Về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại

Quy định của pháp luật hiện hành về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại đang còn một số vướng mắc, bất cập về đối tượng được xem là không có án tích; điều kiện xem xét xóa án tích; trình tự, thủ tục thực hiện… cần sớm được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.

Xóa án tích đối với pháp nhân thương mại là chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta; là chế định nhân văn cao đẹp của pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện rõ ở việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xóa bỏ hậu quả pháp lý, xóa bỏ trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bị kết án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành và pháp nhân thương mại đó được coi như chưa bị kết án được quy định tại Điều 89 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015).

1. Một số bất cập trong quy định của pháp luật 

Điều 89 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới”. Quy định của pháp luật về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể như sau:

1.1.Về đối tượng được xem là không có án tích:

Theo các điều 69, 89, 107 BLHS năm 2015, chế định xóa án tích không những áp dụng đối với cá nhân phạm tội, mà còn có cả pháp nhân thương mại phạm tội; nội dung này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc xử lý, cơ sở chịu trách nhiệm hình sự theo các điều 2, 3 BLHS năm 2015, nhằm hướng tới bảo vệ tốt quyền dân chủ, quyền bình đẳng giữa tổ chức và cá nhân bị kết án. Tuy nhiên, so sánh nội dung giữa Điều 89 với khoản 2 Điều 69, khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015, tác giả thấy có sự khác biệt như sau:

Khoản 2 Điều 69 BLHS năm 2015 quy định: “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”.

Khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 quy định: “Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:…”.

Nội dung của các điều 69, 107 BLHS năm 2015 đều quy định cá nhân phạm tội có những trường hợp được coi là “không có án tích” và “không bị coi là có án tích”; nhưng ngược lại, đối với pháp nhân thương mại quy định tại Điều 89 BLHS năm 2015 thì không có trường hợp pháp nhân thương mại bị kết án không bị coi là có án tích. Đây là điểm chưa hợp lý, thể hiện sự thiếu công bằng, thiếu khách quan giữa các đối tượng phạm tội, chưa phù hợp với nguyên tắc xử lý hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 3 BLHS năm 2015. Đồng thời, khi xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, nếu xét thấy pháp nhân thương mại phạm tội đã khắc phục toàn bộ hậu quả và bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của mình đã gây ra thì Điều 88 BLHS năm 2015 cho phép Tòa án có thẩm quyền quyết định “miễn hình phạt” đối với pháp nhân thương mại đó.

1.2. Về điều kiện xem xét xóa án tích

Theo Điều 89 BLHS năm 2015, điều kiện xóa án tích đối với pháp nhân thương mại hiện nay có 03 vấn đề còn chưa rõ ràng, cụ thể và chưa phù hợp với thực tiễn là:

Thứ nhất, BLHS năm 2015 chỉ quy định thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại là “02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính…”, mà không phân loại cụ thể, không phân biệt loại hình phạt chính cần áp dụng thời hạn 02 năm như thế nào là chưa phù hợp. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 33 BLHS năm 2015, hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại không chỉ có hình phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, mà còn có cả hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Trường hợp pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, thì việc tính thời hạn xóa án tích như Điều 89 BLHS năm 2015 là không có ý nghĩa về mặt pháp lý cũng như thực tiễn.

Thứ hai, trong khi khoản 1 Điều 73 BLHS năm 2015 quy định đối với cá nhân phạm tội, thời hạn được tính để xóa án tích căn cứ vào thời điểm người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính đã tuyên, thì Điều 89 BLHS năm 2015 lại quy định thời hạn để pháp nhân được xem xét xóa án tích được tính kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Điều đó có nghĩa là nếu pháp nhân thương mại đã chấp hành xong hình phạt chính mà chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án thì thời hạn 02 năm để xem xét xóa án tích theo Điều 89 BLHS năm 2015 thì chưa được tính. Pháp luật quy định như trên là chưa phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của pháp nhân thương mại và chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa cá nhân và pháp nhân phạm tội. Đây là nội dung cần sớm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo khuyến khích pháp nhân phạm tội chấp hành bản án nhanh, hiệu quả hơn, cũng như đảm bảo triệt để tính công bằng, bình đẳng giữa những đối tượng phạm tội.

Mặt khác, đối với trường hợp pháp nhân có nghĩa vụ chấp hành hình phạt bổ sung “cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định”, “cấm huy động vốn” theo các điều 80, 81 BLHS năm 2015, mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn Điều 89 BLHS năm 2015 quy định (có thể hơn 02 năm, hoặc kéo dài đến 03 năm) thì thời hạn đương nhiên xóa án tích (02 năm) sẽ hết vào thời điểm nào?

Thứ ba, trường hợp trong thời gian chưa được xóa án tích mà pháp nhân thương mại lại thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì hậu quả pháp lý đối với pháp nhân sẽ như thế nào? Thời hạn để xóa án tích cũ được tính ra sao? Có được áp dụng tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015 đối với cá nhân phạm tội hay không? Hiện nay, vấn đề này chưa được pháp luật quy định.

1.3.Về trình tự, thủ tục xóa án tích

Hiện nay, trình tự, thủ tục xóa án tích đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 446 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015). Bên cạnh những quy định chặt chẽ, cụ thể về mặt thẩm quyền, thời hạn thì còn có nội dung thiếu cụ thể, chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, cụ thể:

1.4. Về thủ tục xem xét

Tại Điều 446 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 89 của BLHS thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích”.

Ngoài đơn yêu cầu của pháp nhân thương mại mà pháp luật đã quy định, thì pháp nhân cần cung cấp thêm tài liệu gì chứng minh cho lý do của đơn yêu cầu xóa án tích hay không (như tài liệu thể hiện đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và việc tuân thủ pháp luật sau khi chấp hành xong toàn bộ quyết định của bản án)? Trách nhiệm chứng minh, làm rõ các điều kiện để được xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích theo Điều 89 BLHS năm 2015 thuộc về ai (của pháp nhân có đơn yêu cầu hay Tòa án có thẩm quyền)? Ngoài ra, trong trường hợp nghiên cứu, xem xét đơn và các tài liệu liên quan, xét thấy pháp nhân không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì Tòa án có bác đơn yêu cầu xóa án tích không? Trường hợp bị bác đơn xóa án tích lần đầu thì thời gian sau bao lâu, pháp nhân mới có quyền tiếp tục có đơn yêu cầu xóa án tích? Còn trường hợp pháp nhân đủ điều kiện được Tòa án cấp giấy chứng nhận đã được xóa án tích thì trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận, Tòa án phải gửi giấy chứng nhận đó cho pháp nhân có đơn yêu cầu và Tòa án phải gửi giấy chứng nhận đó cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký, cấp giấy phép hoạt động, giám sát, theo dõi kinh doanh đối với pháp nhân thương mại theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật thi hành án hình sự năm 2019? Đây là những vấn đề pháp luật chưa quy định cụ thể, gây khó khăn cho pháp nhân cũng như Tòa án có thẩm quyền khi xem xét các điều kiện để xóa án tích.

1.5. Về thời hạn xem xét cấp giấy chứng nhận đã được xóa án tích

 Thiết nghĩ, thời hạn “05 ngày” mà pháp luật tố tụng hình sự quy định cho Tòa án thực hiện các hoạt động, thủ tục để đi đến quyết định cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích là quá ngắn, chưa đáp ứng được quá trình thực hiện các hoạt động trên thực tế của Tòa án, pháp nhân và các cơ quan có liên quan. Bởi lẽ, quá trình thu thập văn bản, tài liệu xác nhận pháp nhân đã chấp hành xong toàn bộ quyết định của bản án sẽ không tránh khỏi trường hợp pháp nhân hoặc các cơ quan có liên quan chậm cung cấp, xác nhận. Còn có trường hợp pháp nhân có trụ sở cách xa Tòa án có thẩm quyền, việc liên hệ, chuyển phát giấy tờ, tài liệu cần nhiều thời gian. Điều đó ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả của việc xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho pháp nhân thương mại.

Mặt khác, nếu trong quá trình xem xét đơn và các tài liệu liên quan có những nội dung chưa rõ ràng, chưa đầy đủ thì Tòa án có được phép thực hiện thêm thủ tục yêu cầu họ bổ sung hồ sơ, tài liệu hoặc làm rõ nội dung tài liệu không? Nếu yêu cầu pháp nhân làm rõ nội dung, cung cấp tài liệu bổ sung thì thời hạn cho phép pháp nhân thực hiện là bao nhiêu ngày và thời hạn giải quyết yêu cầu xóa án tích của Tòa án đối với pháp nhân có được tính lại không? Bởi lẽ, nếu chưa đủ tài liệu chứng minh pháp nhân đủ điều kiện xóa án tích mà do thời hạn “05 ngày” đã hết, Tòa án căn cứ vào tài liệu, hồ sơ hiện có để không xem xét xóa án tích đối với pháp nhân sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, gây phiền hà, mất thời gian và tốn kém chi phí đi lại của đối tượng bị kết án.

1.6. Về mẫu giấy chứng nhận đã được xóa án tích

Tuy pháp luật quy định, nếu xét thấy pháp nhân có đủ điều kiện xóa án tích thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích, nhưng đến nay pháp luật hình sự chưa quy định mẫu “Giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích”.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Để pháp luật phù hợp với thực tiễn, đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa những đối tượng phạm tội, quy định của BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015 về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại cần sớm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng sau:

Thứ nhất, BLHS năm 2015 cần bổ sung 01 điều luật độc lập tại Chương XI về trường hợp được xem là không có án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội:

“Điều… Không bị coi là có án tích: Đối với pháp nhân thương mại bị kết án nhưng được miễn hình phạt thì không bị coi là có án tích. Pháp nhân thương mại bị kết án mà không bị coi là có án tích thì đương nhiên không thực hiện thủ tục về xóa án tích”.

Thứ hai, Điều 89 BLHS năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng:

 “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính (trừ trường hợp đình chỉ hoạt động vĩnh viễn), hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Thời hạn để xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án được căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.

Trường hợp pháp nhân thương mại bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn đã quy định (02 năm) thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm pháp nhân đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Pháp nhân thương mại bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành”.

Thứ ba, Điều 446 BLTTHS năm 2015 cần được hoàn thiện theo hướng:

Bổ sung thủ tục xem xét xóa án tích một số nội dung:

Ngoài đơn yêu cầu xóa án tích gửi đến Tòa án, pháp nhân thương mại cần có trách nhiệm gửi kèm theo “các văn bản, tài liệu thể hiện pháp nhân đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và việc tuân thủ pháp luật sau khi chấp hành xong toàn bộ quyết định của bản án đã tuyên”.

Trường hợp “pháp nhân thương mại chưa đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì Chánh án Tòa án quyết định bác đơn xin xóa án tích và phải thông báo rõ lý do cho pháp nhân biết”.

“Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích, Tòa án đã cấp giấy chứng nhận phải gửi giấy chứng nhận đã được xóa án tích này cho pháp nhân, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cấp quân khu, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã cấp giấy chứng nhận có trụ sở, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Pháp nhân bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích”.

Tương tự phần thủ tục, trình tự xem xét xóa án tích cũng cần “tăng thời gian xem xét cấp giấy chứng nhận đã được xóa án tích đối với pháp nhân thương mại”. Đồng thời, điều luật cần bổ sung nội dung: “Trường hợp văn bản, tài liệu đã cung cấp chưa rõ ràng thì Tòa án yêu cầu pháp nhân phải cung cấp bổ sung” và “thời hạn 05 ngày xem xét xóa án tích được tính lại kể từ ngày nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung”; sớm ban hành mẫu “Giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích”.

Theo Kiemsat.vn

Cảnh sát kiểm tra doanh nghiệp gây ô nhiễm- Ảnh: Ngọc Sơn

 

TRẦN THỊ THU THỦY