Về các biện pháp của Nhà nước bảo vệ Thẩm phán tại Liên Bang Nga
Nguyên tắc độc lập xét xử là nguyên tắc phổ biến trong Luật pháp quốc tế. Để thực hiện nguyên tắc đó, Thẩm phán được bảo vệ và trang bị nhằm thực thi công vụ hiệu quả nhất. Trong phạm vi bài viết này, tác giả giới thiệu về các biện pháp của Nhà nước bảo vệ Thẩm phán theo luật pháp Liên Bang Nga.
Đại biểu TANDTC Việt Nam hội đàm với đại biểu TATC Liên bang Nga năm 2016 – ảnh minh họa
Độc lập trong xét xử là một trong những nguyên tắc tiên quyết của Thẩm phán- người nhân danh Nhà nước và chỉ dựa trên pháp luật để phân định đúng sai trong các vụ việc, tranh chấp lao động, kinh tế, dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình; phân định tội danh và hình phạt trong các vụ án hình sự. Với đặc thù nghề nghiệp như vậy, việc đặt ra các quy chuẩn để đảm bảo tính độc lập trong xét xử của Thẩm phán là một vấn đề quan trọng cần được các nhà làm luật xem xét kĩ lưỡng.
Theo Luật liên bang số 45-FZ ngày 20 tháng 4 năm 1995 “Về các biện pháp của Nhà nước bảo vệ Thẩm phán, những người thi hành pháp luật và thực hiện chức năng giám sát”, Nhà nước Liên bang Nga cung cấp cho Thẩm phán các biện pháp bảo vệ sau:
Các biện pháp an ninh nhằm bảo vệ tính mạng và sức khoẻ, cũng như đảm bảo sự an toàn cho tài sản của họ;
Các biện pháp bảo vệ mang tính pháp lý, bao gồm trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm hại tới đời sống, sức khoẻ và tài sản của Thẩm phán;
Các biện pháp bảo trợ xã hội nhằm thực hiện quyền bồi thường vật chất trong trường hợp tử vong, thiệt hại sức khỏe, thiệt hại tài sản khi thi hành công vụ.
Trách nhiệm giám sát việc thực hiện các biện pháp trên thuộc về Viện trưởng Viện Công tố Liên bang Nga và các công tố viên trực thuộc.
1. Các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản
Để đảm bảo bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của Thẩm phán cũng như bảo vệ tài sản của họ, các cơ quan an ninh có thể áp dụng các biện pháp an toàn sau đây:
Bảo vệ cá nhân, bảo vệ nhà ở và tài sản;
Cung cấp vũ khí, các thiết bị đặc biệt bảo hộ cá nhân và cảnh báo nguy hiểm;
Tạm thời di chuyển tới nơi an toàn;
Đảm bảo bí mật thông tin về người được bảo vệ;
Thay đổi công việc, thay đổi nơi làm việc (cơ quan) hoặc nơi học tập;
Thay đổi nơi cư trú;
Thay đổi dữ liệu cá nhân, thay đổi diện mạo.
Những biện pháp này được áp dụng đối với cá nhân thẩm phán cũng như các thành viên trong gia đình họ.
Bảo vệ cá nhân, nhà ở và tài sản
Dựa trên các dữ liệu cho thấy xuất hiện mối đe dọa đối với cuộc sống, sức khỏe và tài sản của người được bảo vệ, với sự đồng ý của họ, các đơn vị an ninh thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, bảo vệ nhà cửa và tài sản của họ.
Trong trường hợp cần thiết, nhà ở và tài sản của người được bảo vệ có thể được trang bị báo cháy, chống trộm, số điện thoại và đăng ký nhà nước của phương tiện giao thông mà họ sử dụng (biển số xe) có thể được thay đổi.
Cung cấp vũ khí, các thiết bị đặc biệt để bảo vệ cá nhân và cảnh báo nguy hiểm
Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của mối đe dọa, các cơ quan an ninh có thể cung cấp vũ khí (bao gồm cả vũ khí phục vụ và vũ khí chiến đấu), cung cấp các thiết bị bảo hộ cá nhân đặc biệt và thiết bị cảnh báo nguy hiểm.
Thủ tục cung cấp vũ khí cho người được bảo vệ, trừ người có quyền sở hữu vũ khí phù hợp với vị trí chính thức của mình, được quy định bởi Chính phủ Liên Bang Nga.
Việc sử dụng vũ khí của người được bảo vệ phải tuân thủ các yêu cầu của Điều 24 của Luật Liên bang “Về vũ khí”.
Tạm thời di chuyển tới nơi an toàn
Nếu cần thiết, những người được bảo vệ đã đủ tuổi vị thành niên, với được sự đồng ý của họ, hoặc trẻ vị thành niên – với sự đồng ý của cha mẹ có thể được di chuyển tới một địa điểm đảm bảo an toàn .
Bảo đảm bí mật thông tin về người được bảo vệ
Theo Luật Liên bang số 152-FZ ngày 27 tháng 7 năm 2006 “Về Dữ liệu Cá nhân”, dữ liệu cá nhân là thông tin bất kỳ liên quan đến, trực tiếp hoặc gián tiếp xác định cá nhân hoặc mang tính chất cá nhân.
Theo quyết định của cơ quan an ninh, có thể áp đặt một lệnh cấm tạm thời về việc phát hành, công khai dữ liệu cá nhân của người được bảo vệ, ngoại trừ trường hợp thông tin đó được làm rõ trong trình tự đã được quy định liên quan đến thủ tục tố tụng trong vụ án hình sự.
Đối với các Thẩm phán, việc bảo mật thông tin được thực hiện đồng thời ngay tại thời điểm được bổ nhiệm.
Thủ tục thực hiện các biện pháp an ninh dưới hình thức đảm bảo bí mật thông tin về người được bảo vệ được Chính phủ Liên bang Nga thiết lập.
Thay đổi công việc, thay đổi nơi làm việc hoặc nơi học tập, thay đổi nơi cư trú
Theo yêu cầu hoặc với sự đồng ý của Thẩm phán, họ có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn điều chuyển sang một công việc (cơ quan) khác hoặc thay đổi nơi học tập, nghiên cứu; ngoài ra có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn thay đổi nơi cư trú theo quy định của Chính phủ.
Thay đổi dữ liệu cá nhân, thay đổi diện mạo
Trong trường hợp ngoại lệ, khi không thể đảm bảo an toàn cho Thẩm phán bằng các biện pháp khác, theo yêu cầu hoặc với sự đồng ý của Thẩm phán, có thể cung cấp các giấy tờ chứng minh nhân thân và các giấy tờ tùy thân khác với dữ liệu cá nhân đã được thay đổi, hoặc thay đổi diện mạo.
2. Các biện pháp bảo vệ mang tính pháp lý, bao gồm trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm hại tới đời sống, sức khoẻ và tài sản.
Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp nói chung và xâm hại đời sống, sức khỏe, tài sản của thẩm phán nói riêng được quy định rõ ràng trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga:
Điều 295. Xâm hại tính mạng
Xâm hại tính mạng (giết người hoặc giết người không thành) đối với Thẩm phán, Hội thẩm, hoặc bất kỳ người nào liên quan đến hoạt động tư pháp,…, cũng như thân nhân của họ, liên quan đến việc xem xét các vụ án hoặc tài liệu tại tòa án hoặc hoạt động điều tra, với mục đích cản trở hoạt động hợp pháp của người đó hoặc trả thù cho hoạt động đó, sẽ bị phạt tù có thời hạn 12 tới 20 năm với sự quản chế cho đến hai năm hoặc tù chung thân hoặc tử hình.
Điều 296. Đe dọa hoặc có hành vi bạo lực liên quan đến hoạt động tư pháp hoặc hoạt động điều tra sơ bộ
Đe dọa giết hoặc gây thương tích, phá hoại hoặc làm hư hỏng tài sản liên quan đến Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn hoặc người khác tham gia công tác xét xử cũng như thân nhân của họ liên quan đến việc xem xét các vụ án hoặc tài liệu tại tòa án, sẽ bị phạt một trăm nghìn đến ba trăm nghìn rúp hoặc bằng tiền lương hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù đến ba năm.
Các hành vi nêu trên, phạm tội có sử dụng bạo lực, không gây nguy hiểm cho tính mạng hoặc sức khoẻ, bị phạt lao động cưỡng bức trong khoảng thời gian không quá 5 năm hoặc bị phạt tù với thời gian tương đương.
Các hành vi nêu trên, phạm tội có sử dụng bạo lực, gây nguy hiểm cho tính mạng hoặc sức khoẻ, bị phạt lao động cưỡng bức trong khoảng thời gian 5 năm hoặc phạt tù từ năm đến mười năm.
Điều 297. Không tôn trọng tòa án
Không tôn trọng Tòa án, được biểu hiện bằng sự xúc phạm đến những người tham gia phiên tòa, có thể bị phạt tám mươi ngàn rúp hoặc bằng tiền lương hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian tối đa là sáu tháng, hoặc phạt lao động bắt buộc tối đa bốn trăm tám mươi giờ, hoặc bị bắt giữ tối đa bốn tháng.
Không tôn trọng tòa án, được biểu hiện bằng việc sỉ nhục đối với Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn hoặc người khác tham gia vào hoạt động tư pháp, có thể bị phạt hai trăm nghìn rúp hoặc bằng tiền lương hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian đến mười tám tháng, hoặc phạt lao động bắt buộc trong thời gian tối đa là bốn trăm tám mươi giờ hoặc lao động cải tạo lên đến hai năm hoặc bị bắt giữ tối đa sáu tháng
Điều 298.1. Vu khống chống lại Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn, Công tố viên, Điều tra viên, người bảo vệ phiên tòa
Vu khống Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn hoặc người khác tham gia vào hoạt động tư pháp liên quan đến việc xem xét các vụ án hoặc tài liệu tại tòa án thì có thể bị phạt 2 triệu rúp hoặc bằng tiền lương hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian không quá ba năm hoặc lao động bắt buộc đến ba trăm sáu mươi giờ.
Các hành vi trên, thực hiện bởi việc phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng,-
sẽ bị phạt đến 5 triệu rúp hoặc bằng tiền lương hoặc các khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian không quá ba năm, hoặc lao động bắt buộc đến bốn trăm tám mươi giờ.
3. Bồi thường vật chất trong trường hợp tử vong hoặc thiệt hại về sức khỏe, thiệt hại về tài sản
Bồi thường thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe
Tính mạng và sức khỏe của Thẩm phán được bảo hiểm bắt buộc với giá trị gấp 180 lần so với mức lương hàng tháng của thẩm phán (bao gồm lương cơ bản và phụ cấp). Số tiền bảo hiểm được trích từ Ngân sách Liên bang.
Cơ quan bảo hiểm nhà nước chi trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
Tử vong ( trong thời gian đương nhiệm hoặc sau khi bị sa thải, thu hồi hoặc loại bỏ các chức danh), nếu nó xảy ra như là hậu quả của chấn thương hoặc thiệt hại khác cho sức khỏe của họ liên quan đến thi hành công vụ, bồi thường cho người thừa kế của họ số tiền tương đương 180 lần mức lương hàng tháng.
Khi xảy ra thiệt hại khác đối với sức khoẻ của họ, ảnh hưởng tới việc tiếp tục công tác chuyên môn, mức bồi thường tương đương 36 lần mức lương hàng tháng của người có sức khoẻ bị tổn hại;
Thiệt hại về sức khỏe, không dẫn đến khuyết tật, không ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục công tác, mức bồi thường tương đương với 12 lần mức lương hàng tháng của người có sức khoẻ bị tổn hại.
Trong trường hợp tử vong hoặc xảy ra thiệt hại khác đối với sức khoẻ của Thẩm phán, ảnh hưởng tới việc tiếp tục công tác chuyên môn , Nhà nước bồi thường hàng tháng theo quy định của pháp luật ( không tính đến số tiền thanh toán nhận được theo bảo hiểm nhà nước).
Trong trường hợp phát sinh đồng thời nhiều cơ sở bồi thưởng, chỉ tiến hành bồi thường theo một cơ sở theo sự lựa chọn của người nhận.
Bồi thường thiệt hại về tài sản
Hư hại hoặc mất mát tài sản thuộc về Thẩm phán (hoặc các thành viên trong gia đình) khi thi hành công vụ được hoàn trả đầy đủ cho họ hoặc các thành viên trong gia đình, kể cả lợi nhuận bị mất.
Việc từ chối thanh toán tiền bảo hiểm, bồi thường trong các trường hợp trên chỉ áp dụng trên cơ sở có bản án, quyết định của Toà án xác định thương tích, hoặc thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản đó không liên quan đến việc thi hành công vụ của người này.
Nguồn:
“Bộ luật Hình sự Liên bang Nga” số 63-FZ ban hành ngày 13.06.1996 ( sửa đổi ngày 31 tháng 12 năm 2017);
Luật liên bang “Về các biện pháp của Nhà nước bảo vệ thẩm phán, những người thi hành pháp luật và thực hiện chức năng giám sát” số 45-FZ ban hành ngày 20 tháng 4 năm 1995.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận