi kiện và thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, LHGĐTTTA lại không có quy định nào về thẩm quyền theo lãnh thổ khi xử lý đơn khởi kiện, tiến hành hòa giải và ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành các tranh chấp dân sự.

Tại khoản 2 Điều 1 LHGĐTTTA quy định về phạm vi điều chỉnh của LHGĐTTTA như sau: Hòa giải theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của BLTTDS. Có nghĩa là, nếu các tranh chấp dân sự này thuộc thẩm quyền của Tòa án (của Tòa án nói chung, không phải Tòa án theo lãnh thổ) quy định tại các Điều 26, 28, 30, 32 BLTTDS thì sẽ được Tòa án tiếp nhận và hòa giải theo trình tự của LHGĐTTTA.

Ngoài ra, LHGĐTTTA không có quy định nào về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ và cũng không có quy định nào về việc xử lý đơn khởi kiện, tiến hành hòa giải và ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành các tranh chấp dân sự khi không thuộc thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nơi tiếp nhận đơn khởi kiện. Kể cả các quy định về: giải thích từ ngữ (Điều 2); nguyên tắc (Điều 3); những trường hợp không tiến hành hòa giải (Điều 10); điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành thành (Điều 33) cũng không có quy định nào về thẩm quyền theo lãnh thổ.

2. Tình huống pháp lý cụ thể và các quan điểm

Để phản ánh rõ nét vấn đề được nêu, tác giả nêu một tình huống pháp lý xảy ra nhiều trong thực tế như sau: Bà H nộp đơn ly hôn ông V, trong đơn khởi kiện ly hôn, do bà H khai địa chỉ nơi ở hiện tại của ông V là tại thành phố CR, tỉnh KH. Tòa án tiến hành xử lý đơn khởi kiện theo LHGĐTTTA. Sau đó, Hòa giải viên tiến hành hòa giải, bà H, ông V đồng ý thuận tình ly hôn và các bên yêu cầu ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định nhận thấy không có căn cứ chứng minh ông V cư trú, làm việc tại thành phố CR, tỉnh KH; các bên cũng xác định ông V không cư trú, làm việc tại thành phố CR, tỉnh KH mà hiện đang cư trú tại huyện HĐ, tỉnh QN.

Trong tình huống này có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: Đây là trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi Hòa giải viên tiến hành hòa giải, nơi Tòa án ban hành quyết định (TAND thành phố CR, thuộc tỉnh KH) nên “Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng[3]. Kể cả khi xử lý đơn khởi kiện, nếu người khởi kiện không có tài liệu, chứng cứ chứng minh được ông V cư trú tại thành phố CR, tỉnh KH thì Tòa án phải chuyển đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền (TAND huyện HĐ, tỉnh QN).

Quan điểm thứ hai: LHGĐTTTA không có quy định nào về thẩm quyền theo lãnh thổ khi xử lý đơn khởi kiện, tiến hành hòa giải và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành các tranh chấp dân sự như trong tình huống nêu trên nên Thẩm phán vẫn “ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành[4]. Ngoài ra, tình huống trên có đủ điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định tại Điều 33 LHGĐTTTA nên không có căn cứ để không công nhận.

Quan điểm của tác giả cũng chính là quan điểm thứ hai. Thẩm quyền theo lãnh thổ chỉ tồn tại và được áp dụng khi Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng được quy định trong BLTTDS. Tòa án cũng chỉ xem xét về thẩm quyền theo lãnh thổ khi tiến hành thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện được quy định tại Điều 191 BLTTDS. Trong khi thủ tục xử lý đơn theo LHGĐTTTA là hoàn toàn khác với một số nội dung như sau:

- Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện giải quyết vụ án dân sự kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 190 của BLTTDS;

- Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của BLTTDS;

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6 và 7 Điều 19 của LHGĐTTTA thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định của LHGĐTTTA;

- Phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải thực hiện nhiệm vụ theo quy định của LHGĐTTTA nếu người khởi kiện có ý kiến đồng ý hòa giải;

- Chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng nếu người khởi kiện có ý kiến không đồng ý hòa giải, đối thoại[5].

3. Đề xuất

Cần nói thêm rằng, ý nghĩa và mong muốn đạt được của LHGĐTTTA là tăng cường công tác hòa giải, mang lại những lợi ích về thời gian, tài chính và tình cảm cho các bên tham gia hòa giải cũng như lợi ích to lớn cho xã hội. Do đó, nhiều vấn đề về thủ tục tố tụng không đặt ra khi nhà làm luật xây dựng LHGĐTTTA. Thiết nghĩ, theo hướng tiếp cận này thì việc Thẩm phán “ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành” trong tình huống trên vừa hợp tình, vừa hợp lý.

Tuy vậy, để có hành lang pháp lý thì cần có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ khi xử lý đơn khởi kiện, tiến hành hòa giải và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành các tranh chấp dân sự theo hướng tôn trọng sự thỏa thuận, ý chí của các bên. Nếu người khởi kiện nộp đơn khởi kiện đến Tòa án mà Hòa giải viên tiến hành hòa giải thành giữa các bên thì hoàn toàn có thể ban hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành mà không cần xem xét đến thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ. Nếu hòa giải không thành thì chuyển qua thủ tục tố tụng vẫn bảo đảm quyền lợi của người khởi kiện.

Với những tình huống như trên, tác giả cho rằng Thẩm phán cần vận dụng điểm a khoản 2 Điều 32 LHGĐTTTA “Yêu cầu một hoặc các bên trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản”, đặc biệt là bị đơn trình bày rõ ý kiến về nơi cư trú, làm việc và ý kiến đồng ý việc Tòa án ban hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành khi Tòa án không cùng lãnh thổ với nơi bị đơn cư trú, làm việc. Việc này là để bảo đảm việc hòa giải và ban hành quyết định là nguyện vọng của các bên, tránh xảy ra khiếu nại về sau.

Trên đây là vấn đề còn mới, có thể có nhiều quan điểm khác nhau. Để có thể hoàn thiện hơn quy định pháp luật cũng như việc áp dụng LHGĐTTTA, tác giả mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc.

 

 


[1] Quy định tại điểm b khoản 1 Điều 39 BLTTDS cũng còn nhiều tranh cãi khi không xác định được các đương sự thỏa thuận trước hay sau khi Tòa án thụ lý vụ án; nếu trước thì không phải là đương sự vì Tòa án chưa thụ lý vụ án nên chưa xác định tư cách tố tụng của các chủ thể tham gia tố tụng. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được trao đổi sâu hơn khi bàn về thẩm quyền theo lãnh thổ trong quy định của BLTTDS.

[2] Khoản 3 Điều 191 BLTTDS.

[3] Điểm b khoản 2 Điều 32 LHGĐTTTA.

[4] Điểm a khoản 2 Điều 32 LHGĐTTTA.

NGUYỄN HUY HOÀNG  (Thẩm phán TAND thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)

Hòa giải viên TAND Tp Tuyên Quang tiến hành hòa giải- Ảnh: BTQ