Vấn đề tương tác trong sử dụng phần mềm Trợ lý ảo Tòa án - Bất cập và kiến nghị
Phần mềm Trợ lý ảo được xây dựng, có tác dụng ngày càng tích cực, nhưng đòi hỏi người dùng có đóng góp tích cực, chất lượng và cả về số lượng tương tác. Đây là vấn đề đang quan tâm hiện nay.
1.Trợ lý ảo đã phát huy tác dụng một cách tích cực
Ngày 15/3/2022, TANDTC ban hành Kế hoạch số 49/KH-TANDTC về việc Triển khai áp dụng phần mềm Trợ lý ảo cho Thẩm phán.
Trợ lý ảo là sản phẩm do Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel CyberSpace) phát triển, dùng trong ngành Tòa án để hỗ trợ các thẩm phán. Đây là một trong những bước phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ nói chung và TAND nói riêng để mỗi cán bộ công chức có một "trợ lý riêng" bằng giải pháp công nghệ. Dữ liệu phát triển trợ lý ảo với hơn 160.000 văn bản pháp luật và hơn 1 triệu bản án, trong đó có hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80.000 bản án phúc thẩm do TANDTC cung cấp. Nó có thể giới thiệu luật, pháp lệnh, thông tư, nghị định chính xác đến từng điều, khoản của văn bản pháp quy và thời điểm có hiệu lực, điều này phù hợp với nhu cầu đặc thù của các Thẩm phán.
Trải qua hơn hai năm sử dụng, phần mềm trợ lý ảo đã phát huy tác dụng một cách tích cực. Các Thẩm phán có thể tiết kiệm nhiều thời gian làm việc, có thể tương tác và tham khảo ý kiến chuyên môn từ các đồng nghiệp trên cả nước. Trợ lý ảo cũng có vai trò như là một người thư ký làm việc thường xuyên, gắn bó với các Thẩm phán 24/7, đưa ra các chỉ dẫn áp dụng pháp luật, các tình huống pháp lý phát sinh, giúp tra cứu nhanh hơn các vấn đề pháp lý phát sinh khi giải quyết các vụ án và thậm chí thời gian gần đây đã thay thế nhu cầu tra cứu tài liệu giấy, giúp tiết kiệm nhiều thời gian hơn nữa.
Trợ lý ảo còn có thể mã hóa bản án để công khai trên cổng thông tin điện tử của TANDTC giúp các Thẩm phán tiết kiệm thời gian, công sức so với trước đây phải mã hóa thủ công.
Trợ lý ảo cũng có thể giúp các Thẩm phán theo dõi và quản lý công việc, hỗ trợ lập kế hoạch giải quyết án, tạo lập và quản lý hồ sơ án điện tử, số hóa, sắp xếp hồ sơ theo từng loại tài liệu vụ án để thuận tiện nghiên cứu; hỗ trợ quản lý công việc, đưa ra các cảnh báo, thông báo, nhắc việc, phân tích dữ liệu, xác minh thông tin và phát hiện các sai sót trong các bản án, quyết định cần ban hành, phát hiện các yêu cầu tố tụng bị bỏ sót, các lỗi trích dẫn điều luật, sửa lỗi kỹ thuật của bản án…
Trong bài viết này, với tư cách là một Thẩm phán cũng thường xuyên dùng và qua đó đã nhận thấy một số vấn đề bất cập phát sinh khi sử dụng phần mềm trợ lý ảo Tòa án và đưa ra những ý kiến đóng góp để cùng các đồng nghiệp trong cả nước tích cực hơn nữa trong việc đóng góp xây dựng phần mềm cũng như loại bỏ những yếu tố không tích cực, không có lợi cho việc xây dựng hệ thống phần mềm trợ lý ảo.
2. Một số bất cập khi sử dụng phần mềm Trợ lý ảo Tòa án
2.1.Nhiều Tòa án chưa thực sự quan tâm, chú trọng thực hiện
Trên thực tế thì cả nước hiện nay ngoài TANDTC, các TANDCC tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, TAQS các cấp thì còn có 63 Tòa án cấp tỉnh thành phố và 705 Tòa án cấp huyện. Ở Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện với số lượng cán bộ công chức là Thẩm phán tương đối nhiều và là thành phần chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, giải quyết, xét xử các vụ án và cũng là thành phần chủ yếu sử dụng, tương tác phần mềm trợ lý ảo Tòa án. Theo thống kê hiện trạng sử dụng trên https://trolyao.toaan.gov.vn cho thấy có một bộ phận Thẩm phán rất tích cực tương tác, sử dụng phần mềm. Nhưng cũng có một số Tòa án chưa thật sự quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo các Thẩm phán thực hiện tương tác phần mềm trợ lý ảo Tòa án.
Lấy ví dụ như tại thời điểm tác giả viết nội dung này có thể vào thống kê hiện trạng sử dụng tại đơn vị là ngày thứ 10 của tháng mà theo biểu đồ chỉ có 20 lượt sử dụng nhưng đã xếp vị trí thứ 343/772 Tòa án. Có Thẩm phán chỉ có 05 lượt sử dụng đã xếp vị trí thứ 1313/khoảng 17.000 Thẩm phán trong toàn hệ thống Tòa án. Điều đó chứng tỏ có rất nhiều đơn vị hoặc nhiều Thẩm phán của những đơn vị đó không hoặc chưa bao giờ tương tác sử dụng đến phần mềm trợ lý ảo Tòa án.
2.2. Việc đóng góp tình huống pháp lý và trao đổi chuyên môn nghiệp vụ
Theo tác giả tìm hiểu và xác định được việc để một trợ lý ảo ngày càng thông minh lên thì cần các yếu tố: Khả năng nhận diện giọng nói, khả năng xử lý ngôn ngữ, khả năng tìm kiếm thông tin, khả năng học hỏi người dùng và khả năng kết nối thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Đối với trợ lý ảo Tòa án chỉ cần ba yếu tố là: khả năng tìm kiếm thông tin, khả năng học hỏi người dùng, khả năng kết nối thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trong giai đoạn đầu khi xây dựng và phát triển cũng đã đủ cho các Thẩm phán sử dụng phần mềm này như một công cụ đắc lực. Do đó, để cho trợ lý ảo có thể học hỏi người dùng thì trước tiên người dùng cần phải cung cấp nhiều thông tin hữu ích, có chất lượng. Cụ thể là phải dựa trên sự đóng góp tình huống pháp lý có chất lượng của các Thẩm phán. Tuy nhiên, qua sử dụng phần mềm tác giả thấy rằng việc này hiện đã và đang có nhiều vấn đề cần phải lưu tâm chấn chỉnh.
2.2.1.Về đóng góp tình huống pháp lý
Qua tương tác phần mềm trợ lý ảo, tác giả thấy rằng có rất nhiều Thẩm phán đã đóng góp rất nhiều tình huống pháp lý rất hay, thường xảy ra trên thực tế khi giải quyết công việc hàng ngày, có tính vùng miền. Nhiều tình huống mà tại đơn vị là một Tòa án ở vùng sâu, vùng xa chưa xảy ra bao giờ nhưng qua tìm hiểu các tình huống pháp lý đó thì Thẩm phán cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, bài học cho bản thân và hoạch định được đường lối, kế hoạch giải quyết đối với loại án đó mà mình chưa bao giờ gặp phải và đang tìm hướng giải quyết. Qua tương tác cũng thấy được phần mềm trợ lý ảo Tòa án cũng đã chỉ dẫn ra rất nhiều bản án quyết định và những điều luật có liên quan đến nội dung vụ việc mà Thẩm phán cần tìm hiểu để giải quyết khi được phân công.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có những tình huống pháp lý được nhiều Thẩm phán đặt ra nhưng chỉ dựa vào sự hiểu biết về pháp luật đơn thuần, chỉ cần đọc điều luật cũng có thể trả lời được cho các câu hỏi đó. Tác giả cho rằng việc đóng góp những tình huống này là không thiết thực, chạy theo thành tích cá nhân, không quan tâm đến việc đóng góp xây dựng phần mềm.
2.2.2.Về trao đổi chuyên môn nghiệp vụ
Tương tự như việc đóng góp tình huống pháp lý, có rất nhiều Thẩm phán đã đặt ra những câu hỏi để trao đổi chuyên môn nghiệp vụ cùng với các đồng nghiệp trên toàn quốc. Bản thân cũng là tác giả của bài viết này cũng thường xuyên đặt ra những câu hỏi về các tình huống pháp lý phát sinh khi giải quyết các vụ việc được giao. Đã học hỏi được rất nhiều từ các đồng nghiệp trên toàn quốc. Có nhiều vấn đề đơn giản nhưng mình nghĩ nó quá phức tạp và có nhiều vấn đề phức tạp nhưng cách thức giải quyết của các đồng nghiệp trong nước cho mình thấy rất đơn giản. Điều đó đã tạo niềm tin hơn cho mỗi Thẩm phán khi ngày càng tích cực hơn nữa để đóng góp ý kiến trao đổi giúp cho phần mềm trợ lý ảo ngày một thông minh hơn và giúp cho Thẩm phán giải quyết các vụ, việc được giao nhanh hơn.
Bên cạnh đó, qua truy cập và quan sát tác giả thấy có rất nhiều Thẩm phán đã không tích cực thực hiện việc tương tác trả lời câu hỏi của các đồng nghiệp trên Toàn quốc trên phần mềm. Nhiều câu hỏi của nhiều Thẩm phán cũng không mang tính đóng góp, quá đơn giản để đưa ra câu trả lời. Rất nhiều Thẩm phán tham gia đóng góp câu trả lời cho cho các câu hỏi trao đổi trên diễn đàn theo tác giả quan sát có đến khoảng 90% trả lời cho các câu hỏi bằng các từ, cụm từ, dấu câu đó là: “qt”; “có”, “không”, “Được”, “không được”, “quan tâm”... Rõ ràng nhưng cụm đó hoàn toàn vô nghĩa. Bởi là đã Thẩm phán, có kiến thức chuyên môn, trước khi trao đổi, đóng góp thì cần phải trích dẫn Luật và các lập luận để đóng góp câu trả lời cho có chất lượng để góp phần làm cho phần mềm trợ lý ảo Tòa án ngày càng học hỏi được từ người dùng các thông tin chính xác, chất lượng để có thể thông minh hơn nữa.
2.2.3.Ít Thẩm phán thực sự quan tâm
Qua các nội dung tác giả đã chỉ ra ở trên chúng ta thấy được chỉ có một bộ phận Thẩm phán với số lượng rất ít đã thực sự có tâm huyết và có nhu cầu tham gia tương tác, đóng góp để góp phần xây dựng phần mềm trợ lý ảo Tòa án ngày càng hoàn thiện góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tòa án điện tử và chuyển đổi số quốc gia. Nhưng bên cạnh đó thì có rất nhiều Thẩm phán cũng đã rất tích cực tương tác nhưng chỉ để lấy lượt tương tác làm đẹp thống kê về số lượng tương tác sử dụng phần mềm góp phần làm đẹp báo cáo thành tích bản thân mà không quan tâm mình đã làm gì cho hệ thống ngày càng xử lý thông tin mượt mà, thông minh hơn.
Lấy ví dụ như khi tương tác tác giả nhận thấy có cũng có nhiều Thẩm phán đưa ra một câu hỏi đơn giản để đồng nghiệp trên toàn quốc tương tác, đóng góp ý kiến nhưng sau đó thì chính Thẩm phán đó đã đưa ra hàng chục bình luận kiểu dùng các cụm từ “Qt”; “Có”, “Không”, “Được”, “Không được”, “Quan tâm”, “.”, “…” đã nêu trên cho chính câu hỏi của mình hoặc dùng những cụm từ này để trả lời cho các câu hỏi của đồng nghiệp khác làm cho lượt tương tác của Thẩm phán đó rất cao nhưng thực sự thì không có nội dung gì và hoàn toàn vô nghĩa nhưng theo thống kê thì chỉ trong vài ngày đầu tháng mà một Thẩm phán đã có vài nghìn lượt tương tác được xếp thứ hạng rất cao trên bảng xếp hạng thống kê hiện trạng sử dụng. Điều đó thật không dễ dàng đối với một Thẩm phán có nghiên cứu, chú tâm đóng góp những câu trả lời hoàn chỉnh, có chất lượng. Tác giả cũng đã dành ra 01 ngày để nghiên cứu các vấn đề pháp lý, tương tác một cách nghiêm túc thì cũng không thể đạt được số lượng lượt tương tác như kỳ vọng nếu như không sử dụng kiểu tương tác bình luận sử dụng các cụm từ đã đề cập ở trên, vì khi mình quan tâm một vấn đề thì phải tìm hiểu kỹ trước khi có ý kiến đóng góp.
3. Kiến nghị
Từ những vấn đề bất cập đặt ra trong bài viết này, tác giả cho rằng để phần mềm trợ lý ảo được xây dựng, có tác dụng ngày càng tích cực thì chủ yếu phải phụ thuộc vào người dùng có đóng góp tích cực, chất lượng và cả về số lượng. Do đó, tác giả có một số kiến nghị để phần mềm trợ lý ảo Tòa án ngày càng thông minh và trở thành công cụ đắc lực cho các Thẩm phán khi thực thi nhiệm vụ.
Đó là các cấp Tòa án cần chú trọng hơn trong việc chỉ đạo các Thẩm phán trong các đơn vị, các cấp Tòa án tích cực hơn nữa trong việc tương tác, đóng góp tình huống pháp lý và sử dụng triệt để các ứng dụng nhỏ trong phần mềm này để đẩy nhanh tốc độ học hỏi, tiếp cận thông tin từ phần mềm trợ lý ảo.
Các quản trị viên quản lý phần mềm trợ lý ảo cần có giải pháp loại bỏ, thanh lọc những đóng góp vô nghĩa khi tương tác trong phần mềm trợ lý ảo. Chỉ giữ lại những đóng góp mang tính xây dựng, có hàm lượng tư duy, khoa học phù hợp với các quy định của pháp luật.
TANDTC quan tâm động viên, khen thưởng những cá nhân đơn vị có nhiều thành tích và đóng góp nổi bật, có tính khoa học, tư duy. Cần kiểm tra và kiểm điểm những cán bộ, Thẩm phán vì chạy theo thành tích mà có những tương tác rất ít giá trị, thậm chí vô nghĩa, có thể tốn thời gian công sức nhưng không có tác dụng gì trong việc xây dựng ứng dụng phần mềm trợ lý ảo Tòa án.
Thẩm phán TAND tỉnh Yên Bái sử dụng phần mềm trợ lý ảo- Ảnh: Thủy Thanh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận