Về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là một loại việc đặc biệt thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam.
Tính chất đặc biệt được thể hiện ở chỗ: Tòa án không giải quyết nội dung vụ việc như khi giải quyết vụ việc dân sự (có hoặc không có yếu tố nước ngoài) mà chỉ xem xét, quyết định cho phép hoặc không cho phép bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam để làm điều kiện tiên quyết, bảo đảm cho bản án, quyết định đó được thi hành tại Việt Nam theo thủ tục thi hành án dân sự.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tòa án Việt Nam giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài dựa trên một trong hai cơ sở pháp lý quan trọng: cam kết quốc tế của Việt Nam và cam kết đơn phương áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy cả tòa án, đương sự, luật sư, cá nhân, tổ chức liên quan còn có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về cách hiểu và áp dụng nguyên tắc có lại, dẫn đến việc giải quyết loại yêu cầu này gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đáng chú ý hiện đang tồn tại rộng rãi một quan điểm cho rằng yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là một loại yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự. Do đó, việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại để giải quyết loại yêu cầu này phải thực hiện theo quy định của pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự. Bên cạnh đó, có quan điểm khác cho rằng tòa án Việt Nam chỉ áp dụng nguyên tắc này để thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài với điều kiện tòa án nước ngoài đó đã từng công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án Việt Nam.
Với mong muốn góp phần tạo sự nhận thức chung về cách hiểu và áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án Việt Nam, trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật liên quan, cam kết quốc tế của Việt Nam trong tương trợ tư pháp về dân sự, bài viết này sẽ làm rõ các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cơ sở, lý do, mục đích Việt Nam đưa ra cam kết đơn phương về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại để giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài;
Thứ hai, yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không phải là một loại yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự;
Thứ ba, cách hiểu và áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự trong thời gian vừa qua.
Từ đó, bài viết đề xuất cách hiểu và áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc tòa án Việt Nam giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.
I. Khái quát pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài
1. Yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
Theo nguyên tắc pháp luật quốc tế về bình đẳng chủ quyền quốc gia, bản án, quyết định nói chung, bản án, quyết định dân sự nói riêng của tòa án một nước chỉ có hiệu lực thi hành trên lãnh thổ nước đó mà không đương nhiên có hiệu lực thi hành trên lãnh thổ nước khác.
Tuy nhiên, sự giới hạn hiệu lực thi hành theo lãnh thổ của bản án, quyết định lại trái ngược với mong muốn của các bên tham gia quan hệ dân sự quốc tế. Theo đó, khi xác lập, thực hiện, chấm dứt quan hệ dân sự quốc tế, các bên tham gia quan hệ cần có sự bảo đảm chắc chắn về cơ sở pháp lý để vụ việc tranh chấp đã được tòa án một nước giải quyết, thì vụ việc đó không bị khởi kiện lại ở các nước khác nhau và nhận được bản án, quyết định trái ngược nhau. Bên cạnh đó, các nước có liên quan đến vụ việc cũng không muốn phải lãng phí nguồn lực cho việc giải quyết lại tranh chấp và đều có lợi ích chung trong việc cùng nhau thúc đẩy các quan hệ dân sự quốc tế phát triển lành mạnh.
Vì vậy, việc tòa án nước này công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước kia là giải pháp thích hợp để các nước vừa giải quyết được các xung đột, mâu thuẫn phát sinh từ nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền quốc gia vừa bảo đảm được lợi ích của mỗi nước trong quan hệ dân sự quốc tế.
Đối với Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền quốc gia, bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài không đương nhiên có hiệu lực và được thi hành tại Việt Nam theo pháp luật thi hành án dân sự như bản án, quyết định dân sự của tòa án trong nước. Vì vậy, để bản án, quyết địnhh dân sự của tòa án nước ngoài được thi hành tại Việt Nam, thì đương sự phải có yêu cầu và phải được toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ Việt Nam.
Xét về thực chất, yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là yêu cầu cho phép bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực của tòa án một nước cũng có hiệu lực như bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực của toà án Việt Nam để bản án, quyết định đó được thực thi theo pháp luật thi hành án dân sự của Việt Nam.
Toà án Việt Nam có quyền công nhận hoặc không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài.
2. Cơ sở pháp lý để tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
Tòa án Việt Nam xem xét giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài dựa trên một trong hai cơ sở pháp lý sau đây:
- Cam kết quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài về vấn đề này. Theo đó, Việt Nam và nước thành viên cùng cam kết trong một điều ước quốc tế về việc toà án của nước này sẽ xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước kia khi phát sinh yêu cầu. Đây là cam kết bắt buộc mà Việt Nam và nước ngoài thực hiện cho nhau trên cơ sở đơn yêu cầu của đương sự.
- Cam kết đơn phương của Việt Nam về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Theo đó, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam quy định Tòa án Việt Nam có quyền áp dụng nguyên tắc có đi có lại để xem xét, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài mà nước đó với Việt Nam chưa cùng là thành viên điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng cam kết đơn phương này không phải là nghĩa vụ của Việt Nam đối với nước ngoài mà chỉ là sự thể hiện thái độ tôn trọng và thiện chí hợp tác của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam mong muốn rằng Việt Nam và nước ngoài dành cho nhau sự đối xử tương ứng để bản án, quyết định dân sự của tòa án của nước này được công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ nước kia và ngược lại. Vì vậy, trong trường hợp Việt Nam đã có thiện chí xem xét, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài nhưng tòa án nước ngoài không có thiện chí tương ứng, thì Việt Nam có thể từ chối giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.
2.1. Cam kết quốc tế của Việt Nam về việc xem xét, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký 18 Hiệp định/Thoả thuận tương trợ tư pháp song phương giữa Việt Nam và nước ngoài/vùng lãnh thổ nước ngoài có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nhau. Trong đó, 17/18 Hiệp định/Thoả thuận đã có hiệu lực (Hiệp định/Thỏa thuận giữa Việt Nam với An-giê-ri, Bun-ga-ri, Bê-la-rút, Ba Lan, Cu Ba, Ca-dắc-xtan, Cam-pu-chia, Lào, Hung-ga-ri, Lãnh thổ Đài Loan, Mông Cổ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Triều Tiên, Tiệp Khắc (Séc và Xlo-va-ki-a kế thừa), U-crai-na).[1] Tại 17 Hiệp định/Thoả thuận này, hai bên cùng cam kết xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nhau theo thủ tục tố tụng trong nước; tòa án của bên này công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án bên kia nếu đáp ứng được điều kiện cụ thể quy định trong Hiệp định/Thoả thuận đó.
Ngoài các Hiệp định/Thỏa thuận song phương nêu trên, Việt Nam chưa gia nhập điều ước quốc tế đa phương về vấn đề này, kể cả các điều ước quốc tế của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế như: Công ước năm 2005 về Thỏa thuận lựa chọn tòa án, Công ước năm 2019 về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
2.2. Cam kết đơn phương của Việt Nam về việc xem xét, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
2.2.1. Việt Nam cam kết đơn phương áp dụng nguyên tắc có đi có lại
Trước đây, tại Pháp lệnh năm 1993 về công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, Việt Nam chỉ cam kết xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án của nước ngoài mà Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế về vấn đề này.
Tuy nhiên, Việt Nam đã bổ sung vào Bộ luật tố tụng dân sự 2005 (Điều 343) quy định Tòa án Việt Nam sẽ xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài theo nguyên tắc có đi có lại mà không đòi hỏi Việt Nam và nước đó phải ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này. Quy định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại nêu trên của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 được tiếp tục kế thừa tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (Điều 423).
2.2.2. Cơ sở, lý do, mục đích Việt Nam đưa ra cam kết đơn phương áp dụng nguyên tắc có đi có lại
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy Việt Nam đưa ra cam kết đơn phương áp dụng nguyên tắc có đi có lại để giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài dựa trên cơ sở, lý do, mục đích sau đây:
a) Công tác đàm phán, ký điều ước quốc tế tương trợ tư pháp về dân sự có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi Việt Nam cần thực hiện linh hoạt chính sách về vấn đề này
Xuất phát từ yếu tố lịch sử, chính trị, đa số các Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp có quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài mà Việt Nam là thành viên được Việt Nam ký với các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây. Ngoài các hiệp định này, Việt Nam cũng ký với một số nước khác Hiệp định tương trợ tư pháp có nội dung công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nhau (Hiệp định giữa Việt Nam với An-giê-ri, Cam-pu-chia, Ca-dắc-xtan, Pháp, Hung-ga-ri, Thái Lan).
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp về dân sự, thời gian vừa qua, Việt Nam tiếp tục đề nghị một số nước đàm phán, ký với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự có quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án mỗi nước.
Mặc dù vậy, các nước nêu trên lại không muốn đàm phán, ký với Việt Nam loại hiệp định này. Về lý do, các nước này cho rằng hiện tại nước đó và Việt Nam đang thực hiện cho nhau yêu cầu tương trợ tư pháp tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ theo quy định của Công ước La hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt giấy tờ) và Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ) nên không muốn đưa nội dung tương trợ tư pháp của hai Công ước nêu trên vào hiệp định song phương với Việt Nam.
Do đó, tính đến năm 2023, Việt Nam chỉ mới là thành viên 17 Hiệp định/Thoả thuận song phương về tương trợ tư pháp có quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.
Trong khi đó, nếu Việt Nam đàm phán, ký với nước ngoài hiệp định song phương chỉ điều chỉnh riêng về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án mỗi nước, thì số lượng điều ước này cũng không tăng lên đáng kể; đồng thời, Việt Nam mất nhiều thời gian chờ đợi để điều ước quốc tế có hiệu lực với cả hai nước. Trên thực tế, thời gian trung bình để một điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước ngoài có hiệu lực cho cả hai nước là từ 02 đến 03 năm, kể từ ngày ký và chưa bao gồm thời gian đàm phán. Ví dụ: Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Căm-pu-chia có hiệu lực sau gần 2 năm, kể từ ngày ký (ký ngày 21/01/2013, có hiệu lực ngày 9/10/2014); Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với Ca-dắc-xtan có hiệu lực sau 3 năm 8 tháng (ký ngày 31/10/2011, có hiệu lực ngày 28/6/2015).
Với tình hình nêu trên, Việt Nam nhận thấy cần phải có sự linh hoạt trong chính sách để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký điều ước quốc tế với nước ngoài, Việt Nam đã chủ động đưa ra cam kết đơn phương về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại để giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nước ngoài trong thời gian Việt Nam và nước ngoài chưa cùng là thành viên điều ước quốc tế có quy định vấn đề này.
b) Việt Nam cam kết đơn phương áp dụng nguyên tắc có đi có lại để góp phần thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế
Thực tế cho thấy nhiều nước đang có quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại, đầu tư rất phát triển với Việt Nam thông qua các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),[2] Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP),[3] lại chưa cùng với Việt Nam là thành viên Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy số lượng yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nước ngoài mà nước đó không cùng với Việt Nam là thành viên của 17 Hiệp định/Thỏa thuận tương trợ tư pháp có xu hướng tăng nhiều hơn so với yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước thành viên 17 Hiệp định/Thỏa thuận tương trợ tư pháp.
Từ thực tiễn nêu trên, có thể nhận thấy việc Việt Nam đưa ra cam kết đơn phương cho phép toà án áp dụng nguyên tắc có đi có lại để xem xét thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nước ngoài không ngoài mục đích để bảo vệ và thúc đẩy quan hệ kinh doanh, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với nước ngoài ngày càng phát triển; qua đó góp phần thực hiện thành công chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước Việt Nam.
c) Việt Nam cam kết đơn phương áp dụng nguyên tắc có đi có lại để tạo thuận lợi cho việc chấm dứt tranh chấp, hạn chế được sự lãng phí nguồn lực của nhà nước, đương sự để giải quyết lại vụ việc tại tòa án Việt Nam hoặc tòa án nước ngoài
Bằng việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, tòa án Việt Nam khẳng định rằng vụ việc đã được giải quyết, quyền, lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự của các bên đương sự trong bản án, quyết định được pháp luật tôn trọng và bảo đảm thực thi theo thủ tục thi hành án dân sự.
Đồng thời, quyết định công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sẽ ngăn chặn một bên đương sự khởi kiện lại vụ việc tại tòa án trong nước hoặc tòa án nước ngoài, tạo niềm tin cho các cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại quốc tế về sự nhất quán, ổn định của pháp luật, thượng tôn pháp luật của tòa án trong việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.
Tinh thần này cũng được khẳng định tại khoản 1 Điều 472 của Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, toà án Việt Nam trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam nhưng đã được toà án nước ngoài thụ lý trước, đang giải quyết hoặc đã ra bản án, quyết định. Tòa án Việt Nam từ chối thực hiện thẩm quyền giải quyết của mình đối với vụ việc nêu trên là nhằm mục đích: (i) Bảo đảm nguyên tắc một vụ việc dân sự có cùng nội dung tranh chấp, yêu cầu và có cùng các bên đương sự, thì chỉ nên để cho tòa án của một nước giải quyết, hạn chế phát sinh nhiều bản án, quyết định khác nhau, làm cho vụ việc bị kéo dài và không có khả năng chấm dứt; (ii) Tòa án Việt Nam sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự thông qua việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.
3. Luật tương trợ tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này không điều chỉnh vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
Luật tương trợ tư pháp, văn bản hướng dẫn thi hành Luật này không điều chỉnh vấn đề yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Bởi lẽ, yêu cầu này không phải là yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự là yêu cầu của nhà nước Việt Nam cho nước ngoài và của nước ngoài cho Việt Nam để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động tố tụng dân sự (tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, người giám định…) nhằm giải quyết vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài hoặc chứng cứ cần được thu thập ở nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án mỗi nước. Đây là yêu cầu chủ yếu giữa Việt Nam và nước ngoài, trên cơ sở quy định của 17 Hiệp định/Thỏa thuận tương trợ tư pháp, Công ước tống đạt giấy tờ và Công ước thu thập chứng cứ mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, trong một số hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên thì yêu cầu tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự cũng được xác định là yêu cầu tương trợ tư pháp. Tuy nhiên, quy định nêu trên mang tính lịch sử vì chỉ tồn tại trong các hiệp định mà Việt Nam ký với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây.
Thứ hai, xuất phát từ bản chất là yêu cầu của nhà nước này đối với nhà nước kia nên Luật tương trợ tư pháp, 17 Hiệp định/Thỏa thuận song phương tương trợ tư pháp, Công ước tống đạt giấy tờ và Công ước thu thập chứng cứ mà Việt Nam là thành viên đều có quy định bắt buộc khi Việt Nam yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp và ngược lại, Việt Nam và nước ngoài phải có văn bản ủy thác tư pháp cho nhau thực hiện. Nếu không có văn bản này, Việt Nam có quyền từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài; nước ngoài cũng có quyền từ chối thực hiện yêu cầu của Việt Nam.
Trong khi đó, yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là yêu cầu của cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích hợp pháp trong bản án, quyết định đối với Nhà nước nơi bản án, quyết định đó cần được thi hành. Bởi lẽ, sau khi bản án, quyết định dân sự có hiệu lực, Nhà nước có tòa án ra bản án, quyết định đó không có nghĩa vụ (tự mình) hay theo đề nghị của đương sự lập văn bản ủy thác tư pháp để yêu cầu nước ngoài công nhận và thi hành bản án, quyết định của nước mình trên lãnh thổ nước ngoài. Phù hợp với tinh thần đó, Bộ luật tố tụng dân sự (2005 và 2015) không có quy định đòi hỏi trong hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài phải có văn bản ủy thác tư pháp của nước ngoài đó, thì hồ sơ mới được xác định là hợp pháp và hợp lệ.
Thứ ba, thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài là việc Việt Nam thực hiện cho nước ngoài hoạt động tống đạt văn bản tố tụng hoặc thu thập chứng cứ để nước ngoài sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ việc dân sự tại tòa án nước ngoài. Ngược lại, trên cơ sở yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam, nước ngoài tiến hành hoạt động tống đạt hoặc thu thập chứng cứ để cung cấp cho Việt Nam sử dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án Việt Nam.
Trong khi đó, tòa án Việt Nam không dựa trên yêu cầu của nước ngoài để giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài đó. Thực chất, đây là một loại việc để tòa án thực hiện chủ quyền quốc gia của Việt Nam: xem xét khả năng cho phép “kéo dài” hiệu lực thi hành của một bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, tòa án Việt Nam có toàn quyền quyết định về vấn đề này. Đây là điểm khác biệt với việc Việt Nam thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài.
Thứ tư, tại 17 Hiệp định/Thỏa thuận tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên có quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước này trên lãnh thổ nước kia. Tuy nhiên, nội dung này được đưa vào Hiệp định/Thỏa thuận xuất phát từ yếu tố lịch sử. Theo đó, có 12/17 Hiệp định được Việt Nam ký với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây nên các hiệp định tương trợ tư pháp đều có nội dung công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự để hạn chế hai nước ký riêng một Hiệp định khác điều chỉnh về vấn đề này. Cùng một lý do như trên, Việt Nam đề xuất và được nước ngoài chấp nhận đưa nội dung công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của mỗi nước vào 5 Hiệp định/Thỏa thuận tương trợ tư pháp còn lại (giữa Việt Nam với Pháp, An-giê-ri, Ca-dắc-xtan, Cam-pu-chia, Lãnh thổ Đài Loan).
Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng 17 Hiệp định/Thoả thuận tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên không có quy định yêu cầu Việt Nam hoặc nước ngoài phải có văn bản yêu cầu ủy thác tư pháp cho nhau để tòa án của nước này xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước kia.
Thứ năm, theo quy định tại 14/17 Hiệp định/Thỏa thuận tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên[4], hỗ trợ duy nhất mà Việt Nam và nước thành viên dành cho đương sự có yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước này trên lãnh thổ nước kia là cơ quan trung ương của hai nước sẽ nhận đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo để chuyển cho tòa án của nước có thẩm quyền giải quyết yêu cầu này.
Từ những phân tích, lập luận, diễn giải nêu trên, có thể khẳng định yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không phải là một loại yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự. Do đó, quy định về áp dụng nguyên tắc có lại trong tương trợ tư pháp tại Luật tương trợ tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, đặc biệt là Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao (Thông tư liên tịch số 12/2016) không phải là các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng trực tiếp để xem xét thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.
II. Áp dụng tương tự quy định về nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự để xem xét thụ lý đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
Hiện nay, Bộ luật tố tụng dân sự không có quy định về trình tự, thủ tục để Tòa án áp dụng nguyên tắc có đi có lại khi xem xét, giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng nguyên tắc này.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành hướng dẫn áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong Thông tư liên tịch số 12/2016.
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy toà án có thể áp dụng tương tự quy định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong Thông tư liên tịch số 12/2016 để xem xét thụ lý đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài.
1. Quy định về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 12/2016
Thông tư liên tịch số 12/2016 được ban hành để thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 (Thông tư liên tịch số 15/2011) của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Toà án nhân dân tối cao. Tại cả hai Thông tư liên tịch này đều có quy định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 12/2016 quy định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại hoàn toàn khác với quy định tương ứng tại Thông tư liên tịch số 15/2011. Cụ thể như sau:
Thông tư liên tịch số 15/2011 (Điều 4) có quy định về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự. Theo đó, đối với yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam cho nước ngoài, việc áp dụng nguyên tắc này phải thực hiện theo một quy trình phức tạp về thủ tục và liên quan đến nhiều cơ quan (Toà án yêu cầu tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài). Có thể tóm tắt quy trình này như sau:
- Tòa án có yêu cầu tương trợ tư pháp cho nước ngoài gửi hồ sơ ủy thác tư pháp và Công văn đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại cho Bộ Tư pháp;
- Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ và công văn đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc đề nghị nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại;
- Bộ Ngoại giao sau khi nhận được hồ sơ từ Bộ Tư pháp có thể lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao nếu xét thấy cần thiết;
- Trường hợp quyết định đề nghị nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại, thì Bộ Ngoại giao gửi hồ sơ của tòa án cùng Công hàm đề nghị nước ngoài cho biết ý kiến chính thức về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam thông qua Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
- Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ chuyển hồ sơ và Công hàm cho Bộ Ngoại giao nước sở tại và văn bản trả lời của nước ngoài về Bộ Ngoại giao; Bộ Ngoại giao chuyển lại văn bản của nước ngoài cho Bộ Tư pháp;
- Trường hợp quyết định không đề nghị nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại, thì Bộ Ngoại giao trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp và nêu rõ lý do.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại của Thông tư liên tịch số 15/2011 cho thấy phía nước ngoài thường không trả lời đề nghị của Việt Nam về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Với thực trạng đó, cả ba cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao đều cho rằng hướng dẫn áp dụng nguyên tắc có đi có lại tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 15/2011 không phát huy được hiệu quả trên thực tế; nếu tiếp tục thực hiện thì sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự.
Tình hình đó đòi hỏi các cơ quan trung ương của Việt Nam (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao) phải có cách tiếp cận mới về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại để bảo đảm tối đa lợi ích của Việt Nam và cũng thể hiện được thiện chí hợp tác của Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực này.
Về cách tiếp cận mới, cả ba cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao đều thống nhất quan điểm: trong tương trợ tư pháp về dân sự, Việt Nam cần chủ động áp dụng nguyên tắc có đi có lại để tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực này. Theo đó, việc Việt Nam chủ động áp dụng nguyên tắc có đi có lại nhằm bảo đảm:
(i) Là cơ sở chủ yếu để Việt Nam yêu cầu nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài khi giữa hai nước chưa cùng là thành viên điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp. Do đó, Việt Nam mặc định rằng giữa Việt Nam và nước ngoài đang tồn tại mối quan hệ có đi có lại trong lĩnh vực này, để khi phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp, Việt Nam sẽ chủ động yêu cầu nước ngoài thực hiện; ngược lại, khi nước ngoài có yêu cầu tương trợ tư pháp, Việt Nam cũng xem xét, thực hiện yêu cầu đó cho nước ngoài;
(ii) Việt Nam có thể từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài trong một số trường hợp sau đây:
- Khi Việt Nam yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng nước đó từ chối thực hiện yêu cầu của Việt Nam;
- Khi Việt Nam đã thực hiện tương trợ tư pháp cho nước ngoài nhưng nước ngoài đó từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam;
- Việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài không bảo đảm được nguyên tắc quy định tại Điều 4 Luật tương trợ tư pháp.
Trên tinh thần đó, việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại được Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao cùng thống nhất hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 12/2016 như sau:
“Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể từ chối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật tương trợ tư pháp trong những trường hợp sau đây:
1. Khi có căn cứ cho thấy phía nước ngoài không thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho Việt Nam.
2. Việc thực hiện tương trợ tư pháp đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
1.1. Chủ động áp dụng nguyên tắc có đi có lại là cơ sở chủ yếu để Việt Nam yêu cầu nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và xem xét, thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài
Với tinh thần chủ động áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Việt Nam mặc định rằng giữa Việt Nam và nước được Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự (tống đạt văn bản tố tụng, giấy tờ, tài liệu liên quan, thu thập chứng cứ...) cũng như nước yêu cầu Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự đang tồn tại một mối quan hệ có đi có lại trong lĩnh vực này. Vì vậy, khi phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp cho một nước ngoài cụ thể, Việt Nam sẽ không có văn bản đề nghị nước ngoài đó áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam trong lĩnh vực này. Thay vào đó, Việt Nam sẽ lập hồ sơ ủy thác tư pháp và ủy thác bằng văn bản cho nước ngoài đó thực hiện. Ngược lại, nếu nhận được yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài, Việt Nam sẽ chấp nhận thực hiện nếu yêu cầu đó phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam mà không đòi hỏi nước ngoài phải có văn bản đề nghị Việt Nam áp dụng nguyên tắc có đi có lại mới thực hiện.
Với tinh thần nêu trên, khi phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự cho nước ngoài, tòa án không phải lập văn bản hỏi ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hay Tòa án nhân dân tối cao mà chủ động lập hồ sơ ủy thác tư pháp để gửi Bộ Tư pháp. Sau khi kiểm tra, Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ đó cho Bộ Ngoại giao để Bộ Ngoại giao chuyển cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Cơ quan này chuyển tiếp hồ sơ cho Bộ Ngoại giao nước sở tại để xem xét, giải quyết theo quy định của nước đó.
Trường hợp nước ngoài có yêu cầu tương trợ tư pháp, thì sau khi nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp từ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chuyển hồ sơ đó cho Bộ Tư pháp để cơ quan này chuyển tiếp cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
1.2. Việt Nam áp dụng nguyên tắc có đi có lại để từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài
1.2.1. Khi có căn cứ cho thấy phía nước ngoài không thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho Việt Nam
Trên phương diện lý thuyết, có thể phát sinh các trường hợp mà nước ngoài không thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự cho Việt Nam, bao gồm:
Trường hợp thứ nhất, Việt Nam yêu cầu một nước cụ thể tương trợ tư pháp nhưng nước ngoài đó từ chối nhưng không cho biết lý do hoặc từ chối với lý do giữa hai nước không tồn tại mối quan hệ có đi có lại trong lĩnh vực này.
Trường hợp thứ hai, các yêu cầu tương trợ tư pháp của một nước cụ thể đều được Việt Nam thực hiện nhưng nước ngoài đó không thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam với lý do xuất phát từ khó khăn trên thực tiễn hoặc pháp luật nước đó không có quy định.
Đối với trường hợp thứ nhất, nếu nước ngoài có yêu cầu Việt Nam tương trợ tư pháp, Việt Nam sẽ áp dụng nguyên tắc có đi có lại để từ chối thực hiện yêu cầu của nước ngoài đó.
Đối với trường hợp thứ hai, việc nước ngoài từ chối thực hiện tương trợ tư pháp cho Việt Nam là do hoàn cảnh khách quan nên Việt Nam không áp dụng nguyên tắc có đi có lại để từ chối thực hiện tương trợ tư pháp của nước ngoài.
1.2.2. Việc thực hiện tương trợ tư pháp đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam
Bên cạnh các trường hợp nêu trên, Việt Nam sẽ từ chối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho nước ngoài nếu việc thực hiện tương trợ tư pháp đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Theo nguyên tắc pháp luật quốc tế về bình đẳng chủ quyền quốc gia, tòa án Việt Nam không được phép tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự trên lãnh thổ của nước nơi đương sự có mặt hoặc nơi cần thu thập chứng cứ. Ngược lại, tòa án nước ngoài cũng không được phép thực hiện các hoạt động tố tụng này trên lãnh thổ Việt Nam. Để bảo vệ nguyên tắc này, Việt Nam và nước ngoài phải ủy thác cho nhau thực hiện các hoạt động tố tụng thông qua điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên hoặc trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng khi Việt Nam thực hiện cho nước ngoài yêu cầu tương trợ tư pháp theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hay theo nguyên tắc có đi có lại, thì yêu cầu tương trợ tư pháp đều được thực hiện theo pháp luật Việt Nam. Do đó, việc thực hiện tương trợ tư pháp phải bảo đảm được nguyên tắc: “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam; không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế” (Điều 4 Luật tương trợ tư pháp).
Như vậy, có thể thấy rằng Luật tương trợ tư pháp đòi hỏi Việt Nam phải từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp nếu xét thấy việc thực hiện yêu cầu đó không đảm bảo được nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật này. Để thể hiện một cách khái quát nhất về đòi hỏi nêu trên, Thông tư liên tịch số 12/2016 đã có hướng dẫn Việt Nam sẽ từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài nếu việc thực hiện tương trợ tư pháp đó “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Theo đó, được coi là “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” nếu việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp dẫn đến một trong các hậu quả sau đây: xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của Việt Nam; can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái với quy định của Hiến pháp Việt Nam...
2. Thực tiễn áp dụng quy định của Thông tư liên tịch số 12/2016 về nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự
Thực tiễn hơn 6 năm thi hành Thông tư liên tịch số 12/2016 cho thấy Việt Nam đã thực hiện nguyên tắc có đi có lại một cách chủ động để chuyển yêu cầu tương trợ tư pháp cho nước ngoài thực hiện và xem xét thực hiện yêu cầu của nước ngoài theo quy định của pháp luật trong nước. Cho đến nay chưa có nước ngoài nào từ chối thực hiện yêu cầu loại này của Việt Nam với lý do giữa hai nước không tồn tại mối quan hệ có đi có lại trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự hoặc từ chối thực hiện yêu cầu này mà không nêu rõ lý do. Cùng với đó, cũng chưa có bất kỳ trường hợp nào Việt Nam từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài trên cơ sở áp dụng nguyên tắc có đi có lại được hướng dẫn tại Điều 5 của Thông tư liên tịch số 12/2016.
Từ kết quả nêu trên, có thể nhận thấy quan điểm về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng nước ngoài phải thực hiện trước cho Việt Nam thì Việt Nam mới thực hiện cho nước ngoài loại yêu cầu này là quan điểm không phù hợp với thực tiễn, không có tính khả thi. Bởi lẽ, việc áp dụng quan điểm đó sẽ dẫn đến tình trạng nước này chờ đợi nước kia thực hiện trước cho mình yêu cầu tương trợ tư pháp và không có nước nào chịu thực hiện trước yêu cầu này cho nước kia. Đồng thời, việc từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài có thể gây hậu quả xấu đối với quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức tại Việt Nam. Bởi lẽ, việc từ chối thực hiện đó sẽ dẫn đến việc cá nhân, tổ chức tại Việt Nam mất quyền tham gia tố tụng, tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ tại tòa án nước ngoài và bị tòa án nước ngoài ra bản án, quyết định bất lợi cho họ. Đặc biệt, việc từ chối đó mâu thuẫn với chính sách của Việt Nam khi cho phép cá nhân, tổ chức tại Việt Nam lựa chọn tòa án nước ngoài để giải quyết một số vụ việc dân sự cụ thể.
Như vậy, có thể thấy rằng Thông tư liên tịch số 12/2016 cho phép Việt Nam chủ động áp dụng nguyên tắc có đi có lại với tinh thần mặc định có sự tồn tại về quan hệ có đi có lại giữa Việt Nam với nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự là chủ trương đúng, phù hợp thực tiễn, không chỉ góp phần quan trọng bảo đảm được nhu cầu, lợi ích của Việt Nam mà còn thể hiện được thiện chí hợp tác của Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực này.
3. Đề xuất về việc áp dụng tương tự quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 12/2016 về nguyên tắc có đi có lại để xem xét thụ lý yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy tòa án Việt Nam có thể áp dụng tương tự quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 12/2016 về thực hiện nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự để xem xét, thụ lý yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của nước ngoài.
3.1. Tòa án áp dụng nguyên tắc có đi có lại để xem xét thụ lý đơn yêu cầu
Với tinh thần chủ động áp dụng nguyên tắc có đi có lại, tòa án cần mặc định giữa Việt Nam và nước có tòa án ra bản án, quyết định dân sự đang tồn tại mối quan hệ có đi có lại trong việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nhau để xem xét thụ lý đơn trong các trường hợp sau đây:
a) Lần đầu tiên tòa án của Việt Nam nhận được yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án một nước ngoài cụ thể;
b) Tòa án của Việt Nam đã từng thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án cùng một nước và không áp dụng nguyên tắc có đi có lại để từ chối công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó;
c) Tòa án của nước có bản án, quyết định dân sự mà đương sự đang yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành đã từng giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án Việt Nam và đã không áp dụng nguyên tắc có đi có lại để từ chối công nhận bản án, quyết định đó.
Trong các trường hợp nêu trên, Tòa án không bị bắt buộc phải có công văn đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hoặc Tòa án nhân dân tối cao cho ý kiến về trình tự, thủ tục áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Bởi lẽ, theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 12/2016 trong tương trợ tư pháp về dân sự thì cả 3 cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao đều đã thống nhất không kế thừa hướng dẫn về trình tự, thủ tục đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 15/2011 trong tương trợ tư pháp về dân sự. Do đó, khi áp dụng tương tự hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 12/2016, Tòa án có quyền chủ động xem xét đơn yêu cầu, tài liệu kèm theo để thụ lý giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Cần lưu ý rằng việc Tòa án áp dụng tương tự nguyên tắc có đi có lại chỉ nhằm mục đích xem xét thụ lý hay không thụ lý yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Trường hợp yêu cầu đáp ứng được điều kiện mà Bộ luật tố tụng dân sự quy định, thì Tòa án thụ lý để giải quyết. Trong quá trình giải quyết, tòa án có quyền từ chối hoặc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
3.2. Tòa án áp dụng nguyên tắc có đi có lại để từ chối thụ lý đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
Tòa án chủ động áp dụng nguyên tắc có đi có lại để từ chối thụ lý đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà không phải hỏi ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao trong các trường hợp sau đây:
a) Tòa án của nước ngoài đã áp dụng nguyên tắc có đi có lại để từ chối xem xét đơn yêu cầu hoặc không công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam;
b) Tòa án của nước ngoài đã từ chối xem xét đơn yêu cầu hoặc không công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam với lý do giữa nước đó và Việt Nam không tồn tại mối quan hệ có đi có lại trong lĩnh vực này;
c) Việc thụ lý để giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Ví dụ: việc thụ lý giải quyết yêu cầu được coi là trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nếu việc thụ lý đó dẫn đến một trong các hậu quả pháp lý sau đây:
- Xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Trái với quy định của Hiến pháp hoặc vi phạm điều cấm của luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Thực tiễn Tòa án Việt Nam áp dụng nguyên tắc có đi có lại để thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
Trong thời gian vừa qua, một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao đã chủ động áp dụng nguyên tắc có đi có lại để xem xét, giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án của một số nước như: Hàn Quốc, Xinh-ga-po, Hoa Kỳ. Cụ thể như sau:
4.1. Đối với bản án, quyết định dân sự của tòa án Hàn Quốc
- Quyết định số 02/2018/QĐKDTM-ST ngày 9/7/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Bản án dân sự số 19 ngày 02/5/2017 của Tòa án Tối cao Xơ-un, Hàn Quốc tại Việt Nam về vụ kiện tranh chấp hợp đồng gia công áo khoác giữa Công ty CMC Hàn Quốc và Công ty TNHH A.
- Quyết định số 1335/2018/QĐST-KDTM ngày 27/9/2018 của Tòa án nhân dân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự lập ngày 09/6/2017 của Tòa án khu vực trung tâm thành phố Xơ-un, Hàn Quốc.
- Quyết định số 01/2017/QĐDS-ST ngày 5/5/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án hôn nhân gia đình ngày 30/11/2016 của Tòa án gia đình Deajeon chi nhánh Cheonan, Hàn Quốc.
- Quyết định số 135/2018/QĐDS-ST ngày 17/9/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Quyết định về hôn nhân và gia đình số 5221-2018 ngày 19/01/2018 của Tòa án khu vực Suwon chi nhánh Pyeongtaek, Hàn Quốc.
- Quyết định số 12/2018/QĐST-DS ngày 16/3/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản phán quyết ngày 22/4/2016 của Tòa án khu vực Suwon, chi nhánh Ansan, Hàn Quốc.[5]
4.2. Đối với bản án, quyết định dân sự của Tòa án Xinh-ga-po
- Quyết định số 1495/2018/QĐST-KDTM ngày 25/10/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết cuối cùng trong vụ kiện số DC 1169/2011/F do Tòa án sơ thẩm của Xinh-ga-po ban hành ngày 24/11/2011 giữa bên được thi hành là Công ty UMW E&E và bên phải thi hành là Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật CDK.
- Quyết định phúc thẩm số 25/2019/QĐPT-KDTM ngày 27/5/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên Quyết định số 1495/2018/QĐST-KDTM ngày 25/10/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.[6]
4.3. Đối với bản án, quyết định dân sự của Tòa án Hoa Kỳ
Quyết định số 52/2017/QĐDS-ST ngày 28/8/2017 Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang không công nhận Bản án số 11CEFL02110 ngày 23/12/2015 của Tòa thượng thẩm Bang California, quận Fresno, Hoa Kỳ do thuộc trường hợp quy định tại khoản 4, 8 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự (Tòa án Hoa Kỳ không có thẩm quyền; việc công nhận trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam).
Trên đây là ý kiến của tác giả về cách hiểu và áp dụng nguyên tắc có đi có lại để tòa án Việt Nam xem xét thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Mong muốn nhận được nhiều ý kiến bình luận, đóng góp, trao đổi để cùng thống nhất nhận thức, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn để tham mưu cho cấp có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong lĩnh vực này./.
[1] Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Thái Lan chưa có hiệu lực với cả hai nước.
2 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealan, Peru, Singapore và Việt Nam.
3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
[4] Hiệp định giữa Việt Nam với Ba Lan, Bun-ga-ri, Cam-pu-chia, Cu Ba, Lào, Mông Cổ, Triều Tiên, U-rai-na, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Nga, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc (Séc và Xlo-va-ki-a kế thừa), Trung Quốc.
[5] Thông tin này được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp: https://moj.gov.vn/tttp/Pages/dlcn-va-th-tai-Viet-Nam.aspx?fbclid=IwAR1wTsvb5Sl_61pjUiNMLqyP3XoWsNlzAi_GgZCsp1D44t0a8Rl5eF4pqAM.
[6] Thông tin này được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp: https://moj.gov.vn/tttp/Pages/dlcn-va-th-tai-Viet-Nam.aspx?fbclid=IwAR1wTsvb5Sl_61pjUiNMLqyP3XoWsNlzAi_GgZCsp1D44t0a8Rl5eF4pqAM. Quyết định phúc thẩm của TANDCC tại TP HCM được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử của TANDTC: https://congbobanan.toaan.gov.vn/0tat1cvn/ban-an-quyet-dinh.
Bài liên quan
-
Về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (tiếp theo kỳ trước)
-
Về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
-
Có đủ điều kiện công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận