Về thẩm quyền xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của TAND và TAQS

Xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của TAND, TAQS được quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự cho thấy việc tách, nhập vụ án để xác định thẩm quyền tố tụng trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội còn nhiều vướng mắc, dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất.

Theo Điều 273 BLTTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND thì trường hợp có thể tách vụ án thì TAQS xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS; TAND xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND; trường hợp không thể tách vụ án thì TAQS xét xử toàn bộ vụ án.

Trong khi đó, thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra (CQĐT) được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án. Thực tiễn trong giai đoạn điều tra, truy tố, việc xác định các căn cứ để tách, nhập vụ án rất khó khăn, nhiều nơi còn áp dụng chưa thống nhất, gây khó khăn cho quá trình tố tụng.

1. Một số vướng mắc, bất cập

- Khi vụ án được CQĐT của quân đội giải quyết mà phát hiện người không phải là quân nhân thực hiện hành vi phạm tội:

Trong quá trình điều tra vụ án hình sự vừa có bị can là quân nhân, vừa có bị can không phải là quân nhân, CQĐT trong Quân đội phát hiện có bị can không phải là quân nhân và nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội cùng tội danh mà CQĐT trong Quân đội đang giải quyết, khi đó việc xác định thẩm quyền đối với hành vi phạm tội của bị can không phải là quân nhân còn nhiều quan điểm khác nhau.

Ví dụ: Khoảng 23 giờ ngày 07/5/2022, tại quán A tại xã P, huyện B, tỉnh Y, Công an huyện B đã bắt quả tang các đối tượng: Đinh Văn T và X, M, N có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trong số các đối tượng trên, có Đinh Văn T là quân nhân, T là người đứng ra nhờ X mua 02 gói ma túy loại Ketamin với giá 2,4 triệu đồng, sau khi X mua ma túy thì X và T nhắn tin hẹn M và N đến quán A để nhậu và sử dụng ma túy. Các đối tượng trên bị Công an huyện B bắt quả tang khi đang sử dụng trái phép chất ma túy. Vụ án được CQĐT trong Quân đội thụ lý giải quyết.

Quá trình điều tra phát hiện trong điện thoại của N còn có nhiều video clip ghi lại việc N tổ chức sử dụng ma túy với các đối tượng khác, qua đấu tranh khai thác xác định ngày 22/4/2022, các đối tượng N, M, D, C đã có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại nhà trọ của N thuộc thị xã G, tỉnh Y. Xét thấy không thuộc thẩm quyền của CQĐT trong Quân đội, vì vậy CQĐT trong Quân đội đã chuyển tin báo về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngày 22/4/2022 của các đối tượng N, M, D, C cho Công an thị xã G giải quyết.

Việc chuyển tin báo về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy của các đối tượng N, M, D, C xảy ra ngày 22/4/2022 cho Công an thị xã G như trên có 02 quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc chuyển tin báo trên của CQĐT trong Quân đội cho Công an thị xã G là đúng quy định vì các đối tượng N, M, D, C không phải là quân nhân, vì vậy không thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS và vụ việc này xảy ra độc lập với vụ việc mà CQĐT trong Quân đội đang giải quyết nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an thị xã G.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của nhóm tác giả cho rằng, việc chuyển tin báo trên cho Công an thị xã G là không đúng quy định. Mặc dù, các đối tượng N, M, D, C không phải là quân nhân, nhưng hai đối tượng là N, M đang là các bị can trong vụ án cùng tội danh tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mà CQĐT trong Quân đội đang giải quyết. Việc điều tra hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra vào ngày 22/4/2022 của các đối tượng trên ảnh hưởng đến việc xác định tình tiết định khung đối với N, M.

Trong ví dụ trên, cả hai hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra vào ngày 22/4/2022 và ngày 07/5/2022 đều thuộc điểm b khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015 (phạm tội đối với 02 người trở lên). Nếu tách ra giải quyết thành 02 vụ án như quan điểm thứ nhất sẽ dẫn đến M và N chịu 02 bản án về cùng một Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với tình tiết định khung là “phạm tội đối với 02 người trở lên” và tổng hợp hình phạt của 02 bản án thuộc điểm b khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015 sẽ nặng hơn nhiều so với 01 bản án với thuộc điểm a, b (phạm tội 02 lần trở lên, phạm tội đối với 02 người trở lên) khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải gánh chịu.

Nếu hành vi được phát hiện sau khi khởi tố không phải là hành vi tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy mà là hành vi khác, tức là khác tội danh với tội danh mà CQĐT trong Quân đội đang giải quyết, thì khi đó việc tách vụ án mới đúng thẩm quyền, không ảnh hưởng hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải gánh chịu đối với mỗi tội danh.

- Trường hợp CQĐT của Công an nhân dân phát hiện quân nhân thực hiện hành vi phạm tội:

Quá trình điều tra vụ án hình sự, CQĐT của Công an nhân dân phát hiện có bị can là quân nhân thực hiện hành vi phạm tội cùng với bị can không phải là quân nhân, việc xác định Tòa án quân sự chỉ có thẩm quyền xét xử đối với hành vi phạm tội của quân nhân hay có thẩm quyền xét xử toàn bộ vụ án cũng còn nhiều quan điểm khác nhau.

Ví dụ: Ngày 01/7/2022, CQĐT Công an thị xã P, tỉnh B ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đình H (không phải là quân nhân) về Tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015. Nguyễn Đình H là người đứng ra nhận cược bóng đá thắng thua với Phan Văn T, Huỳnh Văn R (tất cả đều không phải là quân nhân). Trong quá trình điều tra, ngày 10/10/2022, CQĐT của Công an thị xã P đã phát hiện Nguyễn Văn A (là quân nhân) hiện đang công tác tại đơn vị X cũng tham gia đánh bạc nhiều lần bằng hình thức cá độ bóng đá với Nguyễn Đình H. Tài liệu do CQĐT của Công an thị xã P cung cấp xác định: Hằng ngày, căn cứ vào lịch thi đấu bóng đá của các giải vô địch trên thế giới, Nguyễn Đình H soạn các kèo cá cược theo tỉ lệ rồi gửi cho các đối tượng trên qua zalo, tin nhắn, hoặc gọi điện liên lạc trực tiếp bằng điện thoại. Từ ngày 29/5/2022 đến 27/6/2022, Nguyễn Đình H đã cá cược 300 lần với các đối tượng trên. Tổng số tiền mà các đối tượng đã cá cược lên đến 3,8 tỉ đồng. Bản kết luận điều tra của CQĐT Công an thị xã P kết luận A tham gia cá cược nhiều lần trên 05 triệu đồng với Nguyễn Đình H. Xét thấy quân nhân Nguyễn Văn A đang công tác tại đơn vị X, Công an thị xã P chuyển hồ sơ liên quan đến hành vi đánh bạc của Nguyễn Văn A cho CQĐT trong Quân đội để giải quyết theo thủ tục tin báo về tội phạm mà không chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án.

Có hai quan điểm về việc chuyển tin báo về tội phạm đối với hành vi đánh bạc quân nhân Nguyễn Văn A như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Nguyễn Văn A là quân nhân đang công tác tại đơn vị X, do đó, CQĐT của Công an thị xã P đã tách hành vi đánh bạc của quân nhân Nguyễn Văn A cho CQĐT trong Quân đội thụ lý giải quyết, còn hành vi đánh bạc của Nguyễn Đình H và Phan Văn T, Huỳnh Văn R không thuộc thẩm quyền của CQĐT trong Quân đội nên CQĐT Công an thị xã P thụ lý giải quyết là đúng quy định.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của nhóm tác giả cho rằng, việc CQĐT Công an thị xã P chỉ chuyển hồ sơ liên quan đến hành vi của Nguyễn Văn A mà không chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho CQĐT trong Quân đội là không đúng quy định. Bởi vì, khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Nguyễn Đình H bị khởi tố theo khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015, quá trình điều tra sau đó mới phát hiện thêm Nguyễn Văn A cùng tham gia đánh bạc với Nguyễn Đình H. Hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra của CQĐT Công an thị xã P chỉ kết luận Nguyễn Văn A tham gia cá cược nhiều lần trên 05 triệu đồng mà chưa kết luận được cụ thể số tiền mỗi lần A tham gia cá cược là bao nhiêu. Trong khi đó, việc điều tra hành vi đánh bạc của Nguyễn Văn A quyết định đến việc áp dụng tình tiết định khung của Nguyễn Đình H. Nếu trong số các lần tham gia đánh bạc của Nguyễn Văn A có lần tham gia cá cược với số tiền trên 50 triệu đồng với Nguyễn Đình H thì lúc này hành vi của Nguyễn Đình H và Nguyễn Văn A cấu thành khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015. Mặt khác, trong vụ án này, các đối tượng đều quen biết với Nguyễn Đình H, việc đặt kèo, chốt kèo được Nguyễn Đình H liên lạc qua zalo, tin nhắn điện thoại hoặc gặp trực tiếp, do đó việc đấu tranh lấy lời khai đối tượng Nguyễn Đình H có quan hệ chặt chẽ đến đối tượng khác và ngược lại. Việc tách hành vi của Nguyễn Văn A để giải quyết như quan điểm thứ nhất sẽ không bảo đảm được tính khách quan, gây khó khăn cho quá trình tố tụng. Vì vậy, việc chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho CQĐT trong Quân đội giải quyết là phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 170, khoản 2 Điều 273 BLTTHS năm 2015.

- Trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tin báo về tội phạm:

Theo Điều 145, Điều 163 BLTTHS năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố được xác định theo thẩm quyền điều tra mà thẩm quyền điều tra của CQĐT được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án. Tức là CQĐT trong Quân đội có thẩm quyền giải quyết các tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền giải quyết các tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố trên thực tế vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

Ví dụ: Quân nhân A sau khi dự đám cưới, điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường để về nhà. Trên đường đi, do không làm chủ tốc độ đã điều khiển xe qua phần đường ngược chiều đâm vào một phương tiện mô tô khác do B điều khiển dẫn đến cả hai xe cùng ngã ra đường. Quân nhân A bị thương nặng được đưa đi cấp cứu sau đó 03 ngày thì tử vong. B bị thương nhẹ và không có thiệt hại về tài sản. Trong trường hợp này cũng có 2 quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo Điều 26 Thông tư số 63/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông thì: “Đối với vụ tai nạn giao thông xác định được ngay không có dấu hiệu tội phạm, liên quan đến người, phương tiện của Quân đội nhân dân thì lực lượng Cảnh sát giao thông điều tra, giải quyết, đồng thời phối hợp với đơn vị quản lý người và phương tiện quân đội liên quan đến vụ tai nạn giao thông để xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Đối với những vụ tai nạn giao thông qua công tác điều tra, xác minh ban đầu mà xác định có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo quy định tại Điều 272 BLTTHS năm 2015 thì lực lượng Cảnh sát giao thông bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn giao thông cho CQĐT hình sự Quân đội nhân dân có thẩm quyền để giải quyết”. Trường hợp trên qua xác minh thấy không có dấu hiệu tội phạm, nguyên nhân dẫn đến A tử vong là do lỗi không làm chủ tốc độ của A, còn B không có lỗi vi phạm gì, cũng không thiệt hại gì, vì vậy CQĐT của Công an nhân dân không chuyển hồ sơ cho CQĐT trong Quân đội mà tiến hành tiếp nhận giải quyết theo thủ tục tố tụng về giải quyết tin báo về tội phạm, sau khi có kết luận chính thức thì ra quyết định không khởi tố vụ án.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của nhóm tác giả cho rằng, việc xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm phải được xác minh, điều tra và kết luận thông qua thủ tục giải quyết tin báo về tội phạm theo thẩm quyền đã được quy định tại Điều 145, Điều 272 BLTTHS năm 2015. Vì vậy, sau khi cơ quan tiến hành tố tụng ngoài Quân đội xác định có các dấu hiệu liên quan đến Quân đội như hậu quả lớn về người và tài sản, đối tượng vi phạm vi phạm thuộc Quân đội quản lý thì phải chuyển cho CQĐT trong Quân đội có thẩm quyền để thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết tin báo. Việc ban hành một trong các quyết định tại khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015 đối với các vụ việc liên quan đến tài sản, con người do Quân đội quản lý phải do cơ quan tố tụng trong Quân đội ban hành. Do đó, việc CQĐT của Công an nhân dân thụ lý tin báo về tội phạm trong trường hợp trên là không đúng thẩm quyền quy định tại Điều 145, Điều 163, Điều 272 BLTTHS năm 2015.

2. Kiến nghị, đề xuất

Một là, liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết các vụ án khi vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, TAND quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2015. Trong đó, cần quy định rõ các căn cứ để tách, nhập vụ án.

Hai là, đối với trường hợp phát hiện người ngoài Quân đội phạm tội nhiều lần cùng tội danh đang được CQĐT trong Quân đội đang thụ lý thì phải nhập vào vụ án để CQĐT trong Quân đội thụ lý giải quyết toàn bộ vụ án, TAQS xét xử. Trường hợp phát hiện người ngoài Quân đội còn có hành vi phạm tội khác với tội danh mà CQĐT trong Quân đội đang giải quyết và tội phạm đó không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 272 BLTTHS năm 2015 thì tách riêng hành vi đó cho CQĐT của Công an nhân dân giải quyết theo thẩm quyền.

Trường hợp việc điều tra hành vi phạm tội của đối tượng này ảnh hưởng đến tình tiết định khung của đối tượng khác, hoặc hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan chặt chẽ với nhau, điều tra hành vi phạm tội của đối tượng này liên quan đến điều tra hành vi phạm tội của đối tượng khác thì phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho CQĐT của Quân đội để điều tra giải quyết để bảo đảm cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Ba là, đối với các tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến thẩm quyền xét xử của TAQS theo Điều 272 BLTTHS năm 2015 chỉ cần mặt khách quan (hành vi hoặc hậu quả) được quy định trong các điều luật của BLHS (chưa cần xác định các yếu tố chủ quan như lỗi, động cơ, mục đích…) thì phải do CQĐT trong Quân đội thụ lý giải quyết và kết luận theo quy định tại Điều 145, Điều 147 BLTTHS năm 2015.

Theo Kiemsat.vn

ThS. HOÀNG THỊ HOA- TRẦN KHẮC QUYẾT

TAQS Thủ đô Hà Nội  xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và Học viện Quân y- Ảnh: TL