Thừa phát lại có quyền nhận ủy quyền của đương sự

Về bài viết “Cán bộ thừa phát lại có quyền nhận ủy quyền trong tố tụng dân sự không?” của tác giả Huỳnh Minh Khánh đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 18/12/2018 tại link: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/can-bo-thua-phat-lai-co-quyen-nhan-uy-quyen-trong-to-tung-dan-su-khong tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai.

Điều 2a Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Tp Hồ Chí Minh được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh – Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sau đây viết là Nghị định về TCHĐCTPL) quy định: “Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.”

Điều 6 Nghị định về TCHĐCTPL quy định về những việc Thừa phát lại không được làm, cụ thể như sau:

“1. Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép. 

Thừa phát lại không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng. 

Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì. 

Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.”

Thừa phát lại thực hiện công việc có liên quan đến Tòa án chỉ là tống đạt văn bản của Tòa án. Các văn bản của Tòa án mà Thừa phát lại có thể tống đạt được quy định tại Điều 21 Nghị định TCHĐCTPL, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác; Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.

Theo quy định tại Nghị định TCHĐCTPL, Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án theo sự phân công của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình; Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước Tòa án về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, đúng thời hạn của mình; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định. Chi phí tống đạt văn bản của Tòa án do Tòa án thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại: Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật đương sự phải chịu chi phí thì Tòa án thu và chuyển số tiền đó cho Văn phòng Thừa phát lại; đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước chịu thì Tòa án chuyển cho Văn phòng Thừa phát lại. Thỏa thuận tống đạt được ký kết giữa Tòa án và Văn phòng Thừa phát lại là hợp đồng dịch vụ tống đạt.

Theo quy định tại Điều 15, Điều 23 Nghị định TCHĐCTPL thì Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại; tổ chức Văn phòng Thừa phát lại có Trưởng văn phòng phải là Thừa phát lại là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại là thành viên sáng lập trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại làm việc theo hợp đồng, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại là nhân viên Văn phòng Thừa phát lại giúp Thừa phát lại thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý theo quy định.

Trong bài viết “Cán bộ thừa phát lại có quyền nhận ủy quyền trong tố tụng dân sự không?” tác giả đưa ra tình huống ông Hưng là cán bộ của Văn phòng thừa phát lại X, hiện nay ông Hưng chỉ phụ trách tống đạt văn bản tố tụng cho Tòa án huyện X ngoài tỉnh T; trước đây, ông Hưng đã từng thực hiện công việc tống đạt cho Tòa án huyện X tại địa bàn huyện X. Cho dù ông Hưng là Thừa phát lại hay Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại (trong bài viết này tạm gọi là Thừa phát lại). Sở dĩ tạm gọi là Thừa phát lại là vì trong bài viết “Cán bộ thừa phát lại có quyền nhận ủy quyền trong tố tụng dân sự không?” tác giả bài viết đó sử dụng thuật ngữ “cán bộ Thừa phát lại”. Việc sử dụng thuật ngữ “cán bộ Thừa phát lại” là thiếu chuẩn xác. Bởi lẽ, Thừa phát lại không phải là cán bộ được điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức năm 2010.

Như vậy, ông Hưng có quyền nhận ủy quyền của đương sự trong vụ án dân sự, hay nói cách khác ông Hưng có quyền đại diện cho đương sự theo ủy quyền để tham gia tố tụng hay không?

Để làm rõ vấn đề này, cần làm rõ điều kiện để đại diện theo ủy quyền. Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định tại Chương IX về đại diện và Chương XVI về một số hợp đồng thông dụng, trong đó hợp đồng ủy quyền được quy định tại Mục 13 Chương XVI. Cụ thể như sau:

– Theo quy định tại Điều 134 và Điều 135 BLDS năm 2015  thì đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện; cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

BLDS 2015 cũng quy định quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện; cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác cũng như hậu quả của hành vi đại diện, thời hạn đại diện và phạm vi đại diện tại các điều 139, 140 và 141. Theo các quy định này thì người đại diện thực hiện hành vi đại diện trong thời hạn đại diện và phù hợp phạm vi đại diện sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người được đại diện.

– Mục 13 Chương XVI BLDS 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền (từ Điều 562 đến Điều 569).

Điều 562 BLDS 2015 quy định: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Với quy định này của BLDS 2015, bên được ủy quyền đại diện cho bên ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Với các quy định nêu trên mà quan điểm thứ hai của bài viết cho rằng khi TAND và Văn phòng thừa phát lại thỏa thuận hợp đồng dịch vụ thuê Văn phòng thừa phát lại thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng thì Văn phòng thừa phát lại đã thực hiện một trong những nhiệm vụ của Tòa án, nó tương tự như trường hợp Tòa án ủy quyền cho Văn phòng thừa phát lại X thực hiện một công việc nhất định của TAND và cần xem người làm công tác thừa phát lại như cán bộ, công chức Tòa án để từ đó cho rằng theo quy định tại khoản 3 Điều 87 BLTTDS 2015, Thừa phát lại không được nhận ủy quyền của đương sự trong vụ án dân sự là không đúng.

Như đã phân tích ở trên, thỏa thuận tống đạt văn bản giữa Văn phòng Thừa phát lại là hợp đồng dịch vụ. Đây không phải là hợp đồng ủy quyền và cũng không thể coi tương tự như hợp đồng ủy quyền. Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án không đại diện cho Tòa án; họ thực hiện việc tống đạt nhân danh mình, hoàn toàn không nhân danh Tòa án.

BLTTDS 2015 quy định về người đại diện tại Điều 85, theo đó người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền; người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của BLDS là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng; trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì họ là người đại diện. Điều 87 BTTTDS 2015 quy định những trường hợp không được đại diện, cụ thể:

Điều 87. Những trường hợp không được làm người đại diện 

Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật: 

a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;  

b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc

Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. 

Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.”

Đối chiếu với các quy định của BLDS 2015, BLTTDS 2015 và Nghị định TCHĐCTPL thì ông Hưng không thuộc trường hợp không được đại diện trong tố tụng dân sự; việc ông Hưng nhận ủy quyền để đại diện cho đương sự tham gia tố tụng không thuộc trường hợp pháp luật cấm. Quan điểm thứ hai cho rằng Thừa phát lại không được nhận ủy quyền là hoàn toàn chủ quan, không có cơ sở.

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm thứ nhất trong bài viết “Cán bộ thừa phát lại có quyền nhận ủy quyền trong tố tụng dân sự không?” – đó là người làm công tác Thừa phát lại (Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại) có quyền nhận ủy quyền của đương sự để đại diện cho đương sự tham gia tố tụng trong vụ án dân sự.

 

KIM THÚY