Ủy ban Tư pháp đánh giá công tác giải quyết, xét xử các loại án đạt kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng so với năm trước
Ngày 26/10, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo công tác Tòa án tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với báo cáo của TANDTC.
Số vụ việc đã giải quyết tăng 44.243 vụ
Báo cáo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình về công tác của Tòa án được trình bày tại Quốc hội, cho biết, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, phải tạm dừng xét xử trong 1 tháng, nhưng các Tòa án đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,4%); so với năm 2019, số vụ việc đã giải quyết tăng 44.243 vụ.
Trước đó, trong báo cáo đầy đủ gửi đến Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định, các Tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc nhiều bị cáo vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Về thụ lý, xét xử các tội phạm tham nhũng, các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử 269 vụ với 645 bị cáo (so với năm 2019, thụ lý giảm 37 vụ và tăng 23 bị cáo, xét xử giảm 10 vụ và tăng 31 bị cáo).
Trong số 645 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân và tử hình đối với 8 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 44 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 86 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 131 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống đối với 363 bị cáo, còn lại là các hình phạt khác. Đã phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm .
Liên quan đến băng nhóm xã hội đen, các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 89 vụ với 554 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 83 vụ với 521 bị cáo. Trong số 465 bị cáo phạm các tội liên quan đến băng nhóm xã hội đen đã xét xử, các Tòa án đã tuyên phạt tù có thời hạn đối với 434 bị cáo (trong đó, tù từ 15 năm đến 20 năm đối với 6 bị cáo, tù từ 7 năm đến 15 năm đối với 49 bị cáo), còn lại là các hình phạt khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra – Ảnh: Qh.vn
Chánh án TANDTC nhận định, các băng nhóm xã hội đen hoạt động với phương thức tinh vi, thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp để phạm tội, nhất là liên quan lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động tín dụng đen, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản; lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây mất trật tự an toàn xã hội.
TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm khách quan, thận trọng, công tâm, đúng pháp luật, vi phạm đến đâu thì xử lý nghiêm đến đó, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; kịp thời xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hình phạt áp dụng với loại tội phạm này bảo đảm nghiêm khắc, đủ sức răn đe, đúng bản chất của hành vi phạm tội; đồng thời, xử lý nghiêm, kiên quyết, công khai các hành vi bao che, tiếp tay của những người có thẩm quyền để cho băng nhóm xã hội đen ngang nhiên hoạt động vi phạm pháp luật
Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và các TAND cấp cao phải giải quyết là 16.205 đơn/vụ; đã giải quyết được 9.188 đơn/vụ; đạt 56,7%.
Trong tổng số 9.188 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 8.708 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 94,8%; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 480 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 5,2%.
Đã đáp ứng các yêu cầu, chỉ tiêu cơ bản mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra
Khái quát kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về công tác của các Toà án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, về cơ bản, công tác của các Tòa án trong năm qua đã đáp ứng các yêu cầu, chỉ tiêu cơ bản mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Cụ thể là tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc vượt chỉ tiêu, yêu cầu; chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Tỷ lệ hòa giải thành tiếp tục được duy trì ở mức cao (51,06%).
Chánh án cũng đánh giá trong năm qua còn có hạn chế, thiếu sót là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Số lượng biên chế thiếu nhiều so với tình hình gia tăng, diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm và nhiệm vụ, thẩm quyền của các Tòa án.
Các đại biểu nghe báo cáo của Chánh án TANDTC – Ảnh: Qh.vn
Các hạn chế, thiếu sót nêu trên là do số lượng các loại vụ việc mà các Toà án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp trong khi đó số lượng cán bộ, Thẩm phán của một số Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Số lượng biên chế thiếu nhiều so với tình hình gia tăng, diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm và nhiệm vụ, thẩm quyền của các Tòa án. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ, Thẩm phán giữa các Tòa án (nhất là điều chuyển về miền núi, vùng sâu, vùng xa) còn gặp khó khăn…
Bên cạnh đó, một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, chưa làm hết trách nhiệm trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện uỷ thác tư pháp.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tòa án trong thời gian tới là nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc bảo đảm nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; làm tốt công tác hòa giải, đối thoại các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có chất lượng và tỷ lệ cao.
Đồng thời, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, Tòa án các cấp nhất là các chức danh tư pháp trong sạch, vững mạnh; đổi mới công tác đào tạo, đề cao kỷ cương, kỷ luật, tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, thực chất, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các tòa án sau đại hội đảng các cấp.
Chánh án TANDTC kiến nghị Quốc hội quan tâm bảo đảm kinh phí để thực hiện cải tạo mở rộng trụ sở và trang bị nội thất phòng xét xử của các tòa án theo yêu cầu mới của pháp luật tố tụng; Đề nghị ủy ban nhân dân các cấp tăng cường phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ, cung cấp tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính; tích cực phối hợp với tòa án nhằm giúp giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật các vụ án hành chính.
Cơ bản tán thành với đánh giá của TANDTC
Trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án TANDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của TANDTC về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2020, công tác giải quyết, xét xử các loại án đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2019.
Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, tỷ lệ giải quyết án đạt 97,8%, vượt 9,8% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Trong công tác giải quyết các vụ, việc dân sự, tỷ lệ giải quyết vượt 11,02% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội, đặc biệt, tỷ lệ giải quyết việc dân sự vượt 19%, tỷ lệ giải quyết vụ việc lao động vượt 15,2%. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội; giảm 56,4% các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
Trong công tác giải quyết án hành chính, số lượng các vụ án đã giải quyết vượt 8,8% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội; không có vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; đã ra quyết định buộc thi hành án đối với 124 trường hợp (trong khi, từ năm 2014 đến 2017, các TAND chỉ ra quyết định buộc thi hành án đối với 22 trường hợp).
Tuy nhiên, các TAND vẫn còn có những vi phạm dẫn tới Viện kiểm sát nhân dân phải ban hành 657 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; 1.628 kiến nghị trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; 81 kiến nghị trong quá trình giải quyết án hành chính. Tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Chánh án trình bày báo cáo trước Quốc hội – Ảnh: Gia Hân
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận