Việc sử dụng Án lệ trong đào tạo luật dưới góc nhìn so sánh
Trong bài viết này tác giả sẽ khái quát vấn đề sử dụng án lệ trong đào tạo nghề luật ở một số nước trên thế giới. Trên cơ sở này, tác giả đề xuất một số gợi mở để tăng cường việc sử dụng án lệ trong đào tạo luật ở nước ta hiện nay.
Sự hiểu biết về án lệ, sự thành thạo việc áp dụng, viện dẫn án lệ trong áp dụng pháp luật, nghiên cứu pháp luật đang là một đòi hỏi cấp bách trong việc mở rộng tư duy pháp lý trong đào tạo luật và nghề luật ở nước ta. Bởi lẽ hiện nay án lệ đã được chính thức thừa nhận là một nguồn luật ở nước ta.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay án lệ đã trở thành một nguồn luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Những cơ sở pháp lý cho việc sử dụng nguồn luật án lệ và áp dụng án lệ đã từng bước được hoàn thiện trong các văn bản pháp luật chuyên ngành và các hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC[1]. Điều này đặt ra một vấn đề cần cho đào tạo luật ở nước ta đối với việc cần thiết phải sử dụng án lệ là một công cụ học liệu bắt buộc trong đào tạo luật nói chung và đào tạo nghề luật.
Nếu chúng ta nhìn ra thế giới, trong đào tạo luật ở nước ngoài thì nguồn học liệu án lệ được sử dụng phổ biến. Đối với những nước có hệ thống pháp luật phát triển gồm cả những nước thông luật (the Common law) và những nước dân luật thành văn (the Civil law) thì án lệ có thể là nguồn học liệu được khái quát hóa trong các sách, giáo trình, bài viết luật học dưới dạng các học thuyết pháp lý hay những trích dẫn minh họa như là một nguồn luật cùng với luật thành văn. Khái niệm đào tạo luật trong yêu cầu tương tác giữa luật và thực tiễn (Law and reality) chính là việc đề cao vai trò của án lệ trong đào tạo luật.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định đường lối cải cách tư pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Tòa án thực hiện quyền tư pháp. TANDTC còn có nhiệm vụ giải thích để áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ, ban hành các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC[2]. Vì vậy, việc đặt vấn đề tăng cường sử dụng án lệ trong đào tạo luật là sự góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực đáp ứng ngày càng cao cho yêu cầu của đội ngũ luật gia, luật sư, Thẩm phán ở nước ta.
2. Khái quát về việc sử dụng án lệ trong đào tạo luật dưới góc nhìn so sánh
Nhà nghiên cứu về đào tạo luật Hanry Merryman đã viết “nghiên cứu về đào tạo nghề luật ở mỗi xã hội, như cung cấp một cửa sổ để nhìn vào hệ thống pháp luật của xã hội đó. Từ đào tạo luật chúng ta có thể thấy sự thể hiện cơ bản của những quan điểm, thái độ đối với pháp luật, pháp luật là gì, các luật gia làm gì? và hệ thống pháp luật đó hoạt động ra sao. Đào tạo luật gắn chặt vào văn hóa pháp lý nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đào tạo luật cho chúng ta tiên đoán về xã hội tương lai”[3]. Dựa trên lý thuyết luật học so sánh truyền thống, vai trò và chức năng của án lệ được so sánh gắn với các hệ thống pháp luật chủ yếu trên thế giới gồm hệ thống thông luật và dân luật thành văn. Tương tự như vậy, vai trò của án lệ trong đào tạo luật có thể được khái quát thông qua hoạt động đào tạo luật ở các nước đặc trưng truyền thống thông luật (Anh, Hoa Kỳ, Australia) và những nước có hệ thống pháp luật mang đặc trưng dân luật thành văn mà đại diện là (Cộng hòa Pháp và CHLB Đức).
- Án lệ trong đào tạo luật ở các nước thuộc hệ thống thông luật
Vương quốc Anh được coi là cái nôi của thông luật, là quốc gia đầu tiên sử dụng án lệ của Tòa án là nguồn luật chính thức[4]. Xét về lịch sử, sự in đậm dấu ấn việc sử dụng án lệ trong đào tạo luật ở nước Anh đã có từ thế kỷ 11 phát triển cho đến ngày nay. Từ khi chưa có các trường luật (Law School) thì ở nước Anh việc đào tạo nghề luật đã được thực hiện tại Tòa án thay vì các sinh viên luật được đào tạo tại các Khoa luật thuộc các Trường đại học tổng hợp như ở các nước dân luật thành văn ở Châu Âu lục địa. Học liệu cho đào tạo luật ở Anh liên quan mật thiết đến án lệ. Bởi vì trong hệ thống pháp luật nước Anh, án lệ là luật chủ đạo trong một thời gian dài. Đến cuối thế kỷ 18 thì ở nước Anh các văn bản quy phạm pháp luật mới từng bước được ban hành. Học tập các kiến thức về học thuyết án lệ là điều không thể thiếu đối với bất cứ sinh viên luật nào trong hệ thống đào tạo nghề luật ở Anh. Không giống với các sinh viên luật trong hệ thống Civil law, sinh viên luật ở Anh không học luật theo cách lý thuyết và trừu tượng. Thực tế hệ thống pháp luật ở Anh cho thấy, hầu hết mọi lĩnh vực pháp luật đều phát triển và dựa trên nền tảng án lệ (thông luật - common law). Có ý kiến đã cho rằng “thông luật gắn với tư duy và nó tiến hóa từ những quyết định của Tòa án trong các vụ việc cụ thể, nó được bổ sung và thay đổi liên tục khi điều kiện xã hội thay đổi”[5]. Vì vậy, sinh viên luật ở Anh phải học tập pháp luật thông qua nghiên cứu, phân tích các án lệ trong các lĩnh vực pháp luật khác nhau. Đây là một đặc trưng trong đào tạo luật ở Anh. Bài học đầu tiên của sinh viên luật ở Anh, Hoa Kỳ không phải là bài học kiến thức về định nghĩa pháp luật hay các kiến thức lý luận chung, trừu tượng về pháp luật như cách mà các trường luật trong các nước thuộc hệ thống Civil law thực hiện. Các sinh viên luật ở Anh, Hoa Kỳ nghiên cứu về án lệ gắn với các môn học thuộc các lĩnh vực pháp luật trong trường luật, nó được giới thiệu bởi các giáo viên luật. Từng án lệ cụ thể sẽ được sử dụng bởi giáo viên để giảng dạy cho sinh viên làm quen và thực hành việc lập luận pháp lý có sử dụng đến các án lệ trong giải quyết những câu hỏi pháp luật cụ thể[6].
Phương pháp sử dụng án lệ trong đào tạo luật đã chiếm vị trí chủ đạo trong cách nước thông luật như Hoa Kỳ, Australia... Điều này tạo ra văn hóa pháp lý thông hiểu án lệ của luật gia, Thẩm phán, luật sư trong các nước thông luật. Dưới góc độ phương pháp tiếp cận pháp luật, án lệ được sử dụng như là một phương tiện để giảng dạy phương pháp luật quy nạp (inductive legal method), đó là phương pháp phân tích pháp luật xuất phát từ những sự kiện vụ việc cụ thể, gắn với án lệ để giải quyết câu hỏi pháp luật cho các luật gia ở Anh, Hoa Kỳ. Các kỹ năng đọc và phân tích án lệ luôn được đặt ra trong mỗi môn luật cụ thể, nó trở thành nhiệm vụ thường ngày của sinh viên luật ở các nước thông luật. Do đó, các kỹ năng về đọc bản án, và xác định đâu là phần lý do bắt buộc cho quyết định của bản án (Ratio decidendi) hay phần lập luận không có giá trị bắt buộc của bản án (Obiter dictum) là yêu cầu bắt buộc với bất cứ sinh viên luật nào. Phương pháp sử dụng án lệ trong sự lập luận pháp lý theo nguyên tắc tương tự đòi hỏi sinh viên luật các nước thông luật phải thực sự thông thạo với án lệ.
Vẫn dựa trên nguồn luật án lệ, Trường Luật Harvard (Harvard Law School) đã sáng tạo ra Phương pháp vụ việc (Case method) được sử dụng lần đầu trong đào tạo luật ở trong đầu những năm 1990, và sau đó nó đã trở thành phương pháp phổ biến trong đào tạo luật ở khắp nước Mỹ. Christopher Columbus Langdell là Hiệu trưởng Trường Luật Harvard[7], người đã được biết đến với sự sáng tạo và áp dụng phương pháp Case method như một phương pháp chủ đạo trong đào tạo luật ở Hoa Kỳ. Langdell cho rằng “pháp luật là một khoa học và những tài liệu của khoa học này nằm ở trong các cuốn sách hệ thống hóa các quan điểm của Thẩm phán trong các bản án của Tòa án”[8]. Ngày nay trong đào tạo luật ở Hoa Kỳ, phương pháp Case method đã được thay đổi để phù hợp với những khóa học khác nhau của trường luật khác nhau[9]. Cần lưu ý rằng, đào tạo luật ở Hoa Kỳ không chỉ áp dụng phương pháp Case method đơn thuần mà giáo viên luật có thể sử dụng phương pháp diễn giảng với phương pháp Case method, đặc biệt phổ biến trong các khóa học đào tạo mang tính lý luận hàn lâm của các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ luật[10].
Tuy nhiên, cho dù việc sử dụng phương pháp Case method thế nào đi chăng nữa thì án lệ luôn được sử dụng như một công cụ chủ yếu của phương pháp này. Phương pháp Case method đòi hỏi 3 yếu tố cơ bản: (1) Các tập sách hệ thống hóa các án lệ (Casebooks) (các bản án của Tòa án được tập hợp thành trong sách luật, tài liệu học tập) trong các lĩnh vực cụ thể; (2) Sự tranh luận đối thoại trong giảng dạy (the Socratic dialogue); (3) Các bài tập tình huống (the hypothetical-case examination) trong các đề thi kiểm tra đánh giá sinh viên.
Tóm lại, đối với các nước theo hệ thống thông luật thì học liệu trong đào tạo luật luôn có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với án lệ. Điều này tạo ra những yếu tố đặc trưng trong văn hóa pháp lý của luật gia, thẩm phán, luật sư ở các nước thông luật.
- Án lệ trong đào tạo luật ở các nước thuộc hệ thống dân luật thành văn (the civil law system)
Đào tạo luật ở những nước Cộng hòa Pháp, CHLB Đức và các nước ảnh hưởng chủ yếu bởi hệ thống dân luật thành văn theo truyền thống không gắn với án lệ. Đây là một đặc trưng mang tính lịch sử để phân biệt vị trí của án lệ trong hệ thống dân luật thành văn với hệ thống thông luật. Bởi đặc trưng của hệ thống pháp luật Pháp, Đức giống như nhiều nước Châu Âu bị ảnh hưởng bởi truyền thống dân luật trên nền tảng của Luật La Mã. Vai trò của luật thành văn, các nguyên tắc trong các bộ luật được pháp điển hóa chiếm vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật. Theo cách nhìn truyền thống, Như Eva Steiner bình luận “đào tạo luật ở Pháp chủ yếu hướng đến mục đích cung cấp các kiến thức về những nguyên tắc pháp luật cùng với khả năng vận dụng các khái niệm trừu tượng và sự xây dựng các lập luận logic”[11]. Phương pháp diễn dịch (suy luận đi từ cái chung đến cái riêng) có nền tảng rất sâu sắc trong hệ thống pháp luật nước Pháp. Không giống với việc đào tạo luật ở Anh, Hoa Kỳ, phương pháp vụ việc trong đó có sử dụng án lệ trong giảng dạy luật không được coi là một phương pháp chủ đạo ở nước Cộng hòa Pháp.
Tuy nhiên, trong vài thập kỷ cuối của thế kỷ XX, sự giao thoa của những yếu tố văn hóa pháp lý giữa hệ thống thông luật và dân luật thành văn đã thay đổi tư duy trong lĩnh vực đào tạo luật ở Pháp và Đức. Vào năm 1980, một học giả người Pháp là Atias đã bình luận “nếu sinh viên luật ở Pháp mà không nắm bắt được các quyết định gần nhất của Tòa án cấp phúc thẩm thì họ là những người có thể coi là vô trách nhiệm”[12]. Vai trò của án lệ đang khẳng định vị trí quan trọng của nó trong đào tạo luật ở Pháp. Trong vài thập kỷ gần đây, các quyết định của các Tòa án Pháp và lời bình luận về chúng như là những án lệ trong mỗi lĩnh vực pháp luật. Các án lệ này đã được sử dụng như những tài liệu cần thiết cho đào tạo luật ở Pháp. Xu hướng này đã từng bước xóa đi hạn chế về sự học vẹt “rote learning” của nhiều sinh viên luật ở Pháp[13]. Ngày nay, do vai trò và tầm quan trọng của án lệ đã lan tỏa trên nhiều lĩnh vực pháp luật ở nước Pháp và nước Đức. Những chú thích về quyết định của Tòa án, án lệ trong các lĩnh vực pháp luật vẫn thường xuyên được sử dụng bởi các Thẩm phán và luật sư Pháp. Vì vậy, việc yêu cầu các sinh viên luật ở Pháp, Đức đọc các tài liệu bản án và sự tóm tắt, bình luận nó là cách có hiệu quả để tạo ra sự cân bằng giữa các kiến thức lý thuyết và thực tiễn. Đọc và phân tích các bản án là một yêu cầu đối với các sinh viên luật trong các trường luật ở Pháp, Đức. Tuy nhiên yêu cầu này không bắt buộc đối với các sinh viên luật năm thứ nhất, bởi vì họ được coi là chưa có đủ hiểu biết để thực hiện việc phân tích các bản án, quyết định của Tòa án (án lệ). Các án lệ được các sinh viên luật ở Pháp quan tâm là các án lệ của các Tòa phá án, Tòa án hành chính tối cao (Hội đồng Nhà nước). Như Eva nhận xét “trong các trường luật của Pháp, các sinh viên luật bắt đầu kiến thức thực hành của họ trong nghề luật bằng việc phân tích các quyết định của Tòa phá án”[14].
Việc sử dụng án lệ trong đào tạo luật được đặc biệt chú trọng ở CHLB Đức, bởi lẽ mặc dù nước Đức mang đặc trưng của hệ thống pháp luật dân luật thành văn, nhưng hệ thống tư pháp của nước Đức có nhiều nét đặc trưng để tạo ra vị thế rất quan trọng của án lệ. Ví dụ, án lệ của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức có giá trị bắt buộc như luật. Pháp luật về lao động ở nước Đức hình thành nhiều trên nền tảng án lệ. Bộ luật Dân sự nước Đức năm 1900 cho đến nay đã được bổ sung và phát triển bởi sự tổng kết các án lệ của Tòa án Tư pháp Liên bang Đức[15]. Nhìn chung việc giảng luật ở Đức đã từ bỏ hoàn toàn phương pháp diễn giảng. Đặc biệt với giai đoạn đào tạo các kiến thức luật chuyên ngành trong các trường luật ở Đức, thành viên của hội đồng chấm thi là các Giáo sư và các Thẩm phán, vì vậy các sinh viên luật có thể phải giải quyết những tình huống pháp luật thực tiễn như các vụ án thật trong thực tế. Cũng chính từ những yêu cầu này mà hầu hết các môn học luật ở Đức những tài liệu cần thiết cho việc học tập gồm có các vụ án, án lệ phù hợp[16].
Đối với hệ thống pháp luật các nước tiên tiến ở châu Âu nói chung, do sự ảnh hưởng tương đồng của cách tiếp cận pháp luật theo thực tiễn gắn với án lệ của Tòa án Công lý Châu Âu (European Court of Justice), án lệ của Tổ chức thương mại thế giới (WT0)… nên xu hướng sử dụng án lệ trong đào tạo luật đang mang lại một sự hiệu quả rất cao trong phản ánh mối quan hệ giữa luật và thực tiễn (Law and Reality) trong phương pháp đào tạo luật. Đây là một xu hướng chung mà mọi hệ thống pháp luật tiên tiến trên thế giới đều đang noi theo.
3. Một số gợi mở cho việc tăng cường sử dụng án lệ trong đào tạo luật ở nước ta
Hiện nay án lệ đã từng bước được khẳng định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Theo thống kê của từ Trang tin điện tử về Án lệ của TANDTC, tính đến nay (05/2024) Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã công bố tổng số 70 án lệ gồm 17 án lệ về hình sự; 04 án lệ hành chính; 33 án lệ về dân sự; 05 án lệ về hôn nhân và gia đình; 09 án lệ về kinh doanh thương mại; 02 án lệ về lao động[17]. Trên cơ sở các án lệ đã được công bố, đến nay TANDTC đã tổ chức nghiên cứu, mời một số Thẩm phán (trong đó có Lãnh đạo TANDTC, Thẩm phán TANDTC), chuyên gia giàu kinh nghiệm để viết bình luận về các án lệ này, xây dựng nội dung và xuất bản 04 cuốn “Án lệ và Bình luận”. Việc phát hành các cuốn “Án lệ và Bình luận” của TANDTC đã tạo thuận lợi cho các Thẩm phán, người giữ chức danh tư pháp khác nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và viện dẫn án lệ trong quá trình thực hiện nhiệm của mình; giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm tới hoạt động của Tòa án có thể dễ dàng tiếp cận với các án lệ đã được ban hành; tạo nguồn tham khảo cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học liên quan đến án lệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để tăng cường hơn nữa việc sử dụng án lệ trong đào tạo luật ở nước ta, tôi xin nêu một số gợi ý sau đây.
Thứ nhất, đối với các Trường Đại học Luật trong cả nước và Học viện Tư pháp cần chú trọng đến việc giới thiệu những kiến thức lý thuyết căn bản về án lệ. Đồng thời, cần có sự thay đổi đột phá trong tư duy viết các giáo trình đào tạo luật gắn với các bản án, án lệ trong nước và pháp luật quốc tế. Điều này sẽ từng bước thẩm thấu tư duy nhìn nhận pháp luật gắn với án lệ của người học luật. Đây chính là mấu chốt cho sự thay đổi thái độ theo hướng tích cực khi tiếp cận với án lệ của giới luật gia, luật sư, Thẩm phán khi được đào tạo gắn với án lệ.
Thứ hai, về phương pháp giảng dạy của các cơ sở đào tạo luật ở nước ta hiện nay mặc dù đã có nhiều cải tiến đổi mới trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, sự thay đổi đồng bộ tư duy sử dụng án lệ trong đào tạo luật xét trên bình diện rộng cần có bước đột phá. Cần hướng đến mục tiêu đặt ra sự hài hòa về lý thuyết và thực tiễn trong đào tạo luật gắn với các bản án, quyết định của Tòa án, án lệ của Tòa án trong nhiều ngành luật trong hệ thống đào tạo luật ở nước ta.
Thứ ba, tăng cường đưa án lệ vào hoạt động đào tạo nghề luật như đào tạo Thẩm phán, luật sư là sự thay đổi khách quan để tạo ra sự thành thạo lý thuyết về án lệ, sự viện dẫn án lệ trong tranh tụng, viết bản án trong hoạt động tố tụng. Đây là điều kiện tiên quyết để đưa án lệ đi vào đời sống pháp luật thông qua sự xây dựng văn hóa pháp lý coi trọng án lệ trong hệ thống pháp luật.
Thứ tư, để có nhiều hơn nữa nguồn luật án lệ cho đào tạo luật ở nước ta thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần đẩy mạnh việc công bố, phổ biến án lệ. Trong khi chưa có nhiều án lệ thì nguồn các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán là một dư địa để các nhà nghiên cứu pháp lý, các cơ sở đào tạo luật và nghề luật khai thác để giảng dạy. Chúng ta có thể lạc quan tin rằng trong những năm tới, việc sử dụng ngày càng nhiều án lệ sẽ thổi một luồng gió mới cho môi trường đào tạo luật ở Việt Nam.
[1] Nghị quyết số 03/2015/ NQ-HĐTP về quy trình lực chọn, công bố và áp dụng án lệ, nay được thay thế bởi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, trong đó có quy định án lệ là một nguồn luật được áp dụng trong xét xử. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định những trường hợp áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cũng đã quy định các nguyên tắc áp dụng, viện dẫn án lệ trong xét xử. Đề cao vai trò của áp dụng án lệ, Đặc biệt, ngày 11/7/2017, TANDTC đã ban hành Công văn số 146/TANDTC-PC về viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử.
[2] Nguyễn Hoà Bình, Một số nội dung cải cách tư pháp trong thời gian tới, Tạp chí Cộng sản, 03/2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-noi-dung-cai-cach-tu-phap-trong-thoi-gian-toi.
[3] John Henry Merryman, Legal Education Here and There: A Comparision, 27 Stan.L.Rev.859,(1975). Quoted in Andrew Boon and Julian Webb, Legal Education and Training in England and Wales: Back to the Future? In Association of American Law Schools, Journal of Legal Education, Volume 58, March 2008, p.79.
[4] Nguyễn Văn Nam, Án Lệ Và Hệ Thống Tòa Án Của Nước Anh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 2/2003.
[5] Frank B.Cross, Identifying The Virtues of The Common Law, Supreme Court Economic Review 2007, (15 Sup. Ct. Econ. Rev.21).
[6] Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, năm 2012, tr.124-126.
[7] Langdell served as the Dean of Harvard Law School from 1870 to 1895: see: Bruce A. Kimball and Brian S. Shull, The Ironical Exclusion of Women from Harvard Law School, 1870-1900, in ‘Association of American Law Schools, Journal of Legal Eduction, Volume 58, March 2008.
[8] Christopher Columbus Langdell, “Record of the Commemoration, November Fifth to Eight, 1886, On the Two Hundred and Fiftieth Anniversary of the Founding of Harvard College” (1887), p.98, quoted in Twining, Karl Lewellyn and the Realist Movement, p.p.11-12.
[9] Michael A. Berch, Rebecaa White Berch, Ralph S. Spritzer, Introduction To Legal Method and Process Cases and Materials, Second Edition, West Publishing Co, 1992, p.26.
[10] Bản chất đào tạo luật ở Mỹ là đào tạo sau đại học, vì để được công nhận là sinh viên luật ở Mỹ, thì mỗi người phải có trình độ đại học trở lên của bất kỳ nghành học nào. Việc đào tạo trong trường luật có thể kéo dài tới 3 năm. Khi tốt nghiệp các sịnh viên luật có học vị Doctor of law. Nếu họ tiếp tuc học nâng cao thì họ sẽ có học vị JD tương đương với học vị thạc sĩ của các hệ thống đào tạo luật khác.
[11] Eva Steiner, French Legal Method, Oxford University Press, 2002, tr.105.
[12] Eva Steiner, French Legal Method, Oxford University Press, 2002, tr.200.
[13] The Culture of Legal Education in France From A Comparative Viewpoint: Perspectives for A Legal Education in The EU: See: http://www.ukcle.ac.uk/resources/internationalisation/sefton-green/.
[14] Eva Steiner, French Legal Method, Oxford University Press, 2002, tr.222.
[15] Xem thêm: Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, năm 2012, tr.262-315.
[16] Nguyễn Văn Nam, Đào Tạo Nghề Luật ở CHLB Đức, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 8(57), tháng 8/2005.
[17] TANDTC - Trang tin điện tử về án lệ, Tổng số án lệ đã công bố (70), https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/anle, truy cập ngày 13/5/2024.
Sinh viên Đại học Luật TPHCM - Ảnh: ULAW
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận