Ứng xử của Thẩm phán với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động khác ngoài nhiệm vụ xét xử          

Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán (sau đây viết tắt là Bộ Quy tắc) được Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia ban hành ngày 4 tháng 7 năm 2018. Bộ Quy tắc này đã hệ thống những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Thẩm phán nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, tăng cường liêm chính tư pháp. Bộ Quy tắc là kim chỉ nam chi phối các hành vi ứng xử của Thẩm phán trong công việc cũng như trong đời sống. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung đề cập đến hai quy tắc ứng xử, đó là quy tắc ứng xử đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài và ứng xử đối với các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử.

1.Ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước những năm qua, cùng với những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động đối ngoại của nước ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng theo phương châm độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, hoạt động hợp tác quốc tế của chúng ta đã được triển khai một cách chủ động, tích cực và thu được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định và tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của nước ta trên trường quốc tế.

 

 

Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước và có quan hệ về kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nước ta với các nước, nhất là với các nước láng giềng trong khu vực, các nước khác trên thế giới và các trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng trên thế giới đã đi vào chiều sâu và càng có hiệu quả tốt hơn.

Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; kinh tế tăng trưởng khá, chính trị ổn định, quốc phòng- an ninh được tăng cường, văn hóa- xã hội có bước phát triển mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Đại hội XII của Đảng đã đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giao lưu, tiếp xúc giữa người Việt Nam nói chung và Thẩm phán Tòa án nhân dân nói riêng với người nước ngoài diễn ra thường xuyên hơn. Mỗi dân tộc có nền văn hóa và đặc điểm riêng của mình. Trong giao tiếp quốc tế, mỗi người ít nhiều đều mang “tính đại diện” cho đất nước, địa phương hay đơn vị mình, do đó mọi lời nói, cử chỉ, hành động của Thẩm phán đều cần phải cân nhắc kỹ, thận trọng để tránh hiểu lầm hoặc ảnh hưởng đến công tác, Thẩm phán là chức danh tư pháp cao quý duy nhất cùng với thành viên Hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết. Do đó, nếu ứng xử không thích hợp, có thể để lại ấn tượng không tốt, thiếu hữu nghị, ảnh hưởng đến mục đích chính của cuộc giao tiếp.

Khi tiếp xúc, giao lưu với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, Thẩm phán phải quán triệt nguyên tắc đối ngoại sau đây[1]:

– Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

– Bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia; giữ gìn bí mật Nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật Nhà nước;

– Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Ban Cán sự Đảng đối với hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của hệ thống Tòa án nhân dân trong phạm vi toàn quốc; tăng cường phân cấp và đề cao trách nhiệm của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu trong quản lý và thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc tế của hệ thống Tòa án nhân dân;

– Nghiêm cấm việc lợi dụng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế để mưu cầu lợi ích cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào.

Những nguyên tắc trên đã được thể hiện cô đọng trong quy định tại Điều 13 Bộ Quy tắc. Điều 13 Bộ Quy tắc quy định:

“1. Thẩm phán phải thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy chế của Tòa án, cơ quan, đơn vị khi quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Thẩm phán không được lợi dụng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế để mưu cầu lợi ích cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào”.

Quy định tại Điều 13 của Bộ Quy tắc này có thể hiểu khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan, tổ chức nước ngoài, Thẩm phán phải tuân thủ triệt để các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Khi giao lưu, tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, Thẩm phán không được có lời nói, hành động làm tổn hại đến lợi ích, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; truyền thống, danh dự, uy tín của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam nói chung, danh dự, uy tín của Thẩm phán Tòa án nhân dân nói riêng[2]. Khi tiếp xúc, giao lưu, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, Thẩm phán phải bảo mật tất cả các tài liệu, văn bản, thông tin mà Thẩm phán đó nhận được. Thẩm phán không thể trực tiếp hoặc gián tiếp tiết lộ hoặc công bố cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tài liệu, thông tin mà mình nắm giữ, trừ khi đó là một phần trách nhiệm của Thẩm phán đó hoặc đã nhận được sự cho phép bằng văn bản của lãnh đạo Tòa án nơi người đó làm việc hoặc của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Trong quá trình tiếp xúc, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, Thẩm phán cũng phải tuân thủ triệt để những quy định tại Điều 77 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân[3] (Quy định về những việc Thẩm phán không được làm).

Ngoài ra, khoản 2 Điều 13 Bộ Quy tắc đã thể hiện đầy đủ tinh thần của nguyên tắc Bangalore về đạo đức tư pháp 2002. Đó là việc Thẩm phán không được lợi dụng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế để mưu cầu lợi ích cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào[4]. Ví dụ, Thẩm phán phải từ chối nhận quà tặng có giá trị[5] hoặc hỗ trợ tài chính mà cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng/cho Thẩm phán hoặc các thành viên trong gia đình của Thẩm phán liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán. “Quà tặng” bao gồm tiền, hàng hóa, dịch vụ, vé tàu xe hoặc bất kỳ hình thức lợi ích nào[6]. Nếu có cơ sở nghi ngờ việc tặng quà đó là có động cơ hoặc có liên hệ với vị trí công tác của Thẩm phán thì phải từ chối việc nhận quà tặng này.

Thẩm phán phải cư xử một cách đúng đắn để đảm bảo liêm chính của Tòa án và niềm tin của công chúng nói chung và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài nói riêng vào hệ thống Tòa án nhân dân. Thẩm phán không được cư xử theo cách thức khiến cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho rằng Thẩm phán đó có được lợi thế đặc biệt nhờ vào vị trí là Thẩm phán của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam.

2.Ứng xử đối với hoạt động khác ngoài nhiệm vụ xét xử

Điều 17 Bộ Quy tắc quy định:

“1. Thẩm phán phải ưu tiên sử dụng quỹ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ xét xử. Thẩm phán được viết báo, viết sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc các hoạt động có thu nhập khác theo quy định của pháp luật, trừ những việc có thể ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức của Thẩm phán”.

Quy định này được hiểu, trách nhiệm cao nhất của một Thẩm phán là thực hiện việc xét xử và Thẩm phán phải thể hiện những nỗ lực tốt nhất và thông tuệ nhất để làm tốt vai trò đó. Thẩm phán phải đặt vai trò Thẩm phán lên trên hết tất cả các hoạt động khác.

Trên thực tế, ngoài thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ xét xử, Thẩm phán có thể sử dụng thời gian của mình để thực hiện các công việc khác. Thẩm phán là một chức danh tư pháp cao qúy, được đào tạo nghiệp vụ luật pháp một cách đặc biệt. Do đó, ngoài nhiệm vụ xét xử, Thẩm phán còn có đóng góp quan trọng vào việc tuyên truyền luật pháp, cũng như thực hiện vào một loạt các hoạt động không liên quan đến luật pháp.

 

 

Nguyên tắc 4.11 của Nguyên tắc Bangalore về đạo đức tư pháp 2002 quy định, Thẩm phán có thể:

“Viết, giảng bài, dạy học và tham gia vào các hoạt động liên quan đến luật, hệ thống luật pháp, thực thi công lý hay các vấn đề liên quan khác; Xuất hiện tại một phiên tòa công khai trước một cơ quan chính thức có liên quan đến các vấn đề về luật, hệ thống luật pháp, thực thi công lý hay các vấn đề liên quan khác; Phục vụ với tư cách là một thành viên của một cơ quan chính thức hay hội đồng, ủy ban hay cơ quan tham mưu của chính phủ, nếu như tư cách thành viên đó không mâu thuẫn với nhận thức về tính trung lập về chính trị và khách quan của một Thẩm phán; hoặc tham gia vào các hoạt động khác nếu như các hoạt động đó không làm giảm uy tín của cơ quan tư pháp hoặc là can thiệp vào việc thực hiện các nhiệm vụ tư pháp”.

Như vậy, ngoài thời gian làm nhiệm vụ xét xử, Thẩm phán có thể được phép tham gia vào các hoạt động như viết báo, viết sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc các hoạt động có thu nhập khác mà pháp luật không cấm, miễn là những hoạt động đó không làm phương hại đến giá trị cốt lõi về tính liêm chính, công bằng và liêm khiết của cán bộ, công chức Nhà nước nói chung và Thẩm phán nói riêng.

Bên cạnh đó, Điều 77 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định:

“1. Những việc pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm. Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật. 

Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án. Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền. Tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định.”

Đối với các hoạt động ngoài thực hiện nhiệm vụ xét xử pháp luật Việt Nam không quy định Thẩm phán phải xin phép lãnh đạo Tòa án nơi mình công tác. Tuy nhiên, khi thực hiện các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử, Thẩm phán phải bảo đảm không có sự xung đột về lợi ích giữa vị trí công quyền của Thẩm phán với công việc và các hoạt động bên ngoài nhiệm vụ xét xử của mình. Ngoài ra, khi thực hiện các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử, Thẩm phán cũng phải đảm bảo các hoạt động đó không gây tổn hại cho việc thực thi công quyền của mình. Việc nghiên cứu, tham gia giảng dạy của Thẩm phán Việt Nam được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, Thẩm phán cũng phải có trách nhiệm bảo đảm các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử không chiếm dụng thời gian Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ xét xử của mình. Nếu Thẩm phán sử dụng thời gian làm việc hành chính để tham gia hoạt động giảng dạy, tham dự hội thảo, v.v thì Thẩm phán đó phải làm bù thời gian đã sử dụng để tham gia hoạt động bên ngoài.

Pháp luật một số nước cũng cho phép Thẩm phán thực hiện các hoạt động ngoài thực hiện nhiệm vụ xét xử. Ví dụ, Mỹ quy định Thẩm phán có thể tham gia các hoạt động ngoài công việc, bao gồm các hoạt động liên quan đến luật pháp và các hoạt động dân sự, từ thiện, giáo dục, tôn giáo, xã hội, tài chính, ủy thác và chính quyền và có thể phát biểu, viết bài, dạy học và giảng dạy về các chủ đề liên quan đến pháp luật và phi luật pháp. Tuy nhiên, Thẩm phán không nên tham gia vào các hoạt động ngoài Tòa án mà các hoạt động đó làm giảm phẩm giá của chức vụ Thẩm phán, can thiệp vào việc thực thi công vụ của Thẩm phán, phản ánh về sự thiên vị của Thẩm phán.

Israel quy định Thẩm phán sẽ không thực hiện hoặc tham gia hoạt động ngoài tư pháp – ngay cả khi hoạt động đó được cho phép do tính chất hoặc sự cho phép được cấp cho người đó – nếu hoạt động đó có thể làm giảm khả năng thực hiện đúng vai trò của một Thẩm phán, do thời gian dành cho hoạt động đó, thời gian mà hoạt động đó diễn ra, hoặc bất kỳ lý do nào khác. Một Thẩm phán có thể tham gia một lần trong một thời gian, trong các nỗ lực quan hệ công chúng bên ngoài Israel, về phần của Bang, hoặc một cơ quan chính thức hoặc cơ quan công cộng làm việc cho lợi ích của xã hội nói chung, với điều kiện là Thẩm phán đã nhận được sự cho phép của Chánh án Tòa án tối cao để làm như vậy. Thẩm phán có thể giảng bài, một lần trong một thời gian, trong khuôn khổ một tổ chức phi thương mại, không có giấy phép theo mục 11 của Luật cơ bản: Tòa án[7]. Khi làm như vậy, Thẩm phán sẽ hành động với mức độ thận trọng hợp lý mà địa vị của Thẩm phán đòi hỏi, trong khi duy trì cách tiếp cận cân bằng và tránh giọng điệu hoặc cách thể hiện ý kiến ​​về một vấn đề không phải là vấn đề thuần pháp lý và là chủ đề của cuộc tranh luận công khai. Một Thẩm phán có thể xuất bản các cuốn sách mà mình đã viết và các bài viết trong tạp chí chuyên ngành. Trong hoạt động của mình, Thẩm phán sẽ không thực hiện bất kỳ hành vi nào có thể là lạm dụng tư cách hoặc có thể gây tổn hại đến tư cách là một Thẩm phán.

Ví dụ, một Thẩm phán sẽ không tham gia vào việc kinh doanh hay quản lý tài chính của một tổ chức công cộng mà ông đang hoạt động và cũng không được nhận bất kỳ lợi ích nào từ tổ chức đó. Một Thẩm phán có thể, với sự chấp thuận của Chánh án Tòa án tối cao, trả lời miệng hoặc bằng văn bản cho các câu hỏi hoặc bảng câu hỏi được đưa ra trước Thẩm phán đó cho các mục đích nghiên cứu liên quan đến các chủ đề liên quan đến công việc tư pháp của mình.

 

[1] Điều 2- Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của hệ thống Tòa án nhân dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 2490/QĐ-TCCB ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

2 Điều 76 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: Trách nhiệm của Thẩm phán

Trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật. 

Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. 

Độc lập, vô tư, khách quan, bảo vệ công lý trong xét xử; chấp hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán, giữ gìn uy tín của Tòa án. 

Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật. 

Học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ Tòa án. 

Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các quyết định của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Thẩm phán trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì Tòa án nơi Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ xét xử có trách nhiệm bồi thường và Thẩm phán đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Tòa án theo quy định của luật.

Điều 77- Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định những điều Thẩm phán không được làm gồm có: 1. Những việc pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.

Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật. 

Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án. 

Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền. 

Tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định.

4Nguyên tắc Bangalore về đạo đức tư pháp 2002:

4.11.6 Một Thẩm phán và các thành viên của gia đình Thẩm phán, sẽ không bao giờ được đòi hỏi hay nhận bất cứ quà cáp, tài sản thừa kế theo di chúc, khoản tiền cho vay hay sự ưu đãi nào liên quan đến bất cứ thứ gì được thực hiện, hay sẽ được thực hiện hay bỏ qua không thực hiện bởi một thẩm phán có liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ tư pháp.

4.11.7 Một thẩm phán sẽ không được cố ý cho phép các cán bộ tòa án hay các đối tượng khác chịu sự ảnh hưởng, sự chỉ đạo, quyền lực của Thẩm phán, đòi hỏi, hay nhận bất cứ quà cáp, tài sản thừa kế theo di chúc, khoản tiền cho vay hay sự ưu đãi nào liên quan đến bất cứ thứ gì được thực hiện, hay sẽ được thực hiện hay bỏ qua không thực hiện bởi một thẩm phán có liên quan đến nhiệm vụ, chức năng của mình.

4.11.8. Tuân thủ theo pháp luật hay theo bất cứ một yêu cầu pháp lý nào về việc tiết lộ công khai, một thẩm phán có thể nhận một món quà kỷ niệm, phần thưởng hay lợi ích phù hợp với một sự kiện được tổ chức với điều kiện là món quà, phần thưởng, lợi ích đó không được hiểu là có cố ý tác động đến việc thực hiện các nhiệm vụ tư pháp của thẩm phán hay có xu hướng tạo cơ hội cho biểu hiện của sự thiên vị.

[5] Ví dụ, Bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ tư pháp Sinagpore quy định cán bộ Tòa án có thể nhận quà tặng từ chính phủ khác hoặc các tổ chức nước ngoài vì công việc mà mình thực hiện nếu Lãnh đạo chấp thuận. Tuy nhiên, giá trị của quà tặng đó dưới 50 đô la Sinagapore. Tuy nhiên, nếu quà tặng đó có giá trị lớn hơn 50 đô la thì Tòa án đó phảo thu xếp để cán bộ thẩm định của Bộ Tài chính định giá món quà. Sau khi định giá, cán bộ đó có thể được cho phép nhận quà tặng đó nếu người được tặng trả số tiền tương ứng giá trị cho Chính phủ. Đôi khi, cần thiết phải tặng lại quà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài khác, thì người tặng cần phải xin phép lãnh đạo để lấy quà tặng từ chi phí của Chính phủ.

[6] Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức (Ban hành kèm theo Quyết định 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ) quy định quà tặng bao gồm: 1. Tiền Việt Nam, tiền nước ngoài, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc và các giấy tờ có giá.

Hiện vật, hàng hóa, tài sản. 

Dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước và các loại dịch vụ khác. 

Quyền được mua tài sản, nhà , quyền sử dụng đất, quyền sử dụng thiết bị; các ưu đãi ngoài quy định của Nhà nước; việc sử dụng tài sản, nhà, đất đai, thiết bị của người khác mà không trả hoặc trả không đầy đủ chi phí cho việc sử dụng.

[7] Phần 6- Các hoạt động ngoài tư pháp- Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán Ixraen

ThS. BÙI THỊ NHÀN, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, TANDTC